Phật giáo - Văn hóa đọc & văn hóa nghe nhìn

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Người ta thích vừa xem hình, vừa nghe tin trên TV hơn là đọc chữ trên báo. Các nhà nghiên cứu cảnh báo về một đời sống văn hóa nông cạn hơn. Trong đó, người ta lười tư duy hơn, tư duy ít hơn và sơ sài hơn, mức độ tập trung khi tiếp xúc với văn hóa phẩm hời hợt hơn, trong đó, vai trò của ngôn ngữ ngày càng sút giảm.

 

Văn hóa nghe nhìn, sự xuống dốc của văn hóa thế giới?

Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới và cả ở Việt Nam. Điều này được cảnh báo trước sự phát triển ồ ạt của TV, video và multimedia trên Internet. Sách vở in với số lượng ngày càng ít hơn, nhiều tờ báo giấy trên thế giới giảm số phát hành, thậm chí đóng cửa. Người ta thích xem phim truyền hình nhiều tập dài lê thê hơn là đọc tiểu thuyết. Người ta thích vừa xem hình, vừa nghe tin trên TV hơn là đọc chữ trên báo. Các nhà nghiên cứu cảnh báo về một đời sống văn hóa nông cạn hơn. Trong đó, người ta lười tư duy hơn, tư duy ít hơn và sơ sài hơn, mức độ tập trung khi tiếp xúc với văn hóa phẩm hời hợt hơn, trong đó, vai trò của ngôn ngữ ngày càng sút giảm.

Trong bối cảnh như vậy, thì quảng bá, cổ động việc sử dụng các phương tiện truyền thông nghe nhìn hiện đại như TV, video, audio, multimedia… trong Phật giáo liệu có là điều nên làm? Nó có làm xuống cấp văn hóa Phật giáo đối với văn hóa xã hội như các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo? Nó có làm xao động cuộc sống tu hành vốn yên tĩnh, trầm mặc, sâu lắng, không phù hợp với sự chớp nháy của màn ảnh truyền hình, sự ồn ào của âm thanh ra rả? Bài viết này sẽ bàn luận về những vấn đề nêu trên.

Vấn đề “tùy thuận chúng sinh”

Lo ngại của các nhà nghiên cứu văn hóa là đúng, và đặt vấn đề như đã nêu đối với Phật giáo là hoàn toàn có cơ sở. Không băn khoăn làm sao được khi trẻ em, theo một vài số liệu thống kê, thì xem TV 26 giờ/tuần (ở Ấn Độ). Chẳng những các em không còn đọc tác phẩm văn học, mà việc xem các chương trình truyền hình TV chiếm nhiều hơn thời giờ dành cho đi chơi, giao tiếp với người thân, bạn hữu, và gần bằng thời giờ đi học. Người lớn có thể chịu ảnh hưởng TV ít hơn, nhưng văn hóa nghe nhìn đã làm cho có thanh niên chết vì chơi game, đi bệnh viện vì Internet…!

Nhưng đó là một xu thế không thể đảo ngược được của sinh hoạt văn hóa thế giới, ngay cả việc làm chậm lại cũng không thể. TV ngày càng rẻ, rẻ đến mức chỉ bằng một bữa ăn nhà hàng của một gia đình châu Á. Số kênh truyền hình thì “đại nhảy vọt”. Các công nghệ mới cho phép trên TV và trên máy vi tính nhận đến cả ngàn kênh truyền hình, chứ không phải là vài chục kênh như trước đây nữa. Và thế là người ta phải làm chương trình thật hay để giành giật khán giả.

Máy vi tính cũng xuống giá đến không ngờ. Một học sinh trung học gia đình loại thu nhập trung bình cũng đã có thể nghĩ đến chuyện sở hữu một máy vi tính. Những người trong giới trí thức thì đi đâu cũng mang theo Laptop. Trong khi đó, tốc độ video hóa các trang web tăng vọt, có trang web video có đến hàng trăm triệu người truy cập mỗi ngày. Rõ ràng, một sự đảo lộn cơ cấu văn hóa đang diễn ra.

Phật giáo chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn. Hoặc đứng ngoài sự thay đổi cơ cấu đó. Hoặc tham gia cùng với nó. Điều trớ trêu là các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo lại nằm trong số 5 quốc gia trên thế giới dẫn đầu “về số các gia đình thay đổi máy truyền hình hàng năm, từ 1980 đến 1997” theo báo cáo năm 2000 của UNESCO. Đó là Trung Quốc, Sri Lanka, Mông Cổ, Ấn Độ và Thái Lan. Những con số khách quan liên hệ đến những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo này nói lên điều gì? Phật giáo có thể lựa chọn vị trí đứng ngoài sự chuyển đổi cơ cấu văn hóa này chăng?

Trong mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, có một hạnh nguyện là “tùy thuận chúng sinh”. Chúng sinh đã như vậy, thì Phật giáo cũng không thể không “tùy thuận”, huống nữa là các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo lại dẫn đầu về sự “tùy thuận” này. Không muốn “tùy thuận” cũng không được.

Bảo văn hóa nghe nhìn là xa lạ với Phật giáo là không hoàn toàn đúng.

Phật giáo chỉ không chấp nhận cái kiểu văn hóa nghe nhìn mất cân đối theo kiểu hiện đại bỏ ăn, bỏ ngủ đến bệnh tật, chết người để ôm TV hay màn hình vi tính. Theo chúng tôi, Phật giáo là một tôn giáo thành lập trước khi có việc ghi chép bằng văn tự, nghĩa là trước khi có văn hóa đọc. Yếu tố nghe nhìn có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa Phật giáo. Sự tiếp nhận tư tưởng Phật giáo thông qua việc nghe đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều thế kỷ. Việc tín ngưỡng Phật giáo cũng liên hệ nhiều đến yếu tố “nhìn” thông qua sự đa dạng, phong phú với số lượng cực lớn hình tượng chư Phật, chư Bồ-tát. Thực tế đó là nhằm thỏa mãn nhu cầu “nhìn” của mắt.

Phật giáo là tôn giáo phủ nhận việc chấp trước vào phương tiện.

“Đọc” hay “nghe, nhìn” chỉ là phương tiện phục vụ cho việc đạt được mục đích. Mà hễ là phương tiện, thì cái nào phục vụ hữu hiệu cho việc đạt mục đích, cái nào phù hợp với nhân sinh và thời đại, thì điều có thể sử dụng, bất kể nó là “đọc” hay “nghe nhìn”. Cho là văn hóa “đọc” tốt hơn, phù hợp hơn với Phật giáo, hoặc ngược lại, đánh giá cao một cách chủ quan “văn hóa nghe nhìn”, đều là hai thái cực cần tránh. Văn hóa đọc đã có truyền thống đối với Phật giáo, thì tại sao “văn hóa nghe nhìn” không thể tạo ra một truyền thống mới, trong khi cả hai đều là phương tiện, một thứ bè để chuyên chở giáo pháp, một dạng thức “bè của bè”. Bè đã không nên chấp, huống nữa là đối với “bè của bè”!

Văn hóa Phật giáo có những đặc điểm, yêu cầu khác với văn hóa thế tục nói chung.

Tin tức thời sự quốc tế trên TV có thể hấp dẫn công chúng hơn tin tức, thời sự trên báo in, nhưng đối với người theo đạo Phật, tin tức, nghĩa là chuyện thế gian, không quan trọng. Tin tức đăng trên báo Phật giáo chậm hàng tuần, hàng tháng cũng không sao, và cũng không cần biết đến cũng được, nữa là cần xem hình, xem video. Không phải văn hóa nói chung có loại hình nào thì văn hóa Phật giáo phải có loại hình đó. Những hình thức không phù hợp với văn hóa Phật giáo tất yếu sẽ bị văn hóa Phật giáo loại bỏ. Đó là vấn đề khách quan. Đương nhiên, Phật tử chúng ta có thể tu tập, nâng cao tín tâm bằng cách chiêm ngưỡng tượng Phật khắp thế giới trên màn hình TV, chứ không thể tu tập được bằng trò chơi điện tử chẳng hạn. Cho nên, bên cạnh các nhu cầu khách quan, sự cổ động chủ quan của một vài cá nhân, tập thể, còn là những yêu cầu nội tại của văn hóa như một sinh thể. Tiến trình văn hóa sẽ dứt khoát không chấp nhận những gì nó không cần, và thực tế là sự kiểm nghiệm hiệu lực nhất.

Phật giáo, theo nghĩa là một tôn giáo trí tuệ, chắc chắn không thể là tôn giáo của số đông.

Trong xã hội, văn hóa đọc đang thu hẹp công chúng. Đó sẽ là một thứ văn hóa của tầng lớp có học vấn cao. Văn hóa của một thiểu số trí tuệ. Tương ứng, trong Phật giáo, văn hóa đọc, vẫn mãi phù hợp với nhóm Phật tử thiểu số của một đạo Phật trí tuệ, không gì thay thế được. Còn văn hóa nghe nhìn có thể có một công chúng rộng rãi hơn, hướng đến những người chưa biết đạo Phật, hay chưa đi vào chiều sâu của đạo Phật.

Yếu tố rẻ tiền và phổ cập là một yếu tố cần tính đến khi xem xét văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn.

Một địa phương vùng sâu miền núi hiện nay đã có thể xem 2-3 kênh truyền hình miễn phí. Nhưng họ không có tiền để nghĩ đến việc mua báo, huống nữa là mua sách. Để thưởng thức một tập thơ, với vài chục bài thơ, người đọc phải tốn chừng khoảng 15000-16000đ để mua (tức là khoảng 1USD), nhưng với cũng khoảng tiền đó, để nghe nhạc, có thể mua được khoảng 5 đĩa MP3 (bán dạo) với khoảng 600 bài hát! Văn hóa nghe nhìn là văn hóa dành cho người nghèo, nghĩa là dành cho số đông. Muốn “độ” cho số đông nhân sanh này, phải xây dựng dòng văn hóa nghe nhìn Phật giáo, không thể chỉ trông cậy duy nhất vào văn hóa đọc.

Văn hóa đọc là ưu thế của Phật giáo chúng ta, không từ bỏ nó và vẫn chú trọng nó. Nhưng việc phát triển văn hóa nghe nhìn như một yếu tố cộng thêm là điều cần phải đặc biệt chú trọng, để có thể đưa văn hóa Phật giáo đồng hành với văn hóa thời đại.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.55, 2009]