Chúng tôi xin giới thiệu tiếp chuyện “Thái tử lấy thịt mình cứu cha mẹ” (王子以肉濟父母緣), trong kinh Tạp bảo tạng quyển 1, trang 447c19, tạng Đại Chánh tập 4, số hiệu 203.
DẪN NHẬP
Đã hơn hai mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ rõ mồn một, hình ảnh người anh tôi dùng miệng hút nước mũi trong mũi đứa con thơ phun ra ngoài, do nó còn nhỏ không biết hỉ như người lớn. Thường mũi dãi của chính mình khi hỉ ra ngoài còn thấy nhờm gớm, vậy mà anh tôi hút vào miệng mình một cách bình thường. Đến khi vào chùa, tôi đọc truyện thái tử A-xà-thế, thuở bé bị mụt nhọt ở ngón tay nhức nhối, khóc suốt ngày, vua Tần-bà-sa-la bế con vào lòng, ngậm ngón tay con nút cả mủ lẫn máu vào bụng để con khỏi đau. Tôi hoàn toàn tin thật, là vì đã một lần chứng kiến trong đời, tuy hai hình ảnh khác nhau nhưng chỉ là một, đều xuất phát từ lòng thương con vô điều kiện, từ tình yêu phụ tử cao cả hy sinh.
Cho nên cả một đời bậc Đại giác không chỉ giáo hóa độ sanh mà còn luôn khuyên dạy mọi người phải sống thế nào để báo đền công ơn cha mẹ; chính Ngài cũng là tấm gương toàn thiện toàn mỹ về đức tính đại từ đại hiếu, sách sử còn lưu truyền đến ngày nay.
Chúng tôi xin giới thiệu tiếp chuyện “Thái tử lấy thịt mình cứu cha mẹ” (王子以肉濟父母緣), trong kinh Tạp bảo tạng quyển 1, trang 447c19, tạng Đại Chánh tập 4, số hiệu 203.
TOÁT YẾU NỘI DUNG KINH
Khi Phật an trú tại nước Xá-vệ, vào một buổi sáng tôn giả A-nan đắp y ôm bát vào thành khất thực. Tôn giả thấy một cậu bé có cha mẹ bị mù, hễ xin được thức ăn ngon thì dâng lên cho cha mẹ, còn món dở thì cậu ta ăn. Tôn giả A-nan cảm động đem chuyện ấy về kể lại với đức Phật.
Đức Phật bảo: “Điều ấy chưa phải là khó! Trong thời quá khứ, Ta cũng từng cúng dường cho cha mẹ mới thật là khó.” Rồi đức Phật kể:
Thuở xa xưa, có một vị đại quốc vương thống lãnh vương triều, ông ta có sáu người con, mỗi người con cai trị một quốc gia. Lúc bấy giờ, có một đại thần tên La-hầu-cầu phản nghịch, lập mưu hưng binh giết chết vị đại vương và năm người con. Còn người con thứ sáu được quỷ thần mách bảo trước nên vương tử ấy dẫn vợ con, mang theo lương thực trốn sang nước khác. Vì quá kinh hoàng và lo sợ nên họ đi nhầm đường, trải qua mười ngày mà chưa đến nơi, lương thực hết, nước uống cạn, sức lực kiệt dần. Vị vương tử suy nghĩ: “Nếu để ba người cùng sống thì sự thống khổ càng mãnh liệt, thà ta giết đi một người, chỉ còn hai người sẽ bớt đau khổ hơn”, liền rút kiếm tính giết người vợ. Đứa con quay lại thấy vội chắp tay van xin: “Xin cha đừng giết mẹ. Cha cứ giết con, con sẽ chết thay cho mẹ.” Ông ta đổi ý tính giết con, nhưng nó lại nói: “Xin cha đừng giết con chết, cứ từ từ cắt thịt con mà dùng. Mỗi ngày ăn chút ít trong lúc chưa đến thôn xóm. Thịt của con chia làm ba phần, cha mẹ hãy lấy hai phần mà ăn, còn lại một phần để cho con. Cha mẹ cứ để con nằm dưới đất mà tiến hành.”
Ngay lúc đó cung điện của vua trời Đế-thích chấn động mạnh. Trời Đế-thích bèn quan sát xem vì nhân duyên gì mà như vậy, mới thấy cậu bé ấy làm một việc chưa từng có. Ông ta muốn thử lòng cậu bé, liền hóa thành một con chó sói đói, chạy đến ăn thịt. Cậu bé nghĩ: “Nếu ta ăn phần thịt của ta thì cũng chết mà không ăn cũng chết” nên thí luôn phần thịt của mình cho con sói. Lập tức trời Đế-thích biến lại thành người, hỏi cậu bé:
- Ngươi cắt thịt nuôi cha mẹ, vậy ngươi có hối hận không?
- Tôi không hối hận.
Trời Đế-thích lại hỏi:
- Trông ngươi đau đớn như thế, ai biết ngươi không hối hận?
Cậu bé thành thật trả lời:
- Nếu tôi không có lòng hối hận thì thịt trong thân sẽ bình phục như cũ. Còn nếu tôi có lòng hối hận thì tôi sẽ chết ngay bây giờ.
Vừa nói xong, thân thể cậu bé bình phục như trước không khác. Lúc bấy giờ, có một vị vua nước lân bang thương người con chí hiếu, mới cấp quân đội giúp trở về phục quốc. Trời Đế-thích cũng ủng hộ vị này làm vua Diêm-phù-đề. Cậu bé ấy chính là Ta. Còn cha mẹ lúc ấy cũng là cha mẹ của Ta bây giờ. Đức Phật lại bảo:
- Đâu phải chỉ ngày hôm nay Ta mới tán thán lòng nhân từ hiếu thảo, trong vô số kiếp Ta cũng thường tán thán như vậy.
Các Tỳ-kheo hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Trong quá khứ, Thế Tôn đã cúng dường cha mẹ như thế nào?
Phật kể:
Ngày xưa, tại vương quốc Ca-thi có một ngọn núi lớn, trong núi có một vị tiên nhân tên Thiểm-ma-ca cùng sống với cha mẹ già mù lòa trong ngôi nhà cỏ. Hằng ngày, Thiểm-ma-ca thường hái quả ngon, dâng hoa thơm và nước ngọt cho cha mẹ dùng, muốn cho cha mẹ ở nơi vắng vẻ không gì phải lo sợ.
Một hôm, Thiểm-ma-ca đi lấy nước nhằm lúc vua Phạm-ma-đạt đi săn bắn. Nhà vua giương cung bắn con nai, tên độc lạc trúng Thiểm-ma-ca; nghe tiếng la nhà vua chạy về hướng tên thì thấy Thiểm-ma-ca. Vua Phạm-ma-đạt hỏi:
- Ta nghe trong núi này có vị tiên nhân tên Thiểm-ma-ca, nhân từ hiếu thuận, nuôi dưỡng cha mẹ mù, mọi người đều khen ngợi. Vậy ông có phải là Thiểm-ma-ca không?
- Chính là tôi đây. Thiểm-ma-ca đau đớn nói: “Tôi có chết cũng không sao, chỉ sợ cha mẹ già mù lòa, từ đây bị đói khát, khốn cùng không ai nuôi dưỡng.” Nhà vua liền hỏi nơi ở của song thân Thiểm-ma-ca, nhà vua đến đó đảnh lễ. Cha mẹ Thiểm-ma-ca hỏi:
- Chúng tôi không thấy gì cả. Ai đảnh lễ đó?
- Tôi là vua nước Ca-thi.
Cha mẹ Thiểm-ma-ca mời nhà vua ngồi, rồi nói:
- Nếu con tôi có ở đây nó sẽ dâng lên đức vua những hoa thơm, quả ngon. Con của chúng tôi sáng nay đi lấy nước lâu rồi sao chưa thấy về?!
Vua Phạm-ma-đạt bật khóc:
- Trẫm đi săn núi này chỉ muốn bắn cầm thú, không ngờ lại hại người. Trẫm sẽ bỏ ngôi vua để phụng dưỡng hai vị như cha mẹ, xin hai vị đừng buồn khổ.
Cha mẹ Thiểm-ma-ca trách than:
- Con tôi nhân từ hiếu thuận không ai bằng. Dù vua có xót thương làm sao giống con tôi. Xin vua rủ lòng đưa chúng tôi đến bên Thiểm-ma-ca.
Vua Phạm-ma-đạt dẫn họ đến bên cạnh Thiểm-ma-ca. Bên cạnh con, họ đập ngực gào khóc:
- Than ôi! Con tôi nhân từ hiếu thuận không ai bằng. Hỡi thiên thần, địa thần, thần sông, thần núi… thương đứa con hiếu thuận này mà mau đến cứu mạng nó!
Lúc ấy cung điện trời Đế-thích chấn động. Trời Đế-thích dùng thiên nhĩ nghe những lời đau thương của ông bà lão mù, liền bay xuống, đến hỏi Thiểm-ma-ca:
- Ngươi có sanh ác tâm với nhà vua không?
Thiểm-ma-ca trả lời, thật sự tôi không có ác tâm với nhà vua. Nếu tôi có ác tâm với nhà vua thì chất độc sẽ chạy khắp thân tôi, tôi chết ngay lập tức. Như tôi không có ác tâm với nhà vua thì tên độc tự xuất ra, vết thương liền lành. Thiểm-ma-ca vừa dứt lời, tên độc rớt ra, bình phục như cũ. Nhà vua vô cùng vui mừng, ban ngay sắc lệnh phổ cáo khắp nước, tất cả mọi người phải tu lòng từ, hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ.
Nên biết cha mẹ mù lúc ấy là vua Tịnh-phạn và phu nhân Ma-da bây giờ. Còn Thiểm-ma-ca chính là Ta. Quốc vương Ca-thi là Xá-lợi-phất, trời Đế-thích là Ma-ha Ca-diếp.
LỜI KẾT
Khi đêm gần tàn, một vị thiên nhân với dung nhan thù thắng sáng cả tinh xá Kỳ viên, đến đảnh lễ đức Thế Tôn, sau đó hỏi đức Thế Tôn làm thế nào để được vận may, với hy vọng đức Thế Tôn sẽ dạy một hình thức nghi lễ để cầu may cầu phước. Đức Phật dạy có ba mươi tám phương thức phải làm để được may mắn và một trong những phương thức ấy là phụng dưỡng cha mẹ: “Phụng dưỡng cha và mẹ… là vận may tối thượng.” (Mangala Sutta – kinh Hạnh phúc).
Mặc dầu trên thế gian này ai cũng biết công ơn cha mẹ ví như trời biển, nhưng đức Thích Tôn thấu hiểu “cùng tận chúng sanh nghiệp tánh”, số chúng sanh không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn số chúng sanh có hiếu, vì vậy mà đức Phật đã khuyến dạy vô vàn cách thức báo đền công ơn cha mẹ như thế nào cho đúng nghĩa, trong kinh tạng Bắc truyền và Nam truyền đều ghi rõ. Về nội dung văn chuyện dẫn chứng trên: Từ đứa bé ăn mày nuôi dưỡng cha mẹ mù, đến người con hiếu thảo cắt thịt mình cứu đói mẹ cha, rồi nơi non cao rừng quạnh, lo sợ song thân bữa đói bữa no, vị tiên nhân Thiểm-ma-ca hằng ngày không xao nhãng việc phụng dưỡng, cũng không ngoài ý ấy. Nhưng vì sao người xuống thử lòng hiếu thảo của cậu bé con vương tử, và tiên nhân Thiểm-ma-ca lại là trời Đế-thích mà không phải vị thiên thần nào khác? Vì trời Đế-thích ở cõi trời Ba mươi ba cũng chính là nhờ công ơn hiếu dưỡng cha mẹ, sau được sanh làm Thiên chủ (kinh Tương ưng bộ tập 1, chương XI. Tương ưng Sakka); nghĩa là những nhân vật được kết cấu xây dựng trong chuyện đều là những người con chí hiếu. Đồng thời quan điểm tu đạo giải thoát của Phật giáo là vừa tôn trọng đạo đức: giữa con người và con người phải thương yêu nhau, lại vừa nâng cao giá trị đạo đức đó lên một bậc nữa là thoát ly ngã chấp (vô ngã), hy sinh quên mình (từ bi), nên khi trời Đế-thích hóa thành con sói đói đến thử, cậu bé cho luôn phần thịt của mình, chọn cái chết mà không hối hận; cũng như tiên nhân Thiểm-ma-ca dù bị nhà vua bắn trúng tên nhưng không oán hận nhà vua.
Công đức hiếu hạnh thật khó nghĩ bàn, song đức Phật vẫn so sánh hai cách báo hiếu: “Lấy món cam lộ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian giúp cha mẹ hưởng phước vô tận, vì cha mẹ được sanh Tịnh độ phước thọ trải qua vô lượng kiếp, như vậy mới là đại hiếu”. (Long thư tịnh độ văn)
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.50, 2009]