Sư ông của chúng tôi bản tính thích trào lộng trong khi giảng dạy.
Một hôm, khi chúng tôi đang xem phim Tây Du Ký trong giờ thư giãn, Sư ông vừa chỉ tay vào tivi vừa nói: “Người tu đừng để tắt nụ cười trong tâm thức của mình”. Sư ông phá lên cười và nói tiếp: “Nơi nào có trí tuệ, nơi đó có an lạc; nơi nào không có trí tuệ nơi đó dễ điên loạn. Các chú nhìn xem, có phải lúc nào Tôn Ngộ Không cũng đi trước, luôn luôn dẫn đầu đoàn thỉnh kinh - trí tuệ phải tiên phong lãnh đạo - tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo.
Có điều là ta chớ lầm trí tuệ không hẳn là trí thức khoa bảng đâu nhé, chỉ khác nhau ở đầu óc, trái tim có thanh tịnh giới đức hay không, cho nên phải có giới hạnh để thanh lọc, tịnh hóa tri thức mới thành tựu trí tuệ viên mãn được. Cụ thể là ta đã thấy các nhà trí thức vẫn bị ‘ma đưa lối quỷ dẫn đường’, vẫn tìm ‘những chốn đoạn trường mà đi’. Lại nữa kìa! Có phải nhà sư mõm dài kia là Trư Ngộ Năng không?”
Cả nhóm cùng cười. Sư ông giải thích: “Ngộ Năng là ngộ cái bản năng ham muốn của con người, ham cảm giác, ham ăn, ham ngủ. Có chú nào tâm đắc với Bát Giới không?” Một chú cười khúc khích. “Muốn hàng phục chú Trư trong tâm mình phải tu tám giới, chấn chỉnh ngay kẻo Trư Ngộ Năng khéo rủ ta đi vào cửa hàng ăn uống, la cà tới quán cà phê, thả hồn theo khói thuốc và âm thanh quyến rũ đấy!”
Đến đây, Tivi diễn ra cảnh hai huynh đệ Ngộ Không và Ngộ Năng đang tranh cãi việc gì đó. Nhân cơ hội này, Sư ông giải thích: “Chúng ta cũng vậy, vẫn có mâu thuẫn nội tâm giữa trí tuệ và vô minh, giữa tích cực và tiêu cực. Tôn Ngộ Không có thần thông trí tuệ dễ nhận ra yêu quái trá hình cám dỗ nên nhiều lần đã diệt trừ ác ma cứu nguy cho bản thân và cả sư phụ mình, còn Trư Bát Giới do bản năng khoái lạc che khuất nên có khuynh hướng thụ động nhiều phen lâm nguy là vậy”. Sư ông vui cười nêu ví dụ: “Chú nào tinh tấn công phu, siêng năng tu học, kiên trì chấp tác phật sự đó là hòa khí của Tôn Hành Giả, quyết trui rèn đạo hạnh và trí tuệ bất khuất; còn chú nào giải đãi ham thích hưởng thụ là hiện thân của Trư Bát Giới lãnh đạo”. Sư ông còn ví von: “Cuộc ra quân của đội bóng nào mà có huấn luyện viên Bát Giới chỉ đạo thì nhất định đội bóng đó sẽ bị thảm bại, giải nghệ. Muốn giương cao ngọn cờ chiến thắng thì phải để Tôn Ngộ Không cầm quân, muốn cho đội ngũ Phật giáo vươn cao phải đào tạo nhưng huấn luyện viên Sa-môn có thực học thực tu. Nhưng thực tế các chú đã thấy đó, Tôn Ngộ Không cứ bị đuổi về vườn chỉ còn Bát Giới si mê lãnh đạo, đội bóng ta nghiêng ngửa tụt hạng, Bát Giới lãnh đạo thì cửa hàng ăn uống phồn vinh, phòng trà, quán nhảy, bia ôm tưng bừng mở rộng; còn khi Ngộ Không có mặt thì trường đại học giương cao ngọn cờ thần thông trí tuệ, môn sinh phấn khởi không còn sợ bị gác gươm sự nghiệp giữa đường. Thế nhưng, hành giả Tôn Ngộ Không - Giác ngộ tánh không- dù bao phen bị phe ta gạt bỏ, đành phải tạm thời mai danh ẩn tích nhưng lòng vẫn thủy chung quyết không để sư phụ lâm nguy trên bước đường thỉnh cầu chân pháp - đúng với lý tưởng: Tu là dấn thân xông pha giải nghiệp, chớ không phải nhu nhược cầu an. Lại còn nhân vật thứ ba nữa khá trầm lặng, lập hạnh Phổ Hiền, chịu kham nhẫn gồng gánh, nhưng lý lịch cũng thuộc thành phần đao to búa lớn. Trước kia là con thủy quái kích động vô cùng, thích giao chiến, ưa lý luận thế trí biện tài, đeo chín cái sọ người biểu tượng thứ sản phẩm của chiến tranh chém giết, nay mang chuỗi kim cang và được sư phụ ban cho pháp danh là Ngộ Tịnh - Giác ngộ cái bản chất thanh tịnh vốn có của mình.
Tâm lực minh mẫn chưa đủ, cần phải có một thân xác tráng kiện dũng mãnh mới đủ sức Tây du, băng rừng vượt núi qua sông. Con ngựa vốn là yêu tinh. Nguyên trước đây là con rồng bị đọa, nên khi hóa ngựa thì thành con long mã làm phương tiện trợ duyên cho Đường Tăng thỉnh kinh. Nó sám hối lỗi xưa lấy công chuộc tội, trọn tình hiếu nghĩa như ba sư huynh của mình, dù không biết nói nhưng vẫn có linh thức để cảm nhận mọi thăng trầm của cuộc trường chinh tìm chân lý đầy gian khổ”.
Sư ông chúng tôi lại hỏi to giọng: “Còn Đường Tăng là ai?” Không đợi câu trả lời, Sư tiếp: “Chính là thân phận chúng ta chứ ai nữa! Cũng ước vọng cần cầu giải thoát, nhưng cũng đam mê khoái lạc cõi trần. Trên bước đường còn sơ cơ tu học, do sức mạnh của tập khí ái dục, Đường Tăng đôi phen bị mất chí hướng nên thường bênh vực ý kiến của Bát Giới và đôi khi còn ngược đãi Ngộ Không, người đệ tử đã từng cứu sống mình. Đấy, các chú thấy rõ hiện thực xã hội hôm nay, không thiếu gì những Sa-môn trường phái họ Trư thích cảm giác, hưởng thụ, ăn sang, mặc đẹp, các phương tiện di chuyển, điện thoại chất lượng cao, tài khoản ngân hàng, đất vườn kinh doanh, chùa cảnh thiết kế cầu kỳ lôi cuốn khách du lịch. Những vật chất mà họ vẫn nói là vô thường, như huyễn này lại là những ma chướng tiêu diệt toàn bộ Giới-Định-Tuệ, hành trang mà thầy trò Đường Tăng phải thận trọng giữ gìn. Khi Ngộ Không xuất hiện trong tâm mình - trí tuệ phát sanh - ta chánh niệm quán sâu, mới cảm nhận được trong khói thuốc, trong hơi bia, trong tứ sự cúng dường có biết bao mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ đang lao tác nhọc nhằn, ngày đêm phục vụ, để hôm nay ta mới có được phương tiện tu hành, mới có thời cơ để bành trướng cái bản ngã hư ảo, quên đi lời dạy của Tổ:
Cuốc ruộng lúc đang ngọ
Mồ hôi trên má đổ
Ai biết cơm trên mâm
Mỗi hột đều cay khổ”.
Sư ông tôi chống gậy đứng lên, vẫn giữ nụ cười trên môi hí thoại: “Đường Tăng các chú có hàng phục được ba đệ tử Giới Định Tuệ trên nẻo đường đầy ma yêu trá hình thử thách hay không?” Sư ông tự trà lời ngay: “Làm sao đánh mất cái Ta được, làm sao ngũ uẩn giai không được. Tội nghiệp các đệ tử của Đường Tăng khi thấy tứ chúng cung kính bái xá ngưỡng mộ lại tưởng mình là bậc Thánh giả đã kiến tánh, có đủ hào quang soi sáng cho thiên hạ. Thực sự là quần chúng bái lạy vị cao Tăng đang ngồi trên lưng ngựa - vị Hòa thượng từ bi đức độ. Ba thị giả kia chỉ là kẻ ăn theo”.
Để kết thúc giờ thư giãn, Sư ông chúng tôi kể thêm câu chuyện nhằm bổ sung cho toa thuốc phá ngũ uẩn. Đó là câu chuyện chồn mượn oai cọp (hồ giả hổ uy):
“Một hôm, Cọp đang trên đường tìm thú để ăn thịt. Nó gặp được chú Chồn. Chồn giựt mình nhưng liền trấn tỉnh nói: ‘Người không dám ăn ta đâu, vì trời sai ta lãnh đạo các thú trong rừng này. Nếu ngươi ăn thịt ta, tức là đã nghịch ý với trời. Nếu không tin ngươi hãy đi theo ta; ta vì ngươi mà đi trước, xem coi có phải là trăm thú đều run sợ và chạy trốn khi trông thấy ta không?’ Cọp cho là phải nên cùng đi. Bầy thú thấy vậy đều hoảng hồn trốn núp hết. Riêng phần cọp chẳng biết loài thú sợ mình mà cứ nghĩ là chúng sợ chồn. Riêng chú chồn cũng biết người ta kiêng nể cái thế lực đằng sau mình, chớ không phải sợ mình.
Thật là quá ngu (thậm hỷ kỳ ngu dã)! Phải Gate, gate, paragate, phải tỉnh thức vượt qua năm uẩn thì năm thầy trò Đường Tăng mới có thể vinh quang thẳng tiến đến chùa Lôi Âm đất Phật”.■
[Tập San Pháp Luân.32.Tr,75.2006]