“Từ bi là căn bản của đạo Phật”, câu nói này được trích từ trong bộ Đại trí độ luận quyển 27 của ngài Long Thọ. Vì sao nói “Từ bi là căn bản của đạo Phật”? Muốn luận bàn vấn đề này, chúng ta phải tìm hiểu từ ý nghĩa của hai chữ từ bi.
I. Ý nghĩa Từ Bi
Từ bi là cụm từ rất quen thuộc đối với mọi người. Nói đến từ bi mọi người đều liên tưởng đến Bồ-tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn. Hay nói rõ hơn, Quan Âm Bồ-tát là hóa thân của đại từ đại bi. Vậy vì sao gọi là từ bi? Ý nghĩa này được bắt nguồn từ đâu? Nó có vị trí như thế nào trong Phật pháp? Đối với cuộc sống xã hội hiện tại có ý nghĩa gì? Điều này mọi người không hẳn đã hiểu rõ. Bàn đến vần đề này trước tiên chúng ta nên định nghĩa hai chữ từ bi.
Trong Thập địa kinh luận, Bồ-tát Thiên Thân nói rằng: “từ là đồng với nhân quả hỷ lạc; bi là đồng với nhân quả ưu khổ”.
Như vậy, chúng ta không những sanh tâm hỷ lạc với chúng sanh, mà còn phải đem đến cho chúng sanh quả hỷ lạc, đó mới gọi là từ; thấy chúng sanh ưu bi khổ não không những khởi tâm thông cảm, mà còn phải tạo cho chúng sanh những quả lành khiến cho họ bớt đi sự thống khổ, đó mới gọi là bi. Từ đây cho thấy, từ bi chính là cùng với chúng sanh thống nhất nguyên nhân và kết quả của sự khổ và vui. Kinh Bồ-tát niệm Phật tam muội nói: “từ tâm quán chúng sanh, như mẫu niệm nhứt tử. Vu thù bất truy ác, cánh sanh lân mẫn tâm”, nghĩa là dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sanh khởi tâm ác, ngược lại phải sanh tâm thương xót họ.
Người có lòng từ bi đối với chúng sanh không phân biệt kẻ oán người thân, phải đến với họ bằng tâm từ bi, tâm thương yêu chân thành và tâm thông cảm. Theo quan điểm của Nho gia: “điều mình muốn tồn tại thì cũng làm cho người khác được tồn tại; điều mình muốn đạt được thì cũng làm cho kẻ khác đạt được”. Luận ngữ dạy rằng: “bậc quân tử phải lo trước nỗi lo âu của thiên hạ, vui sau niềm vui của muôn dân” (đồng như tinh thần tiên ưu hậu lạc theo Mạnh Tử). Nghĩa là nên đến với chúng sanh bằng tinh thần: “thương người như thương mình”, “quên mình để cứu người”, “vô tư phụng hiến”, v.v… tinh thần này tất nhiên sẽ tương phản với lập trường sống của kẻ phàm phu: “người sống không vì mình thì tru diệt”, “tổn người lợi mình”, “chủ nghĩa tư lợi”, v.v… Vì thế, khi trình bày về ý nghĩa của hai chữ từ bi phải được hiểu một cách chính xác hoàn toàn tích cực lợi tha.
Nói cách khác, đó là tinh thần bồ-tát chí cao vô thượng, quên mình vì người. Vì Phật giáo cho rằng nhơn sanh thống khổ, nên trách nhiệm căn bản của người giác ngộ là “độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là khiến cho mọi người luôn hạnh phúc an lạc, vì vậy nên nói từ bi là đạo căn bản của Phật pháp. Ở đây muốn nhấn mạnh một điều: “tâm mình hòa cùng với chúng sanh, vạn vật là nhất thể với mình”.
Trước điều kiện kinh tế thị trường ngày nay, chúng ta càng phải hướng đến từ bi, cần đến tinh thần xả kỷ vị tha. Vì đề xướng triệt để chủ nghĩa lợi tha thì có thể tịnh hóa nhân tâm, loại trừ được tham, sân, si, thậm chí có thể giảm bớt được những hành vi tham ô, hủ bại, hư ngụy, giả mạo, hạ liệt vô đạo đức, được như vậy sẽ có tác dụng tốt đối với nhân sanh và tịnh hóa được xã hội. Từ bi giúp cho con người rèn luyện được nhân cách, nâng cao cảnh giới nhân sanh, điều tiết được quan hệ giao tế, cải cách tốt những phong tục xưa cũ, có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến bộ tích cực trong nhiều phương diện, khiến cho mọi người luôn thương yêu hòa hợp lẫn nhau. Vì thế nên nói từ bi là tinh thần căn bản của luân lý Phật giáo.
II. Phân loại từ bi
Trong cuốn Đại thừa nghĩa chương, quyển 14, ngài Huệ Viễn (523-592) sống vào thời đại nhà Tùy đã cho rằng:
Bi có ba loại:
1. Chúng sanh duyên bi: duyên vào sự khổ của chúng sanh, cứu giúp chúng sanh thoát khổ. Theo Địa kinh, hành giả nên quán các chúng sanh do mười hai nhân duyên tựu tán, lưu chuyển sanh tử mà khởi tâm bi. Còn theo Địa trì luận thì hành giả nên quán các chúng sanh do duyên bị vô số khổ mà khởi bi tâm.
2. Pháp duyên bi: quán các chúng sanh đều do các duyên của năm ấm, vô ngã, vô nhơn mà khởi tâm bi. Sao gọi là khởi tâm bi? Có hai cách giải thích: một là niệm chúng sanh vì sự trói buộc của ngã nhơn mà khởi vọng, rồi thọ khổ của sanh tử thật đáng xót thương, nên khởi tâm bi. Hai là vì chúng sanh nói pháp từ bi, pháp chân thật ấy khiến cho chúng sanh thoát khổ, nên gọi đó là bi.
3. Vô duyên bi: quán các chúng sanh năm ấm rốt ráo không tịch mà khởi tâm bi. Quán pháp không tịch sao gọi là khởi tâm bi? Có hai ý nghĩa: một là niệm chúng sanh vì sự trói buộc mà khởi vọng tưởng nên thọ khổ sanh tử, đó gọi là khởi tâm bi. Hai là khởi niệm vì chúng sanh nói pháp từ bi, pháp ấy chân thật khiến cho chúng sanh thoát khổ, nên gọi là bi.
Từ cũng có ba nghĩa:
1. Chúng sanh duyên từ: do duyên chúng sanh ham muốn các dục lạc mà khởi tâm từ.
2. Pháp duyên từ: do duyên các chúng sanh chỉ là các pháp nhân duyên của năm ấm, vô ngã, vô nhơn mà khởi tâm từ.
3. Vô duyên từ: quán tất cả chúng sanh rốt cùng chỉ là không tịch mà khởi tâm từ. Sao gọi là pháp duyên, vô duyên mà khởi tâm từ? Ý nghĩa này cũng giống với pháp duyên bi và vô duyên bi.
Trong tác phẩm Đại thừa nghĩa chương, pháp sư Huệ Viễn đưa ra luận lý vì muốn cho tất cả chúng sanh thoát khổ được vui mà khởi tâm từ bi, gọi là chúng sanh duyên từ bi, cũng gọi là sanh duyên từ bi, hoặc hữu tình từ bi. Kế đến, ngài nói đến vì chúng sanh chỉ là pháp của năm ấm, vô ngã vô nhơn mà khởi tâm từ bi, gọi là pháp duyên từ bi. Lại nữa, ngài quán tất cả pháp rốt cùng là không tịch mà khởi tâm từ bi, gọi là vô duyên từ bi. Vì phân từ bi thành ba pháp, tức nói các pháp là vô thường, vô ngã, tính không, nên nói chúng sanh duyên từ bi, pháp duyên từ bi, vô duyên từ bi, đó là mối quan hệ tiến lên thâm nhập dần dần theo thứ bậc.
III. Phân loại từ bi theo cấp bậc
Chúng ta lấy đối tượng sở duyên để phân loại từ bi, căn cứ vào hiệu quả và động cơ của thí chủ để phân loại cấp bậc. Sự phân loại này cũng chỉ là tương đối. Bồ-tát Long Thọ trong Đại trí độ luận, quyển 27, có nói: “đại từ là vui với tất cả chúng sanh, đại bi là làm cho chúng sanh thoát khổ. Đại từ là đến với chúng sanh bằng tâm hỷ lạc, đại bi là cùng với chúng sanh chia sớt những nỗi thống khổ. Thí như có người giam những người con mình trong ngục. Lúc nó bị tử hình, lòng từ của người cha vì xót thương con nên dùng vô số phương tiện, khiến cho các con được thoát khổ, lòng đại bi ấy chính là khiến cho con lìa khổ; vì con mà cung cấp cho chúng các thứ yêu thích, ấy là lòng đại từ”.
Lòng đại từ, đại bi là như vậy, những gì là tiểu từ tiểu bi? Vì có cái nhỏ này mới có cái lớn kia, đáp rằng: ‘từ bi trong tứ vô lượng tâm, gọi là nhỏ; thứ bậc đại từ bi được nói đến trong thập bát bất cộng pháp mới được gọi là đại từ bi. Lại nữa, lòng từ bi trong tâm Phật mới gọi là đại; từ bi trong tâm những người khác gọi là tiểu’. Hỏi: ‘ngươi dựa vào đâu cho rằng Bồ-tát thực hành hạnh đại từ đại bi?’. Đáp rằng: ‘tâm đại từ của Bồ-tát so với đức Phật là nhỏ, nhưng đối với bậc Tiểu thừa là lớn. Ở đây nói lớn cũng chỉ là giả danh, lòng đại từ đại bi trong đức Phật mới là chân thật tối thắng’. Lại nữa, tuy nói là tiểu từ, nhưng luôn có tâm niệm vui cùng với cái vui của chúng sanh, kỳ thật chẳng có việc gì vui cả; tiểu bi, gọi là quán sát tất cả các loại thân khổ, tâm khổ mà thương xót chúng sanh, chưa thể khiến cho họ thoát khỏi nỗi thống khổ. Đại từ, thì khởi niệm khiến cho chúng sanh được vui và tự mình cùng vui với cái vui của chúng sanh; đại bi, xót thương cho sự khổ não của chúng sanh và làm cho họ thoát khổ”.
Ngài lại phân từ bi thành ba tầng thứ: tiểu, trung, đại.
Gọi là tiểu từ bi, tức chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và muốn cho họ thoát khổ, như tâm từ, tâm bi trong từ bi hỷ xả bốn pháp vô lượng tâm của bậc Tiểu thừa. Gọi là đại từ bi, tức không chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và khiến cho họ được thoát khổ, mà còn có khả năng làm cho họ thoát khổ được vui, như tâm đại từ bi của đức Phật nói trong mười tám pháp bất cộng. Tuy nhiên, đại từ bi và tiểu từ bi cũng chỉ là pháp tồn tại tương đối. Vì có tiểu mới hiển thị đại, cũng vậy không có đất bằng làm sao có núi cao? Như lòng từ bi của bậc Bồ-tát, đem so sánh với lòng từ bi của hạng phàm phu, bậc Thanh văn, Bích-chi Phật mà nói thì đó là đại từ bi; nếu đem sánh với lòng từ bi của đức Phật luận bàn thì đó chỉ là tiểu từ bi. Vì thế nên nói, tâm đại từ bi của bậc Bồ-tát gọi là đại chỉ là pháp giả danh, nếu đem sánh với lòng từ bi của bậc Thanh văn, Bích-chi Phật thì đó gọi là trung từ bi, chỉ có lòng từ bi của đức Phật mới là đại từ bi, là pháp chân thật, tối thắng.
Từ bi được phân biệt thành chúng sanh duyên, pháp duyên và vô duyên, lại phân làm đại, trung, tiểu. Như vậy, mối quan hệ của hai loại phân biệt này như thế nào? Loại trước là lấy từ bi sở duyên làm đối tượng để phân, loại sau là lấy hiệu quả và động cơ của từ bi trong các thí chủ để phán đoán. Hai loại phân biệt này, nếu đem chúng sanh duyên từ bi ra làm định nghĩa để khai ngộ tất cả đều là khổ, lòng từ bi được phát khởi do chúng sanh bình đẳng, là tiểu từ tiểu bi, tức lòng từ bi sơ khởi của phàm phu, Thanh văn, Bích-chi Phật và Bồ-tát; pháp duyên từ bi là khai ngộ lý vô ngã của các pháp mà khởi lòng từ bi, tức sự phát khởi lòng từ bi của các bậc A-la-hán, Bích-chi Phật và các Bồ-tát từ bậc sơ địa trở lên, đó là trung từ trung bi; vô duyên từ bi là đức Phật vì muốn cho chúng sanh đắc vô phân biệt trí mà khởi lòng từ bi bình đẳng, tức nói lòng từ bi của đức Phật là đại từ đại bi. Như vậy, tầng thứ và chủng loại của từ bi sẽ được thống nhất. Về mặt sự mà nói, Bồ-tát Long Thọ trong Đại trí độ luận quyển 20 cũng đã nói về sự thống nhất của hai loại từ bi như vậy.
IV. Tính thực tiễn của từ bi
Phật giáo dạy con người thực hiện “văn, tư, tu” không chỉ chú trọng đến lý luận, mà còn nhấn mạnh về tính thực tiễn. Bàn về từ bi có thể nói đây là một pháp môn có tính thống nhất giữa hiệu quả và động cơ. Cho nên, nói đến tính thực tiễn của từ bi liên quan đến hai vấn đề, đó là phạm vi và mức độ của từ bi. Về mức độ từ bi, từ sự phân loại và đẳng cấp của từ bi nói ở trên cho thấy vô duyên từ bi chính là từ bi ở mức độ cực cao. Những gì được gọi là vô duyên từ bi?
Vô duyên từ bi tức là vô duyên đại từ và đồng thể đại bi. Vô duyên đại từ nghĩa là không lấy tình thân sơ cố cựu, tình huynh đệ bạn bè làm đối tượng đặc biệt mà phải đến với tất cả chúng sanh bằng tâm hỷ lạc phúc thiện. Nói cách khác, chúng ta nên đem đến cho chúng sanh vô lượng hỷ lạc phúc thiện bằng một tâm vô điều kiện, không có nguyên nhân, vô ý thức, v.v… Đặc điểm nổi bật của từ bi là cho chúng sanh sự hỷ lạc phúc thiện mà tâm không khởi một chút phân biệt, tuyệt đối bình đẳng với tất cả chúng sanh. Vì thế có thể nói, đó là tinh thần đại từ chí tôn chí thượng.
Phật giáo cho rằng, các pháp là duyên khởi tính không. Vì vậy nói, trời đất cùng với cái ngã của chúng ta là nhất thể, vạn vật cũng đồng nhất với ngã, nhơn, trong bốn biển đều là huynh đệ. Cái ưu khổ của bạn chính là cái ưu khổ của tôi, cái ưu khổ của tôi cũng chính là cái ưu khổ của bạn; sự khoái lạc của bạn là sự khoái lạc của tôi, sự khoái lạc của tôi cũng là sự khoái lạc của bạn. Do vậy, chúng ta nên khởi tâm thương yêu, tâm thông cảm, tâm thương xót, tâm trắc ẩn cho đến loại trừ tất cả vô lượng khổ não của chúng sanh, như tinh thần đồng thể đại bi mà đức Phật đã nói ở trên để đến với sự khổ lạc của chúng sanh trong tinh thần đồng cảm đồng tâm, đồng thân nhất thể.
Đặc điểm của đồng thể đại bi là dùng tâm tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt bỉ thử, tâm quảng đại vô tận, tâm như hư không, tâm đó đã trừ sạch tất cả ưu bi khổ não của chúng sanh, cho nên gọi là vô tận đại bi. Vô tận có nghĩa là không còn có tâm nào rộng lớn hơn nữa. Vì vậy nói, vô tận đại bi là đại bi chí cao, chí thượng. Tóm lại, vô duyên đại từ và vô tận đại bi là lòng từ bi chí cao vô thượng. Tính vĩ đại của nó là xót thương người đời, có thể đồng cam cộng khổ cùng với họ, từ đó mà đạt đến mức độ “điều mình muốn tồn tại, thì cũng làm cho người khác được tồn tại, điều mình muốn đạt được thì cũng làm cho kẻ khác đạt được”.
Nói đến phạm vi của từ bi, chính là sự trải lòng từ bi rộng khắp thế gian. Đại trí độ luận quyển 27, ngài Long Thọ Bồ-tát có ghi: “Lại nữa, tâm đại từ phổ khắp thập phương tam giới chúng sanh cho đến các loài côn trùng, trong cõi tam thiên đại thiên thế giới tâm không xa lìa các chúng sanh bị đọa vào ba đường ác. Nếu có người mỗi mỗi sự khổ của chúng sanh đều thay thế nhận chịu, khiến cho họ thoát khỏi nỗi thống khổ ưu bi, lấy cái vui của năm dục, cái vui của thiền định, cái vui tối thắng trong thế gian, tự mình cho họ, khiến cho chúng sanh được vừa lòng mãn nguyện”.
Tất nhiên từ bi phải được phát khởi trong phạm vi lớn nhất, từ mặt không gian cho đến thời gian, đó là trong thập phương tam giới và lục đạo tam thế. Thập phương là tứ phương, tứ duy, trên dưới; tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới; tam thế là quá khứ, hiện tại, vị lai; lục đạo là thiên, nhơn, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Còn đối tượng sở duyên, đó là vô lượng vô biên vô số chúng sanh. Chúng sanh theo nghĩa hẹp như trước đã nhắc đến đó là sinh vật có tình thức.
Như vậy, phàm sanh vật trong giới tự nhiên đều là đối tượng của từ bi sở duyên. Có thể thấy, tư tưởng từ bi trong Phật giáo trên mặt lý luận, phàm là sanh vật tất phải hoàn toàn bảo vệ, cứu hộ sanh vật, duy trì bảo vệ sự tồn tại và phát triển triệt để, đây cũng là một loại đạo đức luân lý của thế giới loài người đối với sanh vật. Vì thế, Phật giáo mới chế đặt ra giới không sát sanh và phát nguyện phóng sanh. Không sát sanh là ngăn ngừa đoạn dứt sự sát hại, làm thương tổn đến sanh mạng của loài hữu tình. Do đó nên nói, phạm vi của từ bi đối với toàn thể động vật có tri giác, có tình cảm, có cảm thọ khổ vui.
Căn cứ theo lập luận này, chúng ta sẽ gặp phải một số nghi vấn. Các loài động vật đối với nhân loại có hại, như đối với muỗi, chúng ta có nên phát khởi lòng từ bi? Căn cứ theo nghĩa gốc của từ bi, đương nhiên là chúng ta không nên giết. Nhưng không giết, có thể một ngày nào đó chúng sẽ lan tràn làm nguy hại đến sanh mạng của con người. Nếu chúng ta bắt giết hết, lại gây nguy hại cho sanh mạng của loài thạch sùng, vì sẽ không có muỗi để làm thức ăn cho chúng, vì theo nghiên cứu, thạch sùng là một loài côn trùng có ích lợi cho nhân loại, loài côn trùng có ích thì nên bảo vệ chúng.
Từ lập luận trên mà nói, chúng ta phải nên như thế nào? Theo tinh thần Phật giáo đối với các pháp phải nên quyền xảo phương tiện, không nên rơi vào sở chấp nhị biên, nên hành theo lập trường trung đạo để không phá hoại, hủy diệt các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Còn như việc phóng sanh, tức đem cá bắt được, chim hoặc các loài cầm thú săn được, thả chúng trở về với ao hồ, núi rừng, sơn dã, v.v… nơi sinh sống của chúng, để chúng được sống tự do tự tại trong môi trường sinh thái. Hiển nhiên đây là một loại bảo vệ cứu hộ các loài sanh vật, đặc biệt đó còn là một phương pháp tích cực biết bảo vệ trân quý loài cầm súc.
Tóm lại, tinh thần từ bi trong Phật giáo là một cử chỉ tốt lành, biết hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích mọi loài, là biểu trưng cho sự nghiệp cứu tế chúng sanh. Nếu mở rộng tinh thần này từ một nhà, một thôn, một nước, đến toàn nhân loại, mọi người đều biết thương yêu nhau, hỗ trợ cho nhau, đoàn kết cùng nhau phấn đấu, khắc phục khó khăn, cùng nhau tạo ra tài sản, cùng nhau đi đến con đường tiến hóa làm phong phú cho cuộc sống nhân sanh; như vậy thế giới hòa bình ổn định, tinh thần hữu nghị giữa các nước sẽ ngày một phát triển. Nếu tinh thần này phát triển đến thế giới tự nhiên, xây dựng một thế giới an lành, vạn vật sống trong tinh thần vô úy thì Tịnh độ có thể được thiết lập ngay trong hiện tại, trên mảnh đất này.■
[Tập San Pháp Luân.36.tr,40.2006]