Từ Phú-lâu-na...
Phú-lâu-na có nhiều phương thuốc trị bệnh rất đơn giản, không kể xóm làng xa xôi, cho đến phải trèo đèo vượt suối, hễ nghe tiếng bệnh rên rỉ, ngài liền lập tức đến nơi, không kể ngày đêm, không kể đầu non, cuối bể. Người bệnh thấy Ngài như thấy vị cứu tinh, bệnh nặng đến đâu cũng tiêu nhiên qua khỏi.
Đọc đoạn đối thoại ngắn giữa đức Phật và Phú-lâu-na khi Phú-lâu-na phát nguyện đi giáo hóa ở xứ Du-lô-na, chúng ta ai cũng cảm khái tinh thần dõng mãnh, vô úy của Ngài:
- Bạch Thế Tôn! Xin Ngài từ bi cho phép con đến nước Du-lô-na bố giáo!
Đức Phật nghe nói, rất hoan hỷ, nhưng đức Phật là một nhà truyền giáo vĩ đại, Ngài biết chuyện ấy không phải dễ. Thế Tôn nói:
- Phú-lâu-na! Việc giáo hóa chúng sinh, lợi mình lợi người, ta rất vui về chí nguyện của ông, ông đi giáo hóa các nơi ta đều yên lòng. Không nhất thiết phải đến Du-lô-na. Tốt nhất ông nên chọn nơi nào khác.
- Bạch Thế Tôn! Ngài thường dạy, hễ nơi nào có chúng sinh đáng độ phải đến đó dạy dỗ cho họ?
Đức Phật giải thích:
- Phú-lâu-na! Du-lô-na là một nước nhỏ hẻo lánh, không có đường giao thông thuận tiện, giáo hóa chẳng được như ý, dân chúng tánh tình hung bạo, quen thói hung bạo đánh chửi. Người nước ngoài đến nước đó, sẽ gặp nhiều trở ngại. Ông không sợ nguy hiểm sao?
Nghe Phật nói như vậy, Phú-lâu-na chỉ mỉm cười, biểu lộ chí nguyện cương quyết của mình.
Theo kinh Tạp A-hàm quyển 13 và luật Ma-ha Tăng-kì quyển 23, người Du-lô-na ở miền Tây Ấn Độ hung ác, thô bạo, thích chửi mắng. Phú-lâu-na đã kiên quyết dõng mãnh xin đức Phật đến giáo hóa dân tình xứ đó. Ngài đã thuyết pháp độ được 500 Ưu-bà-tắc, xây dựng 500 tăng-già-lam, khiến cho việc An cư mùa Hạ được đầy đủ. Sau, Ngài nhập Vô dư niết-bàn ở xứ này.
Câu chuyện lên đến cao trào khi Thế Tôn đặt ra những vấn đề thiết thực có thể xảy ra và để thăm dò cách ứng xử ở người đệ tử nhiệt tâm:
- Phú-lâu-na! Ông nói đúng, làm đệ tử Như Lai, đi giáo hóa chúng sinh là việc trọng yếu nhất. Nay Như Lai hỏi ông. Ông đến Du-lô-na, nếu như họ không chấp nhận ông, mà lớn tiếng chửi mắng, ông sẽ làm sao?
- Bạch Thế Tôn! Họ mắng chửi con, con vẫn thấy họ còn tốt vì họ cũng chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập con.
- Nếu như họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh ông?
- Con vẫn thấy họ còn tốt, chưa đến nỗi đâm chém con.
- Nếu như họ dùng dao búa như thế?
- Con cũng cho họ rất tốt, họ cũng còn tình người chưa đến nỗi giết con.
- Nếu như họ giết ông chết?
- Nếu thế con cám ơn họ, đã giết sắc thân của con, hỗ trợ cho đạo nghiệp của con, giúp con đem sinh mạng báo đáp ân đức của Thế Tôn, điều ấy với con tuy không có trở ngại, chỉ sợ di hại ảnh hưởng không tốt cho họ thôi.
Đức Phật rất hoan hỷ, khen ngợi Tôn giả:
- Phú-lâu-na! Ông không hổ danh là đệ tử Như Lai, biết giáo hóa, nhẫn nhục. Tâm cảnh của ông rất bình an, Như Lai sẽ đưa ông lên đường!
Bằng niềm cảm khái dâng tràn, chúng ta tìm đọc thêm để biết về nhân vật nầy. Chưa biết Ngài là ai, nhưng tinh thần nhiệt thành vô úy của Ngài trong việc hoằng pháp đã có một chỗ đứng trong tâm khảm. Từ đó, chúng ta biết thêm về Ngài trong nhiều kinh luận. Tên ngài là Purna-maitrayaniputra, Pali: Punna-mantani-putra, Hán phiên âm là Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử. Hán dịch: Mãn Từ Tử, Mãn Chúc Tử, Mãn Nguyện Tử.
“Mãn” là tên của Ngài, “Tử” là họ mẹ; vì lấy họ mẹ nên gọi là Mãn Từ Tử. “Di-la” là tên tộc của bà mẹ, có nghĩa là chúc, nguyện, vì thế gọi là Mãn Chúc Tử, Mãn Nguyện Tử, tên vị A-la-hán, một trong mười Đại đệ tử của đức Phật, người Ca-tỳ-la-bà-tô (tức Ca-tỳ-la-vệ), con vị Quốc sư triều vua Tịnh Phạn, thuộc dòng Bà-la-môn.
Ngài có dung mạo đoan chính, thông minh từ thuở nhỏ, am hiểu các luận Phệ-đà, lớn lên Ngài cảm thấy chán thế tục, muốn tìm đường giải thoát, nên vào đúng đêm Thái tử Tất-đạt-đa vượt thành, Ngài cùng với 30 bạn hữu đồng thời vào Tuyết sơn tu khổ hạnh theo pháp của Bà-la-môn. Hết lòng tinh tấn khổ hạnh, cuối cùng đạt được Tứ thiền, Ngũ thông. Đến khi đức Phật thành đạo, chuyển Pháp luân ở vườn Lộc Dã, Ngài đến chỗ Phật cầu xuất gia thọ giới Cụ túc, sau đó chứng được quả A-la-hán.
Theo kinh Pháp hoa, quyển 4, phẩm ngũ bách đệ tử thọ ký, đức Phật thọ ký cho Ngài trong vị lai sẽ thành Phật, hiệu là Pháp Minh Như Lai. Và Đại đường tây vực kí quyển 4 có chép rõ, ở đô thành của nước Mạt-thố-la vẫn còn tòa tháp thờ xá-lợi của ngài.
Thành tựu công hạnh giáo hóa của ngài ở xứ Du-lô-na đã rút ra cho chúng ta một bài học về công hạnh bố giáo; không phải chỉ với kiến thức và học rộng uyên bác là đủ mà phải còn tâm nguyện hết lòng phụng đạo; nếu không có yếu tố quyết định nầy, chúng ta rất dễ ngã lòng, sẽ tìm việc nào đó khả dĩ hơn. Chúng ta tìm hiểu qua công việc của ngài đã tiến hành ở xứ ‘biên địa’ ấy như thế nào.
Nước Du-lô-na đất xấu dân nghèo, chỗ nào không núi cao thì cũng nước sâu, toàn quốc đã không có đô thị phồn hoa, lại rất ít có xóm làng đông đúc, dân chỉ sinh sống bằng nghề săn bắn, ăn lông ở lỗ.
Khi tôn giả mới đến, chẳng vội giáo hóa thuyết pháp ngay, trước đó tôn giả học xong ngôn ngữ địa phương Du-lô-na để tiện vào trong công tác truyền giáo, ngoài ngôn ngữ ra còn phải chuẩn bị nhiều điều kiện.
Dân Du-lô-na đối với tiếng nói không mấy cách biệt, nhưng mọi người thấy Ngài đắp y mang bát đều nhìn với cặp mắt kỳ quái. Tôn giả biết rằng tại địa phương văn hóa lạc hậu như thế, nếu không dùng phương tiện thì khó mà khai phát lòng tin cho họ. Ngài cũng biết lúc này mà nói chân lý đàm huyền luận diệu thì chẳng ai thèm nghe, chủ yếu trước tiên là phải cải thiện nếp sống của dân chúng. Hoằng pháp không ra ngoài sinh hoạt của thế gian. Do đó, tạm thời Ngài không cho biết thân phận sa-môn của mình, chỉ như một ông thầy thuốc, mỗi ngày lo thăm bịnh và khám hộ người bệnh.
Phú-lâu-na có nhiều phương thuốc trị bệnh rất đơn giản, không kể xóm làng xa xôi, cho đến phải trèo đèo vượt suối, hễ nghe tiếng bệnh rên rỉ, ngài liền lập tức đến nơi, không kể ngày đêm, không kể đầu non, cuối bể. Người bệnh thấy Ngài như thấy vị cứu tinh, bệnh nặng đến đâu cũng tiêu nhiên qua khỏi.
Phú-lâu-na lại có tư cách một nhà giáo dục, dạy học hành chữ nghĩa rành rẽ. Ban ngày dạy cho cách trồng trọt kịp thời tiết, những phương pháp trị gia, chiều đến nhóm họp mọi người lại, giảng dạy về nhân quả báo ứng của Ngũ giới, Thập thiện. Chẳng bao lâu, dân nước Du-lô-na đều quy y Phật, và tại đây, tôn giả thâu phục 500 đệ tử, thành lập 500 ngôi tinh xá.
Nhờ những công hạnh như vậy, ngài đã thành công trong việc khiến cho những người dân nghèo ở xứ xa xôi ấy quy y Tam bảo. Vì vậy, ngài đã không bị xua đuổi, đánh đập, bỏ thân nơi xứ lạ ấy như dự kiến ban đầu.
Một hôm nọ, Thế Tôn trên pháp tòa nhìn xuống thấy Phú-lâu-na đang cùng chúng đảnh lễ, đức Phật cười hỏi:
- Phú-lâu-na! Ông về đấy ư! Đại chúng đều lo lắng cho ông! Ông hóa độ chúng sinh tại nước Du-lô-na thành công chăng? Ông giúp ta tuyên dương chân lý, tinh thần bố giáo, thể chất thanh khiết đều hoàn toàn. Về phương diện tinh thần, ông đã xác định lòng tin vững chắc nơi Tam bảo, ông đã tu dưỡng đầy đủ từ bi, trầm tĩnh, tài trí, dũng cảm, về mặt thể chất ông đã tu luyện thân thể khỏe mạnh, phẩm hạnh, phong độ, âm thanh, biện tài đều hoàn bị. Phú-lâu-na, ta rất an lòng khi ông đến Du-lô-na bố giáo.
Đức Phật ngưng một chút, lại bảo đại chúng:
- Các Tỳ-kheo! Trong hàng đệ tử ta được như Phú-lâu-na mới xứng đáng với danh xưng thuyết pháp đệ nhất, các ông nên noi gương Phú-lâu-na.
Từ đó, trong việc truyền bá giáo pháp Như Lai, ngài đã giúp cho hàng Tỳ-kheo trẻ có một ý chí dõng mãnh, một tinh thần vô úy qua việc thực hành theo lời dạy của đức Phật về mười đức bố giáo. Đó là:
1. Khéo biết pháp nghĩa
2. Có thể giảng thuyết
3. Không sợ sệt trước đám đông
4. Biện tài vô ngại
5. Nhiều phương tiện khéo
6. Tùy theo pháp mà ban bố
7. Đầy đủ oai nghi
8. Dũng mãnh tinh tấn
9. Thân tâm không mệt mỏi
10. Thành tựu oai lực.
Ngài có biện tài vô ngại, khéo phân biệt nghĩa lý, nên ngài thành tựu công hạnh thuyết pháp giáo hóa. Số người nhờ nghe ngài thuyết pháp mà được giải thoát có tới 9 vạn 9 nghìn, thế nên Ngài được tôn là “Thuyết Pháp Đệ Nhất”.
Đến Trúc Đạo Sinh
Sinh công thuyết pháp
Ngoan thạch điểm đầu.
Trúc Đạo Sinh (竺道生) người họ Ngụy. Thân phụ là quan hành chánh ở huyện Bành Thành, ông ta nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Tiểu sử ngài có ghi: “Sinh là cậu bé thông minh khác thường, hiểu ngay những gì vừa mới được dạy. Được sự đồng ý của cha, Trúc Đạo Sinh xuất gia với ngài Trúc Pháp Thái (竺法汰, 320-387) tại chùa Ngõa Quan (瓦官寺) ở Kiến Khang. Lên 15 tuổi đã giảng pháp được và có triển vọng trở thành một pháp sư tương lai, khi thọ giới Tỳ-kheo năm 20 tuổi, ngài đã trở thành là một vị Pháp sư có uy tín.
Cuộc du phương đầu tiên trong đời của Trúc Đạo Sinh khi ngài 30 tuổi. Có lẽ ngài đã đến Lô Sơn (dãy núi nằm về hướng nam của Kiukiang trên sông Dương Tử), là trung tâm sinh hoạt Phật giáo, sớm nhất vào năm 397. Ở đây, ngài gặp Huệ Viễn (334-416) và Tăng-già Đề-bà (Saṃghadeva 僧伽提; 365-384), một Luận sư thuộc Nhất thiết hữu bộ từ Kashmira đến Lô Sơn chừng 4-5 năm sau năm 385, và ở đây, ngài đã dịch A-tỳ-đạt-ma tâm luận được biên soạn bởi ngài Dharmarśresti năm 391 và Kinh Tridharmaka Sūtra, thuộc hệ A-hàm ngay sau đó.
Khi bộ kinh Niết-bàn 6 quyển truyền đến Trung Hoa, Trúc Đạo Sinh liền tìm hiểu về Phật tính và thâm nhập được nghĩa nầy. Sau đó, ngài tin rằng Nhất-xiển-đề (icchantika) cũng sẽ thành Phật. Lúc đó, bản kinh Đại bát niết-bàn (Large Nirvāṇa Sūtra) đầy đủ chưa được truyền sang Trung Hoa. Trúc Đạo Sinh biết vậy. Tuy thế, ngài một mình đương đầu với sự phản đối của Tăng đoàn. Tăng chúng họp lại để buộc tội ngài phạm tội rao giảng tà thuyết. Khi việc tranh cãi càng gay gắt, vấn đề được đưa ra trước toàn thể Tăng chúng và việc trục xuất được quyết định. Trúc Đạo Sinh trước tứ chúng, trang nghiêm long trọng phát thệ rằng: Nếu quan điểm tôi không đúng với ý kinh, tôi nguyện rằng trong đời nầy, thân tôi sẽ bị bệnh phong độc; còn nếu quan điểm ấy hoàn toàn phù hợp với ý kinh, xin nguyện rằng tôi được xả thân khi đang ngồi trên pháp tòa giảng pháp. Ngài trình bày lời nầy xong và an nhiên rời khỏi Tăng chúng.
Trúc Đạo Sinh trở về núi Hổ Khâu ở Giang Tô. Pháp Cương, một trong những tác giả có thư tín trong Biện Tông luận, đang trụ ở đó. Trúc Đạo Sinh có lẽ đã ở trong tu viện của Pháp Cương. Ở đây, truyện ký ghi lại, ông gọi đá nhóm lại nơi hoang dã để làm chứng cho ngài nói pháp chân thật về Nhất-xiển-đề.
Khi kinh Niết-bàn bản Bắc được truyền đến Trung Hoa, trong đó nói rõ Nhất-xiển-đề có Phật tính; hoàn toàn khế hợp với tư tưởng của Trúc Đạo Sinh. Ngay khi có được bản kinh nầy, Trúc Đạo Sinh liền nghiên cứu kỹ lưỡng và điều ấy trở thành đề tài trong các buổi giảng của ngài.
Tống Văn Đế cũng được báo tin, một chiếu chỉ được gửi đến Lô Sơn. Trúc Đạo Sinh đến kinh đô nghiên cứu kỹ nội dung kinh và được phục hồi theo lệnh của vua.
Vào tháng 10 niên hiệu Nguyên Gia (元嘉, thứ 11, năm Giáp Tí, 424), vào mùa Đông lúc ngài đang ngồi trên tòa giảng pháp; trông ngài rất rạng rỡ như thể đang phấn khích và lời nói phát ra với năng lực khác thường. Ngài đã trình bày đề tài nầy vài lần, đã dẫn người nghe đến sự thâm nhập ý niệm sâu mầu. Mọi thính chúng hiện tiền đều được khai ngộ và hài lòng. Đột nhiên khi bài pháp đến hồi kết luận, cây phất trần trên tay ngài rung động và rơi xuống. Ngài ngồi dựa vào pháp tòa trong tư thế kiết già. Sắc diện không chút thay đổi khiến người nhìn tưởng như ngài đang tọa thiền. Các Phật tử mới thấy mình có sự mất mát rất lớn. Tấm gương tinh thần sáng rỡ ấy của ngài nay đã được chứng minh rõ ràng.
Trúc Đạo Sinh viên tịch trong lúc đang giảng pháp nơi pháp tòa và được an táng tại Lô Sơn trong niềm thán phục và thương tiếc.
Và chúng ta...
Cảm khái dâng tràn khi chiêm nghiệm lại những tinh thần bi tráng đó. Làm gì để nối chí tiền nhân? Làm sao để vượt qua những thử thách gian nan mà ngài Phú-lâu-na đã làm được? Làm sao để vượt qua thử thách nghiệt ngã khi bị chúng tăng tẩn xuất và phải đối diện với cô liêu của đá trong núi Hổ Khâu mà không một chút nào khởi niệm buông tay thúc thủ? Đoạn kinh nầy lại vang vọng từ tâm nguyện chí thành cũng như đang dội lại từ lòng núi đá hoang vu sâu thẳm kia.
“Hãy lên đường, này các Tỳ-kheo, vì ích lợi cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì thương tưởng thế gian, vì lợi ích và an lạc của chư thiên và nhân loại.”
May thay! Bên cạnh mỗi bước đi của chúng ta, luôn luôn có một mặt trời soi sáng.
Chú Thích:
1. Du-lô-tra thôn 鍮 蘆 吒 村; s: thullakoṭṭhita. Còn gọi Thâu-lư-na. Thôn trang ở nước Kuru (s) (Cư-lâu quốc) thuộc phía Tây bắc Trung Ấn Độ thời cổ.
2. Thập Đại Đệ Tử truyện.
3. Theo Phật Quang Từ Điển.
4. Mạt-thố-la-quốc 秣菟羅國; s: Mathurā hoặc Madhurā. Một trong 16 nước lớn ở Ấn Độ thời Phật, vị trí nước này hiện nay là vùng Tây nam sông Jumna thuộc Trung bắc Ấn Độ.
5. Thập Đại Đệ Tử truyện.
6. Ibid.
7. Cao Tăng truyện, 生公說法頑石點頭
8. Phỏng theo bài Trúc Đạo Sinh của Walter Liebenthal, Santiniketan, Thích Nhuận Châu dịch. Đã đăng trên Phụ bản Nghiên cứu Pháp Luân số 5 và 6.
9. caratha bhikkhave cārikaṃ bahujanahitāya bahujana-sukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devama-nussānaṃ (Mahāvagga I, Vin. i. 21)
Thích Nhuận Châu
[Tập san Pháp Luân - số 63, tr22, 2009]