Bảy bước đi của Bồ-tát Tất-đạt-đa trong ngày thị hiện đản sanh là tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn của Phật học là Thất giác chi hoặc Thất bồ-đề phần. Hễ bất cứ ai thực tập thành tựu được bảy yếu tố giác ngộ này thì vị đó có cơ hội trở thành bậc Giác ngộ hay trở thành một vị Phật.
Qua các kinh điển cho chúng ta biết, không riêng gì đức Phật Thích-ca Mâu-ni, khi thị hiện đản sinh Ngài đi bảy bước, trên bảy hoa sen, mà bất cứ đức Phật nào dù trong quá khứ hay trong tương lai, khi thị hiện đản sanh với tư cách của một vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ cũng đều đi bảy bước trên bảy hoa sen như vậy. Hoa sen là tiêu biểu cho sự vô nhiễm. Nghĩa là Bồ-tát nhất sanh bổ xứ sinh ra giữa thế gian, nhưng không bị những bụi bặm của thế gian làm cho ô nhiễm, trái lại còn có khả năng chuyển hóa những bụi bặm của thế gian thành hương thơm tinh khiết. Bảy bước trên bảy hoa sen ấy là tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ mà một vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ thực tập thành công và sẽ thành tựu bậc giác ngộ ngay trong cuộc đời đầy ô nhiễm này. Bảy yếu tố giác ngộ ấy gồm:
1. Trạch pháp giác chi
Trạch pháp giác chi là chi phần dẫn đến Thánh đạo vô lậu, do nội dung giác chiếu, chọn lựa gồm có đủ quán như ý túc, tuệ căn, tuệ lực và có sự quyết trạch giác phần, khiến cho các phiền não đã sanh liền diệt, những phiền não chưa sanh, thì vĩnh viễn không sanh, khiến Bồ-đề chưa sanh thì liền sanh và nếu đã sanh thì sẽ dẫn đến viên mãn.
Vì thế cho nên đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi có mặt nơi thế giới Ta-bà này, Ngài đã lưu trú nơi cung trời Đâu-suất để quán chiếu và lựa chọn cõi nước, dòng dõi, cha mẹ giáng thần và vườn Lâm-tỳ-ni đản sanh.
Như vậy, yếu tố trạch pháp rất quan trọng. Khi xuất hiện nơi thế giới này rồi, Ngài chọn tiếp chỗ để hành thiền và thành đạo là Bồ-đề đạo tràng, nơi chuyển vận Pháp luân là Lộc Uyển, và nơi nhập Niết-bàn là rừng Sa-la ở Kusinaga.
Tiếp xúc với Phật đản là chúng ta tiếp xúc với khả năng trạch pháp của Ngài. Nhờ thực hành trạch pháp mà đức Phật đã thành công trên bước đường giác ngộ và giáo hóa chúng sanh.
Do đó, trạch pháp giác chi là tiêu biểu cho bước đi thứ nhất trong ngày thị hiện đản sanh của Ngài.
Vì vậy, Phật tử chúng ta phải thực tập trạch pháp giác chi để có khả năng loại bỏ tham dục, chấp ngã, loại bỏ mê tín, cuồng tín; viễn ly những tà sư ác hữu, thân cận những bậc thiện hữu tri thức, xuất hiện đúng thời, đúng chỗ đã chọn lựa để thăng tiến đời sống giác ngộ, giải thoát, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Nếu chúng ta sống thiếu trạch pháp thì chúng ta làm việc không đúng thời, nói năng không đúng lúc và không đúng chánh pháp, chúng ta sẽ nhận thầy tà làm thầy chánh, bạn ác làm bạn hiền, làm thân hữu để rồi đi dần vào con đường lầm lỗi ở trong sanh tử luân hồi, khó mong thoát khỏi.
Trong mùa Phật đản, Phật tử chúng ta thực hành trạch pháp giác chi, để khởi sinh chất liệu giác ngộ, nhằm cúng dường đức Phật và phụng sự chánh pháp.
2. Tinh tấn giác chi
Tinh tấn giác chi là nỗ lực biến trạch pháp giác chi trở thành hiện thực trong đời sống của mình, nên gọi là Tinh tấn giác chi. Nhờ có Tinh tấn giác chi mà các điều ác trong tâm đã sanh liền diệt, những điều ác chưa sanh thì vĩnh viễn không sanh; những điều thiện nơi tâm chưa sanh, thì liền sanh; những điều thiện nơi tâm đã sanh liền thăng tiến đến chỗ viên mãn. Tinh tấn giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ hai trong ngày đức Phật thị hiện đản sanh.
Lễ Phật đản, chúng ta tổ chức dựng lễ đài để cúng dường là đúng, tổ chức lạy Phật để cúng dường là đúng, tổ chức tụng kinh để cúng dường là đúng, nhưng tất cả những tổ chức đó phải có nội dung thật sự của trạch pháp giác chi và tinh tấn giác chi, chứ không phải chỉ là hình thức hay đối phó. Nếu ta tổ chức chỉ để đối phó và hình thức, thì ta sẽ bỏ mất cơ hội tiếp xúc với ý nghĩa đích thực của Phật đản.
Ngày Phật đản rất nhiều người thiếu may mắn, vì họ phải lao đầu vào công việc làm ăn vất vả, có những vị đang đắm chìm vào công việc sát sanh tại các lò mổ, lò quay, hồ cá, hay bận rộn với việc điều khiển đất nước, tính toán lợi hại ở nơi các doanh nghiệp hoặc ở nơi thương trường, thì quả thật là không may cho họ. Nhưng cũng có những vị, ngày Phật đản có cơ hội đến chùa mà không hết lòng thực tập, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khiến tâm ý không lắng yên, nói và làm không đúng chánh pháp, thì quả thật không có sự phí phạm và rủi ro nào có thể so sánh.
Ngày Phật đản, ta đã phát tâm đi chùa lạy Phật, tụng kinh thì dứt khoát ta đi và đến chùa lạy Phật, tụng kinh một cách thấu đáo hết lòng, để cho cái đi chùa và cái lạy Phật, tụng kinh của ta có kết quả như ta mong muốn và việc cúng dường lên đức Phật của ta có lợi lạc ngay cho bản thân của ta đời này và đời sau.
Nếu ngày Phật đản, ta không đủ điều kiện đến chùa thì ngày hôm đó ta lạy Phật ở nhà, nếu ở nhà chưa có thờ Phật thì ta ngồi thật yên để lạy Phật mười phương và lạy Phật trong tâm ta, khiến cho mọi ý nghĩ xấu ác nơi tâm ta rơi rụng. Nếu ta nỗ lực làm được như thế thì ta vẫn có cơ hội tiếp xúc với bước chân thứ nhất và thứ hai của đức Phật trong ngày đản sanh của Ngài. Đó là ý nghĩa của tinh tấn giác chi. Và ta đem chất liệu trạch pháp giác chi và tinh tấn giác chi ấy mà dâng lên cúng dường Phật đản.
3. Hỷ giác chi
Hỷ giác chi là chi phần giác chiếu đối với hỷ. Hỷ là vui thích. Sự vui thích do quá trình thực hành trạch pháp giác và tinh tấn giác mà sinh khởi. Như vậy, hỷ là niềm vui có cơ sở từ giác ngộ và để giác ngộ, chứ không phải niềm vui sinh khởi từ vô minh và mù quáng. Nói cách khác, do thực tập đời sống tỉnh giác, khiến niềm vui sinh khởi.
Hỷ giác chi là tiêu biểu bước đi thứ ba của đức Phật trong ngày Ngài đản sanh.
Cho nên ngày Phật Đản, ta hãy thực tập đời sống tỉnh thức và đem niềm vui do sự tỉnh thức đem lại để cúng dường ngày đản sanh của đức Phật. Cúng dường như vậy gọi là sự cúng dường tối thượng.
Mùa Phật đản, các tổ chức Phật giáo nên tổ chức những ngày thực tập đời sống tỉnh thức, đời sống vị tha vô ngã cho các giới Phật tử, để cho các giới Phật tử có niềm vui hỷ lạc trong chánh pháp, khiến cho tâm thức của họ sáng lên trong Phật pháp hơn là tổ chức mang tính hình thức nhưng hiệu quả chuyển hóa tâm thức khổ đau cho chúng sanh cũng như đóng góp vào sự an bình cho xã hội thì lại quá khiêm tốn.
Vì vậy, hỷ giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ ba, trong ngày thị hiện đản sanh của đức Phật.
4. Khinh an giác chi
Khinh an là tâm nhẹ nhàng, thanh thoát do thực hành các pháp phần giác ngộ đem lại. Trong ngày Phật đản, ta muốn có tâm này để cúng dường lên đức Phật thì phải thực tập buông bỏ những lời nói không dễ thương, những cử chỉ và hành động không dễ thương giữa ta với mọi người và cả muôn vật nữa. Quan trọng hơn hết là ta phải thực tập buông bỏ triệt để những hạt giống tham dục, hận thù, hờn oán, trách móc, mù quáng, nghi ngờ và ích kỷ ở nơi tâm ta, khiến cho tâm ta nhẹ nhàng và thanh thoát. Ta hãy đem chất liệu nhẹ nhàng và thanh thoát ấy cúng dường ngày Phật đản sanh. Ấy mới là sự cúng dường tối thượng.
Khinh an giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ tư trong ngày thị hiện đản sanh của đức Phật.
5. Niệm giác chi
Niệm giác chi là duy trì năng lượng của ý thức tỉnh giác hiện tiền. Các yếu tố trạch pháp, tinh tấn, hỷ và khinh an được duy trì bởi ý thức tỉnh giác hiện tiền. Ta đem ý thức duy trì năng lượng tỉnh giác hiện tiền do sự thực tập mà có được ấy cúng dường đức Phật trong ngày đản sanh của Ngài, ấy là sự cúng dường Phật đản tối thượng.
Niệm giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ năm, trong ngày thị hiện đản sanh của đức Phật.
6. Định giác chi
Định giác chi là chi phần giác ngộ ở trong thiền định. Trong chi phần này có mặt của các niệm và định như niệm xứ, niệm như ý túc, niệm căn, niệm lực, định căn, định lực. Nhờ thực tập các niệm và định này sung mãn, chúng sẽ làm điều kiện để định giác chi sinh khởi.
Mỗi khi trong đời sống của mỗi Phật tử chúng ta đã có định giác chi thì ta sẽ có những bước đi vững vàng trên con đường giác ngộ, ta sẽ không bị các dục thế gian lôi cuốn, không bị mọi luận điểm thị phi của thế gian chi phối và ngăn cản .
Phật tử chúng ta phải thực tập giác chiếu để trong đời sống của mỗi chúng ta có chất liệu của định giác chi và ta đem chất liệu của định giác chi ấy cúng dường Phật đản thì hiệu quả cúng dường của chúng ta có tác dụng làm cho Phật pháp trường tồn để chúng sanh lợi lạc. Cúng dường như vậy chính là sự cúng dường Phật đản tối thượng.
Định giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ sáu trong ngày thị hiện đản sanh của Đức Phật.
7. Xả giác chi
Xả giác chi là chi phần giác chiếu đối với xả. Xả là buông bỏ các tư niệm sai lầm liên hệ đến vô minh, liên hệ đến tham dục, liên hệ đến nhân duyên của sinh tử luân hồi. Hành xả là không đi theo hành nghiệp mê lầm của sinh tử, mà đi theo tỉnh giác, đi theo hạnh nguyện thoát ly sanh tử để độ đời.
Bất cứ ai thực tập được bảy chất liệu hay bảy bước đi trên con đường giác ngộ như thế một cách trọn vẹn, thì vị ấy có đủ điều kiện để tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nghĩa là trên trời dưới đất, ta là vị độc tôn đối với bảy chất liệu giác ngộ.
Vì vậy, nếu ai thực hành đời sống giác ngộ viên mãn bảy chất liệu như vậy thì người ấy độc tôn trong thế gian, được thế gian tôn kính. Vì sao? Vì vị ấy sẽ thoát ly sinh tử ngay trong đời này, thoát ly hoàn toàn khổ đau do tham dục đem lại, hoàn toàn không còn bị tái sanh đời sau; có khả năng chuyển vận bánh xe chánh pháp để độ đời và có khả năng rống lên tiếng rống sư tử, khiến cho mọi sinh hoạt theo bản năng thú tính giữa thế gian đều bị rơi rụng, mọi tà kiến đều bị nhiếp phục, chánh kiến hiển bày.
Khi đản sanh, Bồ-tát Tất-đạt-đa, tức là tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là có gốc rễ từ sự thực hành ở nơi bảy yếu tố giác ngộ này, mà thuật ngữ chuyên môn của Phật học gọi là Thất Bồ-đề phần hay Thất giác chi.
Bảy yếu tố giác ngộ này là bảy tiến trình tu tập thiền định và quán chiếu dẫn đến đoạn trừ các lậu hoặc ở nơi tâm, khiến thành tựu các chất liệu của Thánh đạo vô lậu của tâm giác ngộ và giải thoát.
Cho nên, khi ra đời, Bồ-tát Tất-đạt-đa, tức là tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bước đi bảy bước trên bảy hoa sen là tiêu biểu cho tư cách của một vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, sẽ thành tựu Phật hay thành bậc Giác ngộ do bảy yếu tố giác ngộ đem lại, khiến không còn bị nhiễm ô phiền não ngay trong đời này.
Tuy nhiên, ta biết rằng ở trong thế giới trời người không một ai thành tựu được bảy bước đi giác ngộ ấy một cách dễ dàng, và không một ai có khả năng tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” mang tính thuyết phục và hấp dẫn như đức Phật Thích-ca Mâu-ni, khi Ngài mới đản sanh. Vì sao? Vì chính như Ngài đã nói: “Những gì Ngài nói là Ngài đã làm và những gì Ngài đã làm, thì Ngài mới nói”.
Mùa Phật Đản trở về, Phật tử chúng ta cố gắng tu học một cách hết lòng, sống và thực tập theo lời Phật dạy một cách sâu sắc. Như vậy, chúng ta mới có cơ hội tiếp xúc với những gì mà đức Phật đã dạy và dâng cúng Ngài những gì chúng ta có được qua sự thực tập. Nhất là chúng ta cần phải thực tập bảy bước đi của Ngài trong đời sống cho đến khi nào chúng ta có khả năng tự do đối với sinh tử.
Thực tập bảy bước đi của đức Phật trong đời sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể thực tập trong lúc thở vào, thở ra hay đi đứng nằm ngồi, nói cười, ăn uống, làm việc và suy nghĩ. Qua những hành hoạt như thế, chúng ta có thể tiếp xúc với đức Phật mỗi ngày và cúng dường lên Ngài mỗi ngày bằng tất cả sự thực tập của mỗi chúng ta. Thực tập như vậy là chúng ta cũng đã làm cho đức Phật trong ta đang và sẽ đản sanh.
Ngày Phật đản, chúng ta phải làm thế nào để đức Phật thật sự có mặt với chúng ta, ngay trong đời sống qua bảy bước đi của Ngài. Được như vậy, chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày Phật đản một cách có ý nghĩa. Trên đài sen, đức Phật sẽ nhìn chúng ta mà mỉm cười, tin tưởng và thương quý.
(*) Tựa đề PL đặt. Bài viết được trích từ Tiếp xúc và cúng dường Phật đản của TT. Thích Thái Hòa.
Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 79, tr9, 2011]