Hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người miền núi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Như vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, từ quan điểm của đạo Phật, chúng ta thấy trong ba loại bố thí, thì đồng bào dân tộc ít người miền núi cần pháp thí hơn cả. Nhu cầu hóa độ đồng bào anh em miền núi, giúp họ có chánh tín, quy ngưỡng Tam bảo, tu tập phước huệ là trách nhiệm lớn của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Yêu cầu cấp bách của việc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người miền núi

Xét vấn đề từ góc nhìn Phật giáo thì, đồng bào dân tộc ít người miền núi ở nước ta là đối tượng nhân sinh có yêu cầu được bố thí cao hơn cả. Đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần và tâm linh của họ đều thiếu thốn. Mấy năm gần đây, nhờ sự phát triển kinh tế chung của cả nước nên đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào dân tộc ít người miền núi đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, đời sống tâm linh của họ vẫn còn nhiều vấn đề. Từ đó, một số giáo phái nước ngoài đã tổ chức truyền đạo mạnh mẽ ở các vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi sinh sống, “rửa tội” cho một số lượng không ít người, biến nhiều buôn làng thành những xóm đạo mới trên cao nguyên. Có những vùng “toàn tòng”, 100% là con chiên ngoan đạo.

Như vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, từ quan điểm của đạo Phật, chúng ta thấy trong ba loại bố thí, thì đồng bào dân tộc ít người miền núi cần pháp thí hơn cả. Nhu cầu hóa độ đồng bào anh em miền núi, giúp họ có chánh tín, quy ngưỡng Tam bảo, tu tập phước huệ là trách nhiệm lớn của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Nếu xét vấn đề từ khía cạnh quyền lợi chung của đất nước, thì vấn đề càng trở nên cấp bách. Một số vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống đã là những “lãnh địa tôn giáo” tách biệt, với sự chi phối của những giáo hội có trung tâm nước ngoài. Điều này đáng quan tâm hơn là các “lãnh địa tôn giáo”. Ở đồng bào dân tộc ít người miền núi hầu hết nằm ở vùng biên giới. Như một bài viết đã được in trên Tập san Pháp Luân lưu hành nội bộ, tình huống như trên không thuận lợi cho việc củng cố sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Người tu sĩ Phật giáo, trước hết là một công dân Việt Nam, cần nhận thức rõ vấn đề gai góc này. Dù với bất cứ nhà nước nào, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước cũng là những yêu cầu tối thượng. Đã có những vụ bất ổn ở khu vực Tây nguyên liên hệ đến các giáo phái nước ngoài, nhằm mục đích cắt rời một phần lãnh thổ đất nước theo đường phân giới tôn giáo, do các giáo phái nước ngoài mới truyền đạo trong mấy chục năm nay hình thành. Dù những vụ bất ổn như vậy không lớn và đã trôi qua, nhưng vấn đề quả là đã có, đã bộc lộ và đang tiếp tục âm ỉ.

Đối với vận mệnh đất nước, trong vấn đề này, PGVN có một phần trách nhiệm đặc biệt là đối với khu vực Tây nguyên. Nửa đầu thế kỷ XX, PGVN tự thân lâm vào hoàn cảnh suy yếu, việc hoằng hóa tín đồ ở vùng cư dân truyền thống theo đạo Phật, nhất là ở vùng nông thôn, còn không thể thực hiện tốt, nữa là nghĩ đến hoằng pháp ở Tây nguyên xa xôi. Nhưng nửa sau thế kỷ XX, mặc dù Phật giáo chấn hưng nhanh chóng nhưng đối tượng hoằng pháp là đồng bào dân tộc ít người miền núi vẫn không được lưu tâm đến. Đây là thời gian các giáo phái có trung tâm ở nước ngoài âm thầm truyền đạo ở Tây nguyên. Và kết quả truyền đạo của họ hôm nay chúng ta đều đã thấy.

Trong những năm gần đây, việc truyền đạo như thế từ các tôn giáo có trung tâm ở nước ngoài lại được đẩy mạnh. Nếu mấy chục năm trước, việc truyền đạo còn do các giáo sĩ, tín đồ là người nước ngoài đảm nhiệm, thì bây giờ các tín đồ, người địa phương mới theo đạo cũng góp phần quan trọng trong việc truyền đạo. Tình hình như trên đã làm cho nhiều tỉnh biên giới miền núi, đặt biệt là ở Tây nguyên, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử PGVN (chưa từng đối mặt với vấn đề là tôn giáo thiểu số ở cấp độ vùng liên tỉnh với diện tích rộng lớn như Tây nguyên hiện nay).

Như vậy, việc Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở Tây nguyên, đặc biệt là nhiều vùng Phật giáo bị loại trừ hẳn, và việc bất ổn ở Tây nguyên có liên quan đến các tôn giáo có trung tâm ở nước ngoài chỉ là một vấn đề, chứ không phải là dừng lại mức hai vấn đề có liên hệ với nhau. Tình trạng Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở Tây nguyên càng diễn biến nhanh hơn, thì nguy cơ bất ổn xã hội càng trầm trọng hơn. Tình trạng sự thay đổi dần dần về “lượng” sẽ dấn đến sự biến chuyển về “chất” là điều mọi người chúng ta không thể không nghĩ đến. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp của PGVN tại vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi là yêu cầu cấp bách, không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn là đối với tất cả mọi người Việt Nam thao thức với sự ổn định xã hội, thống nhất và toàn vẹn đất nước.

Những khó khăn đối với việc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người miền núi

Những khó khăn chủ quan về phía PGVN là những khó khăn lớn, cần đòi hỏi nhiều cố gắng để vượt qua.

Hoạt động hoằng pháp ở vùng đồng bào dân tộc ít người một thời gian dài trước đây vẫn là một hoạt động không đáng kể đối với PGVN, vì trước hết, trong Tăng Ni Phật tử vẫn còn quan niệm Việt Nam là một quốc gia Phật giáo, công việc hoằng pháp đã hoàn tất, việc hành đạo chỉ tập trung vào hoạt động tu học, nghi lễ, co cụm lại ở những vùng có đông đảo tín đồ, đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung, các thành phố lớn…

Chúng tôi nghĩ rằng, thực ra PGVN chưa bao giờ hoàn thiện hoạt động của mình tại Việt Nam cả. Khi đất nước định hình trải dài từ Bắc chí Nam như ngày hôm nay, trong cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn thì PGVN đã lâm vào tình trạng suy yếu. Các thế kỷ tiếp theo là giai đoạn Phật giáo mất dần tín đồ trước sự truyền bá của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo phương Tây. Đầu tiên là có những làng toàn tòng, mà nơi đó Phật giáo không còn tín đồ nào nữa. Sự việc như vậy ngày càng mở rộng. Sau đó, Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở nhiều huyện. Đến đầu thế kỷ XX, với sự bùng phát của một vài tôn giáo bản địa, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số ở một vài tỉnh, nhưng còn ở mức nhiều vùng khác nhau, thí dụ ở tỉnh Tây Ninh, tỉnh An Giang… Trong khi đó khu vực biên giới miền núi từ phía Bắc đến tận Nam Tây nguyên từ một vùng trắng về tôn giáo (người dân hầu hết chỉ cúng bái như một phong tục) đã dần dần chuyển thành một khu vực lớn về diện tích mà các giáo phái có trung tâm ở nước ngoài chiếm vai trò chủ yếu. Do đó, Tăng Ni Phật tử chúng ta cần nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia nhiều tôn giáo, mà quá trình Phật giáo chuyển biến dần thành một tôn giáo thiểu số là tiến trình từ nhiều thế kỷ trở lại đây.

Vì vậy, hoằng pháp phải được coi là hoạt động hàng đầu, chủ yếu, tập trung vào những khu vực Phật giáo đã là tôn giáo thiểu số, trong đó, các tỉnh biên giới miền núi là một trong những địa bàn quan trọng.

Xem những nhóm cư dân, những khu vực chưa thể hóa độ, như vùng miền núi biên giới chẳng hạn, là những người, những vùng chưa có duyên với đạo pháp, vì vậy có hoằng pháp cũng vô ích, là một trong những quan điểm trong Tăng Ni Phật tử khiến việc hoằng pháp bị giới hạn một cách toàn diện, chứ không riêng gì đối với đồng bào dân tộc ít người miền núi.

Từ quan điểm như vậy, đã có những yêu cầu ngược lại: Người cầu pháp phải tìm đến với đạo, và thậm chí dù đã cầu pháp đi nữa, chỉ những người có duyên mới được hóa độ. Đối với đồng bào dân tộc ít người miền núi, chuyện như vậy chỉ là cá biệt. Kết quả, Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở vùng cao nguyên biên giới là điều tất nhiên. Nếu quan niệm có “duyên” như vậy vẫn còn được duy trì lâu dài trong Tăng Ni Phật tử Việt Nam thì e là sau một thời gian nữa, Phật giáo sẽ trở thành tôn giáo thiểu số trên phạm vi toàn quốc. Quan điểm này là một trở ngại chủ quan rất lớn đối với hoạt động hoằng pháp nói chung, không riêng gì ở khu vực nào, hay đối tượng nào.

Cùng với quan điểm như trên, một số Tăng Ni Phật tử cũng coi là việc tồn tại những vùng không có Phật giáo, nhất là vùng biên địa là điều tất nhiên. Và những người không có cơ duyên với đạo pháp, có nghiệp chướng nặng nề sẽ sinh vào đó. Quan niệm như vậy khiến cho trong Tăng Ni Phật tử có không ít người không hề băn khoăn trước thực tế Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở khu vực miền núi biên giới (chữ thường dùng trong các bản dịch kinh Phật là “biên địa hẻo lánh”). Chúng tôi cho rằng nghĩ như thế thì cũng như để mặc những người nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật mà không cần cứu độ, vì đương nhiên tồn tại những trường hợp phải chịu nghiệp báo như vậy và cứ để họ thọ lãnh và trả quả cho xong, cũng không cần băn khoăn gì!!!

Đúng là đức Phật có ghi nhận việc sinh ra ở vùng biên địa, vùng không có Phật giáo là nghiệp báo chưa tốt đối với chúng sinh, nhưng đức Phật đã dạy chúng ta hãy hoằng pháp độ sinh không ngừng nghỉ. Thiển nghĩ, hiện nay nhìn quanh ta, đồng bào dân tộc ít người miền núi biên giới phải là đối tượng cần được hóa độ hơn cả.

Theo tinh thần kinh Pháp Hoa, chánh pháp là một trận mưa đem lại nguồn sống cho muôn loài, không phân biệt, càng không có sự phân biệt theo địa lý. Dùng “từ nhãn” (đôi mắt thương yêu) mà nhìn chúng sinh, thì những đồng bào của ta chịu nhiều thiếu thốn về mặt vật chất, tinh thần vì nơi sinh sống hẻo lánh, “vùng sâu vùng xa” là những người mà đệ tử Phật cần dành cho họ sự trợ giúp lớn lao, đặc biệt là bố thí pháp.

Những quan điểm, là những khó khăn chủ quan ở trên, được hình thành từ cái nhìn phiến diện, không phù hợp với quan điểm đại từ đại bi, không phân biệt, “như thị tri kiến” của đạo Phật. Phải giải quyết những vấn đề chủ quan này trước thì mới có thể đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người miền núi.

Các giáo phái nước ngoài thành công trong việc truyền đạo ở Tây nguyên là do họ tận dụng khả năng tài chính dồi dào cho việc truyền đạo. PGVN không có cách làm như vậy. Đây là khó khăn khách quan hay chủ quan?

Về mặt khách quan, PGVN không có đô la như những giáo phái có trung tâm ở nước ngoài. Về mặt chủ quan, Phật giáo không bao giờ coi việc hoằng pháp là việc đánh đổi bằng tài chính. Bố thí theo quan niệm Phật giáo phải là vô vụ lợi. Đến việc cầu phước báu còn không nên, nữa là đến việc đổi chác tín ngưỡng. Đây có lẽ là khó khăn thuộc về chủ quan, vì không ít Tăng Ni Phật tử chúng ta tỏ ra khinh miệt với cách truyền đạo như vậy. Tuy nhiên, cũng dưới quan điểm Phật giáo, nếu dùng tài thí để dẫn dắt chúng sanh vào chánh đạo, thì tài thí như một phương tiện, theo cách hiểu của Phật giáo, là điều cũng rất nên làm khi nhìn vấn đề như vậy, chúng ta đã có thể giải quyết vấn đề từ khía cạnh chủ quan.

Còn lại là khía cạnh khách quan của vấn đề. Tăng Ni Phật tử PGVN có thể tài thí như một phương tiện hoằng pháp lợi sanh, nhưng “tài” ở đâu? Khả năng của PGVN không thể so sánh với các giáo phái có trung tâm nước ngoài. Còn đối với chư Tăng Ni thì đây là thử thách rất lớn. Hành đạo ở các thành phố hay thậm chí ở vùng nông thôn đồng bằng, chư Tăng Ni thụ dụng sự cúng dường từ Phật tử. Hành đạo ở vùng biên giới núi non, hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người, chư Tăng Ni chẳng những không được cúng dường mà còn phải thực hiện việc tài thí.

Khó khăn khách quan này kéo theo khó khăn khách quan khác. Gánh nặng tài thí sẽ làm cho đời sống của người tu sĩ Phật giáo không phải lên núi ẩn tu mà trái lại, những vướng bận sẽ tăng lên gấp bội. Hoàn cảnh trực tiếp hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người miền núi là một hoàn cảnh xa lạ và khắc nghiệt.

Nếu các giáo phái ở nước ngoài hiện nay đã có thể truyền đạo cho đồng bào dân tộc ít người miền núi bằng lực lượng tín đồ và cả giáo sĩ tại chỗ, không cần đến giáo sĩ người kinh hay người nước ngoài như trước, thì PGVN, nếu bắt đầu công việc hoằng pháp khu vực này thì hầu như chỉ có Tăng Ni người kinh từ đồng bằng lên. Từ đó, sự khác biệt về sinh hoạt tập quán, ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ, cũng sẽ là vấn đề lớn. Ở đây, phải quay lại việc cần giải quyết các vấn đề chủ quan thật tốt, để làm động lực giải quyết vấn đề khách quan. Khó có thể chia sẻ việc Tăng Ni Phật tử Việt Nam hoằng pháp ở một số miền đất trên chính nước mình lại không đạt kết quả như các giáo sĩ từ phương Tây tới, nhưng phải thừa nhận một thực tế, một hệ quả và cũng là một khó khăn, rằng PGVN đã có phần chậm trễ.

Hồ Phước Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 63, tr15, 2009]