Phật giáo có cản trở sự phát triển kinh tế?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thử nhìn một nhà sư đi thầm lặng trên các con đường ngoằn nghèo trong thành phố, không dễ tạo nên được sự chú ý như những hoạt động kinh tế sôi động diễn ra hằng ngày, điều này càng hiện ra một cách rõ ràng hơn khi một nhà sư hiện diện ngay giữa khu trung tâm tài chính, trong các tòa nhà chọc trời, các khu mua sắm, hay các siêu thị.



Nhưng một nhà sư với trang phục y hậu vàng và lời kinh được tụng vang lên trong các tang gia để tiếp dẫn những hương linh quá vãng là điều không mấy lạ lẫm.

Cùng một hình ảnh nhưng hiện diện trong hai hoàn cảnh khác nhau, dễ tạo cho người ta cảm giác rằng “Phật sống” đã tỏ ra yếu thế hơn “Phật chết”, và khó tránh khỏi một sự liên tưởng đến một nhà Phật “siêu hình”, những hình ảnh buồn, người ta chỉ tìm đến chùa khi có tang sự, khi đầu óc căng thẳng, khi cần nơi để thở than, khi cần đến để tìm sự yên tĩnh, hít thở không khí trong lành như môt liệu pháp an thần và cần nơi giải khuây khi bế tắc.

Còn các vấn đề “sống” thường ngày ngoài xã hội, như: biến động giá cả thị trường, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng lương thực, giáo dục, y tế, bất bình đẳng trong phân phối, thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, tăng trưởng, phát triển, giảm nghèo và cực nghèo… là chuyện của thế gian nên nhà chùa chẳng màn quan tâm?

Nguyên lý của đạo Phật: “Phật pháp bất ly thế gian”, Phật không nói điều gì khác ngoài những điều mà thế gian biết, những mối lo của thế gian cũng là nỗi lo chung của đạo Phật. Trên nền tảng đó, hẳn phải có một đạo Phật với đầy đủ yếu tính mang một giá trị phổ quát, có thể giúp kiến tạo một xã hội sống động và phát triển bền vững, chứ không phải chỉ lo việc cúng kiến, tang ma, an thần và các sinh hoạt khép kín trong phạm vi chùa chiền.

Có thể dẫn ra đây hai lý tưởng Bồ-tát hành đạo trong kinh Duy-ma-cật để thấy rõ ràng hơn, đó là: Tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh.
+ Bồ-tát hành đạo trước hết phải nhận ra một thực tế gần nhất, một quốc độ thanh tịnh của Phật thì không thể là một nước nghèo, một nước kém phát triển, lạc hậu, dân trí thấp... Vì vậy, hành đạo là phải sống hòa nhập và đồng hành cùng xã hội.
+ Khi một quốc độ được thanh tịnh, là không còn phải lo chuyện đói nghèo, thất học... thì mới có thể hành đạo trên lý tưởng thành tựu chúng sanh. Không thể nào ngồi đó nói pháp cho một người ăn xin đang đói, bởi vậy trước khi đạt được ý nghĩa thành tựu chúng sanh thì phải lo cho họ có miếng ăn.

Các nhà Mac-xít cho rằng, đạo Phật chỉ lo cho con người cá nhân trên phương diện tinh thần và lo cho kiếp sau mà không hướng đến việc sản xuất tạo ra của cải vật chất và cải tạo xã hội hiện thực trước mắt.

Nhưng tinh thần Bồ-tát hành đạo hoàn toàn có thể bác bỏ điều đó, Bồ-tát đâu chỉ đến để rơi những giọt lệ cùng chúng sanh đang đói, mà còn giúp chúng sanh biết cách gạt giọt lệ và cùng hành động tạo nên một xã hội bền vững, một xã hội là ổn định khi đã đạt được sự tăng trưởng và phát triển cần thiết, yếu tố phát triển trong nó đã hàm chứa việc tăng khả năng hành đạo.

Với cách nhìn hời hợt qua một hình ảnh lúc ban đầu, người ta sẽ nghĩ rằng đạo Phật đứng ngoài cuộc chơi của các nhà kinh tế. Đứng ngoài cuộc nghĩa là không tham gia lao động sản xuất nhưng vẫn thụ hưởng những thành quả của lao động xã hội, như vậy sẽ là một cản trở cho kinh tế phát triển? cản trở xã hội phát triển?Vậy phải chăng người ta luôn xếp nhà sư vào đội quân nhàn rỗi, thất nghiệp? Thế cũng cản trở luôn khả năng tịnh Phật quốc độ?

Trong sách Kinh tế học của David Begg viết: “Lực lượng lao động bao gồm những người đang làm việc hoặc đang tìm việc. Nó không bao gồm những người không làm việc, mà cũng không tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm của lực lượng lao động không có việc làm”. Vậy có phải các nhà sư là phần trăm trong những người không làm việc mà cũng không tìm việc?

Từ thời cổ đại, Aristole cho rằng kinh tế là “một nghệ thuật” tạo ra của cải mang lại sự giàu có, do vậy bình thường người ta nghĩ rằng chỉ có những doanh nghiệp chế tạo, sản xuất các sản phẩm vật chất có hình thái cụ thể như xi măng, tủ lạnh, v.v... mới gọi là các đơn vị sản xuất. Mãi đến thế kỷ 19, khi kinh tế phát triển thành một ngành chuyên biệt thì quan niệm như vậy không còn phù hợp nữa, người ta bắt đầu hiểu rằng sản phẩm của sản xuất không chỉ là sản phẩm vật chất mà còn là dịch vụ.

Thực chất của sản xuất chính là quá trình chuyển hóa các yếu tố đầu vào biến chúng thành các sản phẩm hoặc dịch vụ ở đầu ra. Theo nghĩa rộng, sản xuất bao hàm bất kỳ hoạt động nào nhằm thỏa mãn nhu cầu chung của con người, nhu cầu chung là bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

Khi một sản phẩm của dịch vụ được tạo ra là người tiêu dùng đã tiêu thụ ngay lúc đó, khi bạn đang ở điểm A và bạn đang cần đến một nơi B nào đó, bạn gọi anh xe ôm và anh ta sẽ chở bạn đi từ A đến B, đó là một sản phẩm dịch vụ, vì là phi vật chất nên không thấy được.

Khi bạn đi xem đua ngựa, bạn ngồi xa và dùng ống nhòm, những chi tiết thì bạn sẽ thấy rất rõ, nhưng bức tranh tổng thể tương tác của những phần khác nhau thì bạn không thể thấy được. Vậy hãy thử quán sát bức tranh tổng thế đó qua ống kính của tương quan duyên khởi, như trong kinh tế bằng ống kính vĩ mô để nhìn xem một số các hành vi thường ngày trong Phật giáo có tạo ra các sản phẩm kinh tế, góp phần vào ổn định xã hội hay không?

Phân phát đạo Pháp

Các Tỳ-kheo, có hai loại bố thí: tài thí và pháp thí; các Tỳ-kheo, trong hai loại bố thí nầy, pháp thí là cao nhất. Các Tỳ-kheo, có hai sự phân phát: phân phát của cải và phân phát đạo pháp; các Tỳ-kheo, trong hai sự phân phát nầy, phân phát đạo pháp là cao nhất. Các Tỳ-kheo, có hai cách giúp đỡ (nhiêu ích - anuggaha): giúp đỡ của cải và giúp đỡ đạo pháp; trong hai cách giúp đỡ nầy, giúp đỡ đạo pháp là cao nhất.
(Kinh Bố Thí, Thích Thiện Châu dịch)

Khi một nhà sư thuyết giảng pháp là tuyên lại những chân lý mà Phật dạy, cung cấp cho người Phật tử một khung lý thuyết sống động với những điều hay, lẽ phải, phương pháp tu dưỡng phù hợp với chơn lý nhằm mục đích giúp người phát triển trí tuệ và đạt được an vui lâu dài. Khi người nghe cảm thụ được và tác động đến việc điều chỉnh những hành vi thường ngày, giảm những điều bất thiện và tăng trưởng điều thiện, thì đó là nhà sư đã tạo ra một sản phẩm dịch vụ giúp ích cho xã hội.

Khi một nhà sư đi tụng kinh, đó cũng là một cách bố thí Pháp, vì tụng là đọc lại lời Phật dạy. Chỉ xét đến mức độ thỏa mãn khi một người nghe lời kinh, họ cảm thấy nhẹ nhàng trong một khung cảnh trang nghiêm, thì đó cũng là một sản phẩm dịch vụ theo cách hiểu của kinh tế. Nếu họ không có nhu cầu nghe kinh, thì họ sẽ không mời nhà sư đến để tụng kinh cầu nguyện làm gì.

Phân phát của cải

Khi một người Phật tử đi bố thí, là phân phát của cải như đồ ăn, thức uống, áo quần, thuốc men, nhà ở, xây bệnh xá, trường học, tiền bạc hay phục vụ bằng công sức, v.v... với mục đích giúp người khỏi thiếu thốn vật chất. Đó là một trong những hành vi tái phân phối lợi tức xã hội, giúp cho chính phủ trong việc giảm tình trạng bất cân đối trong phân bổ thu nhập của một quốc gia.

Khi một người Phật tử đem của cải đi bố thí, đó cũng là hình thức mang tiền đi đầu tư dù cho là đầu tư vô vụ lợi nhưng lại giúp cho vòng quay đồng tiền không bị lỗi nhịp trong lưu thông, tránh tình trạng thiếu hụt thanh khoản cho thị trường. Hiện nay, các nước giàu cũng dùng hình thức này dưới danh nghĩa viện trợ ODA cho những nước đang và kém phát triển, giúp tái phân phối lại của cải cho thế giới.

Lý thuyết bàn tay vô hình, Adam Smith viết trong The weath of Nations có đoạn: “Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, nhà đầu tư được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện mục đích mà thực ra anh ta không hề nghĩ đến [..] khi theo đuổi lợi ích riêng, anh ta thực ra đã thúc đẩy lợi ích chung của toàn xã hội nhiều hơn là khi thực sự có ý định làm vậy.”

Khi một người Phật tử dùng trí thông minh của mình phục vụ cho lợi ích của mình, thì dù là lợi ích bản thân người Phật tử cũng góp phần vào lợi ích của đất nước. Điều tốt đẹp này rõ ràng không phải là ý chí ban đầu của người thông minh nọ, mà là kết quả được nhìn thấy qua tương quan duyên khởi.

Một người Phật tử bỏ ra vài ngàn đồng để bố thí cho một người ăn xin, cả hai được sự thỏa mãn, người Phật tử thấy vui vì làm một việc thiện, người được cho có thể lo được cho mình một bữa ăn, thì đồng thời đã góp phần làm tăng lợi ích tập thể, điều này cũng giúp tăng khả năng tiêu thụ cho một sản phẩm sản xuất.

Một người Phật tử dù không ý thức rằng việc bố thí là một hành vi to tát đến nỗi có thể giúp tái phân phối lợi tức, họ chỉ tin rằng đó là một hành vi phước thiện mà bổn phận là người Phật tử phải làm. Nhưng trong tương quan duyên khởi, hay là bàn tay vô hình, dù không ý thức nhưng với hành vi đó họ đã trở thành một nhà đầu tư tài chính làm tăng khả năng lưu thông của tiền tệ.

Và cho dù họ tin việc bố thí của họ chỉ để tạo phước cho cá nhân, gia đình, nhưng thực ra cũng là tạo điều kiện cho xã hội ổn định, phát triển để mọi người có cuộc sống tốt hơn, góp phần làm tăng trưởng sự tự do, công bằng và mỗi cá nhân có thể thực hiện điều mình mong muốn.

Làm giàu chính đáng

Nhưng để có tiền của mang đi bố thí, một hành vi mà họ xem là tốt lành thì trước tiên người Phật tử phải biết cách làm giàu một cách chính đáng, biết kiếm ra đồng tiền trong sạch; đồng tiền trong sạch không phải có được từ những thương vụ gian lận hay buôn lậu. Khi một cá nhân kiếm ra những đồng tiền một cách chân chính thì xã hội cũng trong sạch hơn.

Một người Phật tử biết làm giàu một cách chân chính là không phải họ buộc phải kiếm tiền bằng mọi giá. Như trường hợp kinh doanh chẳng hạn, sự hợp tác với nhau để sản xuất ra chiếc bánh, sẽ có sự cạnh tranh khi phải chia chiếc bánh ấy ra làm nhiều phần. Nếu cạnh tranh tạo động lực cho phát triển là một điều tốt đẹp, còn cố dẫm đạp lên nhau để dành hết phần bánh của kẻ khác về mình thì xã hội sẽ khốn cùng như trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi. Nền kinh tế như thế là một sự bất ổn. Người Phật tử nhận ra và sẽ biết mình phải làm gì.

Kinh tế gia John Keynes nói về cách thức đạt được mục đích tối ưu trong kinh tế: “Lấy thu hoạch hết lá cây trên cành đến độ cao nhất có thể được để làm mục đích cuộc sống, thì cách thức khả dĩ nhất có thể đạt đến mục đích này là làm chết đói những con vật ngắn cổ cho những con hươu cao cổ sống còn”.

Một người Phật tử đã thọ ngũ giới, luôn ý thức rằng động cơ cá nhân hàng đầu của người làm kinh tế là tìm kiếm lợi nhuận, nhưng đồng thời họ được ý thức đầy đủ trách nhiệm của câu nói: “công bằng là ngu dại và manh mún là công bằng” , chuyện dùng manh mún để đoạt hết phần lá khiến những con vật ngắn cổ bị chết đói, cái giá phải trả thế nào không phải không là vấn đề của họ. Vì giáo lý về nghiệp giúp họ nhận ra điều đó.

Giáo lý về nghiệp của Phật giáo được triển khai như là một cơ sở cho công lý, để hình thành trong ý thức của người Phật tử rằng, thông qua đó mỗi người sẽ phải nhận lại những gì đáng được nhận trong cuộc sống hiện tại dựa trên những gì mà họ đã làm trong quá khứ. Điều này giúp họ nhận ra điều khoản để có một cuộc sống tốt đẹp và cho một xã hội phát triển là kết quả đã nằm ngay ở những hành vi kinh tế hiện tại của họ.

Vấn đề diệt dục

Nhưng mục tiêu nền tảng của kinh tế là tối ưu hóa về mặt lợi ích, độ tối ưu tỷ lệ thuận với số lượng hàng hóa hay tiền của mà mỗi cá nhân sở hữu được, đó là thước đo về sự thỏa mãn ham muốn vô cùng của con người theo kinh tế. Như thế, vấn đề diệt dục của đạo Phật phải chăng mâu thuẫn với mục tiêu tối ưu của kinh tế?

Nguyên tắc của kinh tế là giá trị của hàng hóa được xác định bởi nhu cầu, điều này được minh họa bằng chuyện hai người đàn ông mắc kẹt trên hoang đảo, có một bao gạo và vô số dây chuyền ngọc có giá trị, bình thường một dây ngọc có thể đổi một tấn gạo, nhưng bây giờ hai người đàn ông thấy mình bị kẹt và không có phương tiện để thoát ra. Giá trị của hai món hàng lập tức thay đổi, đống vàng ngọc bỗng không còn giá trị hữu dụng, giá trị thực sự lại nằm ở bao gạo.

Trong khi đạo Phật nhấn mạnh vấn đề diệt dục, người ta liền nghĩ như thế là diệt nhu cầu, làm cho giá trị hàng hóa bị đảo lộn, gây trở ngại cho phát triển kinh tế và hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu đi lên của xã hội. Phần đông người ta chỉ đứng xa nhìn đạo Phật qua ống nhòm như khi đi xem một trận cầu, sẽ thấy như không có liên hệ nào giữa đạo Phật tưởng chừng già cỗi với các tham vọng kinh tế.

Sự thật, vấn đề diệt dục trong đạo Phật không phải là bóp chết mọi tia hy vọng, bóp chết mọi ước mơ, mọi tham vọng cho sự thịnh vượng của một xã hội, sự thăng hoa của một nền kinh tế. Diệt không phải là hủy hoại tất cả sự ham muốn mà chỉ là hủy hoại cái quá đắm đuối ngũ dục, ví như Hitle vì quá tham vọng quyền lực nên coi quyền lực là cứu cánh đến mức si mê, không còn nhận ra hành vi tội ác của mình nữa.

Người nặng lòng ái dục thì không thấy được đạo, ví như nước lóng lấy tay quậy lên, người đến không trông thấy bóng.
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

Sự ham muốn trong kinh Phật có hai loại: Một là ham muốn các khoái lạc nhằm đáp ứng nhu cầu ái dục một cách mù quáng của con người. Trong câu chuyện trên: nếu một người quá tham lam, theo phương trình tối ưu kinh tế, anh ta giết chết người còn lại để chiếm trọn phần gạo, thì đó là một hành động bị dẫn dắt bởi vô minh, loại ham muốn như vậy cần phải tiêu diệt.

Loại ham muốn thứ hai có được từ sự phán xét lý trí, đó là ham muốn để đạt được một niềm vui thật sự, cũng trong câu chuyện trên: nếu hai người đàn ông thông tin cho nhau ý định của mình, cùng muốn trở thành bạn bè để san sẻ gạo cho nhau, cùng mong muốn hợp tác nhau tìm ra lối thoát. Ham muốn như thế là một sự tốt đẹp, đó là ham muốn được dẫn đến bởi những nỗ lực và hành động dựa trên nền tảng của trí tuệ và tư duy sáng suốt.

Cả hai hành vi này cùng được thúc đẩy bởi chung một động cơ là ham muốn, nhưng hệ quả đạt được là hoàn toàn khác nhau. Việc đánh giá là tốt hay xấu phải xem xuất phát từ động cơ thúc đẩy của vô minh hay trí tuệ.

Với loại ham muốn thứ hai, đạo Phật dạy cần phải tăng trưởng hơn, đó là ham muốn đích thực của Bồ-tát hành đạo, ham muốn hay sự thỏa mãn thật sự về mặt lợi ích xã hội, đó là kiến tạo một xã hội hài hòa với ý thức trách nhiệm cộng đồng được nâng cao, các cá nhân, môi trường, xã hội tương trợ lẫn nhau.

Bởi vậy, giáo lý của đạo Phật vừa dạy diệt dục vừa dạy tăng trưởng dục, nếu chỉ nhìn một cách hời hợt sẽ thấy điều này là mâu thuẫn, vì bất cứ một hành động nào cũng đều xuất phát từ động cơ là ham muốn, nên phải phân biệt vấn đề diệt dục và tăng trưởng dục trong đạo Phật để thấy đạo Phật góp phần tạo nên một loại hình lý tưởng. Nó không phải là “sự khổ hạnh tại tế” của Max Weber trong đạo đức Tin Lành, mà là diệt cái đắm mê một cách mù quáng, và tăng việc ham muốn khai sáng trí tuệ.

Của cải, lợi nhuận và tiêu thụ

Đức Phật dạy, cần phải đáp ứng những nhu cầu cơ bản về vật chất trước sau đó mới có thể phát triển tinh thần, và mỗi chúng sanh đều cần 4 loại lương thực để duy trì sự sống: lương thực vật chất, lương thực tiếp xúc, lương thực tinh thần, lương thực nhận thức.

Trước hết với tư cách là một sinh vật, nó cần có thức ăn để nuôi sống cơ thể vật lý. Khi lương thực vật chất cơ bản đã được đáp ứng nó thì cần có những va chạm, tiếp xúc hay chiêm nghiệm, khám phá với thế giới bên ngoài để phát triển mình. Khi tiếp xúc với thế giới ngoại cảnh thì nảy sinh nhận thức về đối tượng thực tại, về con người và thế giới xung quanh nó, khi con người tri giác về vũ trụ và văn hóa loài người thì thức ăn tinh thần như là một món thức ăn cần thiết cho tư tưởng phát triển, và để duy trì sự phát triển thì nó cần có một lại thức ăn nhận thức, đây là loại thức ăn cao nhất có thể tái cấu trúc lại toàn bộ để có sự phát triển một cách hệ thống mà không bị sai lạc.

Một khi bạn nghi ngờ rằng thức ăn tinh thần, một loại của dịch vụ cho sự phát triển trọn vẹn là không cần thiết cho cuộc sống của bạn, thì bạn sẽ mãi đắm đuối theo cứu cánh duy nhất và đó là mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ vật chất mà đích đến là vô hạn. Khi một thương gia nghe có tin rục rịch sắp nổ ra một cuộc chiến, anh ta thu hồi vốn và chi tiêu cho việc thu mua vũ khí, đợi đến khi đó tung ra và kỳ vọng cho một mùa bội thu, bong bóng duy lý này thực sự có tác động đến kinh tế thực tế, thế nhưng bong bóng nhân loại sẽ nổ vì tang thương chết chóc.

Vị thương gia này đang theo đuổi phương trình hạnh phúc mà kinh tế gia Paul Samuelson đưa ra: Hiệu Quả/ Dục vọng = Hạnh Phúc. Theo phương trình này, hạnh phúc là tỷ lệ giữa hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực khan hiếm với sự ham muốn. Tỷ lệ này càng thấp thì hạnh phúc cũng giảm theo. Nhưng ai cũng biết, tham vọng của con người là tiến tới điểm vô hạn, vô hạn là tập hợp các tham vọng mà ta không thể tính được trong thời gian hữu hạn. Vậy hạnh phúc như thế cũng là số vô hạn, không thể có được. Trong phương trình này, cũng không thể tính được tác hại mà thương vụ của người thương gia kia gây ra cho xã hội, vì nó không được bổ khuyết các phần tố nhận thức tinh thần.

Xét yếu tố lợi nhuận mà Phật giáo mang lại theo nghĩa kinh tế là loại sản phẩm dịch vụ được chuyển hóa cho hai món ăn tinh thần và nhận thức, hay gọi là văn hóa phát triển nói chung, là loại lợi nhuận không phải được mang lại từ những chi phí đầu tư bằng tài sản hữu hình, mà là loại lợi nhuận bồi dưỡng cho hai món thức ăn tinh thần và nhận thứ được xây dựng từ cơ sở món ăn vật chất và trí tuệ, sự siêng năng. Từ đó nó quay trở lại làm cứu cánh cho việc điều chỉnh hành vi xã hội trong việc tìm kiếm thức ăn vật chất và tiếp xúc theo tinh thần của chánh nghiệp và chánh mạng, để có thể thu được những món lương thực vật chất một cách chân chính, và việc tiêu thụ cũng theo những động cơ chân chính. Chân chính đây là gì? Phật dạy:

“Sự giàu có thu được từ sự nỗ lực và siêng năng lao động của mình, thông qua những kỹ năng và mồ hôi trên bàn tay lao động, đó là lao động chân chính như việc làm tuân theo chánh nghiệp, lợi nhuận chân chính là thành quả thu được, người Phật tử sẽ chi tiêu cho 5 việc: cho sinh hoạt gia đình, bản thân; cho đầu tư sinh lợi; cho ông bà tổ tiên; thuế cho nhà nước và các công trình phúc lợi xã hội; hỗ trợ cho tôn giáo thông qua các dịch vụ công ích mà tôn giáo mang lại cho mình và xã hội”.

Sự giàu có như vậy là sự giàu có chính đáng, nó đảm bảo cho các kế hoạch chi tiêu hay tiêu dùng của các hộ gia đình. Khi chi tiêu như thế là người Phật tử đã phân phối lại tài sản, điều đó làm cho hàm tiết kiệm giảm xuống và làm cho hàm đầu tư tăng lên, nghĩa là người Phật tử cũng đang làm một động tác là nhích đường tổng cầu tiến về điểm cân bằng, cầu tiêu dùng tăng đồng nghĩa với việc mức giảm tiết kiệm theo kế hoạch tăng lên tương đương với mức tăng của tổng cầu, đó là một tín hiệu tốt đẹp cho nền kinh tế.

Giả sử một người Phật tử có sự vị kỷ chỉ dùng tiền thu được chi tiêu cho bản thân mà không dành để chi tiêu cho năm việc vừa kể thì bức tranh kinh tế sẽ khác đi, người Phật tử dùng tiền đó để đi du lịch hay mua sắm những đồ đắt tiền thỏa mãn nhu cầu của mình, xét theo quyền tự do cá nhân thì người Phật tử hoàn toàn có quyền làm điều đó, nhưng như thế là người Phật tử đang nô lệ cho loại lương thực ban đầu, đạo Phật không khuyến khích vì đó là hành vi ích kỷ theo hướng tư lợi không tốt, điều đó cũng không tốt cho kinh tế, vì đầu tư kiểu đó là hoàn toàn không sinh lợi mà cơ hội cho mức đầu tư toàn dụng cũng giảm đi, vì khi tăng chi tiêu cho cá nhân thì bốn yếu tố kia sẽ bị mất đi một khoản vốn để kích cầu đầu tư, sản lượng cân bằng chung không được lợi.

Theo đạo Phật, lợi nhuận, của cải và tiêu thụ là một nền tảng cho sự giàu có của một quốc gia, trong đó hướng các hành vi chi tiêu cho đúng với chánh nghiệp và chánh mạng, là biết lao động chính đáng san sẻ chút tài sản của mình cho người chưa có để họ đảm bảo nhu cầu cơ bản cho tiêu dùng hàng ngày. Nó là nền móng để nâng cao chất lượng đời sống và phát triển con người chứ không phải cái đích cuối cùng mà đạo Phật hướng đến.

Khi nhu cầu vật chất cơ bản được thỏa mãn thì con người cần những món ăn tinh thần, như trong kinh có dạy, một người nông dân đang đói, anh ta tìm đến Phật và xin Phật thuyết Pháp, Phật đã bảo đệ tử Ngài hãy kiếm gì đó cho anh ta ăn, sau đó Phật mới thuyết pháp và sau đó người nông dân nọ đã giác ngộ. Một vị tổng thống khi nhậm chức phải đảm bảo 3 điều: đó là an ninh quốc gia, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, tinh thần, khoa học giáo dục. Cũng vậy, đạo Phật xem sự sáng tạo, phát triển và giàu có sẽ dẫn tới một xã hội mà trong đó mỗi cá nhân được phát huy hết khả năng của mình và làm gia tăng sự tốt đẹp cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung.

Trong giới hạn một bài viết ngắn, người viết chỉ phác họa được một phần nào đó các hoạt động của Phật giáo nhìn theo con mắt kinh tế, để thấy rằng đạo Phật chưa bao giờ đứng ngoài lề hay cản trở các hoạt động kinh tế - xã hội, mà ngược lại còn góp phần giúp cho kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển ổn định.

Huệ Lưu
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr8, 2009]