Bảy bước yêu thương

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Vừa rồi chúng ta đã có đề cập đến những lời khuyên của đức Đạt-lai Lạt-ma 14 cho tuổi trẻ. Thật ra, đó chỉ là một chương nhỏ trong cuốn sách lớn của ngài “Những lời khuyên tâm huyết của đức Đạt-lai Lạt-ma 14” do một số bằng hữu của ngài thu thập những bài nói chuyện ở khắp nơi mà làm thành.


Kính thưa quí Vị và các Bạn,

Cuốn sách gồm 3 phần lớn, trước hết là lời khuyên cho những lứa tuổi, rồi đến lời khuyên cho những cảnh huống trong đời sống (những người độc thân, những người đã lập gia đình, những người ốm đau, những người khuyết tật, v.v...) rồi lời khuyên cho những người có những vai trò trong xã hội (những người làm chính trị, những người nắm giữ luật pháp, những nhà giáo, những khoa học gia, v.v…) Nói ngắn gọn, ngài khuyên tất cả nhân loại. Dù trong một bài viết hay trong cả một cuốn sách, đức Đạt-lai Lạt-ma cũng luôn đề cập đến những hạt giống Từ Bi và Trí Huệ đã có sẵn trong mỗi chúng sanh và tất cả mọi loài chúng sanh đều muốn được sống hạnh phúc. Do đó, muốn có hạnh phúc và an lạc, chúng ta phải biết yêu thương, tha thứ, v.v... Đọc sách của ngài hay nghe ngài nói chuyện, chúng ta như nghe văng vẳng đâu đây tiếng nói của đức Thế Tôn: “như nước biển chỉ có một vị mặn, cũng vậy, giáo pháp của ta chỉ có một vị, ấy là vị giải thoát.”

Chủ đề của Pháp Luân trong tháng này là Giáo dục Phật giáo trong các tự viện. Đề tài này không phải ai cũng có điều kiện để biết, thấu hiểu và trình bày, cho nên trong vị trí nhỏ nhoi của mình, chúng tôi chỉ xin nói về giáo dục Phật giáo qua “Bảy bước yêu thương” (tác giả là đức Đạt-lai Lạt-ma 14) vì giáo dục gồm 2 phương diện: lý thuyết và thực hành; kinh điển là lý thuyết, thân giáo là thực hành. Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện nay được coi như một vị Phật sống vì Ngài nói và làm giống nhau, không nói một đằng làm một nẻo hay không thực hành những điều mình dạy cho người khác. Sách của ngài thật nhiều, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một chút xíu, qua đó ACE huynh trưởng chúng ta có thể thực hành và hướng dẫn cho các em của mình thực hành. Điều lý thú là những điều Ngài dạy cũng nằm trong nội dung giáo dục của GĐPT nói riêng, hay giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung. Xin mời quí vị và các bạn theo dõi buổi hội luận của những Huynh trưởng trẻ của GĐPT quen thuộc A, B và C.

A: Xin chào các bạn, đề tài thảo luận của chúng ta hôm nay là gì nhỉ?
B: Là “Bảy bước yêu thương” của ngài Đạt-lai Lạt-ma 14 Tây Tạng đó.
C: Đọc “Bảy bước yêu thương” các bạn có thấy giống như những bài học Phật pháp của chúng ta không? Mình thì “em nghe”, “em suy nghiệm”, “em tu tập” còn Ngài sau khi nói về quan điểm lý thuyết thì có phần thực tập, thiền định, với những đề tài thiền quán.
A: Đúng vậy, bởi vì Phật pháp là giáo lý của Phật, làm sao mà khác được? Cho dù được truyền từ Ấn qua Tây Tạng, hay từ Ấn qua Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, v.v… khi du nhập vào các quốc độ khác nhau, đạo Phật mang những sắc thái văn hóa dân tộc khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là đạo Phật chứ không thể trở thành một tôn giáo khác được!
B: Phải rồi, cho nên khi Ngài nói, “tôi hy vọng từ giờ trở đi bạn sẽ nghĩ về chính mình trong vai trò là một con người như bao nhiêu người khác, chứ không phải là một người Mỹ, một người Á châu, một người Âu châu, một người Phi châu, hoặc là một thành viên của bất kỳ một quốc gia nào…” chúng ta hiểu ngài đang giảng về giáo lý ngũ uẩn phải không các bạn? Con người chỉ là một tập thể ngũ uẩn, giống hệt nhau, cũng gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Từ ông vua nước Tàu ngày xưa, ông Hoàng đế La Mã, ông Nhật hoàng… cho đến người cùng đinh, người không nhà cửa, những em bé thiếu ăn phải chết đói ở Phi châu, v.v... không có gì khác biệt khi bỏ ra ngoài y phục đang mặc, quốc tịch và chức vụ đang mang… Con người như đức Phật đã giảng hoàn toàn giống nhau trong giọt máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn!
C: Đồng ý! Vì vậy, khi chúng ta nói đến “ngũ uẩn” là nói trong GĐPT, trong hàng Huynh trưởng hay trong cư sĩ Phật tử có hiểu giáo lý chút chút, chứ nếu đem ra nói giữa quần chúng thì họ sẽ không kiên nhẫn để tìm hiểu, họ sẽ chán ngay.
A: Đó là lý do tại sao đức Đạt-lai Lạt-ma giảng Phật pháp cho hàng triệu người thuộc các tôn giáo khác nhau ở khắp nơi trên thế giới mà họ vẫn nghe hiểu và hoan nghênh Ngài; Ngài biến những danh từ Phật học thành những từ phổ thông, ai nghe cũng hiểu, không cần định nghĩa dài dòng. Ví dụ khi nói về Bố thí, với “Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí” Ngài nói: “có 3 hình thức cho tặng: 1. Cho tặng các tài sản vật chất... 2. Tham gia hướng dẫn các bài luyện tập tâm hồn, chăm sóc sức khỏe… 3. Bảo vệ, giúp đỡ mọi ngưòi tránh khỏi bị đàn áp, cướp bóc, khủng bố, thiên tai...” và tất nhiên là giảng nghĩa rạch ròi từng cách “cho tặng”.
B: Nói theo danh từ Phật pháp là Ngài đã sử dụng những phương tiện thiện xảo để nói Pháp. Mình lại “nói chữ” nữa rồi! Sorry nha!
C: Như vậy, chúng ta đi vào 7 bước của Ngài liền nha. Để thấy rõ những phương tiện thiện xảo của Ngài, mình xin bắt đầu bằng bước thứ nhất là: Xem mọi người là những người bạn. Bước này có thể gọi là Tâm bình đẳng, Tâm không phân biệt, không cố chấp, tập xem ai cũng là người thân hay bạn bè của mình. Kèm theo là bài hướng dẫn thiền định tổng quát, quán chiếu cái gì gọi là “bạn” và cái gì gọi là “thù” để nhận ra ranh giới giữa bạn và thù rất mong manh; từ đó dễ xóa bỏ “thù” để thấy mọi nguời đều có thể là bạn của mình. Có điều mình nghĩ rằng ai không tin có sinh tử luân hồi, tái sinh… thì không thực tập thiền theo kiểu của ngài Đạt-lai Lạt-ma 14 được.
A: Đúng vậy, nhưng rất may mắn là ngay trong những người theo đạo Thiên chúa chẳng hạn, vẫn có người không bác bỏ luân hồi hay tái sinh, nhất là những người học hay làm những ngành nghề thuộc về y khoa hay khoa học. Bước thứ hai là: Đánh giá cao lòng tốt. Đây là rèn luyện lòng biết ơn nhưng không chỉ ở mức “hiểu biết” công ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, v.v... mà còn suy tư quán chiếu về những người đã từng làm ơn cho mình, trước nhất là nghĩ về Mẹ. Ngài dạy rằng nếu mình là một trẻ mồ côi thì hãy nghĩ đến người thật sự nuôi dưỡng mình khôn lớn thành người… và nâng cao lòng yêu kính biết ơn Mẹ. Rồi từ Mẹ, lòng biết ơn lan ra đến những người đã từng tốt với ta, giúp đỡ che chở ta... và lan xa hơn nữa: không chỉ trong đời này mà có thể chúng ta đã gặp họ nhiều lần trong nhiều đời nhiều kiếp ở quá khứ.
B: Bước thứ ba là: Đền đáp lòng tốt. Khi đã qua được bước 1 và bước 2, đã cảm nhận được tất cả mọi người đều là bạn hay cha/mẹ của mình trong nhiều đời nhiều kiếp, đã nhiều lần dung dưỡng mình, thì lòng tri ân trong ta lớn mạnh, ta muốn đền đáp công ơn ấy bằng cách đưa họ đến niềm hạnh phúc thật sự. Bài tập thiền định trong giai đoạn này ngài dạy chúng ta hãy tưởng tượng người Mẹ của chúng ta đang ở trong trạng thái mù lòa, đang lần mò bước dọc theo một vách đá cheo leo không có ai dẫn dắt, chúng ta phải lập tức quan tâm đến bà, giúp đỡ bà. Cảm xúc muốn được đến ngay để giúp đỡ đó, chúng ta hãy nuôi dưỡng và nhân lên đối với những trường hợp khác, đến tất cả mọi người, vì tất cả mọi sinh linh đều đã từng là cha mẹ mình trong những kiếp trước.
C: Bước thứ tư là: Học cách yêu thương. Điều luật thứ 3 của Oanh Vũ /GĐPT là “Em thương người và loài vật”, còn điều luật thứ 2 của ngành Thiếu và Huynh trưởng là “Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống” phù hợp với bước thứ tư của Bảy bước yêu thương của đức Đạt-lai Lạt-ma 14. Ngài dạy: hãy yêu thương chính mình và sau đó mở rộng ra đối với người khác. Ngài dạy tất cả mọi sinh linh đều đáng thương vì rất yếu đuối và bất lực, bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi giống như một chiếc gàu bị kéo lên kéo xuống trong lòng giếng. Từ lòng yêu thương bản thân, lan rộng ra lòng yêu thương tha nhân, chúng ta hãy trở thành một người bạn của tất cả mọi người, nghĩa là không gây hại cho người khác mà ngược lại, giúp đỡ cho họ. Châm ngôn “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” của GĐPT chúng ta chính là cho các em cơ hội giúp đỡ tha nhân. Những lần các em tham gia những công tác từ thiện, cứu trợ nạn nhân bão lụt, thăm trại mồ côi, các cô nhi viện, trường những người mù, viện dưỡng lão, trung tâm khuyết tật, v.v… đều nhằm mục đích mở rộng lòng thương, thực tập hạnh từ bi của người Phật tử.
A: Ở bước thứ tư này, đức Đạt-lai Lạt-ma 14 còn lưu ý chúng ta một điều rất đáng ghi nhớ, đó là sự khác biệt giữa lòng yêu thương và sự lưu luyến; chúng ta nói nôm na là tình thương (lòng từ bi) và sự luyến ái thì coi bộ dễ hiểu hơn phải không các bạn? Thật vậy, Ngài nói: “khi bạn bè lôi cuốn vào sự luyến ái, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm dược sự yên tĩnh trong lòng.” Nói theo ngôn ngữ của ACE chúng ta: động cơ của sự luyến ái là ái dục, nên hoàn toàn vị kỷ, còn động cơ của từ bi là lòng vị tha rộng lớn, tình yêu vô điều kiện (unconditional love).
B: Đúng vậy, ở bước thứ tư này, đức Đạt-lai Lạt-ma 14 còn xác định thêm: Lòng lưu luyến (lòng luyến ái) luôn mang tính phiến diện, lệch lạc, vị kỷ trong tức thời; bạn càng tỏ ra lưu luyến thì bạn càng trở nên thiên vị, nhỏ nhen và hẹp hòi. Tâm hồn bạn từ đó trở nên phụ thuộc vào “Tám mối bận tâm trần tục” (chúng ta gọi là “bát phong” đó!): Yêu/Ghét, Được/Mất, Khen/Chê, Vinh/Nhục .
C: Mình thật cảm động khi đọc câu chuyện đức Đạt-lai Lạt-ma tự nhận ra lòng từ bi của Ngài ở tuổi nhỏ vẫn còn mang tính thiên vị định kiến “… khi hai con chó cắn nhau tôi thường có tình cảm thương mến dành cho con chó thua cuộc, đồng thời tôi tỏ ra tức giận với con chó thắng cuộc….” Mình cũng nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua câu hát “Yêu quê hương nên yêu người yếu kém…” [trong bài “Người con gái Việt Nam da vàng”] và giật mình nghĩ đến những người dân xứ nhược tiểu thật đáng thương.
A: Ấy vậy mà đức Đạt-lai Lạt-ma 14 nói: “…Trong bài luyện tập của mình, khi tôi suy nghĩ về, ví dụ, một người nào đó đang tra khảo một người Tây Tạng tại quê hương mình, khi đó tôi không hề tập trung vào hành vi sai lạc của người đó mà tôi chỉ tập trung vào sự thật là người này, cũng giống như tôi, luôn muốn hưởng niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ và qua hành vi tra khảo người khác như thế này thì vô tình anh ta đang tự đem lại đau khổ cho chính mình. Khi quan sát mọi việc từ góc độ này, phản ứng của tôi luôn là lòng yêu thương và lòng từ bi trắc ẩn; tôi quyết định luôn quan sát mọi vật từ góc độ đó. Nếu tôi xem anh ta là kẻ thù đang gây hại cho toàn thể ngưòi Tây Tạng thì trong tôi không thể nào phát sinh lòng yêu thương dành cho anh ta.” Trái tim của Ngài thật là quá vĩ đại, đúng là trái tim Bồ-tát!
B: Bước thứ năm là: Sức mạnh của lòng từ bi. Các bạn còn nhớ câu chuyện tiền thân “Quả báo làm mẹ đau khổ” không? Đó là một tiền thân của đức Phật Thích-ca, khi đó Ngài là một thanh niên vì lỗi lầm làm mẹ đau khổ nên phải chịu quả báo trong địa ngục, một vòng lửa gắn chặt quanh đầu, ngày đêm co thắt làm cho đầu óc chàng rất đau đớn khổ sở; chàng nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ, phải chịu đau đớn như vậy, nên trong cơn đau đớn tột cùng, lòng từ bi sinh khởi trong lòng và chàng thanh niên phát lời nguyện rằng một mình chàng sẽ chịu tội thay cho tất cả những ai bị nghiệp quả này, để cho họ thoát khỏi cơn đau đớn khủng khiếp này. Ngay lập tức, vòng lửa trên đầu chàng bay lên hư không, chàng thanh niên được thoát khỏi địa ngục và tái sinh trở lại vào cõi người. Đức Đạt-lai Lạt-ma 14 nói: Khi bạn có được lòng từ bi, bạn sẽ được tự do thoát ra khỏi tất cả mọi khắc khoải trong lòng.
C: Bước thứ sáu là: Hiến mình vì mọi người. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói: Khi đã có được lòng từ bi, bình đẳng, nghĩa là đối với mọi sinh linh, bạn có thể xem họ như mẹ của mình, như con của mình, có thể giúp đỡ họ thoát ra khỏi bất cứ cảnh khổ nào… thì tâm bạn không còn vướng mắc bởi phiền não nữa, bạn có thể đẩy ra khỏi Tâm những ô nhiễm (phiền não); do đó bạn cần hướng đến việc đạt đến giác ngộ và giúp đỡ người khác đạt được sự giác ngộ như thế.
A: Bước thứ bảy là: Tìm đến sự giác ngộ vị tha. Mở đầu bước này, đức Đạt-lai Lạt-ma 14 ghi câu sau đây, “Mục tiêu vị tha là tìm kiếm sự giác ngộ tối cao vì lợi ích của mọi người” Mục tiêu vị tha có phải là đạt đến vô ngã? ACE huynh trưởng chúng ta đã được học giáo lý căn bản của đạo Phật, đó là : Tứ đế, Ngũ uẩn, 12 Nhân duyên, Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo; nhưng giác ngộ thì chắc chắn không ai trong chúng ta bảo rằng mình đã giác ngộ đạo Vô thượng cả! Cho nên chúng ta phải dừng lại ở đây để xem đức Đạt-lai Lạt-ma 14 giảng thêm những điều gì.
B: Đến đây, nghĩa là phần tiếp theo của sách, Ngài hệ thống lại Bảy bước yêu thương, coi như tóm tắt lại cho người nghe dễ nhớ cũng như ghi lại những phương pháp thiền: luyện tâm, quán chiếu, quyết tâm đạt đến sự giác ngộ, v.v...
C: Mình nghĩ rằng chúng ta chỉ giới thiệu “Bảy bước yêu thương” đến mọi người chứ đâu thể trình bày dù là trình bày tóm tắt cả cuốn sách này được? (sách dày tới 223 trang lận đó!   !!)
A: Phải rồi, nên chúng ta tạm kết thúc ở đây là được rồi! Thật là ích lợi đi vào thực tập thiền định Phật giáo qua Bảy bước yêu thương này để nâng cao tâm hồn mình lên, mở rộng tầm nhìn và từ đó thấy thế giới tốt đẹp hơn và quan hệ con người gần gũi hơn. Và nhất là thấy đức Đạt-lai Lạt-ma 14 Tây Tạng gần với GĐPT mình hơn. Tạm biệt! Xin hẹn lần tới!
B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

(thân kính gởi ACE Áo Lam)

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 64, tr66, 2009]