Khi xưa ông Hàn Dũ là một nhà Nho nhân dịp vua Hiến Tông nhà Đường cung nghinh xá lợi Phật, ông dâng biểu can gián nhà vua, trong đó có lời lẽ rằng “Phật là người cõi ngoài, không biết cái nghĩa vua tôi, cái ân cha con…” (1) Nhà sử học Trần Trọng Kim viết “Đối với Phật giáo thì Hàn Dũ tỏ ra là người chưa hiểu rõ cái nghĩa tinh vi của đạo Phật, cho nên những lời lẽ ông công kích chỉ quan hệ cái hình thức bề ngoài mà thôi.” (2) Chưa bàn đến cái nghĩa tinh vi, chỉ riêng vấn đề luân lý cũng đủ thấy kiến văn của nhà Nho này thô thiển và có cái nhìn quá cực đoan. Chúng ta hãy đọc những lời của đức Phật trong kinh tạng Pāli sẽ thấy rõ điều đó.
Người con biết công ơn cha mẹ được xem là một trong những yếu tố củng cố chánh kiến trong đời sống. Trong kinh tạng hầu như không có chỗ nào có sự phân biệt ân đức của cha và mẹ. Cả hai không thể so sánh và người con thực sự kính yêu cha mẹ không nên ưu ái riêng người nào. Người Ấn xưa đi tìm điềm lành ở nơi thần thánh huyền bí, nhưng đức Phật không công nhận như vậy, Ngài dạy:
Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng.
(Kinh điềm lành, Suttanipāta)
Người con phải hiếu dưỡng như thế nào cho đúng pháp cũng được giảng dạy cụ thể trong kinh tạng, sau đây là vài đoạn trích.
“Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ
Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ
Tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống
Tôi bảo vệ tài sản thừa tự
Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.”
(Kinh Thi Ca La Việt - Trường Bộ kinh)
“Phạm thiên, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc đạo sư thời xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và đưa chúng vào đời này.”
(Phẩm nghiệp công đức, Tăng Chi Bộ kinh I)
Người con coi cha mẹ như những người trông nom con cái, giữ nhà cửa cho mình, nghĩ rằng lo cho cha mẹ đầy đủ là trọn đạo. Đó là một thiếu sót nghiêm trọng về phương diện tâm lý. Người con chí hiếu phải kính cha mẹ như lời trong Tăng chi bộ kinh vừa nêu. Ngoài ra còn phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ. Ít ra cũng dành thời gian tìm hiểu xem cha mẹ của mình nghĩ gì, vui buồn ra sao để kịp lúc chăm sóc và làm cha mẹ vui lòng. Điểm khác biệt lớn về chữ hiếu của đạo Phật so với các tôn giáo khác là ở cách giải quyết vấn đề tinh thần. Chúng ta sẽ hiểu rõ qua vài trích dẫn tiếp theo đây.
Trong kinh Thi của Nho giáo có một bài ca dao nổi tiếng nói về công ơn cha mẹ.
Lâu nay trong ngày lễ Vu Lan tại các tự viện, ban tổ chức thường có sẵn những giỏ hoa hồng để Phật tử cài lên áo trong ý nghĩa, ai còn mẹ thì cài hoa đỏ, ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Giải thích như thế thì ý nghĩa cài hoa lên áo trong lễ Vu Lan sẽ chỉ hạn hẹp trong tinh thần mẫu tử cá nhân, thiếu hẳn phần căn bản là tinh thần Tự độ và độ Tha của đạo Phật.
Thật thế, Vu Lan không phải chỉ là ngày báo hiếu của con cháu với ông bà cha mẹ. Sở dĩ chúng ta hiểu theo nghĩa hạn hẹp này chỉ vì chúng ta quen nhìn câu chuyện ngài Mục-kiền-liên xuống Địa ngục cứu mẹ bằng con mắt thế tục. Nếu câu chuyện đó được nhìn bằng tuệ giác thì ngài Mục-kiền-liên chính là tiêu biểu cho những hành giả, nhờ liễu ngộ Đạo pháp mà biết được sự khổ đau triền miên của chúng sanh vô minh; và bà mẹ Thanh Đề là tượng trưng cho tâm chúng sanh nhiễm ô điên đảo, nhờ thành tâm sám hối mới giao cảm được muôn thiện ý hướng về bà mà tự giác ngộ.
Nếu nhìn được hai nhân vật này qua lăng kính nhiệm mầu đó, thì việc cài hoa lên áo trong ngày Vu Lan mới vượt ra ngoài sự hạn hẹp cố hữu, không phải chỉ nghĩ về mẹ, mà còn phải khởi đi từ chính bản thân chúng ta. Ta phải làm gì để xứng đáng nhận một bông hoa?
Theo tinh thần Tự độ thì chúng ta phải tu học. Tu học ở đây là tùy duyên, hoặc may mắn gặp được thiện trí thức chỉ dẫn, hoặc do ta chuyên cần quán tưởng, đi lần từ thô tới tế, biết được lý duyên sinh vô ngã mà xả bỏ tham dục, thanh tịnh thân tâm. Con đường này thật dài mà cũng rất ngắn; thật dễ mà cũng rất khó. Trong kinh Pháp Hoa có dẫn rằng:
“Đản ly hư vọng
Danh vi giải thoát
Kỳ thật vị đắc
Nhất thiết giải thoát.”
Có nghĩa là, chỉ cần rời xa hư vọng thôi, đã được coi là giải thoát nhưng kỳ thật sự giải thoát đó chưa phải là giải thoát rốt ráo. Mà hễ hư vọng còn một tơ vương là nảy sinh muôn vàn ràng buộc. Thế nên, cái khó là sự uyên nguyên, thiết thạch của lòng dũng mãnh phát Bồ Đề Tâm. Không có lời phát nguyện, dẫu chúng ta đốt đuốc lên rồi vẫn hoang mang chưa biết phải đi đâu! Phát nguyện rồi phải kiên trì giữ vững, tín nguyện phụng hành.
Khó lắm! Nhưng kinh cũng dẫn chứng, an ủi chúng ta rằng:
“Nhẫn đến đồng tử giỡn
Nhóm cát thành tháp Phật
Những hạng người như thế
Đều đã thành Phật đạo.”
Hoặc có đoạn nói rõ ràng hơn, như sợ chúng sanh không tin:
“Nhẫn đến đồng tử giỡn
Hoặc cỏ cây và bút
Hoặc lấy móng tay mình
Mà vẽ làm tượng Phật
Những hạng người như thế
Lần lần chứa công đức
Đầy đủ tâm đại bi
Đều đã thành Phật đạo.
Nếu lòng người tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam Mô Phật
Đều đã thành Phật đạo.”
Chúng ta thường tự dễ dãi, nhận mình là Phật tử mà ít quan tâm phản quang tự kỷ, là con Phật, chúng ta có thực sự tin và nghe lời Phật dạy hay không? Chư Phật đều dùng quảng trường thiệt tướng, thuyết thành thiệt ngôn, tướng lưỡi rộng dài, là một trong 32 tướng tốt, nên các Ngài chỉ nói lời chân thật. Vậy, là con Phật, sao chúng ta không tin lời Phật nói? Trẻ nhỏ chơi đùa ngoài bãi biển, lấy cát đắp thành tháp Phật, những trẻ nhỏ ấy đều đã thành Phật. Sao dễ thế? Bởi vì tâm chúng hoàn toàn trong sạch. Với tâm kim cương ấy, sao chúng không lấy cát đắp nhà lầu xe hơi mà lại đắp tháp Phật? Có phải chăng, trong tâm chúng đã sẵn ngôi tháp Phật? Rồi người dùng bút, cỏ cây, hay đơn giản hơn nữa là dùng móng tay mình mà vẽ hình Phật hoặc niệm danh hiệu Phật thì những người đó cũng đang gieo trồng hạt quý để đủ duyên sẽ nở rộ Liên Hoa. Cũng đơn giản quá ư? Vâng, thật là đơn giản, nhưng nét thảo đơn sơ đó, lời niệm thành khẩn đó phải phát xuất từ máu xương, da thịt, từ tận càn khôn trí tuệ mà tán thán công đức bất khả tư nghì mới mong đạt tới:
“Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu vi đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.”
Sự dễ dàng, sự đơn giản là hành động phải khởi từ tâm thành. Long Nữ tháo xâu chuỗi cúng dường Phật, chớp mắt, cô bé đã đắc đạo, hiện thân nam tử, đi qua cõi Vô Cấu phương Nam, ngồi tòa sen báu, diễn nói pháp mầu. Sự kiện thì diễn ra như thế nhưng có phải Long Nữ thành Phật chỉ vì cúng dường xâu chuỗi đâu, mà hành động dâng cúng là thời điểm đủ duyên của sự tu tập nhiều kiếp.
Chúng ta đã khởi hành chưa? Không đi, sẽ không tới. Không tu, sẽ không chứng. Hãy tạm bước những bước chậm rãi mà vững chắc thì ngại gì có ngày trí huệ Bát Nhã chẳng hiển bày để an nhiên ngay nơi “không chứng cũng không đắc”.
Tự độ rồi chưa đủ, chúng ta còn phải độ Tha. Gần nhất, hãy giúp cha mẹ, quyến thuộc biết tìm về cửa Đạo bằng những phương cách mà chỉ cần một chút hy sinh, một chút cố gắng, chúng ta có thể làm được. Đó là rủ họ, đưa đón họ tới chùa những ngày rằm, ngày lễ, thỉnh kinh sách, băng giảng, khuyến dụ họ nghe; những lúc gặp gỡ, xen vào chuyện sinh hoạt thường nhật là những câu chuyện đạo, những điển tích chứng minh sự nhiệm mầu của giải thoát khi liễu ngộ vô thường. Rồi từ cha mẹ, quyến thuộc, chúng ta tiến xa hơn là khuyến tấn bạn bè, nhân thế cùng chúng ta tầm sư học đạo để nhận thức chân, giả, đoạn trừ vô minh, quyết đời này phải giải thoát được sanh tử luân hồi.
Là con Phật, chúng ta đều biết rằng, luận về nhân đạo thì trong trăm hạnh, hiếu hạnh đứng hàng đầu. Quỳ trước bàn thờ Tổ Tiên, chúng ta thường xin hồi hướng công đức tới cửu huyền thất tổ mà quên xét rốt ráo là công đức đó ở đâu? Chắc chắn không phải ở mâm cao cỗ đầy! Vậy lấy gì mà xin hồi hướng? Như người không gửi tài sản trong băng mà tới nhà băng đòi rút tiền thì tiền đâu mà rút?
Tôn giả Mục-kiền-liên, một trong hàng Đại đệ tử của Phật, đã thâm nhập kinh tạng, nguyện lực dũng mãnh, trí đức vẹn toàn mà còn phải nương nhờ nguyện lực của toàn thể chư Thánh Tăng từ mười phương vân tập về trong ngày Tự tứ mới hồi hướng công đức đó, chuyển hóa nghiệp lực của mẹ Thanh Đề. Còn chúng ta xác phàm, tâm phàm muốn báo hiếu ông bà cha mẹ theo tinh thần Phật đạo thì phải làm sao đây???
Nhân ngày Lễ Vu Lan, chúng ta hãy cùng nhau tự xét về 2 điều căn bản: Tự độ rồi độ Tha. Với tâm thành, chư Phật, chư Bồ-tát sẽ hộ trì chúng ta hái được đóa hồng Vu Lan xứng đáng trong tinh thần báo ân cao cả.
Đây chính là món quà ý nghĩa nhất để chúng ta hồi hướng tới ông bà cha mẹ quá khứ, hiện tiền và vị lai.
Chúng con về nương tựa Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con hướng tâm thành về Đại Hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát.
● Diệu Trân
Vu Lan 2006
[Tập san Pháp Luân 29, tr.21, 2006]