Ngày 25 tháng 2 năm 2007
Moscow, Russia: “Việc khai quật phần mộ nhục thân của vị Tăng Phật giáo, Itigelov, đã tiến hành vào ngày 10 tháng 9 năm 2002, trong khu nghĩa trang gần thành phố Ulan Ude (Liên Bang Nga). Ngài viên tịch và được an táng vào năm 1927. Công tác khai quật được thực hiện với sự có mặt của những người thân, chính quyền và các chuyên gia khảo cổ”.
Đó là những thông tin về việc khai quật phần mộ của ngài Buryat Lama, một vị Tăng Phật giáo Nga, vào đầu thế kỷ 21 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nga. Ngôi mộ gồm có một kim quan bằng gỗ, bên trong là nhục thân của Ngài ngồi ở tư thế kiết già, toàn thân được bao bọc bởi quần áo bằng lụa và vải. Nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên giống như xác ướp Ai Cập cổ nhưng thật ra không phải như vậy, vì các cơ bắp và da vẫn còn mềm mại, các khớp xương có thể gập lại được.
Ngài Itigelov là một bậc chân Tăng, rất nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Ngài tốt nghiệp y học và triết học (tánh không) ở trường Anninsky Datsan (trường đại học Phật giáo ở Buryatia, nay chỉ còn lại các phế tích đổ nát). Ngài đã soạn thảo bộ bách khoa toàn thư về dược lý học.
Năm 1911, ngài trở thành vị Hambo Lama (người đứng đầu các tự viện Phật giáo ở Nga). Trong khoảng thời gian từ năm 1913-1917, ngài tham gia các hoạt động xã hội của Nga hoàng, được mời tham dự lễ kỷ niệm 300 năm triều đại Romanov, khánh thành ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở St. Petersburg, và Hoàng đế Nikolai đệ nhị đã ban cho ngài giải thưởng St. Stanislav vào ngày 19 tháng 3 năm 1917.
Trong thời kỳ thế chiến thứ nhất, Itigelov đã sáng lập một tổ chức gọi là “những người anh em Buryat”, giúp đỡ quân đội tiền bạc, thức ăn, quần áo, thuốc men. Ngài cũng đã xây dựng một số bệnh viện, mời các bác sĩ Lạt-ma để giúp đỡ các binh sĩ bị thương. Qua sự cống hiến này, ngài được trao tặng giải thưởng St. Anna và những phần thưởng khác.
Năm 1926, Itigelov khuyên các vị Tăng nên đi khỏi đất nước Nga nhưng bản thân Itigelov không rời chỗ đó. Năm 1927, lúc 75 tuổi, ngài bảo các vị Lama chuẩn bị cho buổi tu tập thiền định vì ngài cho biết là mình sắp sửa viên tịch. Nhưng bị các vị Lạt-ma từ chối vì thấy ngài Itigelov vẫn còn khỏe mạnh. Do vậy, Itigelov tự mình bắt đầu thực hành thiền định, các lạt-ma thấy vậy cũng tham gia theo và chẳng bao lâu sau ngài viên tịch trong tư thế tọa thiền.
Trước khi viên tịch, ngài Ititgelov để lại di chúc yêu cầu mai táng Ngài ở tư thế ngồi kiết già trong kim quan bằng gỗ cây tuyết tùng, rồi an táng tại một nghĩa trang truyền thống. Tâm nguyện của ngài được các đệ tử thực hiện. Ngoài ra, ngài còn để lại một di chúc khác yêu cầu vài năm sau nên khai quật phần mộ của Ngài lên (đây là điểm thú vị, bởi ngài biết trước rằng cơ thể sau khi mất sẽ được giữ nguyên). Mãi đến năm 1955 và 1973, các vị tăng sĩ mới thực hiện việc khai quật, họ đã không thông báo cho ai biết về điều đó, bởi vì sợ chính quyền ngăn chặn và cấm đoán. Chỉ đến năm 2002, nhục thân của ngài mới được khai quật ra khỏi phần mộ và chuyển đến Ivolginsky Datsan (là tịnh thất của vị Tăng trưởng Phật giáo hiện nay), nơi đó nhục thân được các Tăng sĩ kiểm chứng và điều quan trọng hơn lúc bấy giờ là có cả các nhà khoa học và y học giám sát, kiểm nghiệm. Sau đó công bố chính thức cho mọi người biết tình trạng của cơ thể. Nhục thân được bảo quản rất tốt, không có dấu hiệu phân hủy, các bắp cơ và mô bên trong cơ thể vẫn còn nguyên vẹn, da và khớp vẫn còn mềm. Điều lạ lùng hơn nữa là cơ thể của ngài không ướp chất thơm hoặc ướp xác theo kiểu của người Ai Cập.
Hiện nay, nhục thân của ngài vẫn bảo tồn ở trong môi trường không khí bình thường, không có bất cứ hệ thống kiểm soát thay đổi nhiệt độ hay ẩm độ nào cả, mọi người có thể tiếp xúc. Làm thế nào ngài Itigelov vẫn giữ được trạng thái này, không ai biết được?
Đây là “trường hợp duy nhất được chứng thực và biết đến một cơ thể không bị hủy hoại” trên thế giới. Nghệ thuật ướp xác bằng chất thơm và ướp xác bằng việc quấn vải được biết đến ở một số nước và dân tộc khác nhau - xác ướp Chili (người Chinchora), xác ướp khô của người Ai Cập, các vị Thánh của đạo Công giáo, và những người khác. Một số di thể khác được tìm thấy trong tình trạng bị đông cứng, nhưng sau khi để cho thi thể ấy tiếp xúc với khí quyển, chúng liền bị hủy hoại trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Mặc dù, trong kinh điển Phật giáo có mô tả về những điều như vậy, nhưng chưa đủ bằng chứng cụ thể để chứng minh cho mọi người biết. Vì vậy, nhục thân của Ngài Itigelov chính là một bằng chứng xác thực minh định lại những gì trong kinh Phật đã chỉ dạy.
Hơn hai năm sau khi thực hiện việc khai quật, nhục thân của ngài Itigilov không bị thối rữa, hay hủy hoại, không bị nấm gây hại, không có chuyện gì xảy ra. Trước khi sắp viên tịch, ngài Itigelov đã nói cho các môn đệ biết là sau khi viên tịch ngài sẽ để lại một thông điệp cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Đó là thông điệp vô ngôn. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải tự tìm hiểu lấy thông điệp đó.■
Lê Thanh chuyển ngữ
(theo buddhistchannel.tv)
[Tập San Pháp Luân.36.tr,94.2006]