Một vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam đã đưa ra và thường xuyên nhắc đến khái niệm tịnh độ hiện tiền, bây giờ, ở đây và trong mỗi chúng ta. Trọng tâm của việc tu hành là nhằm đến sự ý thức được những khái niệm đó.
Nếu cùng một cách nghĩ như vậy, thì đương nhiên, sẽ có địa ngục hiện tiền, bây giờ, ở đây và trong mỗi chúng ta. Bởi địa ngục/tịnh độ luôn luôn là một cặp phạm trù tương ứng. Vì có địa ngục nên cần có tịnh độ. Và cũng vì có tịnh độ nên hiển nhiên là có địa ngục. Điều đó như là bóng tối/ánh sáng.
Để cảm nhận tịnh độ hiện tiền, bây giờ, ở đây, trong mỗi chúng ta là một điều khó, không mấy ai có thể trải nghiệm được, và tất nhiên phải qua quá trình tu tập. Những cảm giác hạnh phúc, vui sướng… hoàn toàn chưa phải là tịnh độ hiện tiền.
Nhưng địa ngục hiện tiền, bây giờ, ở đây và trong mỗi chúng ta thì tuy không xác định bằng chính danh từ địa ngục, nhưng nó luôn luôn tồn tại bên chúng ta. Chúng ta luôn kề bên nó, cảm thấy sự có mặt của nó, chịu sự tác động của nó, và không tránh khỏi một ngày nào đó có thể rơi vào địa ngục hiện tiền đó.
Một người bước vào một ngôi chùa xưa, nhìn lên bức tranh 10 tầng địa ngục, nơi con người bị quằn quại trong lửa cháy, bị phanh thây xẻ thịt sống dở chết dở, … có thể coi đó là chuyện cổ tích dành để hù dọa trẻ em của những thế kỷ trước.
Nhưng bước ra khỏi cổng chùa, thì có thể thấy ngay một vụ tai nạn xe cộ máu đổ thịt rơi. Về đến nhà, mở TV thì thấy cảnh tai nạn máy bay thi thể những hành khách cháy thành than; rồi phà chìm, giây phút bao nhiêu con người tiến đến cái chết trong sự hãi hùng cực độ; hầm mỏ bị sụp, những người thợ bị chôn vùi trong lòng đất tối đen khi vẫn sống và đang chết…
Gần đây hơn là dịch cúm A H1N1, nay bùng lên chỗ này, mai phát lên chỗ kia, chung quanh chúng ta số người chết cứ tăng lên từng ngày. Lên xe buýt, vào siêu thị, nhìn quanh không biết ai đã bị cúm mà không biết, ai sẽ qua khỏi còn ai sẽ chết, khi nào thì đến lượt mình bị lây nhiễm.
Khi đang viết bài này, thì được biết báo chí đăng tin khách du lịch bị cọp ở sở thú sổ chuồng cắn chết. Chuyện tưởng chừng chỉ có trong tranh vẽ địa ngục ở các chùa xưa thì nay lại diễn ra.
Địa ngục quả là hiện tiền, nó tồn tại bây giờ, ở đây, bên cạnh chúng ta, chứ không phải chờ đến kiếp sau, khi đã gặp “Diêm vương”.
Địa ngục không là chuyện cổ, mà nó song hành với thời đại. Mới đây, hơn một tuần, TV liên tục chiếu những hình ảnh những trận cháy rừng bao quanh thủ đô Athen, Hy Lạp. Những chiếc máy bay hiện đại của các nước châu Âu nối tiếp bay lượn trên bầu trời thả nước và hóa chất chữa cháy. Con người hiện đại tưởng chừng mạnh mẽ lắm. Máy bay đủ loại cất cánh từ phi trường, từ mặt nước đảo xuống đảo lên đủ kiểu, mà biển lửa vẫn cứ dâng lên, dân chúng từng đoàn nối nhau kinh hoàng bỏ chạy.
Ở đây chưa vội đi sâu vào địa ngục trong mỗi chúng ta mà hãy chỉ bàn đến địa ngục bên ngoài, thì cũng đủ thấy nó như thế nào rồi.
Trong đạo Phật có địa ngục, và cũng có đức Địa Tạng Bồ-tát, vị Phật hy sinh nhận lãnh trách nhiệm cứu độ chúng sinh đau khổ trong địa ngục nên chưa thành Phật.
Nếu tịnh độ, địa ngục hiện tiền, bây giờ, ở đây, trong mỗi chúng ta, thì Bồ-tát Địa Tạng tất nhiên cũng hiện tiền, bây giờ, ở đây, trong mỗi chúng ta.
Vấn đề là ở chỗ chúng ta ý thức về địa ngục, và cùng với sự ý thức đó, là ý thức về sự hiện hữu của Bồ-tát Địa Tạng.
Bồ-tát Địa Tạng hiện tiền trong chúng ta, không chỉ trợ giúp chúng ta, mà hóa thân vào chính chúng ta, để hóa giải địa ngục.
Ý thức về địa ngục hiện tiền là điều cần thiết, thì ý thức về Địa Tạng Bồ-tát hiện tiền là điều cần thiết hơn nữa.
Đạo Phật chúng ta không nói đến chuyện “chiến đấu” với địa ngục và những thế lực từ địa ngục, không hướng đến việc “tiêu diệt” địa ngục, như những tôn giáo khác mà mục tiêu của đạo Phật là cứu độ chúng sinh ra khỏi địa ngục, hóa giải địa ngục.
Nhưng một sự ý thức về địa ngục đi kèm với ý thức về Địa Tạng Bồ-tát, hay có thể nói cách khác, “tinh thần Địa Tạng” có thể thay đổi, chuyển hóa sự hiện hữu của địa ngục.
Ý thức về Địa Tạng Bồ-tát không phải chỉ là vẽ khắc hình tượng của Ngài như một vị thánh Tăng, thần, Phật, rồi cúng dường, lễ lạy, khấn cầu, tuy điều này cũng rất cần thiết, vì như thế là chúng ta đã ý thức về địa ngục và sự hóa giải địa ngục. Nhưng để hiệu quả hơn thì chúng ta phải khơi dậy tâm từ, sự hy sinh và lòng dũng cảm đối mặt với địa ngục, chịu đựng nó, hóa giải nó.
Với Địa Tạng Bồ-tát hiện tiền trong chúng ta, chúng ta có thể sống chung với địa ngục và ra khỏi địa ngục.
Trong nhiều đoạn video phát trên các đài truyền hình quốc tế về trận cháy rừng khủng khiếp mới đây ở ngoại ô Athen, Hy Lạp, có đoạn video thể hiện hình ảnh những người lính cứu hỏa bình tĩnh, vững vàng đối mặt với ngọn lửa. Những người lính cứu hỏa ấy có thể coi là biểu tượng của Địa Tạng Bồ-tát hiện tiền trước địa ngục lửa trước mặt.
Nhưng điều đáng nói là người phóng viên ghi lại hình ảnh biển lửa quanh thủ đô Athen đó lại thể hiện đồng thời hình ảnh những làn khói biển lửa lồng với làn khói những nhà máy đang ngày càng làm trái đất nóng dần lên, nguyên nhân gián tiếp của địa ngục lửa quanh Athen hôm nay và những địa ngục lửa sẽ có ngày mai trên trái đất.
Một sự ý thức như vậy mặc nhiên là ý thức Địa Tạng hiện tiền, tinh thần Địa Tạng hiện tiền, bên cạnh địa ngục hiện tiền.
Nội dung của kinh Địa Tạng khẳng định chúng sinh không nên sợ hãi địa ngục vì đã có Địa Tạng Vương Bồ-tát. Cùng một tinh thần như vậy chúng ta ý thức về địa ngục hiện tiền.
Địa ngục hiện tiền thực sự là địa ngục nếu chúng ta không ý thức về Địa Tạng Bồ-tát hiện tiền, bây giờ, ở đây, trong mỗi chúng ta. Nhưng địa ngục hiện tiền không hoàn toàn là địa ngục nếu có Bồ-tát Địa Tạng hiện tiền.
Ý thức về một Bồ-tát Địa Tạng hiện tiền song song với ý thức về địa ngục hiện tiền cũng là ý thức về tinh thần Bồ-tát gắn liền với cuộc sống, với an lạc hiện tại và tương lai, Bồ-tát Địa Tạng hoàn toàn không phải là vị Bồ-tát của người chết, của tang ma, cầu siêu, của nghĩa địa.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr14, 2009]