Từ những năm cuối thế kỷ 20, đã có nhiều tiếng kêu “Bảo vệ Mẹ đất” hay “Lời khuyên của những người anh” (brothers); còn có lời kêu gọi của đức Đạt-lai Lạt-ma 14, của thầy Nhất Hạnh, v.v… về “Bảo vệ môi trường”… Những lời kêu gọi càng ngày càng khẩn thiết hơn, nhưng hình như thiên hạ đang lao mình vào những biện pháp làm phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái hơn là tập trung vào việc bảo vệ môi trường.
Kính thưa quí vị và các bạn,
Hiện nay, trên khắp mặt địa cầu, vì lòng tham không đáy, con người đã tàn phá môi trường sống một cách vô trách nhiệm, từ núi rừng, sông biển, đến lòng đất, bầu trời… không chỗ nào là không bị đào xới, phá phách, khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là chưa kể sự ô nhiễm tâm hồn từ trẻ con đến người lớn qua các lĩnh vực văn hóa giáo dục, truyền thông, v.v…
Rất nhiều những nhà tiên tri đã nói lên những thảm họa khủng khiếp sẽ xảy đến cho địa cầu, nào là sóng thần, bão lửa, nào là hồng thủy, động đất, v.v… rồi chiến tranh thế giới, chiến tranh vi trùng, chiến tranh hạt nhân…
Tất cả các quốc gia đều có những tổ chức bảo vệ môi trường nhưng riêng lẻ, nội bộ, nên kết quả không được cả thế giới biết đến. Cách đây 4 năm, vào năm 2007, quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature, viết tắt là WWF) có sáng kiến kêu gọi mọi người trên toàn thế giới đồng loạt tiết kiệm điện. Điều này giúp cắt giảm lượng khí CO2 (thán khí) thải vào bầu khí quyển [khiến cho nhiệt độ địa cầu nóng dần lên]; sự kiện này được gọi là GIỜ TRÁI ĐẤT, rất có hiệu quả. Giờ trái đất lần đầu tiên được tổ chức tại Sydney (Úc) vào lúc 8:30pm đến 9:30pm ngày 31/3/2007 với sự tham dự của 2.2 triệu dân và hơn 2 ngàn cơ sở kinh doanh; tiết kiệm được hơn 10% sản lượng điện, đồng thời cắt giảm được gần 25 tấn CO2 thải vào bầu khí quyển của chúng ta. Khối lượng khí CO2 này tương đương với gần 50 ngàn chiếc xe hơi lưu thông trên đường thải ra trong một giờ đồng hồ. Từ kết quả khả quan này, WWF đưa sáng kiến này ra quốc tế, kêu gọi mọi người tắt đèn và tất cả các dụng cụ dùng điện trong nhà, đèn điện, TV, tủ lạnh, quạt máy, bàn ủi, computer, máy giặt… đồng loạt lúc 8:00pm đến 9:30pm.
Giờ Trái Đất 2008 diễn ra vào ngày 28/3/2008 lúc 8:30pm đến 9:30pm được 35 quốc gia tham dự với sự hỗ trợ của hơn 400 thành phố như Sydney, New York, Chicago, San Francisco, London, Toronto, Kuala Lampur, Bangkok, Tel Avis, Cape Town (S. Africa)… Giờ Trái Đất 2009 được 88 quốc gia tham dự (trong đó có Việt Nam) với trên 4 ngàn thành phố, rồi Giờ Trái Đất 2010 vào ngày 27/3/2010 có 128 quốc gia với 89 thủ đô và hơn 4 ngàn thành phố tham gia… Chỉ tính riêng tại Việt Nam đã tiết kiệm được 500 ngàn KWh, nhiều hơn 3 lần so với Giờ Trái Đất 2009. Giờ Trái Đất 2011 dự định sẽ diễn ra lúc 8:30pm đến 9:30pm ngày 26/3/2011 (ngày giờ địa phương).
Thưa quí vị và các bạn,
Hôm nay, nhóm Huynh truởng trẻ GĐPT xin mượn tên sự kiện “Giờ Trái Đất” để bàn về “Nghệ thuật bảo vệ hành tinh của chúng ta” hay “Phật giáo đã dạy gì về việc bảo vệ môi trường”, v.v… để nhìn về thực trạng đang lâm nguy của trái đất do lòng tham lam, ích kỷ và “ngu dốt” (vô minh) của con người gây ra và “có trễ lắm không khi đặt vấn đề bảo vệ môi trường?” Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các Huynh trưởng trẻ A, B, C quen thuộc của chúng ta, và xin chỉ giáo thêm những phương pháp có thể đem ra áp dụng để cứu vãn “hành tinh xanh” này. Xin chân thành cảm ơn!
A: Hôm nay Anh Chị Em (ACE) chúng ta lại bàn về “bảo vệ môi sinh” nữa à?
B: Phải đó, vì “Giờ Trái Đất 2011” đã gần kề, cũng nên nhắc nhở các em của chúng ta một tiếng chứ!
C: Đúng vậy! Các em có thể tham gia trong lĩnh vực nhỏ bé của mình như bớt ngồi “chat” cả ngày trên computer, bớt chơi games, v.v…
A: Chuyện đó mình nhắc hoài, có tuần nào mà không nhắc, vì phụ huynh cứ kêu đến bảo mình “la” tụi nhóc, chơi games suốt ngày…☺ Cha mẹ còn không ngăn cản được huống gì Anh /Chị Trưởng!
B: Không phải đâu bạn, có các em nghe lời Anh /Chị Trưởng hơn vì Cha Mẹ la ở nhà không ai biết, còn Anh Chị trưởng la thì cả Đoàn đều nghe, “quê xệ” lắm. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta bàn về sự an nguy của hành tinh này và nhất là giáo dục Phật giáo đã đóng góp gì cho nhân loại về việc bảo vệ môi sinh và Thiền có giúp gì trong việc cứu vãn Trái đất hay không?
C: Mình thấy rất rõ ràng kinh điển Phật giáo tuy không chỉ rõ về vấn đề “bảo vệ môi trường” nhưng đã gián tiếp dạy những phương pháp để con người sống chung hòa bình với thiên nhiên, với loài vật, nói chung là với muôn loài chúng sanh.
A: Đúng rồi! Chỉ cần nói đến 5 giới thì đủ thấy đức Phật dạy cho đệ tử tại gia của Ngài sống chung hòa hợp, thương yêu với đồng loại và với cả loài vật nữa: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, và 5. Không uống rượu.
B. Và GĐPT chúng ta đã áp dụng vào Luật Đoàn của Huynh Trưởng, Thanh và Thiếu rồi; ngay cả Oanh Vũ cũng có “Em thương người và loài vật”.
C: Đúng vậy, Giáo dục Phật giáo dạy chúng ta “ít muốn, biết đủ”. Đó là điều kiện cần và đủ để chúng ta không tham lam chặt cây cối lấy gỗ đến nỗi gây ra lũ lụt, cũng không hưởng thụ quá mức, không chạy theo chủ nghĩa vật chất để quên đi đời sống tâm linh, v.v…
A: Sự ô nhiễm môi trường theo mình nghĩ không tai hại bằng sự ô nhiễm tâm đó các bạn à; vì chúng ta đều biết “vạn pháp do tâm tạo” môi trường ô nhiễm vì tâm con người ô nhiễm, môi trường bị tàn hại, phá nát cũng vì tâm tham lam, tâm vô trách nhiệm, tâm ích kỷ mà ra thôi! Nếu tâm không bị ô nhiễm nhất định môi trường sẽ bình yên vô sự.
B: Bạn A nói rất có lý, chính thầy Nhất Hạnh cũng đã cảnh cáo: Môi trường bị ô nhiễm không chỉ do khí thải CO2 mà còn do sự độc hại chung quanh chúng ta, cả người lớn và trẻ em đều phải đối mặt với bạo lực, tuyệt vọng và tự tử.
C: Mình hiểu Thầy nói gì rồi! Nhân loại chúng ta không có năng lượng xây dựng của Từ bi và Trí tuệ, mà chỉ có năng lượng phá hoại của giận dữ, thất vọng và sợ hãi mà thôi!
A: Đúng vậy, Thầy nói chính chúng ta đã tạo ra môi trường hủy diệt chính nình mà không hề hay biết, lại chỉ nghĩ đến môi trường vật lý mà thôi!
B: Thầy khẳng định: chính lối sống của chúng ta là nguyên nhân của sự ô nhiễm tâm hồn… Chúng ta đi tìm hạnh phúc mà lại chạy theo sự giận dữ, sợ hãi, kỳ thị, cố chấp, thành kiến, v.v…
C: Rồi Thầy đi đến kết luận: Thiền sẽ giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc ẩn sâu của năng lượng nhiễm ô.
A: Còn nữa, Thiền tập đem lại cho chúng ta một môi trường tốt, một năng lượng tích cực, trong sạch.
B: Nói cách khác, chúng ta có thể chuyển hóa môi trường và tạo ra một loại năng lượng có khả năng điều trị và chuyển hóa bằng cách tu học, tu tập, hành Thiền cá nhân hay tập thể.
C: Mình cũng hiểu được điều này: Khi mình thay đổi thức ăn thì máu huyết mình thay đổi; mình có thể trị bệnh bằng cách điều chỉnh thức ăn; cũng thế, mình có thể điều trị tâm bệnh bằng cách điều chỉnh cách nhìn, cách suy nghĩ để từ một cái tâm giận dữ trở nên bình an; tâm phiền não, thất vọng, trở nên an lạc, nghĩa là cái tâm tiêu cực ích kỷ hại người hại mình trở thành cái tâm tích cực muốn đem vui cứu khổ cho mọi ngưòi chung quanh .
A: Đúng vậy, đó chính là giáo dục Thiền. Nếu sự thực hành Thiền trở thành một sinh hoạt cộng đồng thì nhất định môi trường chúng ta đang sống, quả đất này sẽ được cứu nguy.
B: Nghĩ cũng có lý: Thiền sinh trước hết là buông xả, từ ý niệm cho đến nhu cầu vật chất; nếu con người không có nhu cầu, trở về với đời sống xa xưa không có máy móc hiện đại, những tiện nghi… thế thì tự nhiên con người sống gần gũi với thiên nhiên rồi.
C: Tuy nhiên mình thấy có “nghịch lý” đó; nếu tất cả mọi người đều thực hành Thiền rốt ráo hết, thì thế giới này trở lại thời kỳ “ăn lông ở lỗ” sao?
A: Các bạn coi chừng lạc vào “ngõ cụt” đó nha! Cũng giống như có người lo rằng nếu mọi người đều ăn chay hết thì heo, bò, gà, vịt… sinh sôi nẩy nở chiếm hết trái đất của chúng ta sao ☺☺!!
B: Đúng vậy, nhưng còn một thông tin nữa các bạn có đọc chưa? Đó là lời hiệu triệu của Pháp sư Tịnh Không. Ngài cũng nổi tiếng như đức Đạt-lai Lạt-ma 14 hay thầy Nhất Hạnh vậy đó, nhưng pháp môn của ngài tuyên dương là pháp môn Tịnh độ.
C: Mình có đọc, ngài đề nghị mọi người “hãy cứu lấy thế giới” bằng cách tổ chức “Tam thời hệ niệm pháp sự” để sám hối tội lỗi vì tất cả tai nạn, thảm họa… đều do khí lượng phiền não, tham sân, ngã mạn, sát nghiệp chiêu cảm mà tạo thành.
A: Ngài căn dặn: nếu muốn mau chóng hóa giải những nguy cơ, thảm họa thì phải: 1. Triệt để buông bỏ vọng tưởng điên đảo, phân biệt, chấp trước, 2. Cùng nhau chí thành sám hối nghiệp chướng, 3. Đoạn ác tu thiện, 4. Nhất tâm niệm Phật, 5. Giải trừ thù hận.
B: Trong 5 điều đó, ACE chúng ta đã thường thực hành 4 điều rồi, còn điều thứ 5 ngoài tầm tay của chúng ta; chúng ta không thù hận ai nhưng trên thế giới nhìn đâu cũng thấy hận thù, phải không các bạn? Không hận thù sao có khủng bố? Làm sao mà giải trừ đây?
C: Nhưng không chỉ điều thứ 5 mà thôi, ngài còn bảo là phải tổ chức “Pháp hội tam thời hệ niệm hộ quốc tức tai bách thất” mỗi ngày tụng niệm trọn bộ liên tiếp 100 thất (trong 2 năm), mình chưa hiểu rõ.
A: Đúng vậy, chúng ta muốn thực hành vô Thất như lời ngài thì phải tìm hiểu thêm, tuy nhiên những lời kêu gọi của Pháp sư Tịnh Không cho chúng ta biết không chỉ có Thiền mà cả Tịnh Độ cũng giúp con nguời cứu nguy cho quả đất. Ngài cũng dặn: không chú trọng hình thức mà phải bằng cách tu tâm dưỡng tánh, làm cho tâm thanh tịnh, an lạc vì “Tâm bình thế giới bình, Tâm an vũ trụ an” và đức Phật cũng dạy: “Thân an đạo hưng”.
B: Phải! Phải! Thế giới có thể an định hài hòa là do mỗi người tự huấn luyện tâm mình để có thể chuyển hóa tâm thức thành thiện lành, thì tự nhiên thế giới sẽ chuyển hóa theo (mưa thuận gió hòa, khí hậu mát mẻ, ấm áp…)
Vậy thì chúng ta có thể tạm dừng ở đây, với đề tài mà chúng ta cần phải quán chiếu nhiều nữa, đó là: sự ô nhiễm môi trường tâm linh và môi trường vật lý hiện nay trên thế giới, cái nào trầm trọng hơn, làm sao để đối trị?
C: Phải rồi, buổi hội luận hôm nay thật vui, mình cũng học hỏi được nhiều; xin cảm ơn các bạn, hẹn lần tới. Tạm biệt!
A&B: Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 79, tr3, 2011]