Bổ sung đoạn cuối Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh trong Chân Nguyên thiền sư toàn tập

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Năm 1979, Lê Mạnh Thát cho công bố kết quả sưu tầm các tác phẩm của thiền sư Chân Nguyên. Tác giả đã nỗ lực trong công tác nghiên cứu, công bố văn bản. Hai tập được ra mắt độc giả dưới bản in roneo, trong đó ông đã cho sao chép nguyên bản để tiện đối chiếu.

Tập hai công bố được ba tác phẩm là Nam Hải quan âm bản hạnh, Đạt Na thái tử hạnh và Hồng mông hạnh. Chú ý nhất đối với chúng tôi là bản Nam Hải quan âm bản hạnh. Bản này theo như Lê Mạnh Thát chỉ ra là “tờ 42 đã bị xé mất”  nên trong bản phiên âm chỉ có 1604 câu lục bát. Nhận thấy văn bản thiếu một tờ nhưng tác giả chưa có điều kiện tham khảo các bản để bổ sung phần thiếu. Nhân đọc sách tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy thư viện có một bản AB. 550 có tên là Nam Hải Quan Âm bản hạnh (NHQABH). Qua việc đối chiếu, chúng tôi nhận thấy bản mà Tiến sĩ Lê Mạnh Thát công bố trước đây có cùng loại ván với bản AB. 550.

Cuối sách NHQABH cho biết bản được khắc in vào năm Tự Đức thứ 3, do một nhóm phật tử tại thôn Kim Cổ, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Các Phật tử có mời sư Từ Đàn chùa Pháp Quang chứng khán. Cùng trong tờ cuối có ghi: “Trúc Lâm Tuệ Đăng hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên diệu soạn”. Điều này lại thấy trong tờ 42b, tác giả tự nói về mình như: “Hòa thượng Chính Giác hiền kinh”. Hòa thượng Chính Giác không ai khác hơn là sư Chân Nguyên1. Trong các tác phẩm của mình, Chân Nguyên đã tự giới thiệu về mình. Đây cũng chính là đặc điểm để chúng ta nhận dạng tác phẩm của sư2.

Văn bản có tất cả 43 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 20 chữ, chữ in rõ đẹp. Tờ 1a là hình Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay phải cầm một chén nước cam lộ, tay trái cầm nhánh dương chi, phía dưới hai bên có Thiện Tài, Long Nữ theo hầu. Hai bên có câu đối: “Nhất thể viên thông chu pháp giới; phổ môn thị hiện độ quần sinh”. Tờ 1b hàng thứ nhất đề tên tác phẩm là “Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ diệu soạn trùng san”. Hàng thứ hai là bắt đầu vào nội dung sách. Dưới đây là phần bổ sung của chúng tôi từ bản AB. 550.

Những người niệm bụt Di [42a] Đà Phật danh    1604
Cùng về cực lạc hóa sinh
Mệnh vàng bóc ngọc quang minh lầu lầu
Tiêu dao khoái lạc chẳng âu
Bất sinh bất diệt ngồi lầu tòa sen
Hạnh này cổ tích thánh hiền
Đời đời san bản để truyền lưu thông    1610
Kính khuyến nam bắc đông tây
Muốn được nên Bụt phát lòng xuất gia
Trước là độ lấy thân ta
Sau là cứu được mẹ cha tổ huyền
Màng chi ân ái trần duyên     1615
Đời người một phút như tên bao chày
Giàu sang phú quí tợ mây
Nếu nhắm mắt rày vạn sự giai không
Thế gian vạn sự của chung
Sinh không tử lại hoàn không thật thì     1620
Lòng ta lo độ thân ta
Thoát lẽ phiền não vậy hòa mới khôn
Tìm thầy đạo đức nhập môn
Qui y thụ giới kẻo còn trần ai
Thập phương tam thế Như Lai    1625
Tứ mục tương đố mật hoài ấn tâm
Việt Nam Yên Tử [42b] Quỳnh Lâm
Sái tiêu cực lạc cổ kim những là
Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà
Phần hương chúc thánh quốc gia thọ trường    1630
Đời đời tượng pháp hiển dương
Thiệu long Phật tổ đăng quang diệm quần
Phật đạo vô thượng chí tôn
Quốc gia hữu vĩnh càn khôn vững bền
Phổ nguyện pháp giới hữu duyên    1635
Đồng đăng cửu phẩm Tây thiên bảo đài
Sang cõi Di Đà Như Lai
Bất sinh bất diệt đã ngoài vô sinh
Hòa thượng Chính Giác hiền kinh
Quán trong cổ truyện phân minh chép bày                  
Dụng công phụng sử san nay
Bản thành lưu để người hay in dùng    1642
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát (tam biến).

Như thế, văn bản có tất cả 1642 câu thơ lục bát. Trong đoạn cuối, văn bản có dùng chữ “Việt Nam” để chỉ nước ta thời hậu Lê. Trong Thiền tông bản hạnh, Chân Nguyên cũng có nói đến quốc hiệu qua câu: “Việt Nam bốn bể cửu châu”. Hai văn bản này có thể là một trong những bản khá sớm đề cập tên nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
- Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1979.
- Nam Hải Quan Âm bản hạnh (南海觀音本行), bản của Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AB 550.

Chú Thích:
1.1. Hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên (1647-1726): sư họ Nguyễn, tên Nghiêm, tự Đình Lân, quê Tiền Liệt, Thanh Hà, Hải Dương. Năm 19 tuổi, sư xuất gia với thiền sư Chân Trụ, chùa Hoa Yên. Sau khi thầy viên tịch, sư sang học đạo và thụ giới Bồ Tát với tổ Minh Lương Mãn Giác, chùa Vĩnh Phúc Phù Lãng. Sau khi ngộ đạo, sư trở lại Yên Tử trụ trì chùa Long Động, Thiền Dược am, phát triển tông phong. Sư sáng lập tông Long Động và phát triển thiền phái Trúc Lâm-Lâm Tế. Sư sáng tác nhiều tác phẩm, cùng đứng in nhiều kinh sách. Sư có lập một số đài cửu phẩm liên hoa tại các chùa như Hoa Yên, Quỳnh Lâm, Đồng Ngọ. Sư được vua Lê Hi Tông ban cho hiệu là Vô Thượng, được sắc phong chức Tăng thống.
2. Nhiều học giả không quen với cung cách của sư đã cho các tác phẩm đó không phải của Chân Nguyên.

Ngô Quốc Trưởng
Tập san Pháp Luân - số 75, tr88, 2010]