Về bài kệ truyền pháp của Thiền sư Minh Hành Tại Tại

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Từ khi Mật Thể công bố bài kệ truyền pháp của thiền sư Minh Hành, các công trình nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo sau này lại lấy đó làm điểm y cứ, gây ra những nhầm lẫn đáng tiếc. Phạm Tuấn qua bài “Kệ Phái Truyền Thừa Lâm Tế Đại Việt”  đã chỉ ra hệ thống truyền thừa phái Lâm Lế miền bắc truyền theo bài kệ của thiền sư Đột Không Trí Bản.

Tác giả bài viết trên chưa đưa ra giải quyết bài kệ truyền pháp của thiền sư Minh Hành. Từ đó, chúng tôi nhận thấy cần nghiên cứu bài kệ truyền pháp của thiền sư Minh Hành, nhằm chỉ ra một cách thuyết phục hơn về hệ thống truyền thừa phái Lâm Tế miền Bắc.

1. Vài nét về thiền sư Minh Hành Tại Tại (1596-1659)

Theo Sắc Kiến Tôn Đức Tháp Khoán Thạch: Thiền sư pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại, được sắc tặng Thành đẳng Chính giác Đại đức Thiền sư hóa thân Bồ tát. Ngài  họ Hà, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh (Trung Quốc). Vào năm Đức Long thứ 5 (1633), ngài theo sư Phổ Giác (tức Chuyết Công) đến hành hóa tại Quốc Đô (Thăng Long). Năm Phúc Thái thứ 2 (Giáp Thân) tức năm 1644, ngài được thiền sư Chuyết Công truyền y bát kế thế trụ trì chùa Ninh Phúc (Bút Tháp). Thiền sư viên tịch ngày 25 tháng 3 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (Kỷ Hợi) tức năm 1659, thọ 64 tuổi. Đệ tử xây tháp Tôn Đức phụng thờ tại chùa Bút Tháp. Hiện nay tại chùa Hoa Yên cũng có tháp Tôn Đức thờ ngài và chùa Trạch Lâm, Thanh Hóa.

Theo Sắc Kiến Ninh Phúc Thiền Tự Bi Ký cho biết vào năm Phúc Thái thứ 5 (1647), thiền sư cho trùng hưng chùa Ninh Phúc. Đây là đợt trùng tu có qui mô lớn, được triều đình ủng hộ trong đó có công của Diệu Thiện, một vị đệ tử lớn của Minh Hành. Cũng theo văn bia ghi tên thiền sư có hiệu là Vân Thủy sa di.

Năm Khánh Đức 4 (1652), thiền sư cho in tác phẩm Tâm Châu Nhất Quán của Thích Viên Diễn (Trung Quốc), trong đó cho in hai bài viết của mình là Thánh hiền tương nhược tự và Thánh chúa hiền thần tụng.

Năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), tỳ-kheo ni Diệu Tuệ Thiện Thiện cho khắc in “Tâm Kinh Trực Thuyết” của Hám Sơn đại sư người Trung Quốc.

Năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), thiền sư in tác phẩm “Thiên Đồng Tụng Cổ”. Bản này được in lại năm Cảnh Hưng 24, do tỳ-kheo tự Như Không, bản lưu tại chùa Đoan Nghiêm, xã An Lâm, huyện Đông Triều. Đây là một tác phẩm thiền tông Trung Hoa, có ảnh hưởng nhiều đến các chùa ở Việt Nam.

Qua tiểu truyện của thiền sư, chúng ta thấy thiền sư Minh Hành là một bậc cao tăng được triều đình vua Lê chúa Trịnh ủng hộ. Các công trình kiến trúc của chùa Bút Tháp lúc này đều do một tay thiền sư kiến tạo. Thiền sư đã hoằng hóa khắp nơi từ Kinh thành cho đến Kinh bắc, làm cho Phật pháp được mở mang thêm. Công nghiệp của thiền sư đối với Phật giáo là điều hiển nhiên.

Thiền sư Minh Hành còn để lại mấy tác phẩm sau:
- Chuyết Công Ngữ Lục
- Thánh hiền tương nhược tự, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
- Thánh chúa hiền thần tụng, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
- Trùng san tịnh từ kinh tự, viết năm Quí Tị (1653)
- Sắc kiến ninh phúc thiền tự bi ký.

2. Về bài kệ truyền thừa

Bài kệ truyền thừa của thiền sư Minh Hành đã được các tư liệu dưới đây ghi lại như sau:

Theo Thích song tổ ấn tập (TSTAT) của thiền sư Trừng Diệu Tịnh Hạnh, chùa Thiền Lâm, Phan Thiết có ghi bài kệ như sau:

“Bắc kỳ hữu Chuyết Công phái đệ nhị chi phái kệ vân:
Minh chân như bảo hải,
Kim tường phổ quang thông.
Chí đạo thành chính quả,
Giác ngộ chứng chân không.

Nhạn tháp tự Minh Hành Tại Tại hòa thượng vi nhất thế. Nhị truyền Chân Trú thiền sư. Tam truyền Như Tùy thiền sư. Tứ truyền Hà Nội tỉnh Liên Tôn tự Như Như Lân Giác thượng sĩ, truyền vi Chuyết Công pháp phái vi nhất thế. Nhị truyền Bảo Sơn Tính Thược hòa thượng. tam truyền Hải Quýnh hiệu Từ Phong tổ sư. Tứ truyền Kim Sơn Tịch Truyền thiền sư. Ngũ truyền Tường Quang Chiếu Giác thiền sư. Lục truyền Phổ Viện thiền sư. Thất truyền vân vân.”
北圻有拙公派第二枝派偈云:
明真如寶海
金祥普光通
至道成正果
覺悟証真空
鴈塔寺明行在在和尚為一世. 二傳真住禪師. 三傳如隨禪師.四傳河內省蓮尊寺如如麟角上士. 傳為拙公法派為一世. 二傳寶山性爚和尚. 三傳海炯號慈風祖師. 四傳金山寂傳禪師. 五傳祥光炤覺禪師. 六傳普院禪師. 七傳云云.

Dịch nghĩa:

Bắc kì có phái Chuyết Công, bài kệ phái chi 2 ghi rằng:
Minh chân như bảo hải,
Kim tường phổ quang thông.
Chí đạo thành chính quả,
Giác ngộ chứng chân không.

Hòa thượng Minh Hành Tại Tại, chùa Nhạn Tháp là đời thứ nhất. Truyền đến đời thứ 2 là thiền sư Chân Trú, truyền đến đời thứ 3 là thiền sư Như Tùy. Truyền đến đời thứ 4 là thượng sĩ Như Như Lân Giác, chùa Liên Tôn, Hà Nội, truyền theo pháp phái Chuyết Công làm đời thứ nhất. Đời thứ 2 hòa thượng Bảo sơn Tính Dược, đời thứ 3 tổ sư Hải Quýnh, hiệu Từ Phong. Đời thứ 4 thiền sư Kim Sơn Tịch Truyền. Đời thứ 5 thiền sư Tường quang Chiếu Giác. Đời thứ 6 thiền sư Phổ Viện. Đời thứ 7 vân vân”.

Còn Việt Nam Phật giáo sử lược (VNPGSL) của Thích Mật Thể cho biết: “Ngài Minh Hành Tại Toại ở Nhạn Tháp Bắc kỳ cũng biệt xuất một dòng kệ.
Minh chơn như bảo hải,                    明真如寶海
Kim tường phổ chiếu thông.        金祥普照通
Chí đạo thành chánh quả,                    至道成正果
Giác ngộ chứng chơn không.”                    覺悟証真空

Sau đó, Nguyễn Lang trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận II (VNPGSL II), phần tiểu truyện thiền sư Minh Hành ghi lại bài kệ này có khác vài chữ như sau:
Minh chân như tính hải    (Thấy chân như biển rộng
Kim tường phổ chiếu thông    Ánh vàng chiếu vô cùng
Chí đạo thành chánh quả    Đạt đạo thành chánh quả
Giác ngộ chứng chân không.    Giác ngộ chứng chân không).

Chữ của bài kệ này đã được dùng để đặt pháp danh cho những thế hệ kế tiếp của phái Lâm Tế tại Đàng ngoài”. Tác giả còn cho Chân Nguyên, Như Hiện, Như Trí, Như Sơn, Như Trừng, Tính Tuyền, Tính Dược…thuộc bài kệ này, tức các phái Long Động, Liên Tôn, Tam Huyền, Nguyệt Quang đều truyền thừa theo bài kệ. Vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn kỹ phần sau.

Sau này, Lịch sử Phật giáo Việt Nam (LSPGVN) của Viện Triết Học thì ghi lại bài kệ đúng theo VNPGSL II và cho bài kệ đó là của Thiền sư Minh Hành và được truyền thừa tại miền Bắc.

Lê Mạnh Thát trong công trình Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, tập 1 lại cho bài kệ đó là của Chuyết Công. Tác giả ghi lại bài kệ đó dựa theo TSTAT và có ghi phả hệ truyền thừa phái Chuyết Công. Trong đó, tác giả còn nối kết Thiền sư Minh Châu Hương Hải vào dòng này.

Qua tư liệu của TSTAT, lại đối chiếu với bài kệ của VNPGSL, chúng tôi cho rằng Thích Mật Thể đã có tham khảo TSTAT khi ghi lại bài kệ trên. Hai bài kệ này chỉ khác một chữ ở câu thứ hai. Bản TSTAT ghi là chữ “Quang”, còn bản VNPGSL ghi là chữ “Chiếu”. Như thế, bản TSTAT là nguồn cho các tác giả sau đó. Đây có thể là tư liệu đầu tiên ghi lại bài kệ, là tư liệu để sau này các sách viết về Lịch sử Phật giáo bằng quốc ngữ sử dụng. Tại sao các học giả lại có sự nhầm lẫn khi gán bài kệ trên vào phả hệ truyền thừa dòng Lâm Tế miền Bắc.

Trước hết, nếu như ai sử dụng TSTAT thì thấy nó có phần hợp lí. Chúng tôi cho rằng nếu lấy tên các thiền sư với chữ đầu tiên thì sẽ thấy họ truyền thừa qua bài kệ trên. Đầu tiên là Minh Hành, Chân Trụ, Như Tùy, Bảo Sơn Tính Thược, Hải Quýnh Từ Phong, Kim Sơn Tịch Truyền, Tường Quang Chiếu Giác, Phổ Viện suy ra từ bài kệ:
Minh Chân Như Bảo Hải,
Kim Tường Phổ Quang Thông…

Ở đây, chúng tôi cần đính chính hệ thống truyền của TSTAT đưa ra. Bài “Đi tìm danh và tướng thiền sư Viên Không” chứng minh thiền sư Như Tùy chính là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên. Ngài hành đạo ở chùa Bụt Mọc (Bảo Quang tự) Bắc Ninh, được Ni sư Diệu Viên thờ tại chùa Bút Tháp, chứ không phải là đệ tử truyền pháp của Chân Trú.

Không thể cho Như Tùy thuộc lớp trên của Như Trừng Lân Giác được. Hai thiền sư này có cùng thầy là thiền sư Chân Nguyên. Như Trừng xuất gia sau thiền sư Như Tùy, do đó là sư đệ của thiền sư Như Tùy. Như thế thì từ thiền sư Như Tùy không thể là người kế thừa thiền sư Chân Trụ và cũng không phải là thầy của thiền sư Như Như (tức Như Trừng Lân Giác) được. Có một điều đính chính, theo Kế đăng lục, quyển tả  ghi thiền sư Tường Quang Chiếu Khoan chứ không phải Thiền sư Tường Quang Chiếu Giác; Thiền sư Phổ Tính, chùa Thiên Quang (Hòa Mã) chứ không phải là Phổ Viện. Đây có thể Tịnh Hạnh lầm chăng?

Nếu như theo TSTAT và bản phả hệ của Lê Mạnh Thát thì việc truyền đến chữ “Bảo”, chữ “Kim” là có vấn đề. Ngài Bảo Sơn Tính Dược thì lấy chữ “Bảo” theo bài kệ là có sự gán ép. Theo văn bia “Cung Lục Cứu Sinh Trịnh Thánh Tổ Sự Tích” hiện còn tại chùa Hàm Long - Bắc Ninh thì thiền sư Như Trừng Lân Giác có các đệ tử bắt đầu bằng chữ “Tính” như Tính Ngạn, Tính Tuyền, Tính Uyên, Tính Hoạt… Trong đó thiền sư Bảo Sơn Tính Dược được ghi như sau “Viên Dung Hòa thượng Tính Dược thiền sư”. Bảo Sơn là hiệu của ngài. Còn Kim Sơn Tịch Truyền thì không thể cho Kim Sơn là theo bài kệ được. Theo Xuất gia sa di quốc âm thập giới  phần cuối ghi “Kim Sơn quán tỳ-kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm giám san” tức Tỳ-kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm, quán Kim Sơn giám san. Như thế, Kim Sơn ở đây là tên một quán của Đạo Giáo mà thiền sư từng được mời trụ trì. Thông thường, trong Phật Giáo, các vị đạo cao đức trọng ít được mọi người sử dụng tên chính mà thường lấy tên chỗ ở để gọi như đối với ngài Tường Quang Chiếu Khoan, chùa Vân Trai. Ngài được mọi người gọi là thiền sư Tường Quang, nhưng thực ra Tường Quang là một viện ở chùa Vân Trai, sau đó thiền sư mất, đệ tử lấy tên này để đặt tên tháp của ngài. Qua những dẫn chứng trên, các thiền sư không truyền thừa theo bài kệ của Thiền sư Minh Hành.

Còn VNPHSL II hình như ông lấy tư liệu của Mật Thể có sửa một chữ ở câu đầu, thay “bảo” bằng “tính”. Nếu đọc hết chương sự phục hưng của môn phái trúc lâm, chúng tôi không thấy trường hợp nào có vị thiền sư có pháp danh với chữ “Bảo” cả mà toàn các thiền sư với chữ “Tính” như Tính Tuyền, Tính Dược, Tính Quảng… Trong mục Thánh đăng lục, tác giả viết: “Cũng như Tính Quảng, Tính Lương (Tính Lãng mới đúng, người viết chú) thuộc về thế hệ của chữ tính trong bài kệ truyền pháp của Minh Hành” . Điều đó cho thấy, tác giả VNPGSL II đã y cứ theo bài kệ truyền pháp này để chứng minh thế hệ các thiền sư tại Đàng ngoài của phái Lâm Tế đều theo bài kệ của Minh Hành.

Theo Kiến tính thành Phật   của Thiền sư Chân Nguyên thì Chân Nguyên truyền thừa vẫn trung thành theo bài bài kệ truyền pháp của Đột Không Trí Bản như sau:
“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông.
Tâm Nguyên quảng tục,
Bản giác xương long.
Năng nhân thánh quả,
Thường diễn khoan hoằng.
Duy truyền pháp ấn,
Chính ngộ hội dung.
Kiên trì giới hạnh,
Vĩnh thiệu tổ tông.”

Như thế thì các Thiền sư như Như Trừng Lân Giác, Như Hiện, Như Tùy, đều là đệ tử chân truyền của thiền sư Chân Nguyên lại không truyền theo bài kệ của tông môn mình chăng? Do đó, các phái Long Động, Liên Tôn, Nguyệt Quang… đều truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Đột Không Trí Bản. Thiền sư Chân Hiền Liễu Nhất, trụ trì chùa Hoa Yên, đệ tử của Thiền sư Minh Lương. Ngài có đệ tử là thiền sư Như Văn, tổ sư khai phái chùa Muống (Hải Dương) cũng truyền thừa theo bài kệ trên. Qua quyển Cúng Tổ Khoa và các văn bia tháp tại chùa Muống, chúng tôi thấy rằng không có thiền sư nào truyền thừa theo bài kệ của Thiền sư Minh Hành.

Không chỉ dừng lại đó, chúng tôi đến viếng thăm các chốn tổ thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương cho đến Hà Nội, không thấy sơn môn nào truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Minh Hành. Tiêu biểu là sơn môn Bổ Đà ở Bắc Giang truyền pháp theo bài kệ của thiền sư Đột Không Trí Bản đã đến chữ “Tục”, chữ “Bản”.

Điều đặt ra cho chúng ta là liệu bài kệ đó có phải là của thiền sư Minh Hành hay không? Đây là một nghi vấn chưa được giải quyết còn chờ việc phát hiện thêm tư liệu, mới có kết luận chính xác. Chúng tôi nghĩ bài kệ này đều được các học giả trong Nam sử dụng mà hầu như chưa có sự tìm hiểu rõ ràng. Các thế hệ truyền thừa được gán cho bài kệ để chứng minh bài kệ được truyền thừa liên tục là một ngộ nhận. Đây có thể do TSTAT gây ra. Chúng ta biết thiền sư Minh Hành có hai cao đệ là Chân Trụ và Diệu Thiện. Hai vị này lại không có người kế thừa, do đó dòng chính của Chuyết Công phải chuyển dịch sang thiền sư Minh Lương, phái Phù Lãng. Khi đọc các tư liệu của chùa Bút Tháp, chúng ta thấy vai trò rất lớn của thiền sư Minh Hành. Thiền sư chính là người được Chuyết Công trao truyền y bát kế thế tâm tông. Nhưng sang triều Nguyễn, hình ảnh Minh Hành phai nhạt dần. Hầu như thế hệ sau ít biết về thông tin của vị tổ sư này. Minh Lương, sư đệ của Minh Hành là người chuyển môn phái Bút Tháp sang Phù Lãng. Nơi đây, thiền sư đã đào tạo nhiều đệ tử xuất sắc, làm sáng rỡ dòng Đông Đô. Hầu hết các thiền sư thuộc dòng Lâm Tế tại miền Bắc chính là hậu duệ của thiền tổ Minh Lương. Do đó, qua các đời sau, Minh Lương được tông môn phong như là một vị tổ chân truyền của Chuyết Công. Điều này đã quá rõ trong tác phẩm Thuyền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Phúc Điền hòa thượng. Ngay cả Như Sơn trong Kế đăng lục đã thấy vai trò của Minh Lương. Như thế, dù Minh Hành có viết kệ truyền thừa thì bài kệ đó chỉ dừng lại ở vài ba chữ chứ không kế tiếp như các học giả sau này cho hệ thống truyền thừa đến bây giờ vẫn truyền theo bài kệ của Minh Hành.

Thật đáng tiếc là những năm qua khi cho lập văn bia tại chùa Tiêu ghi sơ lược tiểu sử của thiền sư Như Trí vẫn cho thiền sư này truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Minh Hành. Khi đến viếng chốn tổ Tiêu, chúng tôi rất ngạc nhiên.

Qua phân tích các cứ liệu trên, chúng tôi chỉ ra TSTAT là tư liệu đầu tiên ghi lại bài kệ của Minh Hành. Từ đó, các học giả trong Nam đã lấy đó để ghi lại hệ thống truyền thừa, làm cho không ít công trình nghiên cứu lệch lạc, dẫn đến việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo tại miền Bắc gặp nhiều hạn chế. Chỉ nên ghi lại bài kệ này như một tư liệu, cái cốt lõi là làm sao thấy được bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế miền Bắc được truyền cho đến nay vẫn trung thành theo bài kệ truyền pháp dòng Đột Không Trí Bản.

Chú Thích:
1. Thông báo Hán Nôm học năm 1006, tr. 770-775.
2. Sắc Kiến Tôn Đức Tháp Khoán Thạch, lập năm Vĩnh Thọ 3, thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 2883.
3. Đây là biệt hiệu của các thiền sư. Theo Kim Cương Bảo Tháp Bi Từ thì Thiền sư Minh Lương có hiệu là Vân Mộng phu tử, Chuyết Công có hiệu Vân Du Chuyết Tổ. Có thể chỉ việc đi lại giáo hóa của các thiền sư.
4. Bản lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 301.
5. Bản lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 314.
6. Trừng Diệu Tịnh Hạnh, Thích Song Tổ Ấn Tập, bản lưu tại chùa Thiền Lâm-Phan Thiết, in năm Khải Định Quí Hợi, tờ 16a, 16b
7. Phải đọc đúng là Tại Tại, kiểu nhấp nháy mà sau này nhiều thiền sư hay dùng.
8. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, NXB Minh Đức, Đà Nẵng, 1960, tr. 234.
9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II, NXB Lá Bối, San Jose CA – USA, 1993, tr. 99-100.
10. Sau đó, trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, tác giả đã loại ra.
11. Tạp chí Hán Nôm số 6-2006, bài của Lê Quốc Việt và Phạm Tuấn.
12. Như Sơn, Kế Đăng Lục, bản in năm 1907, Chùa Nguyệt Quang, Đông Khê trùng khắc, tờ 51b, 52a.
13. Như Trừng diễn nôm, Xuất Gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới, chùa Sùng Phúc tàng bản, in năm Cảnh Thịnh 5, bản lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AB. 366.
14. Nguyễn Lang, tr. 115.
15. Thiền sư Chân Nguyên (1698), Kiến tính Thành Phật, bản in lại năm Minh mệnh 6 (1825), bản lưu tại chùa Sùng Phúc - Gia Lâm. Thư viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu A. 2570. Danh sách này nằm trang cuối, tờ 103a8 đến tờ 103b4.

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 67, tr89, 2009]