Đức Đạt-lai Lat-ma thứ XIII

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII ra đời vào giữa năm 1876 tại Thakpo Langdun thuộc miền Đông Nam Tây Tạng. Cha của ngài là Kungah Rinchin và mẹ là Lobsang Dolma; cả hai đều xuất thân từ gia đình nông dân nhưng đều được mọi người biết đến do lòng từ bi, trí tuệ và niềm tin Tam bảo sâu sắc của họ. Theo sử liệu Tây Tạng, do Mullin tra cứu, thì có nhiều điềm lạ xảy ra trước và trong thời gian ngài chào đời.

Những dấu hiệu này đã được đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XII cung cấp cho Ủy ban Tìm kiếm và vị Tân viên quan Nhiếp chính biết thông tin về sự tái sinh của ngài trước khi viên tịch. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XII tịch trong tư thế ngồi và mặt quay về hướng Nam. Tuy nhiên, sau đó không lâu thì đầu của ngài lại xoay một tí về hướng Đông Nam. Kế đó, những lời tiên tri của Thần Nechung đã mô tả phong cảnh nơi ngài sẽ tái sanh và nêu cả tên cha mẹ. Vị nguyên Viện trưởng Học viện Mật tông Gyudto - bằng khả năng thấu thị của mình xuyên qua lớp băng đóng trên mặt hồ thiêng nữ thần Lhamoi Latso - đã nhận được những dấu hiệu đặc biệt: đó là cậu bé tái sanh, cha mẹ của cậu bé và ngôi nhà của họ với những vùng phụ cận và phong cảnh đặc biệt. Nhờ sự hướng dẫn của những dấu hiệu này nên cậu bé đã được tìm thấy qua sự nhận dạng là cậu đã mang đầy đủ những dấu hiệu đặc biệt của một Đạt-lai Lạt-ma; lúc ấy cậu bé chỉ vừa được 10 tháng tuổi. Một năm sau, cậu ta cùng với hai ứng cử viên khác phải trải qua những sự kiểm chứng để xác thực ai chính là tái sinh của Đạt-lai Lạt-ma và cậu ta đã được phát hiện và được công nhận chính là hậu thân của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XII. Vào năm 1878, cậu bé tái sanh được cung đón về Lhasa. Đức Panchen Lama thứ V - Tenpe Wangchuk - đã chủ trì buổi lễ xuất gia và Sơ đăng quang cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII. Ngài được đặt Pháp danh là Thubten Gyatso. Vị Thầy chính là Purchokpa Jampa Gyatso, mặc dù quan nhiếp chính - Tatsak Rinpoche - chỉ xem vị Thầy này như một vị Gia sư của ngài. Một lý do khác để chờ đợi trong một năm đó chính là sự thừa nhận của Hoàng đế Trung Quốc về vị Đạt-lai Lạt-ma tái sinh do chính quyền Lhasa chọn lọc. Sự kiểm chọn này khá rõ ràng nên phương pháp thử nghiệm bằng bình vàng đựng tro cốt không được sử dụng đến; và chính quyền Bắc Kinh không thể không thừa nhận ngài. Vì vậy, một năm sau đó (1879) đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII đã nhậm chức và chính thức đăng quang ở cung điện Potala. Sau khi đăng quang, ngài được giáo dục với một chương trình rất nghiêm khắc. Bên cạnh những vị thầy chính là Purchokpa, Panchen Lama và viên quan Nhiếp chính, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII còn được gần cả trăm vị thầy khả kính khác dạy dỗ.

Đời sống tâm linh được xem là việc tối quan trọng: Thubten Gyatso thường thức dậy lúc bốn giờ sáng để thực hiện thời kinh dài buổi sáng và thiền định trước khi bắt đầu buổi học. Ngài nhập thất dài hạn định kỳ. Khi còn là một cậu bé, ngài là một học sinh thông minh, nhạy bén và rất thích những môn học về tôn giáo. Trước năm 12 tuổi, ngài có thể tham gia một cách hết sức thành công trong các buổi tranh luận với các Tăng sĩ và các vị học giả nổi tiếng xuất thân từ ba trường đại học Phật giáo chính của Tây Tạng. Như lời của ngài Purchokpa sau này đã bình luận, “không ai có chút nghi ngờ nào về việc ngài thật sự chính là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm,…”. Năm 1898, mới vào độ tuổi 23, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi Geshe (tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học); đưa con đường học vấn lên đến tột đỉnh bằng cách tranh luận với các học giả nổi tiếng nhất trong suốt thời gian sáu tuần trước sự tham dự của hơn hai mươi ngàn Tăng sĩ thính chúng.

Mặc dù vô cùng bận rộn với nội chính nhưng đức Đạt-lai Lạt-ma XIII vẫn nỗ lực duy trì sự hành trì về tâm linh của mình. Ngài thiền định bốn lần mỗi ngày và thường thực hiện những kỳ nhập thất ngắn hạn. Năm 1902, ngài dự định sẽ nhập thất ba năm, nhưng chỉ mới được 14 tháng, ngài phải ra thất; vì sau đó một năm, quân đội Anh xâm chiếm Tây Tạng. Tuy nhiên, sau đó ngài đã hoàn tất viên mãn sự nhập thất này từ năm 1916 đến 1920; trong thời gian này, ngài đã chứng nghiệm trọn vẹn những tinh hoa của Kim-cang thừa; kế thừa và phát huy được những di sản của các tiền thân Đạt-lai Lạt-ma.

Các tác phẩm của ngài không những chỉ phản ảnh sự cống hiến của ngài trong sự hành trì cuộc sống tâm linh mà còn phản ánh nhiều hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo và lĩnh vực thế gian. Những tác phẩm này bao gồm cả vài trăm đề tài được sắp xếp thành bảy tập. Mặc dù ngài không soạn thảo sách giáo khoa nhưng ngài đã viết về tiểu sử, nhiều giáo trình thuyết giảng, các nghi thức tế lễ, các sách về Mật tông, những bức thư khuyên dạy cho từng cá nhân hoặc cho tập thể chùa chiền; những bức thư mang tính riêng tư hoặc cho cơ quan chính quyền; những cuốn sách hướng dẫn trong chốn Thiền môn…; cả về thể loại văn xuôi lẫn thơ ca. Những cống hiến trong sự học vấn uyên thâm của ngài tươương đương với các đức Đạt-lai Lạt-ma thứ I, III, V, VII cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài sự nghiệp sáng tác của ngài cũng như những Đạt-lai Lạt-ma khác, thêm vào đó - đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII còn có vô số những trách nhiệm về tôn giáo mà ngài phải thực hiện. Suốt cuộc đời mình, ngài thường được thỉnh cầu đi xác thực, kiểm nghiệm hoặc thậm chí xác định vị trí tái sinh của các vị Lama quan trọng trong cả nước. Ngài đã thực hiện cả hàng nghìn buổi lễ tấn phong và lễ quán đảnh. Năm 1888, ngài đã chủ trì lễ xuất gia cho đức Panchen Lama thứ VI - Chokyi Nyima - và truyền giới cho vị này vào năm 1902. Theo đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV thì “đức Đạt-lai thứ XIII đã cống hiến rất nhiều cho việc phát động những tiêu chuẩn học bổng trong các Tự viện”.

Vị quan nhiếp chính Demo Trinley Rabgyas ở chùa Tengyeling đã miễn cưỡng việc trao quyền hành nên đã gây trở ngại cho việc đăng quang của đức Đạt-lai Lạt-ma phải chậm mất 2 năm. Sau buổi lễ trao quyền hành hợp pháp cho đức Đạt-lai Lạt-ma vào năm 1895, lúc bấy giờ vị quan nhiếp chính này đã trở thành cựu quan nhiếp chính và các anh em của ông ta bị phát hiện là đã có âm mưu muốn hại chết đức Đạt-lai Lạt-ma bằng ma thuật. Thông qua sự cảnh báo và tiết lộ của vị thần tiên tri Nechung thì các bùa phép yêu thuật được phát hiện trong đôi giày ủng dành riêng làm quà cho đức Đạt-lai Lạt-ma. Tuy nhiên, đức Đạt-lai Lạt-ma đã ngăn cấm việc thi hành án tử hình nên thủ phạm chỉ bị lãnh án tù chung thân.

Đã có sự lưu ý từ trước rằng: theo sự đề nghị của Trung Quốc, Tây Tạng đã thông qua chính sách chủ nghĩa biệt lập. Trung Quốc cho rằng cần phải tuyên truyền nỗi sợ hãi trong dân chúng Tây Tạng rằng: Anh - các nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo - sẽ nỗ lực tiêu diệt tôn giáo của họ. Cũng có nỗi sợ rằng họ sẽ bị thuộc địa hóa khi Tây Tạng nhìn thấy quân đội Anh đã chắc chắn xâm chiếm vùng biên giới Hymalaya với sự sáp nhập một số lĩnh vực trong phạm vi văn hóa của Tây Tạng. Đó là thời kỳ của những “con thú săn lớn” - một cuộc chiến giữa Nga và Hoàng gia Anh trong việc dành quyền kiểm soát trung tâm châu Á.

Anh quốc rất có hứng thú trong việc phát triển mậu dịch đến xứ Tây Tạng và cũng muốn sử dụng Tây Tạng trong chiến lược ngăn chặn sự bành trướng về hướng Nam. Anh đã đàm phán để ký kết những bản hiệp ước với Trung Quốc vào những năm 1876, 1890 và 1893. Họ đã thừa nhận sự kiểm soát toàn bộ Tây Tạng của Trung Quốc như một phương tiện để cản trở Nga. Trung Quốc thì công nhận sự thôn tính Burma của Anh và đã cho phép Anh tiến vào Tây Tạng. Nhân dân Tây Tạng đã nhiều lần từ chối việc đàm phán với Anh. Năm 1887, Tây Tạng đã thiết lập một lực lượng vũ trang trong vùng biên giới Sikkim, nơi mà Anh bị buộc phải rút quân. Cuối cùng, Anh chợt nhận ra sự thật rằng việc Trung Quốc kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Tây Tạng chỉ là điều bịa đặt.

Nga đã mở rộng quyền kiểm soát của mình, bao trùm hầu hết vùng Nam Á và đang ra sức tấn công về hướng Hy-mã-lạp-sơn. Tây Tạng có một vài mối liên kết tự nhiên với Nga thông qua các bộ tộc Mông Cổ Kalmuks và Buriat, những người trung thành với Phật giáo và lúc bấy giờ họ đã là một phần trong lãnh thổ Nga. Một Tăng sĩ thuộc Bộ tộc Buriat tên Dorjieff đã trở thành vị Thầy đáng tin cậy của đức Đạt-lai Lạt-ma; ông đã thực hiện những chuyến công du sang Nga vào những năm 1898 và 1901 và trao đổi những món quà và những lời mời giữa Czar và Đạt-lai Lạt-ma. Điều này là một tiếng chuông báo động cho quân Anh ở Ấn Độ, nhất là đối với tổng trấn mới - Lord Curzon - một người rất thành thạo về những vấn đề chính sự của Nga.

Ông Curzon thừa nhận rằng chỉ có những cuộc đàm phán trực tiếp với Tây Tạng mới có thể bảo vệ được mối quan hệ với Tây Tạng, và đã ra lệnh cho một phái đoàn thương mại sang Tây Tạng. Một lực lượng viễn chinh dưới sự chỉ huy của Colonel Younghusband đã gặp phải sự kháng cự của Tây Tạng, vài trận đánh đã xảy ra trên đường đến Lhasa. Với sự trang bị vũ khí hết sức thô sơ, Tây Tạng đã bại trận. Vào năm 1904, khi quân đội Anh tiến gần đến Lhasa, đức Đạt-lai Lạt-ma phải lánh sang Mông Cổ, chỉ để lại vị quan nhiếp chính là Ganden Tri Rinpoche. Một bản hiệp ước buộc Tây Tạng phải thừa nhận Anh quốc như một nước bảo hộ toàn bộ vùng Sikkim, và phải chấp nhận cho họ thiết lập ba trung tâm thươương mại trong lãnh thổ Tây Tạng để ngăn ngừa sự ảnh hưởng của những nước khác đối với Tây Tạng. Khi trở về Ấn Độ, quân đội Anh đã để lại một vị đại diện ở Gyantse. Vị này đã nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với Panchen Lama. Một tháng sau, Panchen Lama du hành sang Ấn Độ; tại đây ngài đã gặp hoàng tử xứ Wales và Minto. Điều này đã tạo nên mối bất hòa lớn giữa Panchen Lama và chính quyền Lhasa.

Trên đường đến Mông Cổ, đức Đạt-lai Lạt-ma đã dừng lại ban phước và giảng pháp cho hàng trăm bộ lạc của dân du mục. Tại Urga (ngày nay là Ulan Bator) ngài là khách của Lama Jetsun Dampa - vị lãnh đạo của Phật giáo Mông Cổ. Khách hành hương từ các nơi và các nhà ngoại giao Nga đã đến viếng thăm và đón nhận sự ban phước của ngài. Vài học giả đã tường thuật rằng tổng giám mục của Mông Cổ đã khởi lòng ganh tỵ với đức Đạt-lai Lạt-ma, không bằng lòng với những món quà tặng và sự ưu ái mà mọi người dành cho ngài, mặc dù ngài đã từng là Thầy của Jetsun Dampa.

Vào năm 1906, đức Đạt-lai Lạt-ma đến miền đông Tây Tạng thuyết giảng, ban phước và thăm viếng nhiều chùa chiền. Tại Kumbum, ngài nhận được thư mời sang thăm viếng Bắc Kinh và đồng thời cũng có lời yêu cầu ngài trở về Lhasa. Anh và Nga đã có cuộc đàm phán với nhau nên đã gởi đến ngài lời khuyên là nên từ chối lời đề nghị của Trung Quốc. Cuối cùng, cuộc thương lượng giữa Anh và Nga năm 1907 thừa nhận Tây Tạng thiết lập như một nước trung lập giữa Anh-Ấn và Nga dưới danh nghĩa quyền bá chủ của Trung Quốc. Trước những tình trạng không rõ ràng này, đức Đạt-lai Lạt-ma truyền lệnh đến Lhasa kèm theo cuộc hẹn với thủ tướng chính phủ là ngài chấp nhận lời mời của hoàng đế Trung Quốc với điều kiện phải xác định rõ ràng là trước hết phải quan tâm đến trách nhiệm tâm linh của ngài; vì thế, ngài đã thực hiện chuyến hành hương chiêm bái ngọn núi thiêng Ngũ Đài Sơn ở Trung Quốc.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII viếng thăm Bắc Kinh vào năm 1908 và được đón tiếp một cách vô cùng trang trọng. Ngài được xếp đặt ở tại Cung điện Vàng đã được xây dành cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Vị thế hiện giờ của ngài so với đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V tuy kém hơn nhiều; nhưng ngài vẫn từ chối tiếp kiến hoàng đế vì ngài không muốn thực hiện lời yêu cầu kowtow (phải cúi mình trong tư cách của một nước chư hầu). Với yêu cầu được đối xử bình đẳng, ngài đã phải đợi sự sắp xếp một cuộc gặp gỡ với hoàng đế và nữ hoàng (người có quyền lực thật sự lúc bấy giờ). Ngài đã có cuộc gặp với nhiều đại biểu nước ngoài và đàm phán với Trung Quốc về sự lạm dụng của họ trong vấn đề đòi quyền lực ở tỉnh Kham. Lúc nữ hoàng băng hà, đức Đạt-lai Lạt-ma được thỉnh cầu chủ trì tang lễ. Sau đó, ngài tham dự lễ đăng quang của tân Hoàng đế và cũng là vị Hoàng đế Mãn Châu cuối cùng của Trung Quốc. Trung Quốc muốn xem đức Đạt-lai Lạt-ma là thuộc cấp của vị tân Hoàng đế Trung Quốc này. Tuy nhiên, đức Đạt-lai Lạt-ma giữ vững quan điểm rằng ngài đi Trung Quốc là để thảo luận về những nhiệm vụ của hoàng đế như một nhà bảo trợ trong mối quan hệ “người bảo hộ và Tăng sĩ” mà trước kia đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V đã thiết lập.

Thời gian về đến thủ đô Lhasa trễ hơn như dự định, vì dọc đường ngài được thỉnh cầu thăm viếng, thuyết giảng và gia bị cho các chùa chiền. Ngài cũng dừng lại một thời gian ở Kumbum để khôi phục lại các thiền môn qui củ bất chấp sự chống đối của một số tự viện. Một năm trước khi ngài về đến Lhasa, Trung Quốc quyết định kìm hãm sự ảnh hưởng của Anh đối với Tây Tạng nên đã mở một cuộc tấn công xâm chiếm miền đông Tây Tạng. Lối đối xử phạm thượng của lính Trung Quốc đã khiến cho dân Tây Tạng phẫn nộ dữ dội. Vào năm 1910, vừa đúng hai tháng sau khi đức Đạt-lai Lạt-ma về đến Lhasa, ngài và các thuộc hạ đã bị buộc phải lánh sang Trung Quốc. Nếu không, trong cuộc giao tranh, đức Đạt-lai Lạt-ma có thể bị Trung Quốc bắt và họ đã treo giá cho thủ cấp của ngài.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tỵ nạn đến Ấn Độ, nơi mà Charles Bell được bổ nhiệm làm liên lạc viên giữa Anh quốc và ngài. Ngài yêu cầu sự can thiệp của Anh, tuy nhiên, chính quyền London quyết định vẫn giữ vị trí trung lập. Ngài yêu cầu giúp đỡ từ phía Czar và Nepal thì chỉ nhận được những câu trả lời không dứt khoát. Khi nghe tin Trung Quốc tuyên bố đức Đạt-lai Lạt-ma bị cách chức; ngài quyết định không bao giờ trực tiếp đàm phán với Trung Quốc. Ngay sau đó, phía Trung Quốc nhận ra rằng sẽ là một sai lầm nếu cách chức đức Đạt-lai Lạt-ma; bởi vì, công chúng sẽ liên tục quấy rối bằng mọi cách. Thế nên Trung Quốc đã yêu cầu đức Đạt-lai Lạt-ma trở lại Trung Quốc và nắm giữ chức vụ dưới sự quản lý của Mãn Châu nhưng ngài đã khước từ. Phong trào kháng chiến của Tây Tạng đã được tổ chức và bắt đầu có ảnh hưởng đối với Trung Quốc - trong khi ấy, Trung Quốc đang bối rối vì hậu quả của những sự bất đồng trong nội bộ. Khi cuộc cách mạng ở Trung Quốc bùng nổ, Tây Tạng đã tăng cường sự nỗ lực của họ bằng cách tuyên bố chiến tranh công khai vào năm 1912. Đức Đạt-lai Lạt-ma và các thuộc cấp của ngài đã bố trí cho tất cả những nỗ lực này từ Ấn độ. Trong khi đó, ngài vẫn tiếp tục duy trì những sự thực hành về tâm linh và những bổn phận đối với tôn giáo, tiếp đón các vị khách đến thỉnh cầu sự gia bị của ngài và thực hiện những kỳ nhập thất ở những vùng Thánh địa chính của Ấn Độ.

Chú Thích:
1. Theo Shakapa, Tibet: A Political History, p.192; Bell, Portrait of the Dalai Lama, p.40-42;  Norbu & Turnbull, Tibet, p.312.

Biển Xanh (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.50, 2007]