Tuổi trẻ Phật Giáo Việt Nam (PGVN) ở hải ngoại sở dĩ không bị mất gốc phần lớn là nhờ sự hiện diện của các chùa Việt Nam. Đó là công ơn của chư Tăng Ni đã dày công xây dựng. Nhiều vị đã thu nhận đệ tử là người Tây phương; điển hình là Hòa thượng Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh.
Kính thưa quý vị và các bạn,
Người Tây phương có ưu điểm mà chúng ta chưa theo kịp, đó là khi họ thấy cái gì hay thì họ học hỏi, mà học rất tinh tấn. Có rất nhiều người Tây phương quy y với Hòa thượng Thiên Ân - người sáng lập Phật học viện Quốc tế (PHVQT), được huấn luyện rất kỹ, có nhiều vị trở thành tu sĩ Phật giáo xuất sắc như Sư cô Karuna Dharma (Thích nữ Ân Tử), người Mỹ có bằng tiến sĩ Phật học.
Hàng huynh trưởng trẻ chỉ được nghe về PHVQT tại thành phố Los Angeles nhưng chưa được gặp Hòa thượng Thiên Ân vì ngài đã viên tịch từ năm 1980.
Còn ở Pháp, cũng vào thời kỳ những năm 70, tu sĩ Việt Nam giới thiệu PGVN đến Tây phương lần đầu tiên là Thiền sư Nhất Hạnh. Thiền sư được rất nhiều người Việt hải ngoại biết đến vì Thiền sư đi nhiều nơi, mở nhiều khóa tu học và năm nay tuy Thiền sư đã ngoài 80 tuổi, được gọi là Sư ông Nhất Hạnh, nhưng vẫn không ngừng công việc hoằng pháp. Đệ tử của Thiền sư đủ mọi sắc dân, nhưng đều có pháp danh bằng tiếng Việt. Đặc biệt Thiền sư viết rất nhiều sách và Kinh nhật tụng bằng tiếng Việt của Thiền sư được hoan nghênh khắp nơi.
Hôm nay các Huynh trưởng quen thuộc của chúng ta A, B, C nhân đọc được tài liệu về sự huấn luyện tu sĩ Phật giáo tại PHVQT và về Tăng đoàn Làng Mai của Sư ông Nhất Hạnh nên muốn chia xẻ với ACE huynh trưởng trẻ để trao đổi, giới thiệu những vị Tăng Việt Nam đầu tiên đem PGVN đến Tây phương và cũng là để được mở rộng tầm nhìn.
Xin mời quý vị và các bạn theo dõi và xin chỉ giáo thêm về những nhận thức của tuổi trẻ.
A: Sắp tới chúng ta sẽ có một cuộc hội thảo của các huynh trưởng Vạn Hạnh, trong dịp Kết khóa tại PHVQT nên chúng mình mới tìm hiều về ngôi chùa này, có phải không?
B: Đúng! Đúng. Mình không sống ở California nên không biết đây chính là ngôi chùa do Hòa thượng Thiên Ân sáng lập từ năm 1970.
C: Nghe nói chư Tăng Ni trong chùa gồm cả Tiểu Thừa và Đại thừa.
A: Phải đó, từ khi Hòa thượng Thiên Ân viên tịch thì Chùa do Sư cô Karuna Dharma làm giám viện, sau đó Sư cô bị tai biến mạch máu não (năm 1983) nên giao lại cho Sư cô Thích Nữ Ân Tịnh (Sarika Dharma) và đến năm 1995 sư cô Ân Tịnh qua đời thì việc điều hành do một môn đồ trẻ của Sư cô Ân Tử ; đó là Đại đức Kusala Ratana Karuna.
B: Chúng ta thấy một điều rất hay: trong chùa có nhiều Sư uy tín rất lớn, tuổi cũng cao, học thức uyên bác như Hòa thượng Ratanasara, phó viện trưởng, Tỳ-kheo Sri Lanka, Thượng tọa Havanpola Shanti (Viện trưởng của Buddhist College)… Tất cả đều ở trong ban giáo thọ của Thiền viện nhưng việc điều hành vẫn giao cho một môn đồ trẻ tuổi.
C: Nghe nói Hòa thượng Thiên Ân không chỉ xây dựng PHVQT không thôi đâu nha! Ngài còn xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo tại California nữa, như chùa Việt Nam, sau này Hòa thượng Mãn Giác thừa kế, chùa A Di Đà, sau này Sư cô Như Ngọc thừa kế và Đại Học Đông Phương, còn PHVQT thì Thầy Đức Niệm được mời từ Đài Loan qua thừa kế, v.v… Hòa thượng đã linh động trong việc thu nhận đệ tử, phần lớn đều thường trú tại Phật học viện nhưng vẫn có những vị ở ngoài đi làm việc, chỉ về Chùa học mấy ngày trong tuần thôi.
A: Đúng vậy, Hòa thượng cũng có những đệ tử tại gia nữa. Những ai muốn trở thành Tăng sĩ đều phải trải qua một chương trình tu học. Sau khi thọ tam quy ngũ giới, họ phải trải qua ít nhất là sáu tháng nghiên cứu và thực hành Phật pháp và hằng tuần phải tham dự ít nhất là một khóa thiền tập. Mỗi năm có ba khóa Thiền vào ba dịp Lễ: Phật Đản, Vu Lan và Thành Đạo.
B: Sau một năm thử thách, họ được ghi danh xin xuất gia để theo học tại Buddhist College về lịch sử Ấn Độ, từ giai đoạn trước khi đức Phật xuất hiện và sự phát triển, sự truyền bá Phật giáo, v.v… Qua đó, học viên có thể hiểu được cách thức mà các tông phái Phật giáo được thành lập và tồn tại cho đến ngày nay cũng như giáo lý và nghi lễ Phật giáo hiện nay ra sao.
C: Nghe nói hồi ấy, các Chùa ở California rất thống nhất trong tư tưởng và hành động chứ không “loạn lạc” như bây giờ.
A: Đúng vậy, vì hồi đó, khi một Chùa quyết định một điều gì đều tham khảo ý kiến của các chùa, tự viện khác. Mọi việc liên quan đến Tăng-già đều được quyết định bởi tất cả chúng Tăng Ni của các Chùa, tự viện, kể cả việc hiệu đính các kinh sách tụng niệm…
B: Không những vậy, các Chùa rất năng động trong cộng đồng rộng lớn, như tổ chức lễ Halloween cho những người vô gia cư (homeless) và những trẻ em bất hạnh, viết thư thăm hỏi hay đi thăm, ủy lạo các tù nhân, đi giảng Pháp cho các phạm nhân trong các trại tù nữa.
C: Đúng vậy, tài liệu cho thấy PHVQT kêu gọi, khuyến khích Tăng tín đồ hòa nhập, tham gia các hoạt động xã hội, nỗ lực đem giáo pháp của Phật cống hiến cho thời đại, cho sự khủng hoảng trầm trọng về tín ngưỡng của người Tây phương.
A: Rất tiếc, Hòa thượng Thiên Ân ra đi quá sớm, Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ mất một vị lãnh đạo tinh thần xuất sắc.
C: Các bạn hãy nói về Sư ông Nhất Hạnh cho mình nghe với; hình như ngày xưa Sư ông đã nổi tiếng ở Việt Nam rồi phải không?
A: Đúng vậy, Thiền sư Nhất Hạnh xuất gia từ năm 16 tuổi. Tại quê hương Việt Nam cũng như tại hải ngoại, ngài đã đào tạo rất nhiều thế hệ xuất gia, đem đạo Phật vào Đời. Về tác phẩm của Thiền sư thì khỏi nói; hằng mấy trăm tác phẩm, được lưu hành khắp thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Trung Hoa, Ý, Hòa Lan, Tây Ban Nha, v.v...
B: Ngài được nhiều nhân vật quan trọng từ Đông sang Tây trên thế giới biết đến, ví dụ như Mục sư Martin Luther King, năm 1964 đã đề cử Thiền sư được giải Nobel cho hòa bình thế giới; năm 1995 ngài cũng được Cựu tổng thống Mikhail Gorbachev mời nói chuyện trước các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học xã hội và kinh tế tại San Francisco trong Hội nghị State of the World Forum về “Chiều sâu tâm linh cho thế kỷ XXI”.
C: Và năm 2000, Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton mời Thiền sư đến nói chuyện tại tòa Bạch ốc về “Hiểm họa Sida” (Aids) và năm 2003, Thiền sư có buổi diễn giảng tại Quốc hội Hoa Kỳ và sau đó hướng dẫn một khóa tu cho một số Dân biểu. Thầy cũng đã từng thuyết trình ở quốc hội Canada và Ấn Độ về phương pháp sống chánh niệm.
A: Còn nữa, trường Đại học Long Island ở New York và trường Đại học Loyola ở Chicago đã tặng Thiền sư văn bằng Tiến sĩ nhân văn cho những hoạt động giáo dục, văn hóa và xã hội của ngài.
B: Thiền sư cũng đã từng giảng dạy tại các đại học Columbia, Boston và New York (Hoa Kỳ), đại học Amsterdam (Hà Lan), đại học Sorbonne (Pháp).
C: Thiền sư Nhất Hạnh có tạo lập nhiều chùa ở hải ngoại như Hòa thượng Thiên Ân hay không?
A: Ồ có chứ, có lẽ Phương Vân Am của Thiền sư là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp (Troyes - năm 1970); rồi đến Phương Khê (Gironde - 1978); Đạo tràng Mai thôn (1982) có các Chùa Pháp Vân và Sơn Hạ - Dordogne, Cam Lộ - Lot and Garonne, Từ Nghiêm - Gironde. Tại Mỹ thì có tu viện Rừng Phong và Thanh Sơn - Vermont (1997), tu viện Lộc Uyển - Escondido, California (2001).
B: Còn nữa! Năm 1956 ở Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh là người khai sơn Phương Bối Am (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Chùa Lá Pháp Vân, năm 1964 (Tân Phú, Sài Gòn).
C: Năm 2005, Thiền sư có về Việt Nam phải không?
A: Có! và ngài đã mở những khóa tu học ba ngày hay năm ngày hướng dẫn tu tập về cách sống an vui; ngài cũng có những buổi thuyết pháp công cộng.
B: Đoàn sinh cũng như Huynh trưởng GĐPT ở Hoa Kỳ có nhiều người là đệ tử Thiền sư Nhất Hạnh; nghe pháp danh là biết ngay.
C: Tại sao vậy?
A: Vì pháp danh của các anh chị em ấy có ba chữ (Tâm Hiền Hòa, Tâm Tươi Mát, Tâm Dễ Thương…) thay vì hai chữ như ACE chúng mình (Tâm Hòa, Tâm Duy, Nguyên Thanh, v.v…)
B: Chúng ta thật biết ơn chư Tăng Ni ở hải ngoại, nhờ có chư Tăng Ni, có chùa cho chúng ta đến lễ Phật, hằng năm có cơ hội đi dự những ngày lễ truyền thống để đồng bào, đồng hương được gặp nhau; trong khuôn viên Chùa, chúng ta có cảm tưởng như đang ở Việt Nam.
C: Đúng vậy, Chùa chính là quê hương tâm linh của chúng ta.
A: Cho nên mới có hai câu thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông!”
B: Hôm nay chúng ta đề cập đến hai vị danh Tăng ở Hải ngoại và những ngôi chùa đầu tiên mà chư vị đã gây dựng, nói cho các bạn khác cùng được biết để tri ân chư Tăng Ni ở Hải Ngoại.
C: Mình cảm thấy thật vui vì được mở rộng tầm mắt và để tự hào về những bậc Thầy tiên phong đến xứ người khi chung quanh có rất ít người Việt mà đã can đảm làm chùa, thu nhận đệ tử, truyền bá chánh pháp.
A: Như vậy chúng ta kết thúc buổi nói chuyện hôm nay được rồi hở?
B&C: Được rồi, tạm biệt, tạm biệt.
A: Tạm biệt, hẹn lần sau!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr48, 2009]