Bhutan: Mô hình kinh tế Phật giáo được đánh giá rất cao

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Dựa vào những nguyên tắc của Phật giáo, vương quốc Bhutan thực hiện rất thành công mô hình kinh tế Tổng hạnh phúc quốc gia. Nhờ vậy, người dân nước này có cuộc sống rất hạnh phúc.

  
Trong lúc thế giới đang đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế toàn cầu, nhiều nhà kinh tế, nhà giáo dục và tư vấn chính sách công cộng nước ngoài đã tìm đến vương quốc nằm trên dãy núi Himalaya này để nghiên cứu chính sách kinh tế độc đáo dựa trên những nguyên tắc của Phật giáo, gọi là Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH).

Theo các nhà hoạch định chính sách Bhutan, chính sách của một nền kinh tế phát triển, trong đó, phải coi trọng việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, tôn trọng sự sống của các loại sinh vật, sự tham gia của cộng đồng và điều rất cần thiết là sự cân bằng giữa công việc, ngủ nghỉ, và thiền định.

Thuật từ “hạnh phúc” trong chính sách này là gì? Theo một số nhà quan sát, thuật từ này không được sự quan tâm đúng mức đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Tây phương. Khi hoạch định chính sách kinh tế, họ có xu hướng sử dụng cụm từ “phát triển con người” hoặc “tăng trưởng đa dạng”. Theo lời phát biểu của ông Dasho Karma Ura, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Bhutan, được đăng tải trên trang web grossnationalhappiness.com: “Người ta thường ngại khi phải dùng từ hạnh phúc nhưng hạnh phúc là gì? Định nghĩa nó thế nào không quan trọng. Điều quan trọng là cung cấp những phương tiện mà thông qua đó con người có thể đạt được hạnh phúc theo cách mà họ cảm nhận.”

Tại hội nghị quốc tế Tổng hạnh phúc quốc gia lần thứ 4 tại thủ đô Thimphu, diễn ra từ ngày 26 đến 28 tháng 11, năm 2008, thủ tướng Bhutan Jigme Thinley phát biểu: “Hạnh phúc là một vấn đề nghiêm túc. Niềm tin về việc sản xuất và tăng tưởng vô hạn trong một thế giới hữu hạn là điều không thể có được và không công bằng đối với các thế hệ tương lai.” Đức Phật dạy rằng cái gì có sanh tức phải diệt. Ông nói tiếp rằng ý tưởng mới thường được phát sinh từ sự sanh và diệt. Nếu chính sách Tổng hạnh phúc quốc gia là một mô hình mới thì những mô hình cũ phải được thay thế.

Thật ra, mô hình Tổng hạnh phúc quốc gia đã có từ hàng thế kỷ tại Bhutan, nhưng đến năm 1972, mô hình này mới được áp dụng mạnh mẽ và đã mang lại nhiều hạnh phúc cho người dân. Từ năm 1972, thay vì tập trung vào việc gia tăng hiệu quả kinh tế, vương quốc này bắt đầu đổi sang mô hình Tổng hạnh phúc quốc gia. Thông thường, những mô hình phát triển kinh tế hiện nay tập trung nhấn mạnh vào phát triển kinh tế như một mục tiêu chính yếu, thì GNH dựa trên lý thuyết rằng sự phát triển thật sự chỉ có khi cả vật chất và tinh thần cùng đồng hành thăng tiến. Để GNH phát triển, chính quyền phải tập trung vào 4 lĩnh vực then chốt: Đẩy mạnh phát triển hình thái kinh tế khả thi, vừa sức; duy trì và phát triển các giá trị văn hóa; Bảo tồn môi trường thiên nhiên; quản lý và điều hành bộ máy nhà nước có hiệu quả. 

Tuy nhiên cũng có một số chỉ trích cho rằng GNH chỉ có thể áp dụng và phát triển trong một quốc gia với một chế độ chuyên quyền và ít dân số. Những lời chỉ trích này cho rằng chính sách GNH đã không cho phép tận dụng tiềm năng lâm nghiệp với một quốc gia 60% lãnh thổ rừng như Bhutan. Nhưng mô hình này vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm và chú ý của quốc tế.

Mô hình GNH đang được tiếp nhận và áp dụng tại Brazil, Ấn Độ và Haiti. Nhưng phát triển rộng rãi nhất là các chương trình ở Canada, Úc, Mỹ và Pháp. Chương trình Chỉ số hạnh phúc của người Canada, Dự án thẩm định hạnh phúc của Úc và Hoa Kỳ đang cố gắng đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân nước họ. Tại Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy đã cho thành lập Ủy ban Chất lượng cuộc sống vào tháng 8 năm nay, và hy vọng sẽ ứng dụng GNH vào năm sau. Được biết, Ủy ban được sự giúp đỡ chuyên môn từ những nhà kinh tế học nổi tiếng đạt giải Nobel Joseph Stiglitz và Armatya Sen.

Theo giáo sư kinh tế của Đại học Oxford, ông Sabina Alkire, những chương trình khảo sát như thế đang nhằm thẩm định chất lượng cuộc sống bất chấp Tổng sản lượng quốc nội (GDP) cao thấp thế nào đi nữa. Hạnh phúc là một khái niệm bí ẩn, tinh tế. Bất cứ phương tiện đo lường nào đều không hoàn hảo, nhưng ít ra nó cũng khá hoàn hảo hơn GDP.

Trong khi đó, nhiều người Bhutan đã nhận thấy sự thay đổi của Mỹ trong quan điểm về GNH qua các bài diễn văn sử dụng trong chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Barack Obama. “Obama đang sử dụng những từ ngữ tương tự như thế”. Ông Dasho Karma Ura nói “Ông ta muốn quan tâm vấn đề về chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, trách nhiệm với môi trường, v.v… cơ bản, chúng ta đang đề cập đến những vấn đề tương tự.”

Bhutan là một vương quốc nằm gần biên giới Đông Bắc Ấn Độ trên dãy Himalaya hùng vĩ. Nước này có khoảng 700,000 dân số, thể chế chính trị đang chuyển dần từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến. Quốc vương là Jigme Khesar Namgyel, lên ngôi theo nghi thức Phật giáo vào ngày 6 tháng 11 năm 2008, mới 28 tuổi, được xem là vị quốc vương nhỏ nhất thế giới. Ông là vị vua thứ 5 của triều đại Wangchuck. Vương triều này được thành lập vào năm 1907, tái thống nhất đất nước sau nhiều thế kỷ phân chia, nội chiến và ngoại xâm. Văn hóa và tôn giáo nước này rất gần với Tây Tạng. Phật giáo là tôn giáo chính, với số lượng tín đồ trên 90%, và hiến pháp quy định là quốc giáo. Phật giáo Bhutan theo truyền thống Kim Cang thừa. Từ khi ngài Liên Hoa Sanh mang Phật giáo truyền vào nước này khoảng cuối thế kỷ thứ 8 Tây lịch đến nay, Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lãnh vực tại xứ sở tuyết phủ này.

Ngọc Ánh
Biên dịch theo bài viết của Don Duncan, báo The San Francisco Chronicle
[Tập san Pháp Luân - số 59, tr94, 2009]