Những cảnh ngộ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chắc hẳn chúng ta đều biết câu chuyện ông Trương Công Nghệ có một đại gia đình gồm bảy thế hệ mà sống chung với nhau hòa thuận, chuyện đồn đến tai nhà vua, vua rất ngạc nhiên bèn mời ông vào cung để hỏi bí quyết làm sao mà được như vậy. Ông dâng lên vua một chữ NHẪN. Vua ban cho một trái lê; quí vị có nhớ ông ta làm sao để chia cho cả nhà bảy thế hệ của ông không? Xin thưa, ông ta đem trái lê nấu trong một cái nồi to để có đủ nước chia cho mỗi thành viên trong đại gia đình một muỗng nhỏ!


Kính thưa quí vị và các bạn.

Câu chuyện này mà đem kể cho các em thuộc thế hệ thứ tư, không biết các em có chấp nhận hay không, chứ đừng nói là các em thấy được bài học về hạnh phúc theo quan điểm người xưa. Đó chính là “khoảng cách vô hình giữa các thế hệ” có thể làm cho mối quan hệ già - trẻ có thể trở nên khập khiễng, thiếu hòa hợp. Tại sao sự khác biệt về tuổi tác có thể gây ra những mâu thuẩn, những bất lợi? Tại vì  khoảng cách giữa hai thế hệ kéo theo sự khác biệt về suy nghĩ, hành động, về quan điểm sống và về cả cách bày tỏ tình cảm, tâm trạng, v.v…

Do đó, hiện nay, ở hải ngoại (và ở trong nước cũng vậy) có nhiều cảnh ngộ rất éo le do sự khác biệt về tuổi tác quá xa (Genetation Gap) gây ra. Ngoài xã hội thì giữa những người già và người trẻ, còn trong gia đình thì giữa cha mẹ/ông bà và con/cháu. Riêng trong GĐPT, mặc dù có đủ cả nam, phụ, lão, ấu nhưng không gặp rắc rối vì Huynh trưởng chăm lo cho các em Oanh vũ đều là những huynh trưởng trẻ; ngành Thiếu cũng vậy, các em được các Anh Chị Trưởng hơn mình chừng 10 tuổi, 15 tuổi… Vì vậy, những chuyện bực mình trong gia đình các em thường đem tâm sự với các Anh Chị Huynh trưởng.

Có một em Thiếu nữ phàn nàn với Chị trưởng rằng: bà ngoại em không cho em khóa cửa phòng của em, không cho em nói chuyện phone trong phòng, có khi em đi học, bà ở nhà dọn lại phòng của em, làm mất trật tự và mất thì giờ em tìm kiếm sách vở và đồ dùng, v.v...

Có một em Oanh vũ nam kia nói với Anh trưởng rằng: Mom của em funny quá anh à, Mom nói “chơi game sẽ bị bệnh!” ☺☺ !! Mom không biết gì cả, nói vậy là  wrong, phải  không anh? [Mom= mẹ; funny = buồn cười; game = trò chơi (ý nói chơi game trên computer); wrong = sai lầm]

Đây cũng là những rối rắm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tùy theo cách ứng xử mà mọi việc sẽ êm đềm, tốt đẹp hay càng thêm phức tạp… Vì vậy xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi về đề tài “Khoảng cách thế hệ” của 3 Huynh trưởng GĐPT quen thuộc của chúng ta A, B, C và xin góp ý để Anh Chị Em chúng tôi được học tập thêm.

A: Chúng ta sẽ nói về đề tài gì?
B: Về “khoảng cách thế hệ” đó bạn!
C: Bạn B muốn dịch chữ  “Generation Gap” đó phải không? Cách dịch này hay hơn nói “lỗ hổng giữa các thế hệ”.
A: Theo các nước Tây phương - nghĩa là ở quốc độ mà chúng ta đang sống – người ta cho rằng hiện đang có 4 lớp thế hệ.
B: Đúng vậy, 1. Thế hệ sinh ra từ 1922 đến 1943; 2. Thế hệ sinh từ 1946 đến 1964 ; 3. Thế hệ được gọi là thế hệ X sinh ra từ 1965 đến 1979  và  4. Thế hệ được gọi là thế hệ Y ra đời từ năm 1980 đến 1994.
C: Như vậy trong GĐPT chúng ta có mặt đầy đủ cả 4 lớp thế hệ. Các bạn có suy nghĩ tại sao thế hệ thứ ba và thứ tư lại được đặt tên là X và Y không?
A: Mình nghĩ chắc là tại vì người phân chia ra 4 lớp thế hệ này cho rằng thế hệ sinh từ 65 đến 79 là gồm những người được tiếp xúc với nền văn minh hiện đại, họ rất tự lập và quả là một “ẩn số” (X) đối với các thế hệ cha anh; tương tự như vậy, thế hệ thứ tư (Y) ra đời giữa thế kỷ 20 và 21 nhất định sẽ gồm những người lạc quan yêu đời, thực tế và tâm lý đa dạng “không thể nghĩ bàn” đối với các thế hệ trước.
B: Bây giờ chúng ta đi thẳng vào đề tài nha! Trước hết chúng ta nói về định nghĩa của chữ “Khoảng cách thế hệ” (Generation Gap). Theo tự điển Oxford (người ta đã tra giùm cho chúng ta rồi! ☺☺ !!) thì đó là sự khác biệt về thái độ (attitude), giữa những người ở trong hai thế hệ khác nhau.
C: Chữ này, “Generation Gap” (GG), “Khoảng cách thế hệ” ( KCTH), thật ra là đã cũ vì nó xuất hiện trong các xã hội phương Tây từ những thập niên 60; mỗi thế hệ cách nhau từ 20 đến 30 năm là khoảng thời gian để các  em bé trở thành người lớn thật sự - Khổng Tử cũng đã nói “tam thập nhi lập”, có phải không?
A: Phải rồi, nhưng chúng ta tiếp tục khai triển chữ “thái độ” (attitude) của bạn B trong định nghĩa. Thái độ ở đây bao gồm sự suy nghĩ và cách ứng xử.
B: Đúng vậy! GG hay KCTH nói lên sự  khác biệt trong quan điểm về cuộc sống, hay nói một cách đơn giản, đó là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa lớp trẻ và lớp già.
C: Đó là sự khác biệt giữa những người sinh ra và lớn lên trong những môi trường, điều kiện xã hội khác nhau; cho nên KCTH tạo ra những khác biệt về tâm lý, cách hành xử, và cả về kinh nghiệm cùng bản chất nữa.
A: Vì vậy, hiện tượng này (GG hay KCTH) đã hiện diện trong đời sống loài người từ lâu nhưng nó trở nên rõ ràng, đậm nét từ khi sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật trở nên vượt bậc.
B: Phải! Phải, trong xã hội cổ xưa, chưa có sách vở, người già được kính trọng, hậu sinh phải học hỏi những kinh nghiệm qúi báu của họ về tất cả mọi mặt, từ việc đối phó với thiên nhiên để sống còn đến đời sống tâm linh, tình cảm, văn hoá, nghệ thuật, v.v…; phương pháp giáo dục là truyền khẩu, lắng nghe và ghi nhớ.
C: Ngoài ra, họ cũng là người nắm giữ tài sản của gia đình, dòng họ, có quyền sắp đặt, phân chia, v.v… nên con cháu sống nhờ vào gia đình, có khi là đại gia đình, cho nên mô hình Quân - Sư - Phụ được hình thành trong các xã hội Á Đông  là điều rất dễ hiểu.
A: Đúng vậy, nhưng nhược điểm của họ là bảo thủ, không muốn thay đổi những quan điểm (có khi đã lỗi thời), khư khư bảo vệ ý kiến của mình và đa nghi, không dám bàn giao công việc lãnh đạo cho tuổi trẻ.
B: Còn nữa, họ không muốn có sự thay đổi mà họ cho là “đảo lộn” trật tự luân thường, đạo lý, v.v...
C: Có thể là vì phần đông những người già không thích ứng với hoàn cảnh mới, kỹ thuật mới, hay không theo kịp đà tiến của xã hội, của con cháu nên có cảm tưởng bị bỏ lại sau lưng.
A: Phải rồi, nhiều cụ rất dễ xúc động và có tự ti mặc cảm nữa. Thậm chí việc đến thăm con cháu mà phải gọi phone đến trước (để chắc chắn con có nhà) cũng làm các cụ tủi thân cho rằng mình đã mất hết uy quyền đối với con cháu! ☺☺!! Tình cảm cha mẹ với con cái , ông bà với cháu chắt… có thể vì vậy mà nhạt phai có khi đi đến sứt mẻ! Đó chính là “hố sâu” thế hệ chứ không chỉ là khoảng cách mà thôi!
B: Còn về phần thế hệ trẻ, phần đông, họ có nhiều ưu điểm như kiến thức khoa học cao, có đầu óc suy luận thực tế, có tư tưởng phóng khoáng, tính tình cởi mở, tầm nhìn rộng rãi, và luôn nghĩ đến sự phấn đấu, ganh đua, thích những cái mới lạ…
C: Bên cạnh những cái tốt đó, thế hệ trẻ cũng có nhược điểm, ví dụ như tính tình nóng nảy, nhẹ tình cảm gia đình, tình quê hương, nguồn gốc dân tộc Việt, v.v... nhiều tham vọng nên nhiều người cứ lao theo việc kiếm tiền hay cầu danh vọng , địa vị , tiếng tăm…
A: Đây là chúng ta đang nói về các mặt tiêu cực của cả hai bên, để tìm hiểu lý do sự rạn nứt, khoảng cách ngày càng lớn, v.v… chứ trên thực tế cũng có rất nhiều người già trên 70, trên 80… mà rất thông thạo về computer, hay có những tư tưởng rộng rãi, mới mẻ, chịu khó lắng nghe những người trẻ, không thành kiến, cố chấp... cũng như rất nhiều người trẻ thành công ở nhiều lãnh vực, nhưng vẫn khiêm tốn học tập kinh nghiệm của những vị tiền bối.
B: Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng, khoảng cách hay hố ngăn cách, v.v… cái chính là do sự chấp ngã, cho rằng mình hay, mình đúng, thế hệ mình là ưu tú, chê lớp trẻ hời hợt (hay chê lớp già lạc hậu)!
C: Do đó, muốn có sự hòa hợp, chúng ta phải cần biết phương pháp xóa bỏ ranh giới giữa mình và người, giữa tự ngã và tha nhân…
A: Các bạn nói vậy là muốn vận dụng Phật pháp trong đời sống rồi đó! Này nha, sự khởi đầu của  thực hành Bồ-tát hạnh là việc làm lợi ích cho mọi người, người trẻ làm vui lòng người già, lắng nghe những kinh nghiệm của họ, những lời khuyên của họ đôi khi hơi vụng về, thiếu xã giao lịch sự; còn người già cố gắng tìm hiểu con cháu mình, tôn trọng những ý kiến riêng của chúng, sự tự do của chúng… nếu trẻ hay già đều biết mở rộng lòng mình ra để hiểu và thương “đối phương”  thì nhất định “thế giới già trẻ” sẽ hòa bình và khoảng cách thế hệ sẽ được âm thầm xoá bỏ.
B: Đúng vậy, Phật pháp nhiệm mầu ở chỗ luôn khởi đầu từ những tình cảm thân thiết để dần dần nâng cao tâm hồn chúng ta lên, bắt đầu từ tự ngã để tiến đến vô ngã; ví dụ đức Phật dạy về hiếu hạnh, rồi nâng cao bằng tư tưởng “xem chúng sanh như cha mẹ trong bảy đời của mình”.
C: Phải rồi, cảm ơn bạn nhắc nhở. Đức Phật quả đã dạy chúng ta: từ sự thương quý bản thân mình, chúng ta nên trải rộng tình thương ấy ra đến mọi người vì họ cùng có giọt máu đỏ y như chúng ta, rồi rải rộng ra đến muôn loài có sự sống, vì tất cả mọi chúng sanh đều tham sống, sợ chết y như chúng ta, v.v... ngay cả đến cỏ cây hoa lá.
A: Thật vậy, mình nghe Sư cô Trí Hải (lúc sinh thời) dạy rằng kinh Bồ-tát giới nói: Tất cả đất nước đều là thân cũ của ta, lửa gió là bản thể của ta, cho nên nếu ta giết hại cây cỏ, thiên nhiên, tàn phá môi trường… thì cũng giống như chúng ta đã giết hại bản thân mình, cha mẹ mình vậy.
B: Nếu thấm nhuần được tư tưởng này thì rõ ràng thấy được “mình với vũ trụ là một” đâu còn khoảng cách gì nữa phải không các bạn? Nói gì là “khoảng cách thế hệ” ??
C: Đúng! Đúng, nhờ có buổi nói chuyện về khoảng cách thế hệ mà chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Phật pháp giúp ACE /GĐPT chúng ta vượt qua không chỉ “khoảng cách thế hệ” mà cả các khoảng cách về thành phần xã hội, trình độ văn hoá, nghề nghiệp… để cùng làm việc, cùng  xây dựng Gia Đình Phật Tử từng bước phát triển vững mạnh hơn 70 năm qua.
A: Như vậy, nếu ai áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày thì sẽ xoá được tất cả những khoảng cách và sự hoà hợp, tin yêu, vui vẻ sẽ theo sau, phải không các bạn? Vì nói cho cùng, tất cả chúng ta, trẻ hay già cũng đều trải qua một chu kỳ không thể thay đổi (trong vòng luẩn quẩn sinh tử luân hồi):

“Trước hết, chúng ta là con của cha mẹ
Rồi là cha mẹ của một bầy con
Sau đó sẽ trở lại làm cha mẹ của cha mẹ
Và cuối cùng là con của bầy con.”

[Đây là lời của bác sĩ Milton Greenblatt (1914 - 1994) nhà tiền phong Hoa Kỳ về chăm sóc sức khỏe và tâm bệnh]

B: Bạn A đã kết luận rốt ráo vấn đề này; chúng ta kết thúc buổi hội luận được chưa?  Nếu được, xin tạm biệt và hẹn gặp lại!
A và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr56, 2009]