Thử nhận định lại luật vô-thường vô-ngã

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một pháp vừa sinh ra là đi lần đến chỗ tan rã. Một pháp tan rã mở đầu cho một pháp đương sanh. Cái nhà Nho gọi là “dịch hóa”, nhà Phật gọi là “Vô thường”, vô thường là nói ngay trong vật chất cũng như tinh thần không có cái gì cố định.

Muôn vật, thuật ngữ nhà Phật gọi là “Pháp”, đều nằm trong dòng biến dịch không ngừng. Các pháp thực tại không phải là ao tù ngưng đọng mà là một dòng chảy. Một bức tranh vân cẩu, một cảnh chiều xuân nên thơ mà Xuân Diệu, ở cái tuổi mới bắt đầu yêu, ông đã cảm nhận được: “người ta đến là người ta sẽ ra đi” sự cảm nhận đó như một định luật tất nhiên mà không có điều gì có thể ngăn nổi tâm vô thường và pháp vô thường của thế sự.

Hoa nở để mà tàn,
Trăng tròn để mà khuyết,
Bèo hợp để mà tan,
Người gần để ly biệt.
(Xuân Diệu)

Thực tại biến chuyển không phải theo đường thẳng đơn giản của luật nhân quần. Aristote quan niệm như hai thực thể biệt lập nhau; Nhân và Quả của nhà Phật chỉ là hai mắc của một vòng xích liên tục gọi là nhân duyên. Đã nói là vòng thì không đầu không  mối, do đó, cái mà triết học gọi nguyên nhân đầu tiên không thành vấn đề để bàn cãi: Tản Đà có nói: “Nước đi ra biển lại quay về nguồn”. (Tản Đà)

Các pháp có thực sự tồn tại hay không?

Trong vòng chuyển hóa ấy, giữa hạt lúa và cây lúa hay giữa quả trứng và con gà vẫn là đều không thể nói cái nào trước cái nào sau. Cái thuyết nhân duyên sanh, đức Phật cũng từng dạy cho môn đệ trong bài thuyết pháp đầu tiên, mở đầu cho chuyến du hóa từ Lộc dã uyển đến Ta-la song thọ.

Nhược THỬ hữu tắc BỈ thử
Nhược THỬ sanh tắc BỈ sanh
Nhược THỬ vô tắc BỈ vô
Nhược THỬ diệt tắc BỈ diệt

(Nếu cái này có thì cái kia có, nếu cái này sanh thì cái kia sanh, nếu cái này không thì cái kia không, nếu cái này mất thì cái kia mất) “thử và bỉ” là nhân và quả tương tiếp vô cùng tận trong quá trình tiến triển của sự vật hiện tượng. Nói nhân duyên sanh tức là quan niệm một vũ trụ động, và giao động liên miên giữa những quan niệm hỗ tương mật thiết nối liền các hiện tượng, không một hiện tượng nào ngẫu nhiên mà có, mọi pháp đều nằm trong hệ thống nhân duyên chằng chịt, chúng đều trải qua bốn giai đoạn: sanh (hình thành), trụ (phát triển), hoại (suy tàn), không (tiêu diệt).
“Tất cả những tập hợp cấu thành đều vô thường”.
(Samyutta Nikaya)

Nói thành và không ở đây là chỉ phương tiện tách rời từ tiến trình của  một pháp mà nói, nếu nhìn trọn quá trình biện chứng nhân duyên thì KHÔNG không phải là đoạn diệt (chết là hết) mà lại thành nhân cho một pháp mới đương sanh, một làn sóng lặn xuống có mất đâu mà là động lực thúc đẩy cho làn sóng khác nhô lên. Một đợt sóng khác nhô lên vì có một đợt sóng hạ xuống, và một đợt sóng hạ xuống vì đương có một đợt sóng nhô lên… cứ vậy triền miên sóng sanh sóng, chuyển động sanh chuyển động, nối tiếp không ngừng, chúng ta có thể dùng một câu ngắn gọn để hiểu về sự vô thường trong sự vật như vầy: “không có những sự vật mà chỉ có những quá trình tiến hóa. Muôn vật đều ở trong trạng thái sinh, thành, hoại, diệt”.

Không dám đối diện vô thường chỉ vì luyến tiếc!

Các pháp vô thường vì không có thực chất (substance). Vì trìu mến, vì nuối tiếc chúng ta gán cho vạn hữu một thời gian tồn tại, và một thực thể bất biến, bản chất của con người luôn có sự bám víu, chúng ta quên rằng chính bản thân mình cũng đã đương và sẽ biến diệt trong từng sát-na của sự sống. Chỉ vì mọi người không đủ can đảm để chấp nhận sự thật của kiếp người. Ngay từ lúc chúng ta cất tiếng khóc chào đời là đã có cái già chết đi liền kề, một em bé chúng ta chỉ thấy mỗi ngày em lớn lên nhưng lại không thấy trong sự tiến triển đó đã có cái già chết cận kề, đâu cần đến Xuân Diệu hay Tản Đà mới có thể nói “trong hội ngộ đã mang mần ly biệt”. Cái cảm giác mơ mộng của các thi nhân thích thả hồn vào những cảm xúc giả tạm, hư cấu những điều không thực cho thơ. Nhà thơ Thôi Hộ nhớ người yêu ở phương xa, hình dung người đẹp vẫn còn đó, vẫn nụ cười ngọt ngào vương vấn ngày nào, gót sen hồng vẫn dạo bước giữa vườn sen ngàn hoa đua nở, thế nhưng vừa kịp đến nơi thì người xưa đã không còn gặp, tiếc nuối ngẩn ngơ vì trong ý thức của ông bóng hồng vẫn còn đó:

Cửa đây năm ngoái ngày này.
Hoa đào cùng với mặt ai ửng hồng.
Mặt người giờ biết đâu không,
Hoa đào còn đó gió Đông vẫn cười.
(Ninh Thượng dịch)

Hoa đào năm ngoái? Không, chính hoa đào năm nay, nói đúng hơn hoa đào của giây phút này. Chỉ trong một mùa hoa đã có bao nhiêu lần thay hình đổi xác rồi, huống chi giữa hai mùa hoa. Cho đến gốc đào kia cũng không còn là gốc đào năm ngoái, mọi tế bào đã qua rồi bao tuần sanh diệt diệt sanh, cho đến tác giả bài thơ cũng không còn là chính mình nữa. Vì mãi quấn quýt ôm ấp hình ảnh người yêu, thi sĩ sống với ảo tưởng, tâm và cảnh đều đóng khuôn bất di bất dịch trong dòng chảy thời gian. Trên thuyền trở về vườn đào năm ngoái mà thi sĩ cứ ngỡ như cảnh cũ người xưa vẫn như còn đó, một mớ hình ảnh, một tuồng ảo hóa, một trò ảo thuật cứ cuồn cuộn trỗi lên trong tâm tư của thi sĩ để rồi khi đến nơi thì người xưa đã chết. Vâng! Quả thật “Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư” (Cung oán ngâm khúc).

Cái mà ta gọi là vật chất, là cố thể (solide), nhà Phật cũng như nhà vật lý học thấy đó là một giả thể ở trong không gian và thời gian. Có đó, mất đó, ly đó, hợp đó, biến chuyển trong khoảnh khắc dưới sức tác dụng của hấp lực và kháng lực. Vật chất phân tích đến cùng tột là năng lực, và “thế giới chỉ là một tập hợp của những chuyển động dựa trên những chuyển động” và vật chất phân tích đến chỗ cực vi là nguyên tử, cuối cùng các nhà vật lý học ngẩn ngơ không thấy cái gì gọi là cố thể, và vạn vật từ thế giới đến vi trần đều được treo lơ lửng trên cái năng lực vô danh kia mà vô minh đã gắn cho nó cái tên vật chất.

Trong một nguyên tử “cá vị” mọi kiến thức khoa học đều bị đảo lộn. Như thế giá trị của kiến thức có khác nào thừa  nhận bằng khoa học vạn vật là ảo ảnh, là duy tâm sở tạo duy thức sở biến?

Vô thường áp dụng vào tinh thần gọi là vô ngã

Ngã hay còn gọi là Tự ngã, là cái ta, cũng gọi là bản ngã. Để có một ý niệm đầy đủ về ngã, chúng ta thử mượn triết học Tây Phương rọi vài tia sáng, nhờ đó chúng ta hiểu rõ thêm Phật giáo nói về Duy Tâm thế nào? Căn bản chung của duy tâm luận, Tây Phương lấy con người làm thước đo vật chất. Con người ở đây là bản ngã, là tâm, biệt lập, độc lập đối với không gian và thời gian. Họ nói chỉ có tâm mới thật, còn vạn hữu chỉ là bóng dáng của tâm, không thực thể, tâm muốn có thì nó có, tâm muốn không thì nó không. Để chứng minh tâm ấy có thật, Descartes nhà triết học Tây Phương thế kỷ 17 suy luận; ông bắt đầu tạm ngờ tất cả rằng: không có trời đất, không có núi sông, không có thượng đế, không có con người… Song, dù có ngờ đi chăng thì vẫn có điều ông quyết không ngờ được đó là “chính ông hiện đang ngờ” ông đang ngờ ấy chứng minh rằng ông có thật. “tôi tư duy, vậy tôi có”. Descartes muốn áp dụng phương pháp quy nạp hợp lý của khoa học, nhất là của toán học, vào triết học. Trước đó, triết học bị chi phối bởi phương pháp của phái Kinh viện, vốn hoàn toàn dựa theo sự so sánh và đối chiếu với quan điểm của nhà cầm quyền. Bác bỏ phương pháp này, Descartes cho rằng “Trong khi tìm kiếm con đường thẳng đi đến chân lý, chúng ta không cần phải quan tâm tới những gì mà chúng ta không thể thấu đáo một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học”. Qua đó ông chỉ ra rằng “không điều gì được xem là đúng cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập”. Sự chắc chắn duy nhất làm điểm xuất phát cho các nghiên cứu của ông được ông bày tỏ bằng câu nói nổi tiếng “Cogito, ergo sum”, (tiếng Latinh - “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”) Từ tiên đề cho rằng ý thức rõ ràng về tư duy của ông chứng minh rằng ông tồn tại.

Vô thường đã có mặt ngay khi ta chào đời

Có người cho rằng: vô thường là trải qua bốn giai đoạn thành- trụ-hoại-diệt nhưng thực tế nó có mặt ngay trong lúc ta cất tiếng khóc đầu tiên:

Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bễ nương dâu.
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.
(Cung oán ngâm khúc)

Thời gian là điểm mốc để con người nhận định năm tháng, nhưng nó cũng là nấc thang đưa con người và sự vật đến trạng thái hủy diệt và trở về không. Thế thì có gì tồn tại vĩnh cửu với con người đâu? Nhưng sự hoại diệt không có nghĩa là mất đi vĩnh viễn mà là tiền đề cho cái mới sanh ra, cứ thế mà xoay chuyển đổi dời. Nói thế không có nghĩa là chúng ta nghĩ mọi sự vật đều vô thường mà buông xuôi tất cả, hãy sống cho có ý nghĩa của một kiếp người để nhận ra được sự vô ngã ngay từ sự biến dịch đổi thay của vạn pháp, không còn chấp mắc các pháp. Sự giải thoát cũng ngay trong lý vô thường, do vậy, thời gian là nấc thang để chúng ta không sử dụng năng lực tuổi trẻ, thực hiện những ước mơ và chống lãng phí tuổi thanh xuân khi hiểu rằng tuổi già bỗng chốc sẽ đến. Vả lại, cuộc sống vốn là chuỗi mộng: Sinh – Lão – Bệnh – Tử luôn rình rập, ngọn lửa phiền não luôn từng phút giây thiêu đốt quanh ta, những tham vong giận dữ, ganh ghét, oán thù si mê đang nung nấu trong tâm hồn ta, ta không thể sống hạnh phúc nếu ta tìm chưa có được con đường giải thoát, chưa tìm thấy vô ngã trong định lý vô thường.

Nhận thức về luật vô thường để đi vào hạnh phúc

Thực tế, nguyên lý vô thường trong vũ trụ không đề cập đến thế giới thực thể mà chỉ đề cập đến thế giới hiện tượng mà các nhà nghiên cứu kinh điển Phật giáo đã giải thích khá rõ trong một số kinh điển. Đức Phật chỉ cho nhân loại tỏ rõ vô thường để tĩnh thức, vì mục tiêu của đức Phật không dựa trên trường phái Triết học, Ngài chỉ vạch ra con đường chứng đắc và cứu vớt chúng sanh. Thật vậy, nỗ lực tinh tấn là điều kiện cần thiết mà các vị đệ tử thời đức Phật còn tại thế đã thực hành. Thế giới hiện tượng luôn đè nặng lên họ với sức ép khủng khiếp của cơn ác mộng về sự tranh đấu trong ngọn lửa thiêu đốt vì cuộc sống. Vì thế, mục đích chính của đức Phật dường như để dẫn đạo, để hướng sinh linh từ những cơn bão tố và những cơn sóng dữ của đại dương để duy trì yếu tính bản thể. Mặc dù như vậy, về nguyên lý vô thường thì không thể không có thuận lợi riêng của nó, “nó như vậy, nhưng không phải như vậy”, sự phủ định ấy đáp ứng như một sự chỉ dẫn tuyệt đối. Như vậy, từ nguyên lý vô thường có thể tạo ra nguyên lý thường hằng là niết-bàn tịch tịnh. Hơn nữa, trước khi ứng dụng nguyên lý này, nhà Phật đã diễn bày như một nền tảng căn bản đối với hiện tượng và thế giới bản thể một cách tương ứng. Chúng ta xác minh rằng nguyên lý vô thường liên quan đến thế giới hiện tượng một cách riêng biệt; còn nguyên lý vô ngã thì có mối quan hệ cả nguyên lý vô thường lẫn thế giới hiện tượng; và nguyên lý Niết-bàn tịch tịnh chỉ tùy thuộc vào thế giới bản thể. Nhận ra bản thể là nhận ra hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự khi ta sống hết mình vì mục đích. Chúng ta sống không thể tồn tại độc lập mà là trong mối tương quan tương duyên giữa con người và vạn hữu. Cho nên, có - không, được - mất, buồn - vui, giàu - nghèo... luôn là những cặp phạm trù đồng hành theo định luật Vô thường, vì thế hãy mỉm cười với chính những gì xảy ra với ta và hãy đón nhận để tạo niềm vui hạnh phúc cho hiện tại và  tương lai. Không có hạnh phúc nào vĩnh cửu và cũng chẳng có nỗi đau nào không chấm dứt, tất cả đều là bám víu nơi nhận thức sai lầm của chính mình mà ra.

Vạn vật trên đời này đều mang chung một cái tên “định luật vô thường” vạn vật không đứng yên một chỗ và luôn trong trạng thái biến chuyển kể cả con người. Vậy hãy sống một cuộc sống lành mạnh và có ý nghĩa để tìm an lạc trong tâm hồn. Nếu như vạn vật luôn tồn tại không thay đổi thì cớ chi bao văn nhân thi sĩ đã tốn hằng sa bút mực để thổ lộ những mất mát của họ về tình yêu, về vẻ đẹp diễm kiều mà họ không thể nắm giữ được, để rồi cuối cùng đành xuôi tay theo định luật khắt khe của tạo hóa. Chỉ có một con người tuyệt vời đó là Đức Phật, Ngài đã biết, đã tỏ rõ nó nên Ngài nhẹ nhàng buông xả  khi vạn vật bắt đầu có sự sống cho đến khi tàn lụi.

Trộm nhớ thuở gây mình tạo hóa
Vẻ phù dung một đoá khoe tươi
Nhuỵ hoa chưa mỉm miệng cười
Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.
(Cung oán ngâm khúc)

Cái triết học của Descartes cũng chỉ là sự tư duy trong trói buộc, còn hạn cuộc trong cái bản ngã nhỏ bé vật chất và tinh thần. Sự trói buộc trong cái triết học đó đã đưa ông đến kết luận là Chúa tồn tại. Chúa, theo triết học Descartes, đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Loại thứ nhất là chất suy nghĩ tức tinh thần, loại thứ hai là các chất mở rộng tức thân thể. Nhưng đạo Phật phủ nhận “không có gì tồn tại vĩnh cửu và thường hằng, mà vạn vật luôn ở là trạng thái thay đổi”. Và điều này cũng đã được Đức Phật trình bày rõ trong 12 chi phần của Nhân Duyên, “nếu cái này có thì cái kia có, nếu cái này sanh thì cái kia sanh, nếu cái này không thì cái kia không, nếu cái này mất thì cái kia mất”.

Lam Yên
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr39, 2009]