Đức Phật là một vị đạo sư tâm linh đồng thời cũng là một vị Thầy lỗi lạc trong khi dùng ngôn từ để giáo hóa đệ tử. Qua kinh sách của Phật giáo, người viết bài này – một giảng viên ngôn ngữ nhiều năm ở đại học – đã lãnh hội được ba bài học về nghệ thuật diễn giảng.
Thứ nhất là bài học về chọn lựa đề tài.
Muốn diễn giảng có thông tin và hấp dẫn được người nghe thì giảng sư phải chọn lựa cho được một đề tài mới lạ và hữu ích.
Phật pháp mới lạ vì đó là sự phủ nhận tận gốc rễ tất cả những cái gì mà phần đông người đời đã hiểu biết và đang ham muốn. Ai cũng tin có một cái ngã thì đức Phật dạy vô ngã. Nhiều sự vật mà ta cho là thường thì đức Phật khẳng định là vô thường. Mọi người đang mê say với tài, sắc, danh, thực và thùy, nhưng đức Phật gọi đó là những cái bẫy sập mà người trí phải biết xa lánh, v.v… Tuyên thuyết giáo pháp nhiệm mầu, đức Phật đã nêu một phản đề lớn đối với phần còn lại của văn minh và tư tưởng nhân loại.
Phật pháp hữu ích vì đức Thế Tôn đã đặt ra và giải đáp một vấn đề có quan hệ sinh tử với con người. Đó là khổ và diệt khổ. Phật giáo, như nho sĩ Nguyễn Công Trứ đã quan niệm trong bài hát nói có tiêu đề Vịnh Phật, là chiếc “thuyền từ” vớt những người “chìm đắm” trong bể khổ để đưa lên “cõi tĩnh”. Cuộc đời còn lắm khổ đau, cõi nhân sinh còn nhiều hệ lụy thì giáo pháp của đức Thế Tôn mãi mãi cần thiết như một thứ thần dược để chữa trị tâm bệnh của muôn vạn con người đang vì tham, sân, si, mạn, nghi mà gây đau khổ mình và đồng loại.
Thứ hai là bài học về giới hạn đề tài.
Đề tài phải được giới hạn để bài thuyết pháp được tập trung và nhất quán.
Đề tài đã được xác định rồi thì nhập đề, thân bài và kết luận không được nói ra ngoài giới hạn ấy. Suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh, đức Như Lai chỉ thuyết giảng một chủ đề được tóm tắt vào hai chữ giải thoát. Đức Như Lai từng tuyên thuyết: Nếu nước đại dương có một vị là vị mặn thì đạo ta cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Cần nhớ rằng dù bị khiêu khích, khi kẻ ngoại đạo đặt ra những câu hỏi “siêu hình” như sau khi chết ta còn hay không còn, ta vừa còn hay vừa không còn, đức Như Lai cũng không trả lời để khỏi phải nói ra ngoài giới hạn của vấn đề đã xác định.
Thường có một số người không thể nói gì mới lạ và sâu sắc khi vượt ra ngoài phạm vi kiến thức chuyên môn của mình. Nhưng đức Phật không ở vào trường hợp ấy. Bằng tuệ giác, bậc Thầy của trời và người đã chứng ngộ được chân lí, đã có hiểu biết bao trùm mọi lãnh vực. Nhưng Người không muốn nói ngoài chủ đề để bảo đảm tính nhất quán của hệ thống tư tưởng, để không làm rối trí, phân tâm và gây trở ngại cho đệ tử trên đường tu học. Có một lần từ trong rừng đi ra với một nắm lá ở trong tay, đức Phật nói với đệ tử rằng những điều Người biết nhiều như lá trong rừng nhưng những điều Người nói thì ít như lá trong tay.
Thứ ba là bài học về nghệ thuật diễn đạt ý tưởng bằng hình tượng, bằng ảnh dụ hàm súc và sinh động.
Biểu đạt bằng hình tượng là đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Hình tượng là hình ảnh gợi tả nhiều ý nghĩa. Ví dụ trước mắt chúng ta đang có một cái giếng là hố đào thẳng đứng, sâu vào lòng đất, dùng để lấy nước. Nhưng khi hình ảnh giếng nước ấy đã đi vào thơ thì nó trở thành hình tượng để gợi tả cho người đọc biết bao tâm trạng, biết bao nỗi niềm:
“Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài,
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây!”.
Tụng đọc kinh sách của Phật giáo, Phật tử tiếp xúc thường xuyên với những hình tượng mà các nhà Phật học thường gọi là ảnh dụ. Những ảnh dụ này giúp người đọc lãnh hội đầy đủ ý nghĩa sâu sắc của câu kinh mà không cần giải thích dài dòng. Nói đến nhận thức tương đối của con người về chân lí tuyệt đối, đức Phật dùng ảnh dụ người mù sờ voi. Nhắc nhở đệ tử phải biết lấy Phật pháp làm phương tiện để tu chứng, đức Như Lai mượn hình tượng chiếc bè dùng để đưa người qua sông. Giải thích cho đệ tử biết do mê lầm, do vọng tưởng mà con người phải chịu khổ đau, đức Thế Tôn lấy hình ảnh một sợi dây thừng mà chúng sanh tưởng lầm là con rắn, v.v…
Với ba đặc điểm vừa nêu ở trên về nghệ thuật diễn giảng, giáo pháp của đức Thế Tôn vốn khó hiểu đã không còn khó tiếp thu với mọi người, giáo lí của đức Như Lai vốn khô khan đã trở nên sinh động và dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn của đại chúng, lời dạy của Đấng Giác Ngộ có một tầng nghĩa ở dạng tiềm năng của ngôn ngữ thơ để có thể phù hợp với căn cơ của mỗi người. Luân lưu như một dòng sông dễ dàng tiếp nhận vào lòng nó cảnh sắc của đôi bờ, Phật giáo thích hợp với mọi không gian và thời gian để trở thành chân lí vĩnh hằng của nhân loại. ■
[Tập San Pháp Luân.37.tr,8.2006]