Thai sinh hay Thấp sinh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kính thưa quí vị và các bạn, 

Tuổi trẻ nói chung và tuổi trẻ Phật giáo nói riêng hôm nay quả thật tiến bộ rất nhiều so với cha anh của họ - lứa tuổi của những huynh truởng hiện là huynh trưởng cao niên trong GĐPT - về kiến thức được truyền đạt ở trường, chưa kể những kiến thức mà các em có thể đọc được trên Net.

Thật vậy, tuổi trẻ của những huynh trưởng lớn tuổi này là ở vào những thập niên 60, lúc đó, nước Mỹ vẫn còn nạn kỳ thị chủng tộc, các trường Đại học ở Việt Nam thì chưa có chương trình dạy về vi tính (computer), và một học sinh thời ấy tốt nghiệp các trường Trung học ban Sinh vật cũng chưa được học về di truyền... Còn bây giờ, học sinh trung học đều đã biết về DNA, về implant, về cloning, về virus, về bệnh aids, v.v... đủ thứ hết!☺☺!! Còn đối với huynh trưởng trẻ thì những từ khóa (key words) như gene, DNA algorithm, fuzzy clustering, evolutionary programming, image processing, v.v... không xa lạ với sinh viên Đại học khoa học lắm. 

Cũng may, tuổi trẻ Phật giáo ngày xưa hay bây giờ cũng vậy, đều được học Phật pháp và vì vậy, những điều khám phá, phát hiện, v.v… của khoa học gần đây nhất cũng không làm chúng ta, huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT, giật mình. Ví dụ như đối với tin tức, có một công ty cho biết đã thành công trong việc tạo ra phôi người nhân bản (human cloning) có thể tiến đến việc tạo ra các tế bào gốc của con người. Cách đây khá lâu, cũng đã có hiện tượng “em bé ống nghiệm” (l’enfant éprouvette hay baby-tube) không cần thông qua sự thụ tinh thông thường, không cần người mẹ phải mang nặng đẻ đau, em bé chỉ cần được nuôi trong ống nghiệm... mặc dù không dễ dàng thành công và không biết đã có em bé nào sống được không? Tuy nhiên, chuyện con cừu Dolly cũng là một tin “động trời” mặc dù người ta phải thí nghiệm đến mấy trăm lần mới “sáng tạo” ra được một con cừu Dolly, con vật được cho là hoàn toàn “nhân tạo”. Cho nên, còn lâu mới có thể dùng human cloning để tạo ra một con người theo lối sinh sản “vô tính” như vậy. 

Tại sao người Phật tử không phản ứng như một số tín đồ các tôn giáo khác trước tin tức này? - Xin thưa, vì các tín đồ của một vài tôn giáo cho rằng con người do God tạo ra, chỉ có God mới có quyền sáng tạo nên thân thể và linh hồn con người, vì vậy sự kiện này làm họ bị “shock” vì cảm thấy hình như God của họ bị xúc phạm. Còn người Phật tử thì được học từ Phật Pháp rằng: Một sinh mạng được hình thành bởi hai yếu tố danh (nāma) và sắc (rūpa) và hai thành phần này ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng suối, chảy mãi không dừng nghỉ. Đây là bài học về 12 nhân duyên của chương trình Phật pháp bậc Chánh thiện của ngành Thiếu GĐPTVN ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Ngoài ra, các em cũng được biết “tứ sanh” là bốn cách sinh sản của bốn loài động vật khác nhau của tất cả chúng sanh trong tam giới: Loài sinh con thông qua bào thai (thai sinh như con người và những động vật có vú), loài sinh trứng (noãn sinh như gà, chim, v.v...), loài tự sinh ra do những điều kiện đặc biệt của môi trường (thấp sinh, như amib, vi trùng, v.v...) và hóa sinh - loài không dựa vào một điểm tựa vật chất (physical support). Chúng sanh của loài này tự nhiên mà hóa ra do sức mạnh của nghiệp lực, sinh lên cõi Trời hay sinh vào Địa ngục.Loài này khoa học chưa nói đến vì mắt thường không thấy được. Như vậy, em bé được “cấy” trong ống nghiệm hay em bé do một cái gene của con người tự biến hóa, phân chia, không cần đến sự thụ tinh thông thường cũng đâu có gì ghê gớm lắm? Cũng là thay đổi nhân, duyên... mà tạo thành một sinh vật, rồi đặt tên cho nó là “sinh sản vô tính” hay “vô sinh” cũng vậy thôi! Vấn đề là việc làm đó có đúng không, có đáng khuyến khích không? Có xứng đáng để tốn bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền bạc vào đó không? Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi của các huynh trưởng trẻ A, B, C nói về human cloning, một vấn đề đang được bàn tán gần đây vì đã gây phản ứng từ các giới, các tôn giáo, v.v... và khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng. Từ đó họ lạm bàn về “tứ sanh” luôn.

A: Chào các bạn! Hôm nay chúng ta nói về vấn đề gì nhỉ? 

B: Bạn quên rồi sao? Trước hết là human cloning đó! Thật ra tại sao nhiều người lên tiếng phản đối vậy hả? Mình thấy cũng tốt thôi mà! 

C: Tốt hay xấu là còn tùy mục đích nữa kìa! 

A: Đúng vậy, nếu dùng phương pháp cloning để có được một “kho” chứa những bộ phận trong cơ thể con người như tim, gan, óc, v.v… để sẵn, lỡ khi có người nào bị tai nạn hay bệnh tật tàn phá mất cơ quan nào, bộ phận nào thì có ngay để thay thế, implant vào... cứu mạng cho người ấy kịp thời, thì đó là việc tốt.

B: Mình không hiểu tại sao lại gọi human cloning là sinh sản vô tính?

C: Tại vì bây giờ ngành Sinh vật đã thành công trong khả năng “sáng tạo” ra con người bằng cách sử dụng gene của người, cho nó tự phân chia không cần đến sự thụ tinh thông thường.

A: Trong 4 loại sinh sản (tứ sinh), các bạn nghĩ human cloning thuộc về loại nào? 

B: Mình nghĩ vẫn thuộc thai sinh vì tuy không cần bụng mẹ nhưng “sinh vật” đó cũng là do con người sinh ra (cái gene chính là yếu tố sinh sản) với những điều kiện khác nhau mà thôi. 

C: Còn nữa, chúng mình đều đã được học, muốn cho một sinh mạng được hình thành thì phải có tinh cha, huyết mẹ và cái nghiệp (thức); gene được coi như gồm cả cha mẹ rồi, còn làm sao có một nghiệp thức gá vào ngay lúc thí nghiệm? 

A: Chính vì vậy nên có phải thí nghiệm nào cũng thành công cả đâu? Nghe nói thí nghiệm về con cừu Dolly phải làm hơn 300 lần mới được; nói cách khác sự gặp gỡ giữa nghiệp thức thích hợp và phôi người chỉ có xác suất 1/300, rất là mong manh đó! 

B: Đúng vậy, mình chỉ thắc mắc một điều là tại sao thiên hạ lại có ý tạo thêm ra con người nữa làm gì? Tốn công tốn của mà đâu có ích lợi gì? Không phải quả đất hiện nay đã bị nạn nhân mãn hăm dọa sao? Thiên tai hạn hán không ngừng gây nên đói kém, sợ không nuôi nổi nhân số hiện có, nói gì đến gầy thêm con người bằng sinh sản vô tính nữa!☺☺!!

C: Mình nghĩ không phải họ muốn đơn thuần tạo thêm ra con người chung chung, mà là họ muốn “copy” thêm những thiên tài như Einstein, Mozart, Edison, v.v… để cho thiên hạ được nhờ.

A: Nhưng chắc gì những bản copy đã giống hoàn toàn những bản chánh? Chỉ mới đang trong thời kỳ thử nghiệm thôi mà! 

B: Đúng vậy, cho nên tưởng là sẽ có được những Einstein hay Mozart mà sự thật không phải, như thế là “tiền mất tật mang” hao tổn không biết bao nhiêu là công sức. Ở đây, mình càng thấy lý nhân duyên sinh mà chúng mình đã được học thật là “phê” phải không?

C: “Phê” là gì hở? 

B: “Phê” là rất có hiệu quả trong việc giải thích bất cứ việc gì trên đời này! Này nha, ví dụ như trong chuyện đưa gene người vào trong một cái trứng để thay thế sự thụ tinh thông thường thì “nhân” là cái gì? 

C: Nhân là cái gene và cái trứng chứ gì, không phải sao? 

A: Không phải, nhân là cái “thức” (nghiệp thức), còn các thứ khác kể cả các điều kiện về nhiệt độ, áp suất, về kỹ thuật và khả năng các nhà khoa học của phòng thí nghiệm, v.v... đều là duyên, nhưng nếu thiếu duyên thì thí nghiệm cũng không thể thành tựu được. 

B: Phải rồi, gene người được cấy vào trứng chỉ là một chỗ dựa vật chất (physical support) hay nói theo ngũ uẩn thì đó chỉ là phần “sắc” còn phần tâm nữa (thọ, tưởng, hành, thức).

C: Mình hiểu rồi. Nghiệp lực của thức tái sinh sẽ lựa chọn “chánh báo” và “y báo” của nó nên nếu “chịu” thì nó mới gá vào cái điểm tựa vật chất đó, nếu không thì thôi. 

A: Nói chính xác hơn là có “đồng thanh” thì mới “tương ứng”, có “đồng khí” mới “tương cầu”, nên mặc dù nghiệp thức tràn đầy trong thế giới Ta-bà này nhưng không phải bạ đâu cũng có thể gá vào, và chúng ta dùng chữ “lựa chọn” là vậy. 

B: Chính vì vậy mà đức Phật dạy nơi nào có điều kiện sống là có sinh vật, và sinh vật thì có thiên hình vạn trạng, từ những con vật khổng lồ lớn hơn con người gấp nhiều lần đến những sinh vật bé nhỏ li ti đến nỗi mắt người không thấy được đã đành, mà đến cả kính hiển vi loại thường cũng không trông thấy được!

C: Cho đến những tế bào, những vi trùng, vi khuẩn, amib, virus v.v... cũng có sự sống của nó, và tùy theo cấp độ, mang theo những nghiệp thức tương ứng. Nhưng dù lớn hay nhỏ cũng được sinh ra trong bốn cách gọi là “tứ sanh” có phải không? 

A: Phải rồi! Ba loài trước (thai sinh, noãn sinh và thấp sinh) đều có dựa vào sắc, còn loài hóa sinh không dựa vào sắc, nghĩa là không có sắc thân (body) nên mắt thường không thể thấy được.

C: Điều này đối với mình thật là mới lạ đó nha! Lâu nay mình cứ tưởng rằng hóa sinh là những loài như bướm (tằm → bướm → nhộng...) hay như muỗi, mòng (lúc đầu là trứng ở dưới nước, sinh ra cung quăng và sau đó hóa thành muỗi bay lên không khí, v.v...). Các bạn có thể cho ví dụ về một loài thuộc dạng hóa sinh không? 

B: Đã nói loài hóa sinh không dựa vào sắc (cơ thể vật chất), nghĩa là không có “thân” làm sao chúng mình thấy được mà cho bạn ví dụ? Loài này thuộc thế giới Vô sắc, và chúng ta có thể đưa một ví dụ trong sách, như ma quỷ chẳng hạn, là thuộc loại này. 

A: Đúng vậy; nói ma thì chắc bạn C nghĩ đến ghost, ma của Halloween, ma cà rồng, ma da, ma Hời, v.v... phải không? Và quỷ thì bạn nghĩ đến quỷ Dracula? 

C: Ủa, chứ không phải vậy sao? 

B: Phải chứ, nhưng đó chỉ là những ma ở ngoài, ma ở ngoài có thể là người, là quỷ thần, thiên ma, v.v... nhưng ngoài ra, còn có ma trong Tâm chúng ta nữa chứ! 

A: Phải rồi, cũng như vi trùng, có những thứ vi trùng từ ngoài xâm nhập cơ thể chúng ta qua tai, mắt, miệng, mũi, v.v… mà cũng có loại vi trùng ở ngay trong cơ thể chúng ta vậy.

C: Vậy là mình hiểu rồi, ma ở trong ta là những tư tưởng sai lầm, phải không? Đó là ngũ ấm ma? 

B: Đúng vậy, ma là tất cả những cái gì quấy phá mình, ngăn cản sự tu học của mình, làm tổn hại sự an lạc của mình, v.v... Ma ở ngoài còn dễ nhận ra chứ ma trong Tâm mình rất khó nhận ra.

C: Nhưng chúng mình hãy trở lại định nghĩa “hóa sinh” đi chứ. Hồi nãy các bạn nói rằng ma quỷ thuộc loài hóa sinh? Tại sao nói vậy? 

A: Chứ không phải sao? Ma bên ngoài, bạn không nghe người ta thường nói “ma hiện ra” hay sao? Ma ở ngoài thì do nghiệp cảm, có người thấy được có người không thấy, còn ma trong tâm mình thì như ma tham, ma sân, ma si chẳng hạn (nói về 3 thứ ma quen thuộc này) không phải chúng là không hình, không tướng sao? Nó xuất hiện bất ngờ trong tâm ta, quậy phá ta nhiều hay ít, thô hay tế, hại chúng ta mất sự an lạc, sự khôn ngoan, trầm tĩnh cho đến hại chúng ta đến thân bại danh liệt... Khi ma tham, ma sân, ma si “có mặt” thì chúng ta như trở thành một người khác, cũng giống như vi trùng, vi khuẩn xâm nhập quấy phá cơ thể chúng ta vậy, nếu chúng ta “trị” được chúng thì mới ra khỏi (tâm) bệnh được.

C: Như vậy cái “mụt nhọt mặt người” bất trị làm cho quốc sư Ngộ Đạt đau đớn, là “oan gia” của Ngài từ nhiều kiếp trước, hiện ra để báo oán có phải là một ví dụ của loài hóa sanh không? 

B: Không phải, vì cái mụt nhọt đó tuy cũng là do nghiệp thức của “kẻ oan gia” nhưng có mượn da thịt của ngài Ngộ Đạt để làm “thân” mà hiện ra, có nghĩa là thuộc về Sắc giới, không phải Vô sắc. 

A: Về tâm cảnh hiện tiền của chúng ta, kinh Lăng Nghiêm dạy có năm nhóm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (chúng ta gọi là năm uẩn hay năm ấm). Đó là năm đám mây mù thói quen phân biệt che lấp tâm tính chúng ta, vì vậy mà được gọi là ngũ ấm ma. Kinh còn nói rõ các ma thuộc về ấm nào (sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm hay thức ấm)

C: Cảm ơn các bạn, mình đã hiểu rồi. Còn một vấn đề này nữa: các em của mình hỏi rằng những con robot có tình cảm, biết biểu lộ sự vui, buồn, sợ hãi, ngạc nhiên, v.v... (Kismet: the emotional robot) có thể gọi là “người” hay “sinh vật” được không? 

B: Mình nghĩ là không, vì đó không khác gì những đồ chơi, do con người tạo ra, có những nút bấm, có cho dòng điện vào v.v... nó mới hoạt động được như vậy, nó không phải do nghiệp lực hướng dẫn. 

A: Mình cũng nghĩ như vậy, trái lại những sinh vật bé li ti mắt thường không thấy được nhưng chúng cũng có đời sống, có sinh diệt, nghĩa là có một “nghiệp thức” thì mới có thể gọi là sinh vật được. 

C: Làm sao biết được trong con amib có một nghiệp thức?

B: Tại vì dù nó là thấp sinh hay noãn sinh, phải có một nghiệp thức, tức là một năng lực sống mang tính chất cá thể nhập vào thì mới có sự sống, mới thành một sinh vật, một con amib được. Ví dụ, nhìn qua kính hiển vi chúng ta có thể thấy được nó đang chuyển động...

C: Buổi nói chuyện hôm nay thật là vui và ích lợi đối với mình; mình đã có thể trả lời với các em về “human cloning” có phải là một trong “tứ sinh” hay không, và ma quỷ thuộc về hóa sanh... nữa! 

A: Nhưng chúng mình không dám quyết đoán ngũ ấm ma cũng là một loài hóa sanh như thiên ma, ma gia, v.v... đâu đó nha, chỉ là suy diễn thôi, còn phải hỏi lại quý Thầy nữa đó! Chúng ta chỉ là áp dụng sự hiểu biết về ngũ ấm ma vào sự tu tập “xoay cái nhìn vào bên trong” để thấy ma (nội ma) trong tâm mình mà tinh tấn diệt trừ trước khi tìm cách diệt trừ “ngoại chướng”. 

B: Đúng vậy, chúng ta nói chuyện với nhau thì được còn đem giảng cho các em thì phải biết chắc chắn mới nói đó!☺☺!!

A: Phải rồi, những gì thuộc về Sắc giới và Vô sắc giới chúng ta chỉ là nói theo kinh sách thôi, làm sao chúng ta có thể gọi là “thấy” hay “biết” được.

C: Mình hiểu rồi. Tạm biệt các bạn, hẹn lần sau nha! 

A và B: Tạm biệt, tạm biệt! 

[Tập San Pháp Luân.32.Tr,68.2006]