Gần đây, có một số Phật tử đến chùa hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của chuông trống, là pháp khí hay pháp cụ? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại là điều thiếu sót đối với các tín đồ Phật giáo. Một người Phật tử đến chùa, tụng kinh, lễ Phật, lạy sám, đánh chuông, gõ mõ mà không biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó, thì thử nghĩ sẽ như thế nào? Vì vậy, người viết chia sẻ một số thông tin đã được tìm hiểu để giúp cho quý vị cùng tham khảo.
Trong Phật giáo, chuông, trống, mõ, bảng, khánh, v.v… được gọi là những pháp khí. Những pháp khí này thường dùng trong các buổi lễ, mỗi pháp khí đều có cách sử dụng riêng, và tất nhiên mang một ý nghĩa riêng. Chúng là những phần không thể thiếu trong nếp sống sinh hoạt của thiền môn. Những pháp khí đó có công năng thức tỉnh khả tính tâm linh của người nghe, hướng người nghe quay về với đời sống tỉnh thức thực tại, nhận diện ra tâm rong ruổi và hạnh phúc tiềm tàng nơi bản thân mình, quy hướng xây dựng cuộc sống an vui. Tiếng chuông u minh trầm hùng được đánh lên trong những đêm thanh vắng có ý nghĩa là phá tan màn đêm phủ trùm u ám, cùng lúc dập tắt những tâm hồn vướng đọng ưu phiền giữa bến mộng bờ mê, thức tỉnh những hồn linh đang vất vưởng chưa có ngõ quay về. Tiếng trống bát-nhã điểm canh, mỗi khi vang lên từng hồi gây chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới như thúc giục những kẻ cùng tử bỏ mê về giác, rung động chiều sâu tâm thức của tất cả các oan hồn đang vất vưởng, khiến họ hồi tâm thị ngạn. Theo thường lệ, chuông trống bát-nhã là chỉ cho cái chuông lớn và trống lớn. Mỗi khi đi vào chùa, chúng ta thấy ở mặt tiền có chuông trống bát-nhã rất lớn được đặt nằm hai bên theo cách “tả chung, hữu cổ”, nghĩa là bên trái đặt chuông bên phải đặt trống. Có nhiều chùa xây tháp an trí chuông và trống, thường gọi là lầu chuông trống.
Vậy chuông trống có nguồn gốc từ đâu? Và có ý nghĩa như thế nào?
Trong kinh Tăng nhất A-hàm có chép: “Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên, thì những hình phạt trong các ác đạo tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh nào đang chịu những hình phạt ấy cũng được tạm thời an vui”. Trong truyện Cảm thông cũng có chép rằng: “Thuở đức Phật Câu-lưu-tôn, tại viện Tu-da-la, xứ Càn Trúc, có tạo một quả chuông bằng đá xanh, thường đánh vào những lúc mặt trời vừa mọc. Khi tiếng chuông ấy ngân lên thì trong ánh sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh, làm cho người nghe chứng được thánh quả không kể xiết”. Đó là những tư liệu hiện tồn lưu trong kinh điển. Ngoài ra còn có nhiều nguồn tư liệu khác trình bày về việc kiến tạo chuông trống, nhưng vẫn chưa đủ khả năng để thẩm định chuông trống có mặt ở Tu viện từ lúc nào? Vì vậy, ở đây chúng ta chỉ có thể dựa vào một số tư liệu hiện còn lưu lại trong các sách vở để hiểu rõ nguồn gốc chuông trống xuất phát từ đâu.
Theo Đại chính tân tu đại tạng kinh, quyển Quảng hoằng minh tập ghi rằng: Vào thời Lục Triều (420 - 479) đã có nhiều lầu chuông. Năm Thiên Hòa thứ 5 (566) đời Bắc Châu, bài Nhị giáo chung minh được khắc trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai trong 3 cái này được đúc vào năm 570 và 665 TL. Còn cuốn Cao Tăng truyện thì ghi năm thứ 5 đời nhà Tùy (609), ngài Trí Hưng nhận trách nhiệm đúc chuông tại chùa Thiền Định ở kinh đô Trường An. Từ đó về sau, phong trào đúc chuông ở Bắc Châu không ngừng phát triển. Họ đúc chuông để an trí trong các tự viện. Lại nữa, theo truyền thuyết vào đời vua Lương Võ Đế, để cầu nguyện cho các thần thức oan hồn đang bị đọa lạc trong địa ngục, Hòa thượng Chí Công đã khởi xướng và đệ trình lên vua Lương Võ Đế xin đúc hồng chung. Thêm vào đó, trong bộ Bách Trượng thanh quy, quyển thứ 87, trang 68 cũng có đoạn dẫn tích Hiếu Cao hoàng đế đời nhà Ðường, nhân vì nghe lời sàm tấu của Tống Tề Khư, giết lầm kẻ tôi trung tên là Hòa Châu, nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Một hôm, có người bị bạo tử, sau khi chết thần thức di chuyển lạc vào địa ngục ấy, thấy một tội nhân đang bị gông cùm kìm kẹp, bị đánh đập rất khổ sở, hỏi ra mới biết là vua Hiếu Cao đời nhà Ðường. Vua gọi người ấy nhờ nói giùm với Hậu chúa rằng, hãy vì nhà vua mà đúc chuông cúng dường và làm việc phước thiện. Sau khi trở lại trần thế, người bạo tử ấy liền bái yết với Hậu chúa và chuyển lời nhắn nhủ của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, Hậu chúa liền thân hành đến chùa Thanh Lương phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho Hiếu Cao hoàng đế.
Vào thời Phật còn tại thế, Ngài đã dùng tiếng chuông để khai ngộ cho vị đệ tử đa văn đệ nhất là Tôn giả A-nan trong bảy lần gạn tâm hiểu rõ lý viên thường. Nhờ thế mà chúng ta cũng có thể hiểu thêm rằng, chuông đã có từ thời đức Phật. Theo sự khảo cứu của các nhà khảo cổ học, thì chuông được sử dụng rất lâu ở Ấn Độ, đa số được sử dụng trong các cung đình và hiện nay vẫn còn lưu lại khắc chạm trong các phù điêu cổ. Không những ở Ấn Độ mà ngay cả các nước lân cận chịu ảnh hưởng của nền văn hóa tư tưởng Ấn Ðộ như Tích Lan, Miến Ðiện cũng sử dụng chuông, và sau này cả trống nữa, để biểu hiện lòng thành của người cầu nguyện, và đặc biệt dùng khi chấm dứt một khóa lễ. Chúng ta cũng thường thấy trong các phim chiếu về Tây Tạng, các vị Lạt-ma đi đâu cũng thường dùng các cây gậy có chuông rung. Và mỗi khi niệm chú, họ thường quay chuông, nghĩ rằng nhờ sức quay chuông của họ mà các câu thần chú sẽ đi muôn nơi vạn hướng, làm vơi bớt nỗi đau khổ của cuộc đời. Cho nên trong các lễ hội lớn ở Tây Tạng, chúng ta bắt gặp rất nhiều loại chuông cầm tay cho tín đồ trì niệm và cả những quả chuông rất lớn để tín đồ quay trong lúc làm lễ.
Người xưa sử dụng chuông với quan niệm rằng, âm thanh của chuông mỗi khi phát ra nó biểu trưng cho sức mạnh sáng tạo. Hình dáng của chuông xuất phát từ hình tượng của vòm trời. Bởi, trời là trên tất cả nên người ta đã đúc chuông theo hình vòm trời, và nghĩ rằng điều đó sẽ đem đến cho họ một sự mầu nhiệm nào đó.
Theo sự phân định chung, có ba loại chuông thường được dùng trong các chùa như sau:
Loại chuông thứ nhất là Đại hồng chung hay còn gọi là chuông U Minh, đại chung, hoa chung, hoặc cự chung. Chuông này được đúc bằng đồng, tùy theo sự thích nghi của mỗi chùa mà có kích thước khác nhau. Thông thường, một cái chuông thường có chiều cao khoảng 1.5m, đường kính rộng khoảng 6 tấc. Loại chuông này treo ở lầu chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng hoặc báo giờ sớm tối. Chuông này thường đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Ðánh vào đầu hôm có ý nghĩa là nhắc nhở cơn vô thường rất nhanh chóng với mọi người, đánh vào lúc cuối đêm có ý nghĩa thức tỉnh mọi người tinh tấn tu hành để mau vượt ra ngoài vòng luân hồi khổ đau. Người đánh chuông này thường thực hiện theo lối đánh 108 tiếng, tiêu biểu cho 108 phiền não sẵn có trong thân tâm rơi rụng và nhẹ bớt.
Loại chuông thứ hai là Bảo chúng chung. Bảo chúng chung này còn gọi là Tăng đường chung, tức là loại chuông dùng để báo hiệu đại chúng tập họp trong những thời họp chúng hay cung nghinh chư Tăng khi tổ chức buổi lễ long trọng, như đăng đàn thọ giới, lễ khánh thành chùa, thọ trai, và các khóa lễ khác trong tự viện.
Loại chuông thứ ba là Gia trì chung (chuông gia trì). Loại chuông này thường đánh trong các buổi tụng kinh lễ Phật, nhằm báo hiệu cho đại chúng biết dừng và tụng vào lúc nào, để cho những người tụng kinh, lễ Phật có được sự nhịp nhàng, hài hòa; hướng người tụng chuyên tâm vào một đối tượng, nhờ đó tâm được định, do tâm định mà trí huệ phát sanh, đem lại hạnh phúc an lạc. Chuông này chỉ lớn bằng ½ chuông u minh nên gọi là bán chung, cũng được gọi là hoán chung hoặc tiểu chung. Nó được đúc bằng đồng. Cái lớn nhất cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường để phía bên trái bàn thờ Phật, từ ngoài nhìn vào.
Tùy vào mỗi tông phái, mỗi địa phương mà quy định cách đánh chuông khác nhau. Thông thường, bắt đầu thường thỉnh 3 tiếng và kết thúc đánh nhanh 2 tiếng, hoặc 3 hồi 9 tiếng dành cho các loại chuông nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, và cách đánh cũng khác nhau. Có lúc 18 tiếng, 36 tiếng hay 108 tiếng. Dù cách đánh có khác nhau đi chăng nữa nhưng không ngoài mục đích là giúp cho hành giả hướng tâm trở về với chính mình và sống chánh niệm tỉnh giác ngay trong hiện tại, không để tâm rong ruổi bên ngoài.
Chúng ta thường nghe câu nói: “Chuông hôm mõ sớm”.Nghĩa là đầu hôm đánh chuông, buổi sáng đánh mõ. Ở nông thôn, người dân dựa vào tiếng chuông sáng để thức dậy và ra đồng làm việc. Tiếng chuông ấy là thời hiệu của người dân lao động. Còn ở thành thị nếp sống khác xa với nông thôn, nên tiếng chuông cũng tùy theo nếp sống mà có sự thay đổi cho thích hợp. Cuộc sống ở thành thị, con người luôn sống trong vội vã chạy đua, chật hẹp thời gian nên thời chuông sáng nhiều chùa không thực hiện được, thay vì tiếng chuông làm “phiền não nhẹ, trí huệ lớn, Bồ-đề sanh, lìa địa ngục, vượt hầm lửa” thì lại làm lòng người phiền muộn sau khi thức giấc. Tiếng chuông thành thị không còn là thời hiệu tỉnh thức như nông thôn, tiếng chuông chỉ là thời hiệu cho biết các lễ hội sẽ tổ chức ở chùa mà thôi.
Ở trên chúng ta đã tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa của chuông. Còn trống thì sao? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy Tôn giả A-nan: “Nầy A-nan, ông có thường nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong và tiếng chuông mỗi khi nhóm họp đại chúng trong tịnh xá Kỳ-đà này không? tiếng chuông tiếng trống ấy nối tiếp nhau không dứt, vậy theo ông tiếng chuông tiếng trống ấy khi ông nghe được là vì nó tự bay đến bên tai ông hay tai của ông đến nơi chỗ phát sanh ra tiếng ấy?”. Trong kinh Kim quang minh, ghi lại sự tích Tín Tướng Bồ-tát nằm mộng thấy một cái trống được làm bằng vàng lớn chiếu ra nhiều màu hào quang sáng rực rỡ như mặt trời. Trong hào quang đó có rất nhiều đức Phật đang ngồi trên đài sen lưu ly đặt dưới những gốc cây báu, chung quanh quý Ngài có trăm nghìn ức các vị đại đệ tử ngồi chăm chú nghe Pháp. Lúc ấy, có một người giống như đạo sĩ Bà-la-môn đang cầm dùi đánh trống. Tiếng trống vang rền chấn động nghe như lời kinh sám hối. Khi tỉnh mộng, Bồ-tát đem việc này trình lên đức Thế Tôn và được Ngài ấn chứng trở lại. Qua những sự tích đó chúng ta thấy rằng, trống đã có từ thời đức Phật, song hành với chuông. Thậm chí còn được đức Phật dùng nó để tập họp chúng Tăng bố-tát, nghe Pháp, hội họp…
Căn cứ ở phương diện thế gian để xét thì trống có nhiều loại. Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng, v.v… Người Ấn Ðộ thời xưa dùng nó để báo thời gian, cảnh báo. Ở Trung Quốc thời xưa, dùng nó trong các dịp lễ, vũ hội, hay ra trận, v.v… Tùy theo mỗi loại hình khác nhau mà có to, nhỏ, treo hoặc để trên giá.
Trống được chia làm ba loại.
Trống to gọi là trống đại. Trống nhỏ gọi là trống tiểu. Trống treo để đánh gọi là trống treo. Trống tiểu còn gọi là trống kinh. Loại trống này đánh trong lúc tán tụng nghi lễ khai kinh, cầu an, cầu siêu... Sau này người xưa tiến thêm một bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”. Còn trống đại là loại trống lớn thường đánh vào các dịp đầu hôm, đánh chung với chuông U Minh, theo thể thức “Tam luân cửu chuyển”, vì tiếng trống tượng trưng cho Chánh pháp. Chúng sanh một khi nghe tiếng trống chuyển, tức là đang nghe tiếng chuyển Chánh pháp thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ và các loài đang sống trong các cõi dữ được thoát ly sanh tử luân hồi. Tùy theo mỗi lễ nghi khác nhau mà tiếng trống cũng đánh khác nhau. Ví dụ như khi lên chánh điện thuyết pháp, thì đánh ba hồi để triệu tập Tăng chúng, gọi là trống phổ cáo và khi khai kinh rước xá-lợi thì đánh trống theo thể thức bài “Bát-nhã hội” mà thời nay thường gọi là chuông trống bát-nhã.
Đến nay, việc sử dụng trống ở trong chùa vẫn chưa biết trống có từ thời nào, vì không có một tư liệu nào ghi rõ về nguồn gốc hay xuất xứ của nó. Người ta chỉ biết rằng trống đã được dùng vào thời đức Phật. Sau khi Phật giáo truyền sang các nước phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc thì trống đã được đem ra sử dụng trong các lễ nghi Phật giáo từ thời Đường Hiến Tông vào năm 820. Điều đó xác thực rằng trống có thể đã có vào năm 820 TL ở Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta thấy trong các nghi lễ ở miền Trung và miền Nam, quý Thầy thường dùng loại trống nhỏ để hỗ trợ trong lúc tán tụng, thường gọi là trống cơm. Loại trống này cũng có thể gọi là pháp khí. Trong cách thức đánh trống cũng có nhiều điểm không giống nhau giữa các miền nhưng ý nghĩa của cách đánh lại có những điểm tương đồng giải thích biểu trưng. Ví dụ như trong khi đánh trống bát-nhã thì đánh 2 tiếng biểu thị cho Nhị đế dung thông; 3 tiếng tiếp tượng trưng cho sự quy y Tam bảo, hay dứt trừ tham, sân, si; 7 tiếng sau đó là tượng trưng cho Bát nhã hội thỉnh Phật thượng đường, tức là tác pháp thỉnh Phật thăng tòa và chứng minh; và cuối cùng đánh dứt 4 tiếng tượng trưng cho chứng nhập Tứ đế....
Ở trên, chúng ta đã tìm hiểu sơ lược qua nguồn gốc và ý nghĩa của chuông trống bát-nhã ở trong chùa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu về các pháp khí, pháp cụ khác. Một khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của từng pháp khí, pháp cụ, cách sử dụng… chúng sẽ giúp chúng ta dễ dàng áp dụng và hành trì trong các nghi thức Phật giáo.■
Tài liệu tham khảo
- Nghi lễ Phật giáo, Thích Nguyên Trạch biên soạn
- Pháp Khí và Pháp phục, Thích Tín Nghĩa
- Phật Quang Đại Từ Điển
[Tập San Pháp Luân.34.Tr,64.2006]