“Từ đó, thi ca bắt đầu trở về như một trò chơi táo bạo và kỳ diệu của ngôn ngữ. Một trò chơi thế mệnh, dẫn dắt thi sĩ vượt qua, vượt qua và vượt qua mãi từng sa mạc hoang lương ngút ngàn cỏ cháy…” Thi sĩ Nguyễn Văn Nho đã nói như thế.
Vâng, đúng là như vậy. Thi ca là sự vượt qua, là bước nhảy trọng đại hay thấu thị cái bản lai diện mục của vũ trụ, nhân sinh và của chính mình:
Trăng im lìm giữa thiền đường
Người im lìm lắng nghe sương gọi thầm
Hỡi mù sa cõi trăm năm
Làm sao che được trăng rằm nguyên sơ?
Kể từ khi thấy được vầng trăng rằm hay ánh trăng Tâm vi diệu ấy, chàng thi sĩ đã âm thầm mang về rải khắp nhân gian, chiếu soi lại mặt mũi, chân dung của muôn loài vạn vật, của tất cả chúng ta, của anh và em, của tình yêu và cuộc đời.
Cuộc đời và tình yêu là hai đề tài muôn thuở của con người giữa ta bà thế giới. Tùy theo cảm nhận, lãnh hội của mỗi một người trong chúng ta mà thấy như thế này hay như thế khác đó thôi.
Ở đây, Nguyễn Văn Nho đã cất lên tiếng hát thi ca quá mộng, bồng bềnh sương khói phiêu diêu cùng hòa âm trên cung bậc nhất như bất nhị:
Lòng xuân ngan ngát đất trời
Đạo đời tương nhập trong lời cỏ cây
Bởi mọi sự đều xảy ra trong vườn Tâm bát ngát bao la mà gần gũi nơi mình. Cho nên người thơ vẫn lãng đãng, phiêu bồng rong chơi bên này bờ cỏ hoa với điệu chào thân mật yêu thương:
Chào khúc triều tâm động miên trường
Chào trùng thiên diễn ngợp muôn phương
Hồn ta ở lại bên bờ cỏ
Với nắng chiều vương trên lá khô
Bên này bờ cỏ dại, lắng nghe Bông Cỏ Nở Từ Những Niềm Sâu Lắng, dìu dặt hương ngàn kỳ hoa dị thảo, chàng thì thầm tâm sự cùng người tình vĩnh cửu theo thể điệu lai rai:
Em có tấm lòng sâu vạn đại
Nên chẳng buồn chi chuyện kỳ hẹn sai giờ
Em cũng xót xa nỗi niềm cỏ dại
Nên yêu đời trong tiếng vọng nguyên sơ
Sơ nguyên nào còn vọng lại, sơ thủy nào còn dội âm trong thầm kín nỗi niềm? Xin im lặng chia sẻ cùng em trong ngậm ngùi tiễn biệt:
Đưa em về lại xứ người
Bóng em mòn mỏi cuối trời đăm đăm
Nỗi buồn đổ xuống trăm năm
Xin tờ thư trải xa xăm những lời
Ơi những lời mê ngôn, những lời mị ngữ cứ mãi còn đồng vọng dư vang giữa trần ai lững thững. Những sầu khúc lung linh, huyền hoặc cứ lẽo đẽo đi về theo gót mộng chiêm bao trong từng trận trận tầm phào bá láp vu vơ:
Về thành nhặt nụ vật vờ
Để cùng bằng hữu trọn giờ mê ngôn
Hết mê rồi tỉnh, dứt vọng liền chân hay đương xứ tức chân, nên thấy mọi sự ở đời là trò chơi mới mẻ với một nụ cười không chấp, buông xả và một tiếng ừ nhẹ nhõm thong dong. Thong dong giữa cuộc tang bồng:
Ta vẫn tang bồng nhưng tóc chừng đã đổi
Theo dòng trôi bỏ lại bụi vô minh
Từ tâm tình đến cuộc tình, từ cuộc tình đến cuộc thơ, người thi sĩ lại tiếp tục lên đường bay lượn như con chim đến từ xứ lạ ngứa cổ hót khơi vơi:
Chiều ở trong hồn đọng lại bên khe
Anh vu vơ hát hòa theo giọng gió
Hót chơi vậy thôi, như Rainer Maria Rilke đã hát ngợi ca nỗi cô đơn ở tận miền tuyết băng Đức quốc, như Apollinaire đã hát bản tình ca ảo dị bên bờ sông Sein huyền mộng Paris, như Hoelderlin đã hát vi vu vi vút trên đường trở về cố hương Schwabbach xa ngút tuyệt mù, như Rimbaud đã hát lang thang tận cùng với điềm tiên tri thấu thị ở ngoài ven trời vạn dặm xa xăm nước Pháp, ngút ngàn hoang lộ mang mang…
Từ chỗ tình cảm chứa chan đó, tình yêu sẽ đưa con người ta tới một cõi từ ái thênh thang mở rộng, là căn bản của một cuộc phát nguyện thượng thừa đại bi tâm. Với nụ cười lãng mạn, với thể điệu tuỳ hỷ nhập cuộc chịu chơi là thái độ phóng khoáng, an nhiên mà thi nhân vẫn dấn bước đăng trình:
Khi một mình tay vẫy phía đồi cao
Gió bình minh thổi ngược gọi rừng đèo
Tim tím rụng nắng chiều qua đọt lá
Là biết mình muôn thuở vẫn còn đi
“Là biết mình muôn thuở vẫn còn đi…” Phải chăng đó là sứ mệnh của thi ca hay là bước đi kỳ cùng của cuộc lữ? Nơi đó, chứa đủ mọi dư vang siêu hình của bao niềm hoài vọng giữa dòng đời miên viễn thiên thu…
Tâm Nhiên
Tập san Pháp Luân - số 75, tr91, 2010]