Má còn đâu nữa mà về

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tết qua mới có mấy ngày,
Trời cao có thấu, Đất dày có nghe?
Còn Xuân đâu đã tới Hè
Mà sao tiếng Quốc tiếng Ve đoạn trường?

 

Thưa Má,

Thắm thoát mà đã mười lăm năm, mười lăm mùa Vu Lan Báo Hiếu, mười lăm lần Mother’s Day, Ngày Của Mẹ! Ngày này năm nào con cũng mơ ước được về thăm Má cho mãi đến năm nay, đã qua hơn mười lăm năm, kể từ ngày con bỏ Ba Má ra đi, con thật không còn hi vọng gì... 

“Bỏ Ba Má ra đi”, mấy chữ nghe như đứt ruột, phô bày hình ảnh đứa con bất hiếu, bỏ mặc Cha Mẹ già yếu, không dưỡng nuôi, chăm sóc..., muôn phần lỗi đạo với câu: “Phụ Mẫu tại đường, bất khả viễn du”, cha mẹ còn sanh tiền không thể bỏ đi xa, nhưng biết làm sao hơn khi đây lại chính là tâm nguyện của Ba Má. Ba Má muốn tụi con phải ra đi, đi cho lũ cháu nội của Ba Má, mai sau, lớn lên sẽ hãnh diện được sống đời một Con Người. Con Người, viết hoa, với những ý nghĩa, tối thiểu, theo quan điểm của xã hội văn minh. 

Mười lăm năm trôi qua như một giấc mộng. Giấc mộng không êm đềm làm con trở giấc và giày xé lòng con. 

Bốn năm sau ngày con đi, Ba đã nhắm mắt lìa đời. Con không có hy vọng sẽ nhìn lại được Ba kể từ ngày chiếc ghe dài tám mét rưỡi của con xuôi theo dòng sông Hậu trôi ra cửa bể Trần Đề, vì lúc ấy bệnh Ba cũng đã khá nặng, phải nằm một chỗ. Ba chịu đựng thêm được bốn năm cũng là một ân điển của Trời Phật. Niềm mơ ước còn lại của con chỉ còn bám vào chút hy vọng rằng: Má còn khỏe mạnh, rồi đây thế nào con cũng sẽ về để được gặp lại Má, được phụng dưỡng Má, không nhiều thì ít nhưng... 

Cho đến Tết vừa qua, con mới biết rằng ước vọng của mình không bao giờ thực hiện được nữa! Má đã mỏi mòn, không thể đợi, không còn chờ con! 

Ngày giỗ đầu tiên của Má năm nay, con phải ăn chay thêm một ngày. Con nói đến chữ “thêm” là vì, có lẽ, cho mãi đến ngày lìa xa dương thế, từ một cõi an bình nhìn xuống, Má mới hiểu rằng: Thằng con trai xa nhà rất sớm của Má chỉ ăn chay được mỗi năm có một ngày. 

Thật là con của Má chẳng giống ai! Người ta ăn Trường chay, Thập chay, Lục chay, hay tệ lắm thì cũng Sóc, Vọng giao hội, nghĩa là mồng Một, ngày Rằm, mỗi tháng cũng được hai ngày. Hai ngày mà con còn không “tu” nổi, nói chi đến cái khổ hạnh của bậc xuất gia. Tuy vậy, con đường tìm đến chân lý trong đạo Phật cũng không dành riêng cho bậc Cao tăng đắc đạo, hoặc cho các nhà tu hành khổ hạnh, mà Pháp Phật mở ra cho tất cả mọi loài chúng sanh biết Giác ngộ. 

* * *

Con biết chút ít về đạo Phật: cốt lõi của Phật tính nằm trong cái Tâm. Triết lý về chữ Tâm trong Phật giáo vừa bình dị, vừa cao siêu. Câu chuyện dân gian về “Sự tích con chim Thầy chùa” mà Má kể cho con nghe, ngày con còn bé đến nay con vẫn nhớ nằm lòng. Má kể rằng...

 “Ngày xửa, ngày xưa... có một nhà sư, trên đường đến Thiên Trúc bái kiến đức Thế Tôn, đã gặp một tên đồ tể mổ heo, chuyên cướp của, giết người. Kẻ cướp gặp Thầy tu! Một sự diện kiến bất hạnh cho kẻ tu hành, vì bạo lực nên chỉ biết có giết chóc và hủy diệt! Vậy mà nhà sư đã cảm hóa được tên đồ tể! Tất cả chúng sanh đều có Phật tính! Sau khi, từ tò mò đến chăm chú, bị nhà sư dẫn đi từ Sinh, Lão, Bệnh, Tử khổ đến giải thoát luân hồi và sự tu tập để tìm về cõi Thanh tịnh theo pháp Phật, tên đồ tể hỏi: 

- Vậy đức Phật “dụng” cái chi?

Nhà sư đáp ngay:

- Đức Phật “dụng” Tâm. Vạn sự do Tâm!

Nghe đến đây tên đồ tể bỗng nhiên “Ngộ” được Đạo.

Y ngồi xuống vệ đường, cầm con dao đồ tể tự mổ bụng mình, moi ra quả tim đang đập nóng hổi trao cho nhà sư và dặn: 

- Suốt đời tôi ngu muội, giết hại không biết bao người vô tội. Nay nhờ Thầy điểm hóa, tôi mới biết được tội nghiệt. Tôi thành tâm sám hối! Xin Thầy đem cái “Tâm” của tôi dâng lên Phật! Tôi nguyện cúng dường quả tim hướng thiện hồi đầu của mình cho đức Thế Tôn để xin chuộc tội. Nói xong, y chăm chú nhìn nhà sư một hồi rồi mới ngã xuống từ từ nhắm mắt. 

Nhà sư kinh hoảng thất thần nhưng cuối cùng cũng thu gói quả tim của tên đồ tể mang theo lên đường cho tròn lời ủy thác. 

Cuộc hành trình tiếp tục.

Vài hôm đầu, vị sư còn cố chịu đựng được cái quả tim kỳ cục, nhưng càng về sau, dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời, quả tim nhục thể trương sình lên và tỏa mùi hôi thối không sao chịu đựng nổi. Không quên sự ký thác của “thân chủ”, nhưng sức chịu đựng cũng có giới hạn nên đến chiều hôm đó nhà sư đành phải vất cái “của nợ” sang vệ đường. 

Trải qua không biết bao gian nan vất vả, giống như thầy Huyền Trang đi thỉnh kinh, cuối cùng rồi nhà sư cũng đến được đất Phật. 

Khi vào chánh điện chầu Phật, tường thuật mọi diễn tiến của cuộc hành trình, nhà sư đã quên mất chuyện tên đồ tể. Sau buổi lễ, Phật mới gọi ông đến và hỏi:

- Trên đường đi, có ai gửi ông mang giúp vật gì chăng?

Nhà sư ngẩn người một chốc, sực nhớ lại. Ông lật đật quỳ xuống:

- Bạch đức Thế Tôn. Con đã nhận lời mang quả tim của một người cải ác hoàn thiện cúng dường Như Lai nhưng vì mùi hôi thối quá khó chịu trong nhiều ngày nên con đã vất lại bên đường. 

Đức Phật nhìn ông, vẫn giọng hiền từ chậm rãi:

- Vậy là ông đã phụ lòng một người có thiện tâm rồi!

Biết mình có lỗi, nhà sư lạy từ giã đức Phật rồi trở lại con đường cũ mong tìm cho được quả tim của tên đồ tể. Nhưng hỡi ôi! Rừng núi điệp trùng! Thời gian lại đã quá lâu. Quả tim, nếu không là mồi ngon cho hổ báo, sài lang, kên kên, quà quạ... thì cũng đã bị thối rữa với gió mưa, thời tiết. Còn đâu mà tìm?

Tìm kiếm mỏi mòn, cho đến một hôm kiệt sức, nhà sư đã gục ngã trên cuộc hành trình. Từ thân xác ông, một loài chim lạ hình thành và vẫn tiếp tục sứ mạng vác mỏ cốc... cốc... đi tìm quả tim khắp sơn cùng, thủy tận. Dân gian mới đặt tên cho loài chim này là “Chim Thầy chùa”.

“Chim Thầy chùa” là loài chim có rất nhiều ở đồng bằng miền Nam dạo trước. Đó là giống chim có vóc dáng tương đương với chim Tu hú, chim Quạ, đầu và cổ màu đen, thân và cánh màu đà (nâu sậm), trên đỉnh đầu có chóp lông màu đen giống như cái mão của Thầy tu. Mỗi trưa hè thanh vắng, tiếng chim khoan, nhặt đều đều cốc... cốc... cốc... giống như tiếng mõ cầu kinh. Có lẽ do hình dạng và tiếng kêu nên dân gian mới đặt tên là Chim Thầy chùa? (Loài chim này cũng như loài diều hâu và quạ đen, không còn thấy ở quê mình vào giữa thập niên 60 nữa). 

Câu chuyện Má kể con nghe hồi bảy, tám tuổi với tựa đề “Sự tích con chim Thầy chùa.” Đến tuổi trưởng thành, con hiểu mẩu chuyện trên qua ý nghĩa “Đồ tể buông dao thành Phật.” Ngày nay, tuổi đã xế chiều, đọc và hiểu thêm kinh Phật, con phát giác cái chữ Tâm siêu thoát của Phật giáo ẩn tàng trong câu chuyện có vẻ vô cùng bình dân, cổ tích nêu trên. 

Ba giai đoạn của cuộc đời, cùng một mẩu chuyện, con tìm thấy ba ý nghĩa khác nhau. Thật ra còn bao nhiêu nghĩa nữa trong câu chuyện trên con vẫn chưa hiểu hết...! Ngay cả cái hiểu của con vừa kể, không biết đúng hay sai?

* * *

Trở về chuyện ăn chay chỉ một ngày của con, con chắc Má thừa biết rằng, từ lúc nhỏ, đứa con của Má vốn đủ thói hư tật xấu: lười biếng, ưa ăn ngon, thích mặc đẹp, lánh nặng, tìm nhẹ, trốn học... Nghĩa là, cái gì tệ nhất trong các đứa trẻ là có... con! Duy có một điều Má cũng biết chắc ở con là: Con thương Má vô cùng! Hồi ấy, khoảng năm sáu tuổi... “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều..., mẹ tôi nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp....” 

Vâng, Má dẫn con đi học không biết bao nhiêu lần, trên con đường, giống như trong bài văn của Thanh Tịnh. Có điều con đường không dài lắm chỉ hơn hai trăm mét thôi. Thế nên, dẫn con đến trường xong, Má yên tâm quay lưng ra về. Về đến nhà thì Má cũng thấy con đứng kế bên! Má lại níu tay con kéo đi trở lại trường. Con rùn người trì lại nhưng khi Má chảy nước mắt thì con lại riu ríu ôm cặp một mình đến lớp. 

“Con đi Má dắt con đi,

Con thi trường học, Má thi trường đời.”

(Ca dao)

Má dắt con đi, con thi trường học..., con thi rớt! Con không mang về cho Má một mảnh bằng to lớn hay một học vị cao quý nào để đáp ơn sinh thành dưỡng dục... Con chỉ mang về cho Má nỗi lo canh cánh ngày đêm. Đó là “mảnh bằng” tác chiến với bốn lần bị thương trận, lần nào cũng thập tử nhất sanh, như cách nói của Má. Trong khi đi thi ở trường đời, Má cũng vì con mà... trượt lên, trượt xuống: Nuôi con vất vả trăm đường, nhất là vào những năm ly loạn, những năm tháng mà sinh mệnh, thân xác một con người không khác chi con vật bỏ sông, thấy được hằng ngày là những thây ma, những “thằng chỏng”, sáng trôi ra, chiều lại trôi vào dưới con sông trước cửa nhà mình, không ai thừa nhận, không ai kiếm tìm và cũng chẳng ai đủ thời giờ, đủ dạn dĩ để chôn cất giùm...! 

Vậy mà Ba Má bảo bọc, nuôi lớn cả đàn con không rơi, không rớt đứa nào. 

Rồi con lớn lên, con đi... lính, hết lính, con đi... tù, ra tù con đi... khỏi quê hương! 

Suốt cuộc đời, chưa lần nào Má gom hết được bầy con đầy đủ về một nhà. Có đứa này thì thiếu đứa nọ. Cho đến ngày cuối đời, phân nửa bầy con, cháu Má đã không được hầu cạnh quan tài.

Tính sổ cuộc đời, Má con mình: không ai vượt được trường thi của thế cuộc! Tạo hóa cho Má tay này thì lấy bớt lại ở tay kia, nhưng con chưa bao giờ nghe Má than thân, trách phận, hờn giận Trời già.

* * *

Từ sau Tết Mậu Thân, 1968, đơn vị con di chuyển liên tục suốt năm. Có khi sáng nay ở Bạc Liêu, chiều lại đi Hà Tiên, qua hôm sau đã trở về Chương Thiện. Việc ăn uống ở đơn vị thật rất thất thường. Những lúc có chuẩn bị thì một ngày cơm vắt, ba ngày gạo, những lúc “nhảy” bất ngờ thì cơm sấy, cá hộp đã là phúc lắm! Cũng có nhiều khi nhịn đói mấy hôm liền, ăn cả củ-hủ-dừa, rau luộc, hoặc như những ngày sau Tết Mậu Thân, nằm sát thị xã Cần Thơ mà phải ra ruộng lúa chín vàng ở Rạch Bần vuốt lúa hột vào nón sắt dùng cán leng giã cho bể vỏ, thổi trấu rồi nấu cháo cũng được vài chén húp đỡ lòng! 

Má biết trong hoàn cảnh lang thang như vậy mà con vẫn nhớ ngày ăn chay như hồi ở nhà thì thật là khó, nên trong một dịp ghé thăm Má, sau lần bị thương thứ hai, xuất viện. Trong bữa cơm vào đúng hôm Rằm, nhưng Má lại nấu cá thịt ê hề. Con lấy làm lạ nhìn Má vì lâu nay Má vẫn ăn chay đủ 10 ngày một tháng. Hiểu ý con, Má cười hiền lành và bảo:

- Ăn đi con! Con ăn một mình! Hôm nay Má ăn chay!

Thấy con thừ người, nuốt không trôi, Má phân trần:

- Con đi đứng bất thường, ăn uống lại không thể tự nấu. Từ nay, Má thấy con nên ăn mặn cho tiện! Phật tại Tâm con ạ! 

Phật tại tâm! Câu nầy Má dạy con không biết bao nhiêu lần. Con nghe lời Má. Từ nay con ăn mặn nên không còn nhớ đến mồng Một, ngày Rằm. 

Tuy nhiên, có một điều mà Má không bao giờ biết, đó là: Cũng kể từ hôm ấy, con chừa lại một ngày trong năm để Ăn chay. Đó là ngày Rằm tháng Bảy, ngày Xá Tội Vong Nhân, cũng là ngày Vu Lan Báo Hiếu. Hơn ba chục năm nay, con vẫn giữ trọn vẹn ngày ăn chay duy nhất nầy mà không hề vi phạm. (Khi lập gia đình và các con của con khôn lớn, hiểu biết, đến lượt dâu, rể và cháu chắc của Má, cũng sẽ bắt chước cùng ăn chay với con vào đúng ngày nầy). Con không dám và không bao giờ có ý nghĩ là ăn chay vào ngày nầy, ngày Vu Lan, là để báo đền ân Cha Mẹ. 

Ân Cha Mẹ mà được trả, được đền đơn giản chỉ bằng cách nhịn ăn có mấy miếng thịt, mấy miếng cá trong một ngày, của ba trăm sáu mươi lăm ngày, chẳng hóa ra ân Cha Mẹ dễ đền, dễ đáp như vậy hay sao? Không, con không bao giờ dám có ý nghĩ như vậy...! Con chỉ lập tâm có một điều duy nhất rằng: Trong ngày nầy con phải thật sự tỉnh tâm để nhớ đến Ba, nhớ đến Má. Nhớ đến những ngày còn thơ dại, Ba Má đã trăm cực, nghìn khổ nuôi con, dạy con nên vóc, nên người. Ba Má đã hy sinh trọn quãng đời thanh xuân, trọn hạnh phúc riêng tư của mình cho các con của Ba Má trong những tháng năm ly loạn tột cùng của đất nước. 

 “Cha Mẹ thương con biển hồ lai láng,

Con nuôi Cha Mẹ tính tháng, tính ngày.”

Câu nầy con nghe được trong tuồng cải lương trước tháng 4 năm 1975, nhưng con nhớ hoài không quên, con nhớ dai như vậy phần lớn vì cái ý nghĩa thâm trầm và thực tiễn của câu hát, một câu hát bình dân, câu hát cải lương nhưng mang đầy tính chất giáo dục, nhắc nhở sâu sắc đến cái Đạo Làm Con: 

- Vế trên nói lên tình cha mẹ thương con như Trời cao Bể rộng, 

- Vế dưới phản ảnh tâm trạng ích kỷ thiếu sót, hay kể lể của đứa con, trong đó có đứa con này của Má, kể rằng: Hôm qua tôi đã về quê rước Mẹ lên nhà trị bệnh, tính ra còn... hai mươi chín (?!) ngày nữa cũng được một tháng rồi! 

Quả thật tính tháng, tính ngày mà còn tính cho có lời mới chịu.

Trên cõi đời này, vui với phận làm con, được chu toàn một phần với hai chữ Hiếu Đạo, con nghĩ không ai bằng được người nhạc sĩ tài hoa tác giả bản Lòng Mẹ! 

Mấy năm trước đây, khi anh qua đời ở quê nhà, bà Mẹ anh, đã tròn 80 tuổi, lúc tiễn đưa con đến nơi an giấc ngàn thu, trong cảnh “lá vàng khóc lá xanh”, bà Cụ sụt sùi vĩnh biệt con một câu đáng để đời: 

“- Mẹ nuôi con hai mươi năm, nhưng con đã nuôi Mẹ bốn chục năm tròn”!

 Bốn chục năm! Hạnh phúc thay cho Y Vân! Anh đã nuôi Mẹ bằng cả cuộc đời khôn lớn thành nhân của mình. Chả bù với con trai của Má, nhiều năm nay ao ước với lòng được về lại quê hương một lần, một lần thôi, để được bưng tô cháo, múc từng muỗng, từ từ đút cho Má ăn để được nhìn nụ cười nhăn nheo, móm mém của Má. Vậy mà cơ hội này vĩnh viễn không bao giờ còn tới được với con! 

Con chưa kịp về, Má đã nhẹ nhàng thanh thoát ra đi!

Má ơi! Ở đây cứ đến mùa Vu Lan, đến Ngày Của Mẹ, là người ta luôn nhắc đến Mẹ, người ta đề cập công lao của Mẹ. 

Hơn thế nữa, mấy năm trước, một sản phẩm với chủ đề Vinh Danh Mẹ đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo ra sự dè bĩu rằng Mẹ đã bị đem “bán” như một món hàng thương mãi. Tệ hại hơn, Mẹ còn bị lôi kéo vào vòng thị phi, phản bội người nầy, bêu xấu kẻ nọ..., một việc mà không người Mẹ Việt Nam nào làm. Có phải vậy chăng? Nếu đúng vậy thì, thưa Má, trong tình mẫu tử thiêng liêng, lần đầu tiên con được tin người Mẹ bị đám con mình bôi mặt, đưa lên thị trường định giá, đưa ra trước dư luận để gièm pha. Con thật chưa nghe tin người Mẹ nào đã đem con mình đi rao bán ở chợ đời, “chợ gạo” bao giờ!

Người ta biện minh bằng hai chữ Vinh Danh, Vinh Danh Mẹ! 

Không phải vì trong đời, con chưa bao giờ tổ chức được một cái lễ để tạ ơn cha mẹ, hay cho ra đời được một tác phẩm để vinh danh hai đấng sinh thành mà con “đố kỵ” với việc làm của người khác, nhưng vì con nghĩ rằng: Mẹ đâu có cần ai vinh danh. Lòng Mẹ thương con tự nhiên như dòng thác bắt từ nguồn, như sông mang phù sa ra biển, như hiện tượng nắng mưa của trời đất: nắng cho ngọt nước dừa, mưa cho xanh đám mạ! Hiện tượng tự nhiên của Tạo hóa đâu cần chi đến sự vinh danh...

Bài Tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nói về Con Vượn Mẹ, mà Má đọc cho con viết chính tả từ nửa thế kỷ về trước, giờ đây con còn thuộc nằm lòng: “Đất Vũ Bình có giống vượn, lông đỏ như vang, trông xa nhấp nháy rất là ngoạn mục. Mẹ thì khôn ngoan tay ngoáy...” (cái chữ “ngoáy” này con viết đến ba lần mà không trúng. Má bảo đó là “vần ngược”, con phải đánh vần từng chữ thật kỹ trước khi viết), con thì nhỏ dại ngây ngô... Một hôm, vượn mẹ bị trúng tên của người thợ săn. Biết mình không còn sống được bao lâu, vượn mẹ ôm con vào lòng, cho con bú thật no, trước khi trao con lại cho vượn cha rồi buông tay lìa cành rơi xuống đất. 

Khi hành động như vậy, vượn mẹ đâu có biết rằng: nghĩa cử của mình sẽ được “vinh danh” bởi người thợ săn và đồng bọn, những kẻ đã hủy diệt mạng sống của mình, chia lìa tình mẫu tử, và làm tan nát gia đình nhà vượn. 

* * *

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”...! Bài Lòng Mẹ của Y Vân đã là một bài hát bất hủ, tuy nhiên, con nghĩ cái bao la của biển Thái Bình không sao giống được cái bao la trong lòng Mẹ. Biển Thái Bình bao la, bát ngát, nhưng vẫn thỉnh thoảng... bình “thủy” nổi phong ba. Trái lại, lòng Mẹ thì không! Mẹ thương con trong cơn nước lớn, thương cả lúc nước đã ròng, mùa Đông Mẹ ủ ấm, mùa Hạ Mẹ quạt nồng...! Mẹ cho con bú, mớm cơm, rót nước, dỗ giấc, lúc lắc võng đưa ầu ơ... Con thức, con ngủ, con khóc, con trở giấc đòi bế, đòi bồng,... tất cả đều chỉ một bàn tay dịu dàng thanh thoát của Mẹ. Mẹ lo cho con đủ cả bốn mùa. Đâu phải mùa nắng lại thương nhiều, mùa mưa thương ít. Gió chướng đến từ phương Bắc, gió nồm về từ hướng Nam... Ngọn gió nào cũng mang tấm lòng mát rượi của Mẹ mơn man, ve vuốt đứa con mình. Lớn lên sao nỡ nào con quên mất? Con lại tính toán thiệt hơn với Mẹ, con lại bày ra thương Mẹ nhưng phải đợi tháng, đợi mùa? 

Trong đời, ai cũng có Mẹ, và ai cũng thương Mẹ, ngoại trừ một số ít trường hợp cá biệt! Ngày Mother’s Day, ngày Vu Lan, là những ngày tuyệt vời trong năm, để phận làm con dù có ngược xuôi, tần tảo ở đâu, dù có say mê cảnh phong hoa, tuyết nguyệt nơi nào cũng còn luôn được nhắc nhở, gợi nhớ đến một ngày cho Cha Mẹ; nhưng sau ngày này, xin cũng đừng quên thời gian còn lại trong năm, cha mẹ mình cũng hiện tiền, cũng cần đến “tình con” sưởi ấm. 

Cái Đạo Hiếu ai cũng hiểu nhưng không phải dễ trả, dễ đền. 

Một người nông dân quanh năm cấy lúa, trồng khoai, cơ cực tháng ngày, sáng rau, chiều cháo đạm bạc nhưng có mẹ, có con, còn hơn biết bao kẻ Công, Hầu, Khanh, Tướng, vinh thân phì gia nhưng quên mất Cha Mẹ, chẳng chút đoái hoài! 

Con của Má chưa bao giờ có ước mơ làm Công, Hầu, Khanh, Tướng, nhưng muốn được làm anh nông dân suốt đời bên Mẹ thật cũng không dễ dàng! 

Thế mới biết: xưa Thầy Tử Lộ đội gạo đường xa nuôi mẹ già thuở hàn vi, sau làm đến Công Khanh giàu sang phú quý, nhưng mẹ đã ra người thiên cổ. Tử Lộ nhiều lần ao ước... “đổi cả Công Khanh tiếng mẹ cười” (mượn một câu, trại đi hai chữ của nhà thơ TTĐ), để được còn lại mẹ già hầu đội gạo như xưa, giống như con của Má ngày nay, nhiều năm tâm nguyện được một lần về quê thăm Má, đút cháo, pha sữa, nghe Má kể chuyện xưa, tích “Con chim Thầy chùa”, như ngày Má còn trẻ, ngày con còn bé...! Nhưng mọi chuyện đều đã quá... muộn màng! 

Con mong sao thế hệ cháu, chắt của Má, dù đang sống ở xứ người, với nền văn hóa hoàn toàn xa lạ, sẽ học được bài học xót xa của con bây giờ mà tránh sự hối tiếc về sau như nỗi ước mơ ngẩn ngơ cay đắng trọn đời của thầy Tử Lộ. 

Thế nên, từ đây những mùa Vu Lan, những Ngày của Mẹ, con đành vĩnh viễn lỗi hẹn không về vì... Má còn đâu nữa mà về? ■ 

[Tập san Pháp Luân 29, tr.25, 2006]