Khi Hòa thượng Đỗng Minh còn sinh tiền, có lần Hòa thượng kể: Thầy Minh Phát đi thăm một bác Phật tử bệnh nặng, thầy lại nhà, ngồi bên giường nắm tay bác ấy thầy nói: “Nếu bác có thương con cháu thì chóng khỏe, chơi với con cháu; còn nếu thấy nằm đây khổ cái thân, nhọc cho con cháu thì bác về với Phật”. Hôm sau, người nhà rối rít đến tri ân thầy, vì bác ấy đã khỏe lại. Hòa thượng kể xong, gật gù cười cười, khen thầy Minh Phát có nhiều cái hạnh kỳ lạ.
Dẫn nhập:
“Từ bao đời kiếp, chúng ta đã đổ nước mắt vì người thân quá nhiều: hãy để mình và người thân đừng chìm ngập trong nước mắt ấy nữa.” - đức Phật đã dạy như vậy. Vì dòng nước mắt ấy luôn chất chứa tình yêu luyến ái, chảy ra vị mặn của bi thương, khổ đau, lắm lúc nó còn nhận chìm cả thân, tâm chúng ta vào sông sâu mê muội và ngông cuồng. Do đó mà bậc Giác ngộ bằng tình yêu của đại bi và nhận thức của đại trí, giúp mọi người nhận chân đằng sau sự sống mong manh của thế gian: đâu là khổ, đâu là vui, qua bản kinh “Bà-la-môn mất con, thương nhớ không nguôi”.
Nguyên tác “Phật thuyết Bà-la-môn tử mạng chung ái niệm bất li kinh” (佛說婆羅門子命終愛念不離經), do ngài An Thế Cao người nước An Tức (một vương quốc xưa, nằm ở đất Ba Tư [nay là Iran]) dịch thời Hậu Hán, tạng Đại Chánh quyển 1, số hiệu 91, trang 915a7. Bản kinh này tương đương với kinh Ái sanh (愛生經 - 216) trong Trung A-hàm quyển 60, Tam tạng Tăng-già-đề-bà dịch thời Đông Tấn, tạng Đại Chánh 1, số hiệu 26, trang 800c21.
Toát yếu nội dung kinh:
Một thời đức Phật trú ở rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một người Bà-la-môn có đứa con vừa mất, lòng ông cứ thương nhớ không nguôi. Ông bỏ ăn, bỏ uống… chỉ đến gò mã khóc lóc và nhớ lúc ẵm con trên tay.
Sau đó, ông đi lang thang khắp nơi, mới đến chỗ Phật, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
- Này Bà-la-môn! Tại sao các căn của ông không ổn định?
- Thưa Cù-đàm! Làm sao căn ý của tôi ổn định được. Tôi có một đứa con đã chết, thương nhớ mãi, không thể ăn uống… ở nhà khóc lóc và nhớ lúc bồng ẵm nó.
Đức Thế Tôn bảo:
- Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà-la-môn, khi ái phát sanh chắc chắn sẽ ưu sầu, khổ não, không vui.
Người Bà-la-môn ba lần hỏi: “Tại sao khi ái sanh lại ưu sầu, khổ não, không vui. Khi ái sanh sẽ được hoan hỷ, thương nhớ chứ?” Nhưng đức Thế Tôn cũng ba lần trả lời như trước.
Người Bà-la-môn nghe Thế Tôn nói như vậy, không vui, cho là sai, không bằng lòng bỏ đi. Lúc này bên ngoài cổng tinh xá Kì-hoàn, có những người đang vui chơi, ông trông thấy liền nghĩ: “Người thông minh thế gian cho đây là hơn hết. Ta hãy đem những điều luận bàn với Sa-môn Cù-đàm nói cho họ nghe.” Ông mới kể lại cho họ, họ đều nói, khi ái sanh làm gì có ưu sầu, khổ đau; khi ái sanh sẽ được hoan hỷ, thương nhớ.
Người Bà-la-môn thấy những người vui chơi nói giống ý mình, ông bỏ đi. Những lời luận bàn này dần dà truyền đến cung vua. Vua Ba-tư-nặc nghe được rằng: “Sa-môn Cù-đàm nói, lúc ái sanh thì ưu sầu, khổ não, không vui.” Vua Ba-tư-nặc kể lại với phu nhân Mạt-lị. Phu nhân Mạt-lị tán đồng lời đức Thế Tôn nói là đúng. Vua Ba-tư-nặc không chấp nhận, cho rằng phu nhân là đệ tử của Thế Tôn nên nói theo. Phu nhân Mạt-lị thưa:
- Nếu đại vương không tin lời của thần thiếp, thì sai sứ giả đến hỏi Thế Tôn xem.
Vua Ba-tư-nặc liền sai Bà-la-môn Na-lê-ương-già đến chỗ Thế Tôn gởi lời thăm hỏi và thưa, có phải Thế Tôn nói những lời, “Khi ái sanh thì chắc chắn có ưu sầu, khổ não, không vui” chăng? Na-lê-ương-già vâng lệnh, cấp tốc đến chỗ Thế Tôn chuyển lời thăm hỏi sức khoẻ Thế Tôn và bạch lại những lời nhà vua hỏi.
Đức Thế Tôn bảo:
- Này Na-lê-ương-già! Ta hỏi ông, tuỳ theo sự hiểu biết của ông mà trả lời. Nếu có người mẹ mạng chung, người con tâm ý cuồng loạn… đi đâu cũng nói: “Ta không thấy mẹ! Ta không thấy mẹ”… cũng như thế, cha, anh, chị, em hay vợ mạng chung, người kia tâm ý cuồng loạn… đi đến đâu cũng nói: “Ta không thấy cha ta, vợ ta…!” Vậy, khi ái đã sanh chắc chắn có ưu sầu, khổ não, không vui. Này Na-lê-ương-già! Xưa có một người phụ nữ về thăm gia đình, thân thuộc muốn cưỡng bức cô ta (cải giá) với người khác. Người phụ nữ này tức tốc chạy về nhà chồng, nói với chồng: “Anh biết không, thân thuộc của em muốn bắt em đem cho người khác. Anh phải tính sao ngay bây giờ đi.” Người chồng liền cầm con dao bén, nắm tay vợ kéo vào trong nhà, nói: “Phải cùng đi với nhau! Phải cùng đi với nhau!” Nói xong anh đâm vợ chết rồi tự sát luôn. Này Na-lê-ương-già! Nên biết, do ái sanh mới có ưu sầu, khổ não, không vui.
Bà-la-môn Na-lê-ương-già ghi nhớ lời Thế Tôn dạy, trở về tâu lại vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc đem chuyện ấy nói với phu nhân Mạt-lị. Phu nhân Mạt-lị muốn chứng minh thêm với nhà vua, bà hỏi vua Ba-tư-nặc:
- Đại vương có yêu thương đại tướng Tỳ-lưu-la không?
- Ta thương đại tướng Tỳ-lưu-la.
- Đại vương có yêu thương đại tướng Hiền Thủ, con voi lớn Nhất-bôn-đà-lợi, nàng Bà-di-đề, phu nhân Bà-sa sát-đế-lệ,4 và nhân dân Ca-thi, Câu-tát-la không?
- Ta yêu thương mọi người và nhân dân hai nước này cung cấp năm thứ dục lạc cho ta nên ta cũng yêu thương họ.
- Nếu tất cả bị bại hoại, bị biến đổi, nhà vua có ưu sầu, khổ não, không vui không?
- Ta sẽ ưu sầu, khổ não, không vui.
Phu nhân Mạt-lị lại hỏi:
- Đại vương có yêu thương thần thiếp không?
- Ta rất yêu thương nàng.
- Đại vương! Nếu thần thiếp bị bại hoại, bị biến đổi, đại vương có ưu sầu, khổ não, không vui không?
- Ta rất ưu sầu, khổ não, không vui.
- Này Đại vương! Do vậy nên biết, nếu ái sanh thì có ưu sầu, khổ não, không vui.
- Này Mạt-lị! Vậy kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm là thầy của ta, ta là đệ tử của Ngài. Nay ta qui y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Mong đức Thế Tôn nhận ta làm Ưu-bà-tắc (người nam cận sự). Ngay từ bây giờ ta bắt đầu không sát sanh nữa, và sẽ qui y Phật.
Nói xong, từ xa vua Ba-tư-nặc nghe đức Thế Tôn dạy, hoan hỷ vui mừng.
Lời kết:
Tâm thức luyến ái của chúng sanh bị khổ đau trước cảnh người thân mình ra đi, hay tình cốt nhục mãi chia lìa, được kinh điển minh chứng rất nhiều. Trong các truyện tích Pháp Cú dẫn: Có một phú ông vì con chết mà tinh thần suy sụp, đến chỗ hỏa táng con khóc mãi… Đức Phật đến khuyên bảo: Có sinh thì có chết, mọi sinh vật đều như vậy… Đừng nghĩ lầm chỉ có mình chết con. Đau thương và sợ hãi toàn do lưu luyến mà ra (Pháp Cú 212). Lại kể, bà Tỳ-xá-khư rất khó chịu đựng đau đớn khi đứa cháu gái không may qua đời. Bà tìm đến Phật, Phật dạy, mỗi ngày chỉ nước Xá-vệ này mà đã có không ít người chết?... Nếu họ là con cháu bà, không lẽ bà khóc suốt ngày suốt đêm… Phải biết chính lưu luyến tạo ra đau thương và sợ hãi (Pc 213). Phật cũng dạy chàng Kumara đau khổ khi vợ chết, “đau thương do dục vọng dẫn ra, dục vọng thành khát vọng dẫn ra đau thương với kinh hãi.” (Pc 215).
Vậy người Bà-la-môn mất con, thương nhớ, khóc lóc…, hay vua Ba-tư-nặc yêu thương phu nhân Mạt-lị, yêu thương thần dân của mình cũng do ái phát sanh, ái phát sanh sẽ có ưu sầu, khổ não, không vui.
“Ái” là một trong 12 nhân duyên, ái là tham luyến chấp trước tất cả sự vật. Ái tức là yêu. Ái còn hàm nghĩa: thân ái, dục lạc, ái dục, và khát ái. Ái là nói đến tình yêu có quan hệ thân tộc huyết thống với mình; thân ái là nói về tình bạn. Còn yêu thương một đối tượng đặc biệt nào đó là dục lạc; tình yêu chỉ kiến lập trong quan hệ về tính là ái dục, và yêu say đắm ai đến nỗi si tình là khát ái. Những nghĩa đó đều thuộc tình yêu của con người, mà bản chất là từ yêu thương mình (tự ái) mới đi đến tình ái, rồi biến thái qua khát ái. Khát ái lại là bản thể ái tình của con người, do thứ ái tình này mà phát sinh ra khổ não, từ khổ não sinh đau đớn (bi thương).
Trong văn kinh, từ cảnh người Bà-la-môn mất con, đến cảnh những người vui chơi trước cổng tinh xá Kì-hoàn, rồi Phật khai thị cho Na-lê-ương-già nghe để chuyển lời đến vua Ba-tư-nặc, sau đó phu nhân Mạt-lị giải thích thêm, đều cho chúng ta thấy rằng tất cả là vô thường, mọi thứ đều thay đổi, hữu hình thì hữu hoại, luyến ái hay bám víu vào sẽ khổ, mà nỗi khổ khi mình phải rời bỏ cảnh mà mình ưa thích, hay xa lìa người mà mình thương yêu, là nỗi khổ của sự biệt li (ái biệt li khổ). Sự đau khổ này là một hiện thực, đức Phật không dạy chúng ta chối bỏ, hay trốn chạy mà nên khôn ngoan nhận diện bản chất của thế gian, và đức Phật cũng không dạy chúng ta phải vô cảm trước cảnh đau thương, lãnh đạm với người thân mình qua đời, đừng quan tâm chăm sóc bất cứ ai, quay lưng với những niềm vui thế gian…, mà đức Phật dạy mọi người phải chấp nhận sự thật, có sanh thì có tử, có hợp thì có tan, bình thản đối mặt với thống khổ, không nên kìm nén, loại bỏ đau đớn dần bằng chánh niệm. Và tình yêu thương phải được vun trồng bằng lòng bi mẫn và trí tuệ; nếu yêu thương mà thiếu trí là thương hão thương quàng, dễ bị mù quáng, dẫn đến vị kỷ, chấp ngã, như anh chàng kia giết vợ, rồi tự sát, cho là làm như vậy sẽ được mãi bên nhau chăng? Xử trí một cách cuồng si như thế trên thế gian này không phải là ít.
Mọi thứ đều thay đổi, luyến ái càng khổ đau, sầu muộn, bất an… mãi mãi khống chế con người; ngay cả quyền lực cái thế, giàu sang tột đỉnh, dục lạc đầy đủ như vua Ba-tư-nặc vẫn cảm thấy bất lực trước nó. Duy chỉ có con đường chí thiện hướng đến đời sống tâm linh, nương tựa vào ba ngôi báu, đặt niềm tin vào trí tuệ Phật (qui y Phật), hiểu được giáo pháp, thấy rõ bản chất khổ đau (qui y Pháp) và tìm thấy sức mạnh của mình trong đời sống thuần nhất, hoà hợp của Tỳ-kheo Tăng (qui y Tăng), đó mới chính là con đường hạnh phúc cuối cùng mà vua Ba-tư-nặc, cũng như bao chúng sanh khác đang qui ngưỡng quay về.
Chú Thích:
1. Tỳ-lưu-la 鞞留羅: Pāli. Vi ḍūḍabha, con trai vua Ba-tư-nặc (Pasenadi).
2. Voi lớn Nhất-bôn-đà-lợi 一奔陀利: Pāli. Ekapundarīka (Nhất bạch liên hoa), hai bên hông con voi này có những đốm trắng hình hoa sen trắng.
3. Nàng Bà-di-đề 婆夷提: Pāli. Vajīrī-kumāri, công chúa, con gái độc nhất của Ba-tư-nặc và Mạt-lị, sau được gả cho vua A-xà-thế.
4. Phu nhân Bà-sa sát-đế-lệ 婆沙剎諦隷: Pāli. Vāsabha (khattiyā), một nữ tì dòng họ Thích, được giả làm con gái của Ma-ha-nam, và gả cho vua Ba-tư-nặc, về sau sinh Tỳ-lưu-li.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr34, 2009]
Dẫn nhập:
Chuyện đời lắm việc khó tin, vì vượt ngoài tư duy, nhận thức của người thường. Ngẫm chuyện nay đọc chuyện xưa, “Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật, khiến máu nơi chân Phật dừng chảy” cũng khá phần hy hữu, bất khả tư nghị. Nhưng ngôn ngữ ẩn dụ tự ngàn xưa như câu trả lời cho những việc tế toái trong sinh hoạt đời thường, mà tâm tư hữu hạn của con người đều khó biết, khó hiểu, khó tin.
Chuyện “Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật, khiến máu nơi chân Phật dừng chảy” (Thập Lực Ca-diếp dĩ thật ngôn chỉ Phật túc huyết duyên 十力迦葉以實言止佛足血緣) trong kinh Tạp bảo tạng quyển 7, trang 481a24, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203.
Toát yếu nội dung chuyện:
Một hôm đức Phật bị gai Ca-đà-la chích vào chân, máu chảy mãi không cầm. Ngài dùng các loại thuốc đắp lên nhưng vẫn không lành. Các vị La-hán ở trong núi Hương hái thuốc đem đến bôi vào cũng không bớt.
Khi ấy, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp đến chỗ Phật nói như vầy:
- Nếu đức Như Lai đối với tất cả chúng sanh có tâm bình đẳng, Thế Tôn đối với La-hầu-la, Đề-bà-đạt-đa, v.v… đều như nhau thì máu trên chân hãy cầm lại.
Ngay tức khắc máu liền cầm và vết thương cũng lành. Các Tỳ-kheo vui mừng hỏi Phật:
- Thưa Thế Tôn! Nhiều loại thuốc hay đắp lên chân Thế Tôn điều trị mà máu vẫn không cầm. Nhưng vì sao Tôn giả Ca-diếp nói lời chân thật thì máu cầm liền!?
Đức Phật bảo:
- Đâu phải chỉ có ngày hôm nay thôi, ở thời quá khứ cũng như vậy rồi. Thuở ấy, có một Bà-la-môn sanh một người con, đặt tên là Vô Hại. Một hôm, người con thưa với cha:
“Thưa cha, khi làm ruộng chớ giết hại chúng sanh”.
Người cha bảo:
“Con muốn làm tiên nhân hả! Hình thức sinh sống làm sao tránh loài trùng kiến được?”
Người con thưa:
“Con muốn đời này, đời sau đều được an lạc. Nếu cha không nghe lời con, thì con sống để làm gì!?”
Cậu ta liền đến bên suối Độc Long ngồi đó, vì muốn chết. Ở suối này có con rồng hung dữ, hễ thấy người là giết. Con của Bà-la-môn vừa thấy nó là bị chất độc tấn công khắp cơ thể, sức sống gần tàn. Bấy giờ, người cha lo buồn, không biết con đang ở đâu, cấp tốc đi tìm. Đến suối Độc Long, thấy con mình sắp chết, vội đến bên con nói rằng:
“Con ta từ xưa đến nay không có tâm giết hại, độc này phải tiêu diệt.” Vừa nói xong, khí độc liền tiêu, thân thể người con bình phục như xưa.
Người cha lúc ấy là Thập Lực Ca-diếp, còn người con chính là thân Ta. Trong thời quá khứ, vị này đã nói lời chân thật, giúp bệnh Ta tiêu trừ, thì đời này cũng dùng lời chân thật để làm lành bệnh Ta.
Lời kết:
Luận về thân Phật, sau khi đức Phật nhập diệt, thời đại bộ phái các nhà Phân biệt luận và Đại chúng bộ chủ trương thuyết thân Phật là vô lậu. A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận 44, T27n1545, trang 229a17 nói: “Như Lai sinh tại thế gian, trường thời tại thế gian. Hoặc đi, hoặc đứng, Như Lai không hề bị nhiễm ô bởi pháp thế gian’.” Còn Hữu bộ thì chủ trương hoàn toàn khác, cho rằng sinh thân của Phật cũng là kết quả của phiền não, cho nên vẫn thuộc hữu lậu.
Lại nhiều kinh điển dẫn chứng đức Phật có quyền năng siêu nhiên, hiện hóa thần thông, như kinh Đại bản, Trường A-hàm 1, T01n01, trang 1b15: “Thật kì diệu hy hữu, đấng Vô Thượng Tôn, có thần thông thấu đến chỗ xa… biết rõ vô số quá khứ đức Phật”; kinh Đại Kiên Cố Bà-la-môn duyên khởi 1, T01n08, trang 208c11: “Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, xuất hiện thế gian, đầy đủ thần thông…”, v.v... Và chuyện đức Phật lâm bệnh không phải hiếm thấy trong các kinh, như kinh Du hành, Trường A-hàm 1, T01n01, trang 15a17: “Trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bệnh, khắp cả mình đều đau nhức…”; kinh Phật bát-nê-hoàn quyển hạ, T01n05, trang 168a17: “…từ nước Hoa Thị đến nước Cưu-di-na-kiệt, trên đường đi, đức Phật lâm bệnh…”, v.v...
Nếu chấp nhận cả hai hình ảnh, một bên là đức Phật có quyền lực siêu nhiên, một bên là một con người bình thường như bao con người khác, cũng bệnh hoạn, cũng đau yếu… như vậy “là mâu thuẫn lớn nhất đối với những người tin Phật. Nhìn từ góc cạnh triết lý, đó là mâu thuẫn giữa thế giới siêu việt và nhận thức thường nghiệm. Thành ra, để hóa giải mâu thuẫn cực kỳ này, các nhà Phật học đề nghị đặt nhận thức chân lý trên hai bình diện, tương đối và tuyệt đối.” Cho nên, ở đây người chép kinh đứng trên bình diện tương đối, viết về đức Phật rất gần gũi với mọi người trong đời thường, cũng bị gai chích vào chân, máu chảy không dừng… Sau đó, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật với Phật “Nếu đức Như Lai đối với tất cả chúng sanh có tâm bình đẳng…”, thì máu liền cầm lại; hoặc người Bà-la-môn nói với đứa con “Con ta từ xưa đến nay không có tâm giết hại, độc này phải tiêu diệt”… phải chăng đây chính là năng lực của sự chú nguyện mà chúng ta thường thấy trong văn tạng Pāli:
Tiểu phẩm (Culla-vagga) II, Luật tạng 4, Nam truyền tạng 4, trang 148 ghi: Có vị Tỳ-kheo bị rắn cắn chết; các Tỳ-kheo thưa với Phật… Phật dạy các Tỳ-kheo hãy rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa (bằng một bài kệ) để bảo vệ bản thân: “Tôi có từ tâm với Tỳ-lâu-la (Virūpakkha), tôi có từ tâm với Y-la-mạn (Erāpatha)… tôi có từ tâm với loài không chân, hai chân… đừng hại tôi… Xin các sinh linh hãy tránh xa. Tôi đảnh lễ đức Thế Tôn.”
Kinh Ương-quật-ma-la (Angulimāla sutta), Trung bộ kinh 2 (Majjhima-nikāya): kinh kể về tướng cướp Angulimāla sau khi xuất gia theo Phật thành A-la-hán. Một hôm, đi vào thành Sāvatthī (Xá-vệ) khất thực, thấy một người phụ nữ đang sinh rất đau đớn và nguy kịch, ông thương tâm trở về bạch Phật. Phật dạy: Hãy đến chỗ người phụ nữ ấy nói rằng: “Này chị, từ khi tôi tái sinh trong Thánh đạo, tôi chưa hề tước đoạt sinh mạng của một sinh vật nào; bằng sự thật này, mong chị sinh nở an lành!”
Qua ý kinh cho chúng ta thấy được, năng lực ngôn ngữ có thể chuyển hóa được hoàn cảnh, đối tượng, môi trường xung quanh. Khi người chú nguyện nhờ vào sức niệm, định và lòng từ bi, họ đem thân tâm về một mối, ý chí giao cảm với Tha lực, bắt đầu chế tác một nghiệp báo mới, tác động đến nghiệp lực của đối tượng được cầu nguyện; sự thiết lập được cảm thông giữa người chú nguyện và Tha lực, thì sự cảm thông đó vượt khỏi ranh giới thời gian và không gian, chỉ trong một sát-na có thể làm thay đổi được nghiệp cảm của người kia. “Như vật thấy và vật bị thấy, theo định luật tia tới và tia phản chiếu trong quang học, chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Góc tới thay đổi, thì góc phản chiếu đổi theo liền lập tức.” Đồng thời theo thuyết vô thường và luật nhân quả của Phật giáo, nếu tâm thay đổi thì số phận thay đổi, tâm tốt đời sống tốt. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục viện dẫn sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn biện chứng; vì đức Phật lại nói, “sự thăng trầm hay đọa lạc của một chúng sanh tùy theo hành vi mà nó đã làm, chứ không phải vì bất cứ lời cầu nguyện nào” (Samyutta. iii, tr. 311). Do đó, “kho tàng Phật pháp phải được nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, mâu thuẫn và đối nghịch, để từ đó mỗi cá nhân tự chứng nghiệm ý nghĩa chân thật của Phật pháp.”
Kết lại, nội dung kinh chuyện giới thiệu trên vẫn là văn chuyện mang sắc thái truyện cổ dân gian Ấn, mà người “thủ vai” là đức Phật, trong nhiều kiếp luôn hành hạnh Bồ-tát cứu độ chúng sinh.
Chú Thích:
1. Đề-bà-đạt-đa: Skt=Pl. Devadatta, là con vua Hộc-phạn, chú của Phật (có thuyết nói là con vua Cam Lộ Phạn, Bạch Phạn hay con của trưởng giả Thiện Giác). Sau một thời gian xuất gia theo Phật, ông có tâm kiêu mạn, rồi dẫn 500 đồ chúng thoát ly Tăng đoàn, phá hòa hợp Tăng, ám hại Phật.
2. Tạng Đại Chánh 27, số hiệu 1545.
3. Sinh thân 生身: cũng gọi là nhục thân; chỉ cho thân Phật đầu thai nơi cha mẹ mà sinh ra.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 64, tr32, 2009]