Việc trải rộng lòng từ bi đến với cộng đồng cũng là cứu độ chúng sinh mà tâm từ bi cũng được thể hiện qua sự giúp đỡ kiến thức y học phổ thông, chăm lo sức khỏe, khám chữa bịnh...
Những vấn đề giáo dục sức khỏe cộng đồng là vấn đề trọng yếu. Việc tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được chú trọng, với các chương trình trọng điểm quốc gia như chương trình phòng chống sốt rét, thanh toán bệnh phong, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS, chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình kiểm soát tình trạng suy dinh dưỡng, và các yếu tố tinh thần…
Ở đây, chúng tôi không có ý trình bày về đề tài này, chỉ ghi nhận như một sự kiện. Nếu có gì để nói thêm, có lẽ chỉ là câu hỏi rằng, là những người làm việc trong lãnh vực y khoa và lại là Phật tử, liệu chúng ta có hiểu biết về lập trường của chúng ta đối với những vấn đề này không? Cũng có nghĩa là giới y tế Phật tử nên có những buổi học hỏi chuyên đề về đạo đức sinh học vốn là đề tài nóng bỏng trong thế giới ngày nay.
Điều đáng quan tâm là khi lắng nghe các bài tham luận của các học giả trong nhiều Hội thảo về trách nhiệm xã hội, tôi thấy điểm nổi bật là sự nhấn mạnh đến nhân vị (human person), xem đó là nền tảng để suy tư và hướng dẫn những chọn lựa và hành động đúng đắn trong lãnh vực y khoa cũng như trong tổ chức kinh tế xã hội. Vậy phải hiểu thế nào về nhân vị và hiểu biết đó gợi ý cho ta điều gì?
Vị tha là từ ngữ triết học mang ý nghĩa vì lợi ích của người khác và chúng sanh khác. Phật giáo cho rằng, con người là chủng loại có thắng duyên nhất để thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, cứu độ chúng sanh và là chủng loại duy nhất có thể thành tựu Phật quả. Theo quan điểm Phật giáo, con người phải được hiểu là một nhân vị từ lúc thụ thai trong bụng mẹ, rồi trưởng thành và cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Vì mỗi con người là một nhân vị ngay từ lúc tượng thai trong lòng mẹ, nên trong lãnh vực y khoa, phải tôn trọng con người ngay từ giây phút đầu tiên cũng như trong mọi giai đoạn của đời sống: “Con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị từ lúc thụ thai, nghĩa là từ giây phút này, người ta cần phải nhìn nhận những quyền của con người đối với sinh linh đó, trong số đó, trước tiên là quyền được sống, vốn là bất khả xâm phạm của mọi hữu thể nhân linh vô tội”. Đây là nền tảng cho giáo huấn của giới y tế Phật giáo không những về phá thai, mà còn về nhiều vấn đề khác như an ủi con người, nâng đỡ tinh thần, an tử (cầu an, cầu siêu…), việc huỷ bỏ các phôi có chủ ý, kỹ thuật làm đông lạnh phôi… Tôi khẳng định một cách mạnh mẽ rằng “Lịch sử nhân loại cho thấy những tiến bộ thực sự chỉ đạt được trong sự hiểu biết và nhìn nhận giá trị cũng như phẩm giá của mỗi nhân vị như là nền tảng của các quyền và những mệnh lệnh đạo đức, nhờ đó xã hội loài người đã và vẫn đang được xây dựng”.
Trong lãnh vực kinh tế cũng vậy, chính tầm nhìn về con người như một nhân vị dẫn ta đến chỗ ý thức con người phải là mục đích chứ không thể là phương tiện, và không được phép sử dụng con người chỉ như phương tiện sản xuất. Đã từng có thời khắp nơi hô to khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”.
Hóa ra con người chỉ là phương tiện phục vụ sản xuất chứ không phải là mục đích mà việc sản xuất phải hướng tới! Ngày nay, khẩu hiệu ấy không còn nhưng thực tế là trong nhiều xí nghiệp, ông chủ có thể tìm cách vắt kiệt sức lao động của thợ thuyền để đạt mục tiêu làm giàu hoặc cư xử với các công nhân một cách tồi tệ, không xứng với phẩm giá con người. Thiết nghĩ một vài ghi nhận về vị tha nói trên cũng cho ta thấy được tầm quan trọng của khái niệm “vị tha” trong lập trường của Phật tử về nhiều lãnh vực, đồng thời cũng gợi ý cho ta đôi điều liên quan đến đời sống của mình, cụ thể là trong trách nhiệm nghề nghiệp và bổn phận giáo dục của giới y tế Phật giáo.
Trước hết là trong lãnh vực nghề nghiệp, tôi vẫn chủ quan nghĩ rằng giữa tu sĩ và bác sĩ, có sự gần gũi nào đó. Quý thầy trong chùa được xem như người lãnh đạo tinh thần và người lương y cứu đời. Ngoài ra, cách nào đó, các vị tu sĩ còn đóng vai trò lương y khi thuyết giảng. Từ góc độ lương y này, các vị tu sĩ rất gần gũi với giới y tế và có thể có những kinh nghiệm chung. Chẳng hạn, khi nhìn lại đời sống tu hành của mình, tôi thấy không ít lần, do mệt mỏi hoặc bận rộn hoặc áp lực công việc kéo dài, cũng có khi vì lười biếng hoặc ích kỷ mà mình đã không đón tiếp một Phật tử như một nhân vị đúng nghĩa, đã có những lời nói hoặc thái độ xúc phạm đến họ, và cảm thấy ân hận khi hồi tâm lúc đêm về. Là những người làm việc trong lãnh vực y tế, các y bác sĩ Phật tử có kinh nghiệm đó không?
Trong những lúc hồi tâm, chắc cũng không ít lần ta cảm thấy ân hận vì mình đã có thái độ phân biệt đối xử đối với người bệnh, đã có những lời nói nặng nề, thái độ cứng rắn… khiến bệnh nhân cảm thấy tủi thân hơn. Ái ngữ là cần thiết! Ta đối xử với người bệnh trước hết như một con người hay trước hết vì địa vị xã hội và khả năng tài chính của họ? Chúng ta chăm sóc người bệnh như một con người (nhân vị) hay chỉ như một phương tiện cho ta làm giàu? Khá nhiều câu hỏi có thể được đặt ra ở đây và có thể là những câu hỏi đau đớn. Tuy nhiên, chân thành đối diện với những câu hỏi đó là cách mời gọi ta sống đúng với căn tính Phật của mình không chỉ trong giờ hồi hướng mà là ngay trong bổn phận nghề nghiệp của mình.
BS.Thái Huy Phong
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr62, 2009]