(PLO) Câu chuyện kể về hai cô bạn sống chung trong một phòng trọ. Cô Giôn-Xi một họa sĩ tin chắc mình sẽ chết, cô đếm từng chiếc lá rụng của tàn cây thượng xuân ngoài cửa sổ.
Bà cô của tôi sau những ngày ở bệnh viện về, vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường, bác sĩ dặn những người lớn trong gia đình phải chăm sóc bà cẩn thận, không cho bà phật ý dù một chuyện nhỏ, con cháu sau những giờ đi làm, đi học về lại quây quần bên bà, bà vui và khỏe hơn dù thuốc uống càng ngày càng phải nặng đô.
Những ngày này, vì muốn giấu đi sự thật bệnh trạng của bà, tôi không liên lạc cùng Kiều - đứa con gái của bà lấy chồng ở Mỹ. Vì biết bản tính của mình là không giấu được sự thật bằng cách không một dòng e-mail, không một lần phone cho Kiều nếu cô bạn thân của Kiều không đến thăm, nếu như không nghe được sự thật về căn bệnh nan y thì bà cô tôi đâu đột ngột ra đi khi cả nhà chưa tin cho cô con gái bà thương yêu nhất ở cách xa nữa vòng trái đất. Nhận được tin mẹ qua đời, Kiều về kịp trước giờ tẩm liệm mẹ 15 phút. Sau đám tang Kiều trách tôi sao không tin cho biết bệnh tình của mẹ khi đã 3 lần xạ trị mà để đến lúc bà qua đời mới tin, cả gia đình và tôi chẳng biết nói sao, không thể cho Kiều biết sự thật về sự thiệt tình của cô bạn thân Kiều. Người chết đã yên phận, người sống còn phải sống, phải làm gì để cho tròn trách nhiệm làm người.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mỹ O-Hen-Ri.
Câu chuyện kể về hai cô bạn sống chung trong một phòng trọ. Cô Giôn-Xi một họa sĩ tin chắc mình sẽ chết, cô đếm từng chiếc lá rụng của tàn cây thượng xuân ngoài cửa sổ. Đối với cô lúc này, chiếc lá là biểu tượng thời gian, đó là chiếc đồng hồ số phận của cô, biết được căn bệnh nan y, cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh. Cô cho rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, là lúc cô sẽ chết. Niềm hy vọng duy nhất cô đặt cả vào chiếc lá vàng úa, mỏng manh, nhỏ nhoi. Cuộc đời cô lúc này như ngọn đèn cạn dầu leo lét trước gió. Nhưng chiếc lá đã không rụng. Cô đâu hiểu rằng chiếc lá đó là chiếc lá giả; chiếc lá, là tác phẩm kiệt xuất của cụ già hàng xóm Bơ-men. Cụ vẽ nó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng đã rụng. Giôn-xi chợt hiểu ra: “Có một cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn không rụng”, cùng với niềm hy vọng ấy, nhựa sống lại lên men, nghị lực và mầm sống hồi sinh khiến bác sĩ phải thốt lên: được 5 phần 10 rồi. Trước đó bác sĩ đã nói “Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hy vọng được một thôi”. Điều gì đã khiến Giôn-xi khỏe trở lại, có thể một phần do thuốc men, một phần do bàn tay chăm sóc chu đáo của cô bạn. Nhưng bao trùm lên tất cả, cái đã lôi Giôn-xi ra khỏi con đường chết là màu xanh của chiếc lá cuối cùng trên bức tường đối diện. Cuộc đấu tranh để bảo tồn cái nhỏ nhoi ấy, cái yếu đuối ấy là phẩm chất tuyệt vời của tình người.
Để tạo được tác phẩm kiệt xuất ấy cụ già Bơ-men trong tác phẩm đã không ngần ngại đổi nó bằng cuộc sống của chính mình.
Giá như cô bạn của Kiều đừng quá nói thật…Trong khi thuốc men phát huy hiệu lực, biết rằng chỉ kéo dài sự sống nhờ sự chăm sóc chu đáo và sự động viên khuyên răn của người thân, tưởng chừng bà cụ khoẻ nhiều có ngờ đâu một sự thật quá bất ngờ đánh đổi tất cả. Tôi biết bà cô tôi bịnh thân một phần nhưng bệnh tâm đến chín phần.
Bạn có nhớ cái thành trong kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ thứ bảy không? Vị Đạo sư dùng phương tiện ở giữa đường hóa làm một cái thành giả để mọi người nghỉ chân. Tôi lại đem cái thành đó để so sánh với chiếc lá cuối cùng có đơn giản quá không? Nhưng tôi nghĩ đó là sự tiếp sức, là nghệ thuật chân chính mang chức năng sinh thành và tái tạo, nó đánh thức niềm tin trong cuộc sống, một chiếc lá đã cứu được một mạng người.
Chiếc lá và cái thành đâu có thật. Nó là giả nhưng nó chứa đựng cái chân, nếu như không có chiếc lá giả thì cô gái đã chết vì tuyệt vọng, nếu không có cái thành hóa ra thì đoàn người đã thối lui không đến được đích vì mệt mỏi. Nếu người bạn của Kiều biết được nghệ thuật nói dối một chút…
Như vậy sự thật không phải nhận thấy bằng mắt, được cảm nhận bằng tri thức. Sự thật trong cuộc sống đồng nghĩa với tình thương yêu nữa. Điều gì cứu giúp làm cho con người mạnh mẽ lên, hướng đến chân lý, điều đó mới là sự thật, tất cả những hành động lời nói dù là đúng với mắt thấy tai nghe nhưng khiến cho người khác hoặc chính mình lâm vào cảnh tuyệt vọng, mất đi sức mạnh tinh thần đó là sự thật nhưng sự thật… của quỷ Dạ xoa tàn nhẫn.
Trong cuộc sống sự thật của tình thương cao cả và sự thật của quỷ luôn luôn xáo trộn và mập mờ. Một điều giả có thể cứu người, nhưng một lời nói thật phủ phàng có thể giết người. Để phân biệt khoảng cách giữa giả và thật là điều khó khăn và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn này.
Nói dối thế nào để lời nói dối ấy là nói dối chứa đựng tình thương yêu con người?
Tôi và bạn hãy giữ lấy một trái tim tha thiết với cuộc đời và cố gắng trau dồi trí tuệ để sự thương yêu luôn đi kèm cùng sự hiểu biết phải không bạn!
Uyên Như
(*) Chiếc lá cuối cùng: Tên tác phẩm của nhà văn O-Hen-Ri
[Tập san Pháp Luân - số 3, tr.]