Lý tưởng Bồ Tát

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Hồng chung sơ khấu
Bảo kệ cao âm
Thượng thông thiên đường
Hạ Triệt địa phủ


Nam mô U minh giáo chủ, cứu khổ bổn tôn, cứu bạt minh đồ, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma-ha-tát.

Có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không sao quên được bài kệ và danh hiệu của vị Bồ-tát ấy, bởi bài kệ và danh hiệu ấy đã đánh dấu một thời hành điệu của tôi. Làm sao quên được những kỉ niệm và hình ảnh của một chú tiểu nhỏ bé với cái chỏm trên đầu, mới ba giờ rưỡi sáng, trong cái lạnh giá buốt của miền cao nguyên trung phần Pleiku, tay cầm chùy đại hồng chung, miệng đọc bài kệ và niệm danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng và đánh lên những tiếng chuông thanh thoát giữa đêm tàn cô tịch, nhất tâm cầu nguyện cho những chúng sanh đang chịu những cực hình khổ đau trong địa ngục và thức tỉnh cả nhân loại đang say giữa giấc mộng miên trường.

Tiếng chuông, danh hiệu của Bồ-tát và bài kệ ấy đã theo tôi từ thời hành điệu như thế, và tôi cũng biết rằng đó là bài kệ nằm lòng của những người con Phật, bởi bài kệ niệm chung ấy ngày nào cũng được ngân vang trước hai thời công phu (công phu khuya và tối). Âm thanh, ý nghĩa bài kệ và danh hiệu Bồ-tát ấy cao huyền làm sao, và tôi chắc rằng không có một bài kệ nào hay hơn và ý nghĩa hơn có thể thay thế được.

Chúng ta chưa bàn về ý nghĩa cao xa của kinh Địa Tạng hay hạnh nguyện, hình tượng… của ngài Địa Tạng, chỉ cần qua bài kệ ngắn 16 chữ và danh hiệu ấy, cũng đủ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng về lý tưởng Bồ-tát qua hình tượng ngài Địa Tạng trong lòng người con Phật rồi.

Tinh thần Đại thừa nói chung hay lý tưởng Bồ-tát nói riêng đã đưa Phật giáo vượt thoát những không gian hạn hẹp, vượt qua những giới hạn của nhà chùa hay tinh xá “cửa đóng then cài”  hay “thiền môn u tịch”… để đưa Phật giáo đi vào cuộc đời, thể hiện lý tưởng độ sanh hay tinh thần cứu khổ của người con Phật. Đó chính là lý tưởng và tinh thần của các vị Bồ-tát.

Cho đến ngày nay, nói theo ngôn ngữ của người xưa “sáu mươi năm cuộc đời” thì tôi đã đi hơn một nửa rồi. Trong suốt những năm dài học Phật, tôi chợt giật mình nhìn lại tinh thần siêu việt của Đại thừa hay lý tưởng Bồ-tát mà chư Phật, chư Tổ đã dạy cho người xuất gia ngay từ lúc bước chân vào đạo. Tôi nhớ ngày ấy, ngày đầu tiên mới xuất gia vào cửa chùa, chưa thuộc một bài kinh cơ bản nào, ngay cả chú Đại Bi, Sư phụ tôi đã dạy tôi học sáu chữ “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu” (Luật dùng cần thiết hằng ngày). Người còn dạy “Nghi tiên học luật, hậu học tu-đa-la” (trước tiên phải học luật, sau đó mới học kinh). Giờ nghiệm lại những dòng kệ ấy, tôi chợt nhận ra lý tưởng siêu việt của Bồ-tát đã ẩn tàng bao la trong những dòng kệ Tỳ-ni ban đầu ấy. Năm mươi mốt câu kệ trong bộ luật này đã dạy cho người xuất gia sơ cơ mới vào cổng chùa, từ những lúc gà gáy canh khuya, khi vừa thức dậy bước chân xuống giường cho đến khi đi ngủ, phải thiết lập chánh niệm trong mỗi một việc làm của mình và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của người con Phật là phải cầu nguyện và hồi hướng công đức đến với tất cả chúng sanh “đương nguyện chúng sanh”.

Phật giáo Đại thừa, hay lý tưởng Bồ-tát đã được thiết lập và truyền dạy cho những vị xuất gia sơ cơ, ngay khi phát nguyện ra khỏi nhà thế tục bước chân vào cửa đạo qua những bài kệ của luật Tỳ-ni hay bài kệ hô chung với hình ảnh của ngài Địa Tạng mà các chú tiểu đã đọc tụng và đánh lên những tiếng đại hồng chung thức tỉnh cả thiên hà, u cảnh “Thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ.”

Kinh Tạp A-hàm (Samyutta Nikaya) kể rằng: Có một hôm, tại xứ Kosambi, đức Phật từ trong rừng đi ra, trên tay Ngài cầm một nắm lá Simsapa và hỏi các vị Tỳ-kheo rằng lá trong rừng nhiều hay lá trên tay Ngài nhiều. Các Tỳ-kheo đều trả lời, lá trong rừng rất nhiều, lá trên tay rất ít. Đức Phật dạy, những gì Ngài dạy cho các Tỳ-kheo chỉ như lá trong tay của Ngài, còn những gì Ngài biết thì như lá trong rừng. Với tinh thần siêu việt của Đại thừa, chúng ta có thể hiểu rằng các vị Bồ-tát thuở xưa như ngài Mã Minh (Asvagosa), Long Thọ (Nagarjuna), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), v.v… đã nương theo nắm lá Simsapa trong bàn tay của đức Phật và hướng đến rừng lá Simsapa vô tận trong rừng. Có lẽ trên tinh thần siêu việt ấy mà giáo lý Đại thừa đã được thành lập, lý tưởng Bồ-tát cao siêu đã xuất hiện ngay từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, để thay thế cho chủ nghĩa bộ phái sắp suy tàn và đưa Phật giáo phát triển một cách rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Đó chính là sự xuất hiện những tư tưởng siêu việt qua các bộ kinh như Bát-nhã (Prajna Paramita sutra), Pháp Hoa (Saddharmapundarika), Hoa Nghiêm (Avatamsaka), Duy-ma-cật (Vimalakirtinidesa), kinh Địa Tạng, Vu Lan Báo Hiếu, v.v…

Lý tưởng Đại thừa của Phật giáo được thể hiện cụ thể qua những lý tưởng và hạnh nguyện của các vị Bồ-tát. Trong vô lượng Bồ-tát được đề cập trong các kinh điển Đại thừa, có bốn vị đại Bồ-tát nổi bật nhất: Văn Thù Sư Lợi (Manjuri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Quán Âm (Avalokitesvara) và Địa Tạng (Ksitigarbha).

Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu về Bồ-tát Địa Tạng. Công hạnh, hình tướng cũng như sự tu chứng của vị Bồ-tát này được đức Phật mô tả cụ thể trong kinh Địa Tạng. Có thể khẳng định rằng, kinh Địa Tạng là một trong những kinh nổi bật của kinh điển Đại thừa và được người con Phật thọ trì đọc tụng rất nhiều tại các nước như Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Một số học giả cho rằng kinh này được biên soạn tại Trung Hoa. Tuy nhiên, theo lịch sử truyền bá và dịch thuật kinh điển, bộ kinh này có nguồn gốc từ Ấn Độ, nguyên bản tiếng Phạn của kinh này tên là: Ksitigarbhaprani Dhana Sutra. Kinh này được ngài Thật-xoa-nan-đà (Siksanada) dịch đầu tiên sang tiếng Hán vào thời đại nhà Đường, bản tiếng Hán là: 地 藏 菩薩 本 願 經 (Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện kinh). Sau đó bản kinh này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác như tiếng: Hàn, Nhật, Việt…  Ngày nay bản kinh này cũng được lưu hành, nghiên cứu và thọ trì tại các nước phương Tây với tựa đề là “Sutra of the Past Vows of the Earth Store Bodhisattva), do hội nghiên cứu dịch thuật của HT. Tuyên Hoá, Vạn Phật Thánh Thành, Mỹ quốc dịch và phổ biến. Bộ kinh này được đức Phật thuyết giảng tại cung trời Đao Lợi, nhân dịp Ngài lên cung trời này thuyết pháp độ thân mẫu của Ngài là hoàng hậu Maya, qua sự thưa thỉnh của đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi. Tông chỉ bộ kinh này được HT. Tuyên Hoá tóm tắt trong tám chữ: “Hiếu đạo, Ðộ sanh, Bạt khổ, Báo ân”, do vậy kinh này cũng được gọi là Hiếu kinh của Phật giáo. Nội dung bộ kinh này đức Phật thuyết giảng về công hạnh cao cả của ngài Địa Tạng qua những tiền kiếp của Ngài, đặc biệt là hiếu hạnh và sự độ sanh của Ngài.

Lý tưởng Bồ-tát và công hạnh của ngài Địa Tạng được đức Phật mô tả rất nhiều qua các kinh điển Đại thừa như: Phật Thuyết Đại Phương Quảng Thập Luân kinh, Ðại Thừa Ðại Tập Ðịa Tạng Thập Luân kinh, Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo kinh, Phật thuyết La Ma Già kinh, Hoa Nghiêm kinh, Hoa Nghiêm kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Hoa Nghiêm Thập Ðịa kinh, Ðại Thừa Bổn Sanh Tâm Ðịa Quán kinh, Phật Thuyết Bát Ðại Bồ-tát kinh, v.v…

Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật có dạy về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng: 1. Trong vô lượng kiếp về trước, ngài Địa Tạng là một vị trưởng giả, nhờ phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị trưởng giả này đã phát đại nguyện: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Ðạo.”  2. Vào thời quá khứ vô số kiếp trước, thuở đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tiền thân của Ngài là một người nữ dòng dõi Bà-la-môn có nhiều phước đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức Phật cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại đã cho cô biết là mẹ của Cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và vãng sanh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”  3. Trong hằng hà sa số kiếp về trước, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, ngài Địa Tạng là một vị vua rất đức độ, thương dân… nhưng chúng sanh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền đức này đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.”  4. Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng là một hiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung, bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sanh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu… vì lòng thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ, v.v... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.”

Có lẽ chính nhờ những tư tưởng hiếu đạo cao cả của đức Thế Tôn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ thân mẫu Maya, về quê hương hoá độ thân phụ Tịnh Phạn Vương, hay các hạnh hiếu cao cả của tôn giả Mục Kiền Liên qua kinh Vu Lan Bao Hiếu và những hạnh hiếu cao cả của ngài Địa Tạng qua kinh Địa Tạng này… mà Phật giáo đã cảm hóa được tính độc tôn của Nho giáo từng thống trị ở đại lục Trung Hoa, đồng thời góp phần to lớn vào việc xây dựng nền đạo đức Đông phương. Tinh thần vô uý cao cả phát nguyện vào các địa ngục kinh khiếp để cứu độ những chúng sanh đầy tội lỗi ấy của đức Địa Tạng luôn là biểu tượng tôn quí để người con Phật hướng về đảnh lễ chí thành: “Chúng sanh độ tận Phương chứng Bồ-đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật, đại bi đại nguyện đại thánh, đại từ, bổn tôn địa tạng Bồ-tát Ma ha tát.”  Chính lý tưởng Bồ-tát siêu việt và cao cả ấy, hình tượng ngài Địa Tạng đã trở thành lý tưởng sống vị tha cao thượng qua một thành ngữ nổi danh: “Nếu ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào?” (If I do not go to hell, who else will go?

Nếu quê hương của Phật giáo có Tứ Động Tâm hay Bốn Thánh Tích thiêng liêng của người con Phật, thì Phật giáo Trung Hoa có Tứ Đại Danh Sơn. Tứ Đại Danh Sơn là bốn thánh cảnh nổi danh, gắn liền với những huyền thoại nhiệm mầu về hóa thân tu tập của bốn vị Bồ-tát nổi danh trong Phật giáo, đó là: Bồ-tát Quán Thế Âm tại Phổ Đà Sơn còn gọi là Hải Thiên Phật Quốc ở tỉnh Triết Giang, Bồ-tát Phổ Hiền tại Nga Mi Sơn còn gọi là Tây Nam Phật Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi tại Ngũ Đài Sơn còn gọi là Thanh Lương Thế Giới ở tỉnh Sơn Tây và Bồ-tát Địa Tạng tại Cửu Hoa Sơn còn gọi là Liên Hoa Phật Quốc ở tỉnh An Huy.

Theo các sách như Thần Tăng Truyện, Cửu Hoa Sơn Chí… thì lịch sử của Cửu Hoa Sơn, thánh địa đạo tràng của ngài Địa Tạng được kể như sau: Vào năm 695 Tây lịch, vua nước Tân La (Hàn Quốc ngày nay) hạ sanh thái tử Kim Kiều Giác, lớn lên Thái tử có lòng mến mộ Phật pháp rất sâu. Năm 24 tuổi, ông từ bỏ hoàng cung quyết chí xuất gia, lấy hiệu là Địa Tạng. Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Địa Tạng nghe danh của ngài Huyền Trang sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh và trở về Trung Hoa, giúp Phật giáo đời Đường phát triển đến đỉnh cao, hơn nữa Phật giáo Tân La được truyền từ Trung Hoa vào… Tỳ-kheo Địa Tạng phát nguyện vượt đại dương mênh mông đến Trung Hoa tu tập, hóa độ chúng sanh. Sau những năm vân du tham học nhiều nơi, cuối cùng Tỳ-kheo Địa Tạng đến núi Cửu Hoa, thấy cảnh núi non hùng vĩ, phong cảnh thanh nhàn thoát tục, Ngài dừng lại ở ngọn núi này lập một thảo am quyết tâm khổ hạnh tu đạo. Trong vùng lân cận của núi Cửu Hoa có một vị phú thương tên là Văn Các Lão, là một Phật tử có tâm hộ trì Phật pháp, từng phát tâm cúng dường và xây dựng rất nhiều chùa viện. Nhân một lần đi ngoạn cảnh tại núi Cửu Hoa, Văn Các Lão diện kiến được sự tinh tấn tu hành, cũng như đạo hạnh cao thâm của Tỳ-kheo Địa Tạng, ông liền thưa Tỳ-kheo Địa Tạng muốn dâng cúng Ngài một khu đất và lập một tự viện để Ngài tu hành. Tỳ-kheo Địa Tạng nói chỉ cần một khu đất che phủ bởi tấm áo Cà sa của Ngài, nhưng khi Ngài giũ áo lên thì tấm Cà sa phủ cả ngọn núi Cửu Hoa. Văn Các Lão vừa kính phục vừa vui mừng, liền mua cả ngọn núi Cửu Hoa cúng dường Ngài, ông còn phát tâm theo ủng hộ Ngài và cho người con trai của mình tên là Đạo Minh xuất gia theo Ngài học đạo. Từ ấy dân làng các vùng lân cận và các nơi đều kéo nhau về núi Cửu Hoa học Phật dưới sự hướng dẫn của Tỳ-kheo Địa Tạng, cũng trong thời gian ấy rất nhiều huyền thoại mầu nhiệm về sự cứu độ chúng sanh được kể về Ngài. Đến năm 99 tuổi, Tỳ-kheo Địa Tạng gọi đồ chúng đến dặn dò mọi việc rồi ngồi kiết già an nhiên thị tịch, lúc ấy là ngày 30 tháng 7 âm lịch. Theo lời dặn của Ngài các đệ tử đóng một cái quan bằng gỗ và tôn thờ tại núi Cửu Hoa, ba năm sau khai quan ra thì thấy nhục thân Ngài vẫn nguyên vẹn, sắc diện hồng hào, tỏa mùi thơm… các đệ tử liền xây một bảo tháp cao ba tầng trên núi Cửu Hoa để tôn thờ nhục thân Ngài, gọi là “Nhục thân bảo tháp”. Cũng trong năm ấy, năm 797, Hoàng đế nhà Đường lúc ấy là Đường Đức Tông nghe việc hy hữu nhiệm mầu, liền ban chiếu chỉ xây một bảo điện to lớn bao lên trên bảo tháp để bảo vệ nhục thân của ngài,  gọi là “Nhục thân bảo điện” để tỏ lòng kính ngưỡng phụng thờ. Và nhục thân của Ngài đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngọn núi Cửu Hoa còn gắn liền với nhiều huyền thoại linh ứng về sự cứu độ chúng sanh của Bồ-tát Địa Tạng và ngay từ thời ấy đến tận bây giờ, thánh địa Cửu Hoa Sơn trở thành một trong bốn thánh cảnh thiêng liêng nhất của Phật giáo Trung Hoa. Hàng năm, thánh địa Cửu Hoa sơn thu hút hàng vạn Phật tử và du khách tại Trung Hoa cũng như trên thế giới đến chiêm bái và viếng thăm.

Theo lịch sử của Cửu Hoa Sơn, Tỳ-kheo Địa Tạng thị tịch vào ngày 30 tháng 7 âm lịch, Phật giáo đã chọn ngày này làm ngày lễ vía hằng năm của Bồ-tát Địa Tạng. Cũng trên tinh thần ấy, sau lễ Vu Lan, các chùa thường khai kinh Địa Tạng và thọ trì, đọc tụng hết tháng này. Và các pháp hội về Bồ-tát Địa Tạng cũng thường được tổ chức trong những ngày này.

Trong các tranh tượng của chư đại Bồ-tát, chúng ta có thể thấy rằng, hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng là tiêu biểu cho hình dáng và lý tưởng của người xuất gia hơn là những hình tượng của các vị Bồ-tát khác. Nếu hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm có hình dáng của người mẹ hiền, với bình cam lộ, giọt nước, cành dương xoa dịu những nỗi khổ đau nơi trần thế; hình tượng của Bồ-tát Văn Thù như một nhà thông thái tự tại trên lưng sư tử oai hùng, với thanh gươm trí tuệ chặt đứt những sợi dây phiền não vô minh; hình tượng của Bồ-tát Phổ Hiền an nhiên trên con bạch tượng với cành hoa sen trên tay, tiêu biểu cho thập hạnh chuyên cần tiến bước trên đường giác ngộ; thì hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng với đầu tròn đội mũ Tỳ lư, mình đắp Cà sa, tay cầm tích trượng tiêu biểu cho hình tượng của chư Tăng, thực hiện lý tưởng cứu khổ độ sanh. Đó là hình tượng của ngài Địa Tạng mà chúng ta thường gặp nhất trong các chùa. Trong chánh điện các chùa, tôn tượng của Ngài thường được tôn thờ bên phải đức Thế Tôn hay đức Phật Di Đà, bên trái là Bồ-tát Quán Thế Âm.

Đôi khi hình tượng Ngài còn được mô tả bên phải có hộ pháp Văn Các Lão, bên trái là Tỳ-kheo Đạo Minh, dưới chân Ngài là con Linh khuyển. Một hình tượng của Ngài mà chúng ta thường trông thấy trong các buổi đại trai đàn chẩn tế là, Ngài ngồi tự tại trên một con kì lân hung tợn một sừng, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm viên minh châu tỏa sáng quang minh để cứu độ chúng sanh trong cảnh giới địa ngục kinh hoàng. Dù là hình tượng nào thì ngài Địa Tạng vẫn là hình tượng trang nghiêm tiêu biểu cho ‘đầu tròn áo vuông’, đầu đội mũ Tỳ lư, tay cầm tích trượng, mình mặc áo Cà sa… đó chính là hình ảnh của một vị Tăng xuất thế.

Tuy nhiên, bước sang tinh thần của Phật giáo Nhật Bản thì lý tưởng, hạnh nguyện và hình tượng của ngài Địa Tạng rất đặc biệt, có đôi phần khác so với các nước Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam… như đã miêu tả ở trên. Khi kinh Địa Tạng được truyền sang Nhật, người Phật tử Nhật có lẽ chú trọng và phát huy về sự cứu độ của ngài Địa Tạng qua hạnh nguyện cứu độ và bảo vệ những trẻ em bị yểu mạng, hay bất hạnh chết trong bào thai (sẩy thai) hay chết yểu lúc tuổi còn rất nhỏ; chính vì vậy mà hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng thường được mô tả theo truyền thống Nhật là tay phải cầm tích trượng, tay trái bồng một em bé, đôi khi là hình tượng tay phải buông xuống cứu độ các trẻ em, tay trái bồng một em bé, dưới chân Ngài có 3 em bé đang vói tay đòi Ngài bồng, hay hình tượng của Ngài trong hình tượng là một em bé tay phải cầm gậy, tích trượng để đánh đuổi bọn quỷ hung ác, tay trái cầm một toà nhà, hay hình tháp nhỏ để hòa đồng và giúp những em bé bất hạnh, bơ vơ tích tạo công đức vượt qua dòng sông Nại Hà…

Chúng sanh với đa căn, đa bệnh, để thích ứng từng căn cơ, từng hoàn cảnh, Bồ-tát Địa Tạng cũng tùy theo đó mà thị hiện những hình tướng tương ưng để hóa độ. Hình ảnh của đức Thế Tôn cũng tùy theo những quốc gia mà có những nét khác biệt, và giáo lý của Phật giáo cũng vậy, có Nam truyền, Bắc truyền, hay Nam tông, Bắc tông; có Nguyên thủy Phật giáo, Tiểu thừa Phật giáo và Đại thừa Phật giáo, v.v… tuy muôn màu muôn vẻ, đa dạng như thế nhưng đó chỉ là sự khác biệt trên hình tướng, danh tự… để thích hợp với từng thời đại, quốc độ, địa phương, hay từng căn cơ, lý tưởng của chúng sanh… còn về mặt bản thể, hay mục đích thì vẫn là một; đó là để tu tập giác ngộ, hoá độ chúng sanh và hướng đến sự toàn giác (tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn).

Lý tưởng Bồ-tát qua hình tượng của ngài Địa Tạng tuy được phác họa qua những nội dung đơn giản trên, nhưng đó cũng chính là lý tưởng cao đẹp của chư Bồ-tát nói riêng hay của những người con Phật nói chung. Lý tưởng và hình tướng cao cả của Bồ-tát Địa Tạng luôn đại diện cho hình ảnh của những bậc tu hành xuất thế; đó cũng chính là hình ảnh và ý nghĩa của một trong Ba ngôi báu, với tinh thần vô uý, với thần lực vô ngại, với lý tưởng vị tha luôn dấn thân để cứu độ chúng sanh thoát khỏi cảnh Nhà lửa tam giới, hay những khổ cảnh trong những địa ngục kinh hoàng.

Chú Thích:
1. Kệ hô chung, kinh Nhật Tụng, NXB TP. HCM, PL. 2544, Tr.457.
2. Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải, 51 là tính đầy đủ, nếu tính các bài kệ bốn câu thì chỉ có 45 bài kệ.
3. Bản tiếng Phạn này ngày nay chưa tìm thấy.
4. Trời Đao Lợi, còn gọi là cõi trời Tam Thập Tam, đây là cõi trời thứ hai tính từ dưới lên trong 6 cõi trời dục giới: Tứ thiên vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu- suất- đà, Hoá lạc và Tha hoá tự tại 
5. Hiếu Kinh của Phật giáo, http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-00.htm
6. http://www.tangthuphathoc.com/gianggiai/diatangbotatthanhducdaiquan.htm
7. http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Trưởng giả tự phát nguyện
8. http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Bà-la-môn nữ cứu mẹ
9. http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-01.htm, Phẩm thứ tư, Ông vua nước lân cận
10.http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-01.htm, Phẩm thứ tư, Quang Mục Cứu Mẹ
11.http://www.thuvienhoasen.org/kinhdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Thần thông trên cung trời Đao lợi
12. Nơi đức Phật Đản sanh ở Lumbini, nơi đức Phật thành đạo tại Bodhagaya, nơi đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên ở vườn Lộc Uyển (Sanarth) và nơi đức Phật nhập Niết-bàn ở Kushinaga
13. Xem Tứ Đại Danh Sơn, http://www.quangduc.com/xuan/214danhson.html
14. Xem Tháng bảy với đức Bồ-tát Địa Tạng, http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/tin-nguong-le-hoi/368-thang-by-vi-c-a-tng-b-tat.html
15.  Xem Linh khuyển Thiện thính, http://www.quangduc.com/TruyenNgan/021linhkhuyen.html
16. Xem Bồ-tát Địa Tạng, vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em, http://www.quangduc.com/BoTat/20botatdiatang.html
17. Xem Earth Store Bodhisattva (or Jizo Bosatsu in Japanese), http://www.onmarkproductions.com/html/jizo1.shtml

Thích Quảng Phước
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr3, 2009]