D… H… thân thương.
Trước khi là thầy của Em, anh đã là anh của Em. Bốn mươi năm về trước, năm 1963, sinh hoạt trong GĐPT Phú Lâm, em là một nữ oanh vũ thuộc lớp đoàn sinh nhỏ tuổi nhất của gia đình. Năm ấy, anh giã từ Huế để vào Qui Nhơn dạy học, chị L… nhắc các em viết thư cho anh. Trong số mấy chục đoàn sinh ấy, chỉ có nữ oanh vũ bé bỏng D… H… biết bỏ chút thì giờ để viết thư thăm anh Liên đoàn trưởng. Vậy là ngay từ thuở còn là một học sinh tiểu học, em đã biết sống có tình có nghĩa như người lớn.
Hơn mười năm qua, ở Sài Gòn, dù bị bệnh nan y, Em vẫn giữ nguyên lối sống tình nghĩa ấy. Mấy năm qua, anh được biết Em thường thăm viếng và tặng quà nhiều Thầy Cô. Với anh và chị M… H…, hầu như lần thăm viếng nào Em cũng cho quà. Anh nhớ có lần Em đến thăm vào dịp tết và tặng anh chị một bông hoa màu vàng. Em nói sở dĩ tặng anh chị bông hoa ấy là vì nhớ lại ngày xưa anh có giảng câu thơ của một cô gái phường vải tài sắc tên Cúc đã mượn màu vàng sang quý để biện minh cho duyên phận của mình: “Vì chưng mang chút nhị vàng. Cho nên cúc phải muộn màng sang thu.”
Trong lần thăm viếng cuối cùng, Em tặng anh chị một bình hoa có màu lục nhạt. Tết này, chị M… H… sẽ cắm vào đó những bông hoa màu vàng để tưởng nhớ Em và đồng thời cầu chúc cho tình thân ái của những ai đã có một thời chung sống trong vườn địa đàng mang tên Đồng Khánh được tươi thắm mãi.
Ai đó đã viết một câu đối rất hay về cuộc sống và cái chết: “Hãy sống như hoa mùa hạ. Hãy chết như lá mùa thu”. D… H…! Em là bông hoa mùa hạ tràn đầy sức sống mãnh liệt ấy. Em đã vượt lên trên nỗi tuyệt vọng của người mắc bệnh nan y để sống tình nghĩa với người và lạc quan với đời. Khi bệnh mới phát sinh cũng như lúc bệnh đã trở nên trầm trọng, trước sau Em vẫn quyết tâm không cho anh và nhiều thân hữu khác biết để thăm viếng và chia sẻ. Bằng sự chịu đựng khác thường, Em đã âm thầm giữ riêng cho mình tất cả nỗi khổ đau của bệnh và tử để trong nhận thức của nhiều người, sự xả bỏ thân tứ đại của Em trở nên nhẹ nhàng như chiếc lá thu rơi.
Chuyện cổ Phật giáo kể rằng có một người mẹ đau buồn vì cái chết của đứa con thơ đã đến cầu xin Phật tổ cứu sống con mình. Phật dạy bà hãy tìm đến nhà nào không có người chết, xin một ít tro bếp hòa vào nước cho con uống thì con bà sẽ sống lại. Tất nhiên bà mẹ đáng thương kia không thể tìm ra tro bếp của nhà không có người chết. Nhưng qua lần kiếm tìm vô vọng ấy, bà đã ngộ được cái sự thật về lẽ tử sinh ở đời. Có sống thì có chết, tất yếu như có ngày thì phải có đêm. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho người trí khi còn được sống là hãy sống đầy đủ, sống trọn vẹn nghĩa tình. Hãy sống đẹp như bông hoa kia vẫn tươi sắc và ngát hương trong cái nắng như thiêu đốt của mặt trời mùa hạ. Để rồi, khi cái chết đến, không tiếc nuối, không khổ đau, hãy chia tay cuộc sống một cách nhẹ nhàng như “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.
D… H… thương mến,
Ngày xưa, mỗi lần kết thúc buổi họp đoàn, anh chị em chúng ta thường nối một vòng tay lớn để hát bài Dây thân ái: “Dây thân ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa.” Hôm nay, chia tay Em lần cuối cùng, anh như nghe vang vọng đâu đây lời ca ấy: “Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gang thép, ta chia tay đừng buồn.”
Vĩnh biệt Em D… H…, bông hoa mùa hạ của GĐPT Phú Lâm, của các Thầy, các Cô và tất cả cựu nữ sinh Đồng Khánh-Huế.
Chùa sư nữ Thiên Long, ngày Lễ chung tuần của Phật tử D… H…
[Tập San Pháp Luân.31.Tr,65.2006]