Những tác dụng tương phản của hạt giống Tâm thức

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Hạt giống ganh tỵ vốn có ở trong tâm thức của mỗi chúng ta, nó là thuộc tính của chấp ngã.

 

Nên, ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với người, thì nhân cách của ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với gia đình người, thì nhân cách của gia đình ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với tổ chức của người, thì cương kỷ tổ chức của ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với quốc gia của người, thì đạo đức và văn hóa của quốc gia ta bị phá sản, và ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với tôn giáo của người, thì niềm tin và đạo đức tôn giáo của ta bị phá sản.

Ta cần phải chiêm nghiệm điều nầy qua bản thân, gia đình và xã hội cũng như lịch sử chính trị và tôn giáo ngay ở trong quốc gia của mình và các quốc gia trên thế giới, để ta có thể rút ra những phương pháp thực tập, tránh được những hiểm họa và đem lại những lợi ích thiết thực cho ta và cho tất cả mọi người trong mọi xu hướng của cuộc sống.

Vì vậy, ta phải hết sức cẩn thận, không tạo điều kiện để cho những hạt giống ganh tỵ biểu hiện lên mặt ý thức của ta và cũng không tạo điều kiện cho chúng có mặt nơi cách suy nghĩ, cách nói, cách hành động và cách tiếp xúc của ta.

Vì tâm ganh tỵ nên mỗi khi đã biểu hiện lên tâm ý và đã có mặt trong ngôn ngữ, trong hành động của ta, là ta chẳng khác nào người đi ngược gió mà dê bụi; chẳng khác nào ta ngửa mặt mà nhổ nước miếng và chẳng khác nào miệng ta ngậm máu mà phun người… Tất cả những hành động ấy của ta đều là đưa ta đến tự hại.

Ở trên đời, ta chưa thấy một ai sống và hành động với tâm ganh tỵ mà có thảnh thơi, hạnh phúc và an lạc bao giờ!

Nhìn sâu vào trong tâm chúng ta, ta biết rõ, tâm chúng ta không phải chỉ hàm chứa những hạt giống xấu mà còn hàm chứa những hạt giống tốt nữa. Chúng không phải chỉ hàm chứa những hạt giống thuộc về ngã tính mà còn hàm chứa những hạt giống có tính chất vô ngã và vị tha nữa.

Hỷ và xả là những hạt giống có thuộc tính vô ngã và vị tha, chúng cũng vốn có mặt ở trong tâm thức ta.

Nếu ta biết đem tâm hỷ và xả mà đối xử với người, thì người được mà ta thành; ta biết đem tâm hỷ và xả mà đối xử với gia đình người, thì gia đình người nên, mà gia đình ta thành tựu phước đức; ta đem tâm hỷ và xả mà đối xử với tổ chức của người, thì tổ chức của người yên mà tổ chức của ta lại thêm thân hữu; ta đem tâm hỷ và xả mà đối xử với quốc gia của người, thì quốc gia của người được khích lệ mà quốc gia của ta được yên bình, để phát triển; ta đem tâm hỷ và xả mà đối xử với tôn giáo của người, thì ta lại khẳng định được tính bao dung, tâm độ lượng, sự hiểu biết rộng lớn và sâu xa ở trong tôn giáo ta. Ta cần phải chiêm nghiệm một cách sâu xa hai hạt giống tốt đẹp của tâm thức nầy, từ cuộc sống bản thân gia đình và xã hội, từ lịch sử phát triển của thế giới con người, để rút ra những phương pháp thực tập, nhằm tránh được những hiểm họa cho ta, cho gia đình và xã hội của ta hiện nay cũng như trong tương lai.

Ở trong đời, ta chưa thấy một ai sống với tâm hỷ và xả mà bị nghèo nàn, cô độc và bị những bậc có trí ở trong đời  khinh rẻ và chê cười bao giờ!

Bởi vậy, không một ai phá sản nhân cách của ta bằng tâm ganh tỵ của ta và cũng không có một ai có khả năng bảo vệ nhân cách cho ta bằng tâm hỷ và xả của ta; không một ai phá nát gia đình của ta, bằng tâm ganh tỵ của những thành viên trong gia đình của ta đối với nhau, và cũng không có ai có khả năng bảo vệ gia đình của ta cho ta bằng tâm hỷ và xả của những thành viên trong gia đình của ta đối xử với nhau.

Trong phạm vi quốc gia và tôn giáo cũng vậy, không một ai có khả năng phá hại quốc gia và tôn giáo của ta, bằng tâm ganh tỵ của các thành viên quốc gia đang đối xử với nhau hay tâm ganh tỵ của các thành viên trong tôn giáo đang đối xử với nhau. Và cũng không có ai có khả năng bảo vệ quốc gia và tôn giáo của ta, bằng tâm hỷ và xả của những thành viên trong quốc gia và tôn giáo của ta.

Vì sao? Vì tâm ganh tỵ có mặt ở đâu, thì ở đó, có sự nghi ngờ, phân hóa và chia rẽ. Tâm hỷ và xả có mặt ở đâu, thì ở đó có đoàn kết, có niềm tin, có sự an bình và cường thịnh.

Vì vậy, hung thần đến với ta, với gia đình ta, với quốc gia  và tôn giáo của ta không ai khác hơn là tâm ganh tỵ. Và vị thiện thần đến với ta, với gia đình ta, với quốc gia và tôn giáo của ta, không ai khác hơn là tâm hỷ và xả.

Trong đời sống của ta, tâm ganh tỵ xuất hiện, thì vận mệnh của ta đang may trở thành rủi và khi tâm hỷ và xả xuất hiện, thì vận mệnh của ta đang rủi trở thành may. Đối với vận mệnh gia đình, xã hội và tôn giáo chúng ta cũng cần phải hiểu như vậy, để rút ra những phương pháp thực tập, nhằm trị liệu và chuyển hóa.

Rủi và may hay hên và xui trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội không phải bỗng dưng mà có, nó có từ nơi những tác nhân và tác duyên của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Mỗi khi tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng đã hội đủ nhân duyên để hình thành kết quả, thì mọi sự van xin, trách móc hay tránh né của ta đều là những hành động vô ích. Hành động của ta chỉ có hữu ích và hiệu quả, khi nào ta biết chế ngự và chuyển hóa những tâm thức bất thiện của ta ngay nơi những tác nhân và tác duyên, khiến cho chúng không thể biểu hiện và bị rơi vào khoảng lặng của tâm thức và tự nó hủy diệt.

Tĩnh tâm hay Pháp niệm phật tam-muội, sẽ giúp cho ta lắng yên những hạt giống muộn phiền, để trí tuệ và từ bi sinh khởi trong đời sống của ta, chuyển hóa hạt giống ganh tỵ ở trong tâm thức ta đi về theo hướng hỷ và xả, ấy là ta đã biết nhìn tâm ta bằng con mắt tương phản và ta đã có chất liệu căn bản để dựng xây đời sống hạnh phúc, an lạc cho bản thân, gia đình và xã hội. Và như vậy mới là mục đích tu học của tất cả chúng ta. 

[Tập san Pháp Luân - số 39, tr.43, 2006]