Mặc dù tôi rất ngưỡng mộ những bậc anh hùng hào kiệt, nhất là những bậc nữ lưu trong sử sách nước nhà hay ngoại quốc, tôi say mê đọc về cuộc đời họ, nhưng cuộc sống của tôi, cha mẹ tôi, bạn bè tôi, v.v… lại rất bình thường, không có một chút gì xuất sắc. Đại gia đình của tôi hầu hết là nhà giáo, Ba Mạ tôi, các Dì Cậu tôi, các chị em của tôi cũng vậy, đều là nhà giáo, cái nghề được cho là đạm bạc nhất, bạc bẽo nhất… Thế nhưng có lẽ chúng tôi không thấy như vậy nên mới “nối nghiệp” nhau nhiều đời làm nghề này chăng? !☺☺ !!
Nếu chỉ nói đến nghề thầy giáo thì còn hơi thiếu một chút đối với tôi, vì ngoài đời thường tôi là “cô giáo”, còn trong Đạo tôi là chị trưởng, hay một huynh trưởng Gia đình Phật tử (GĐPT). Nghề Thầy giúp tôi những kinh nghiệm về sư phạm, về chuyên môn, còn nghề Trưởng giúp tôi những kinh nghiệm về tình thương, sự chăm sóc của người chị, người mẹ đối với đàn em, đàn con của mình… Vì thế lúc ban đầu, tôi là một cô giáo trẻ mới ra trường đã được trang bị thêm tinh thần “hiểu và thương” của người chị Trưởng GĐPT. Có lẽ vì vậy, tôi yêu nghề từ khi chưa vào trường Sư Phạm! Còn nhớ ngày đầu tiên sinh viên Sư Phạm của 7 ban học chung trong giờ Tâm lý sư phạm, giáo sư hỏi: “trong này có bao nhiêu anh chị thi vào Sư Phạm vì yêu nghề, yêu trẻ?” Tôi không ngần ngại giơ tay lên. Sau đó tôi thấy hơi “quê” vì trong hơn 50 sinh viên, chỉ có 4, 5 người giơ tay thôi!! ☺☺ !!
Nói về tình nghĩa Thầy Trò, xưa nay thật là nhiều người đã nói đến, nhiều bài văn hay nổi tiếng lưu truyền… cho nên đây không phải là chuyện tôi muốn lặp lại với mớ kinh nghiệm quá ít ỏi của mình. Ở đây chỉ xin nhắc lại vài kỷ niệm vui vui của một thời làm học trò, làm cô giáo, làm em đoàn sinh, làm Chị Trưởng… Mong rằng qua đó, dù không cần nói ra, chúng ta vẫn hiểu được đâu là nghĩa Thầy Trò, đâu là tình Lam thắm đượm.
Trước hết là một kỷ niệm học trò của thời thơ ấu. Chúng tôi là học sinh lớp ba trường tiểu học ở Hội An với thầy Bùi Cam. Hôm ấy, Thầy dạy về hình khối chữ nhật (bây giờ mới viết lại rõ ràng được như vậy chứ hồi đó không hề biết mục đích của Thầy). Thầy chỉ vào cái bàn của thầy giáo ngồi, hỏi: “cái bàn này có mấy mặt?” Chúng tôi nhao nhao: dạ 4 mặt, dạ 5 mặt, dạ 6 mặt… Thầy đi quanh bàn và đếm to: 1, 2, 3, 4, 5, 6! Tôi cãi ngay: “dạ thưa Thầy chỉ có 4 thôi!” Trên thực tế, bàn thầy giáo chỉ có 4 mặt là kín, nghĩa là có 4 mặt bằng gỗ: mặt trên, 2 mặt bên và mặt trước; còn mặt đáy và mặt sau phía thầy giáo ngồi thì phải để hở (trống). Thế là Thầy bảo “em nào nói 4 mặt, 5 mặt thì đứng ra”. Hầu hết cả lớp đều đứng ra. Thầy bắt “nhảy thỏ” hết, từ đầu lớp đến cuối lớp; nhảy thỏ là ngồi xổm xuống đất, chống 2 tay xuống mặt đất rồi nhảy bằng 4 “chân”! Có khi Thầy dùng roi quất vào mông những bạn nghịch ngợm phá phách hay không chịu học bài, làm bài, v.v... nữa. Chúng tôi rất sợ thầy nhưng luôn kính mến và vâng lời thầy. Bây giờ ở Mỹ mà đem chuyện này kể cho ai nghe thì nhất định họ không tin và “kết tội” thầy giáo là “child abuse” liền! Còn hồi đó, không những học sinh mà cả phụ huynh học sinh cũng đều yêu mến kính trọng và tin tưởng thầy.
Trước khi nói về thời kỳ làm cô giáo, làm chị Trưởng, xin kể vài kỷ niệm nhỏ của thời kỳ “làm em”, làm học trò trong GĐPT. Từ hồi còn là một thiếu nữ của GĐPT Gia Thiện, tôi đã được các chị Trưởng như chị Đào, chị Tịnh Nhơn chăm sóc, dạy bảo từ những cử chỉ, ý tứ nhỏ nhiệm của người con gái, cho đến những việc “khéo tay hay làm”, như cắt khăn giấy, rút chỉ khăn mouchoir, làm bánh, kẹo, dọn bàn tiệc, v.v… những việc đó ở trường cũng có dạy nhưng phần thực tập là ở những buổi họp Đoàn, những buổi lễ đặc biệt của GĐPT (như sinh nhật Đoàn, chu niên Gia đình, sinh nhật các chị và các bạn đoàn sinh…); mỗi kỳ đi trại thì đến ở lại nhà các Chị để sáng sớm mai cùng khởi hành một lúc, những ngày chuẩn bị Phật Đản, văn nghệ Vu Lan… cũng đến nhà các chị thức khuya để kết hoa, tập hát tập múa… tình chị em được vun bồi từ những sinh hoạt hằng tuần và những sinh hoạt đặc biệt đó. Sau đó, chúng tôi, thiếu nữ của những đơn vị Hướng Thiện, Gia Thiện, Hương Đạo, Chơn Tri, v.v... được tập trung về một đoàn Thiếu Nữ của Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên là đoàn Liên Hương. Tại đây, ngoài chị Tịnh Nhơn và chị Đào, chúng tôi được thêm nhiều chị trưởng khác chung sức đào tạo như chị Kim Cúc, chị Tuy An, chị Quỳnh Hoa, chị Lệ Minh, v.v... Về Phật pháp thì được sư bà Diệu Không, thầy Đức Tâm, thầy Thiên Ân, sư cô Thể Quán, sư cô Thể Thanh, sư cô Cát Tường, v.v... trực tiếp giảng dạy (sau này đều gọi là sư bà Thể Quán, SB Thể Thanh, SB Cát Tường, v.v...)
GĐPT cứ như vậy tiếp nối. Các Chị lo cho chúng tôi, còn chúng tôi lo cho đàn em của mình. Việc làm của người Huynh trưởng GĐPT không có ai trả lương, không có danh vọng địa vị gì mà đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và đôi khi cả tiền bạc nữa! ☺☺ !! Nhưng không có ai than van hay đòi “xuống đường tranh đấu cho quyền lợi” cả! Cái dây vô hình buộc chặt người Huynh trưởng vào với GĐPT chính là Tình Lam. Anh Chị Em (ACE) Áo Lam thương yêu nhau như ruột thịt, có khi còn thân hơn ACE ruột vì có nhiều chuyện ACE trong nhà mà không hiểu nhau bằng ACE trong cùng Đơn vị GĐPT.
Về giai đoạn làm học trò trong nhà trường, tôi cũng có nhiều kỷ niệm đã viết trong “Tự điển Thầy Cô giáo” rồi, quá dài nên không thể chép vào đây, chỉ xin nhắc lại là có những người Thầy Cô giáo chúng tôi đã thật sự coi họ như là cha mẹ, là người kỹ sư tâm hồn của mình, đã vẽ lên tâm hồn trẻ thơ của mình những nét đẹp khó quên, đã ảnh hưởng sâu đậm lên tâm tư tình cảm, đã hướng dẫn mình đi trên con đường chân thiện mỹ sau này. Chính những vị Thầy Cô giáo đã giảng dạy, rèn luyện cho chúng tôi tình yêu quê hương, yêu những nét đẹp Đông phương, những truyền thống tốt đẹp của đạo đức, văn hóa dân tộc, v.v... những điều rất có lợi cho chúng tôi trong việc áp dụng dạy cho các em nhỏ ở hải ngoại sau này - điều mà trước đây không bao giờ được nghĩ đến! ☺☺!!
Hành trang vào đời của con là lòng biết ơn quí Thầy, quí Sư bà, Sư cô dạy Phật pháp trong GĐPT, quí vị giáo viên, giáo sư đã dạy chúng con từ Tiểu học đến Đại học, quí Anh Chị Trưởng của chúng con trong GĐPT… dù bây giờ quí vị đang còn tại thế hay đã rời khỏi thế giới này, con vẫn cảm thấy như quí vị vẫn hiện diện trong lòng con, sẵn sàng chỉ bảo và hướng dẫn con luôn đi đúng đường để giữ được cuộc sống tốt đẹp.
Sau cùng là xin kể về các em học sinh của tôi, các em đoàn sinh và huynh trưởng trẻ trong GĐPT, mà tôi cũng xem như là những ân nhân nhỏ bé dễ thương trong cuộc đời của mình. Có một điều trùng hợp rất vui là các em đoàn sinh GĐPT thường cũng vừa là học sinh của tôi ở trường (ở Đồng Khánh Huế cũng vậy mà ở Nữ Trung Học Qui Nhơn cũng vậy). Người ta thường nói “gia bần tri hiếu tử…”; vì vậy, trong cuộc sống bình lặng nhiều khi tình cảm không được bộc lộ như khi có những biến cố chợt đến… Ví dụ cụ thể như trước năm 1975 tình thầy trò giữa cô giáo và nữ sinh Đồng Khánh, Nữ Trung Học Qui Nhơn, v.v... rất “thơ mộng lãng mạn”, các em viết thư cho cô giáo, bỏ vào trong cặp cô hoặc có khi nhét vào đó những trái me, trái khế hay những gói ô mai ngọt ngào… Mạ tôi phải ngạc nhiên thốt lên: “Cô giáo với học trò mà có gì phải thư từ hằng ngày vậy? Thời nay thật lạ quá, hồi mạ đi học, sợ Thầy Cô như sợ cọp, có đâu mà tình tứ như vậy!” ☺☺ !! Có em thì giận cô giáo và bỏ học ngày cô giáo đi lấy chồng! (làm cô giáo lo muốn chết!). Những niềm vui, nỗi lo trong sáng ấy sau 75 không còn nữa nhưng tình thầy trò thì không bao giờ mất, nó chỉ “biến hóa” ra cách khác thôi, cũng như nước và sóng hay mây và mưa vậy.
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, các nhà trường trong cả nước đều có khuôn mặt mới. Lúc đó, tôi đang dạy ở trường Trưng Vương (tên mới của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn) và đây không còn là trường của nữ sinh như trước kia nữa mà là trường hỗn hợp (mixte) có cả nam sinh lẫn nữ sinh. Thầy cô giáo ngoài việc giảng dạy trên lớp còn phải hướng dẫn học sinh đi lao động hằng tuần như trồng cây, hay có khi lên các vùng Kinh tế mới như Tăng Vinh, cách Qui Nhơn hơn 40 km; đi như vậy thì phải ở lại nhiều ngày. Các con tôi đang còn nhỏ, 4 đứa, đứa lớn nhất 10 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Cha thì đi “học tập” mẹ thì phải đưa học sinh đi lao động nên các em học sinh của tôi và các em đoàn sinh trong GĐPT tự động thay phiên đến nhà lo cho các cháu nhỏ. Các em học sinh của buổi giao thời này hình như trưởng thành hơn các em học sinh ngày xưa, có lẽ vì đã được chính mắt chứng kiến những đổi thay đột ngột của đất nước, của thời cuộc... Ở trên đất lao động, học sinh của tôi tự động điều khiển nhau, phân công nhau làm tất cả mọi việc, để cho cô giáo nghỉ ngơi; cô giáo chỉ đứng coi các em làm việc (chứ đâu có biết gì hơn các em mà hướng dẫn!☺☺!!) Đến giờ ăn các em còn múc cơm và thức ăn để dành riêng cho cô vì sợ “Cô làm sao mà ăn kịp tụi em, rồi Cô đói sao!” nữa chứ! Tình thầy trò vẫn ấm áp như bao giờ. Đặc biệt các em nữ sinh đi lao động vẫn đem theo ô mai, me cam thảo và còn nhớ bới thêm cho cô giáo nữa; lại có em đem đến cho tôi một hũ muối sả thật lớn và thơm phức, nói rằng “của má em làm, gởi biếu Cô”. Thế là tôi có quà để cho cả lớp được ăn những bữa cơm ngon miệng chứ không chỉ là “canh bí muôn năm” như mọi khi. Đó là về tình cảm, còn về học lực, sau 75 cũng có nhiều em học sinh xuất sắc mà sau này khi gặp lại, người thầy cô giáo không khỏi tự hào được thấy các em đều đã thành công trên đường đời.
Riêng tôi cũng có một kỷ niệm đẹp: Vào những năm 90-91, tôi ghi tên học mấy lớp Computer ở Đại học Bách khoa Sàigòn vì lúc tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Lý Hóa (năm 61, Huế) chưa có môn học này. Tình cờ được gặp lại một em học sinh giỏi của mình, đã học với mình trước đây ở lớp 12 trường Trưng Vương Qui Nhơn, bây giờ em là giáo sư của trường Bách khoa, dạy về ngành Điện toán (Computer). Em không những vồn vã chào hỏi cô giáo ngày xưa mà còn tình nguyện dạy riêng cho cô những lớp dễ, “để cô khỏi tốn tiền học phí nhiều quá” nữa! Sau đó, chính thức ghi danh vào các lớp trên, cũng vào đúng lớp em phụ trách! Giờ đầu tiên vào lớp, khi các sinh viên đứng lên chào giáo sư, em nói với họ: “từ nay các anh chị khỏi đứng lên chào tôi, vì có cô giáo cũ của tôi trong lớp này”. Các bạn thấy có giống câu chuyện ông Carnot, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp, được ca tụng là người đã nên danh phận nhưng không quên thầy giáo cũ, mỗi lần về quê thăm nhà đều ghé lại trường làng thăm Thầy giáo và nói chuyện với học sinh, kể lại công ơn Thầy đã dạy dỗ mình năm xưa, v.v... Tôi rất tự hào là học sinh Việt Nam cũng có nhiều em giống như ông Carnot vậy, tài đức vẹn toàn mà luôn khiêm tốn, giản dị, đầy lòng biết ơn mặc dù giờ đây mình cũng là một ông Thầy, một bà Cô… lại là thầy giáo, cô giáo dạy đại học nữa! Thật vậy, ở Pháp, ở Đức, ở Úc, ở Việt Nam những học sinh cũ của tôi bây giờ rất nhiều em đã có rất nhiều bằng cấp Ph.D về nhiều bộ môn; đó là ở Đời. Còn nói về Đạo thì có những em học sinh cũ của tôi đã trở thành những tu sĩ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, những vị Đại đức, Sư cô, Linh mục, Mục sư… mỗi lần gặp lại, vẫn không có gì khác xưa… tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì cảm nhận được cái gì là tình nghĩa thầy trò Việt Nam! Bởi vì chỉ ở những con người Việt Nam mới có như vậy. Ở Tây phương, cụ thể ở Mỹ mà tôi đang sống, người ta rất lịch sự với nhau nhưng phần đông học sinh sẽ quên ngay thầy cô giáo dạy mình niên học trước chứ đừng nói gì là 5, 10 năm sau! ☺☺ !! Còn một cô giáo Việt Nam như tôi, đã xa trường từ gần 30 năm nay thì mãi đến bây giờ vẫn còn nhận được quà của học trò từ phương xa gởi tới! Có một món quà đặc biệt có thể làm xúc động mọi người: một em nữ sinh (ngày xưa 17 nhưng bây giờ đã 50 tuổi rồi đó) đã ngồi thêu để tặng cho cô giáo năm xưa một bức tượng Quán Thế Âm, mất cả tháng trời, trong khi bản thân mình thờ đức mẹ Maria! Nếu kể cho hết những cách bày tỏ tấm lòng của mình đối với Thầy Cô giáo thì không bút mực nào kể hết được!
Tình nghĩa Thầy Trò đối với người Việt Nam là một tình cảm rất chân thật, bình thường và tự nhiên, nhưng trong cái bình thường đó chứa đựng thực tại nhiệm mầu của sự tươi mát, của tình người, của cái đẹp vừa mong manh vừa vĩnh cửu, trong từng giây phút, đã và đang hiện diện quanh mình. Không phải sao? Khi ta nhắc đến Thầy Cô giáo dù là Thầy dạy chữ, dạy nghề hay dạy Đạo, không phải ta cảm thấy hạnh phúc, và những kỷ niệm của thời học trò được coi là tuyệt đẹp hay sao?
Xin mời các Bạn đọc bài thơ sau đây của nhà thơ Quách Thoại, khi ngắm một bông hoa Thược Dược nở bên hàng giậu, một hiện tượng rất đơn giản và quen mắt nhưng thi sĩ đã nắm bắt được thực tại nhiệm mầu nên đã viết nên những câu thơ bất hủ được nhiều người ca tụng:
Đứng yên ngoài hàng giậu,
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Và thoảng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi dầu
** Con cũng xin “sụp lạy cúi đầu” với lòng biết ơn sâu sắc trước,
quý ân sư đã dạy Phật pháp và đạo đức cho con,
quý Thầy Cô giáo ở trường ngày xưa của con,
quý Anh Chị Trưởng hiện còn trên đời hay đã khuất của em.
** Cũng xin “sụp lạy cúi đầu” trước những em học sinh cũ của tôi, những em đoàn sinh của Chị, những con người biết nhìn dòng lịch sử trôi qua trước mắt mình, biết ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển, biết nghe tiếng sóng biển hay tiếng suối để trầm tư về con người và cuộc đời, các em là những đóa hoa muôn màu muôn vẻ của trí tuệ và kiến thức… Xin cảm ơn tất cả các em vì các em đã từng là hoa, là nắng, là ánh sáng tươi vui trong cuộc đời tôi.■
[Tập San Pháp Luân.31.Tr,67.2006]