Sự lâm phàm thị hiện của đức Phật Thích-ca Mâu-ni nơi cõi Ta-bà này, về mặt Đại thừa, mang một tầm vóc kỳ đặc, vừa là một biểu tượng tuyệt lý, vừa là một hiển thị bất khả tư nghì cho “chân lý đạt tuệ” siêu phàm dung nạp cả về mặt nhân bản, tưới nhuận chất liệu đại bi, đạo đức và giác ngộ tâm linh.
Bảy bước trên hoa sen đản sanh tại Lâm-tỳ-ni là một trong toàn bộ giai trình của tám tướng thị hiện trang nghiêm cho thế giới khổ đau này theo hoài bão, hạnh nguyện bi và trí của ba đời mười phương chư Phật, nhằm chỉ bày khai hóa và cứu độ chúng sinh. Tại đó có thể phát hiện được ý nghĩa tuyệt diệu thăng hoa từ thế giới gọi là Liên Hoa Tạng và ý nghĩa bất khả tư nghì của hoa sen biểu trưng của tánh Phật (một chân lý tuyệt đối) mà chính Tỳ-lô-xá-na Pháp thân biểu hiện ra cái Chân lý tuyệt đối đó. Ngay như nội dung kinh Phạm Võng cũng đã mô tả cái nhất thể chính là Pháp giới quang minh trùng trùng duyên khởi như là một pha triển chuyển tuyệt vời của ngàn, ngàn và ngàn trăm ức... cánh sen mở ra bủa khắp trong mạng lưới duyên sinh bất tận mà trong Đại định “Hải ấn tam muội” đức Phật đã mở ra cái chân tướng giác ngộ nầy ngay sau khi Ngài đạt ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội cây bồ-đề.
SƠ LƯỢC:
ĐỀ KINH HOA NGHIÊM
Đề hiệu Hoa Nghiêm kinh nói cho đủ là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”.
Ba chữ “Đại Phương Quảng” bao hàm rất nhiều ý nghĩa, vì là căn bản chân như diệu lý thực tại của vũ trụ, biểu hiện theo ba phương diện: Thể, Tướng và Dụng. Thể của chân lý thì bao hàm vạn hữu nên gọi là Đại; Tướng của chân lý là qui phạm của vạn hữu nên gọi là Phương; còn Dụng của chân lý thì chu biến khắp vạn hữu nên gọi là Quảng; Phật tức là giác giả hay Phật-đà, một đấng giác ngộ về chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Còn “Hoa Nghiêm” nói đủ là “Tạp Hoa Nghiêm sức”, tức là đem nhiều thứ hoa tươi tốt có chất liệu thanh tịnh để nghiêm sức cho thế giới (Lokadhatu) viên dung trong pháp giới (Dharmadhatu), tức hiển thị cái “Tri Kiến Đạt Như” (Tri kiến Phật hay Bát-nhã) mà đức Phật đã giác ngộ được chân lý đó. Còn chữ “Kinh” theo HT. Thích Thanh Kiểm thì có nghĩa là để trần thuyết những chỗ chứng nhập nhất chí đó. Nói một cách khác là chỉ nêu ra vấn đề “Phật là gì?” rồi khai hiển ra nhiều phương diện để thuyết minh và tán ngưỡng một lý tưởng cao đẹp để tiếp dẫn và quy tụ chúng sinh.
Nói rõ hơn “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh” hiểu một cách đơn giản là biểu hiện sự thành đạo của đức Phật dưới cội bồ-đề và nói ra cái chân lý chứng ngộ đầu tiên của Ngài ở nơi đó. Nhưng xét về mặt nội dung thì vô cùng sâu sắc, nhiệm mầu và thậm thâm vi diệu chính chỗ nầy mà Tắc Thiên Võ Hậu đã cảm thán“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” khi đề tựa cho ấn bản Hoa Nghiêm (HN80) thời bấy giờ.
Nội dung giác ngộ của đức Phật là cảnh giới tuyệt đối của chư Phật đã chứng ngộ, vượt lên trên cảnh địa thường tình của phàm phu. Cho nên, do đây, ta mới hiểu được vì sao đức Phật ở trong đại định gọi là Hải Ấn Tam Muội mà nói ra kinh nầy.
KHÁI LƯỢC CÁC BẢN DỊCH KINH HOA NGHIÊM
Có tất cả ba bản dịch:
Bản thứ nhất gọi là Cựu dịch hay Lục Thập Hoa Nghiêm (HN60) thời Đông Tấn do ngài Phật-đà Bạt-đà-la dịch, gồm 60 quyển.
Bản thứ hai vào đời Đường gọi là Tân dịch hay Bát Thập Hoa Nghiêm (HN 80), do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch, gồm tất cả 80 quyển. Cả hai bản này đều có chung một đề mục là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”.
Bản thứ ba cũng vào đời Đường, mang đề hiệu là “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm” do ngài Bát-nhã (Prajna) dịch, gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm (HN 40). Bản này chỉ dịch một phần của kinh Hoa Nghiêm, đó là Phẩm “Nhập Pháp Giới”, chiếm đến một phần tư của toàn bộ kinh nên gọi là “Sao Dịch”. Song về giá trị nội dung, có thể nói đây là tuyệt đỉnh, ít nhất cũng đứng ngang hàng với hai bản dịch trên.
Thực tế cho thấy, bản thứ nhất có quyển số nhiều nên hoàn bị hơn hai quyển còn lại. Song về mặt lưu hành thì Lục Thập Hoa Nghiêm được lưu bố rộng rãi nhất và cũng là kinh điển sở y của “Hoa Nghiêm tông”.
Riêng bản thứ ba về mặt yếu lĩnh dẫn đến giác ngộ viên mãn kinh qua con đường Hậu đắc trí thì 53 cuộc tham vấn xuyên qua trăm thành của Thiện Tài Đồng Tử, trên cơ sở “Diệu đế của thực tướng” đã nâng bất khả tư nghì giáo lý Hoa Nghiêm lên đến chỗ tuyệt đỉnh.
Nổi bật nhất của Hoa Nghiêm là biểu tượng mô tả bản “Tâm” như mặt đại hải mênh mông bất tận, một gợn sóng thức không dấy thì thiên hình vạn trạng đều in soi một cách rõ ràng. Còn Minh kính chánh giác của Phật-đà, thanh tịnh huyền diệu, không chút dao động của sóng thức, thì Thế giới (Lokadhatu) và Pháp giới (Dharmadhatu) đều viên dung vô ngại trong một “Đại Hải”, gọi là biển Nhất chân pháp giới trùng trùng vô tận không thể nghĩ bàn. Do đó về hình thức, kinh Hoa Nghiêm, một biểu trưng xuất sắc nhất cho phần Như pháp đồng thời hiển bày cái nội dung u huyền thâm viễn, vô ngại hàm súc nhiều điểm tương dung bất khả tư nghì.
Và điểm khởi sắc nhất nơi bộ kinh này chính là sự tương hệ bất khả ly giữa đời sống và giác ngộ, nói khác đi giữa thế gian và Phật pháp hay giữa thể và dụng nằm gọn trong nội dung giác ngộ của đức Phật. Nếu lưu tâm, người ta sẽ hiểu được vì sao phần lớn trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật không nói, mà chỉ có Pháp thân Phật nói, nghĩa là các vị Bồ-tát là phát ngôn nhân (biểu trưng của Pháp thân), đức Phật ở trong định chỉ gật đầu ấn chứng nhưng chung cục vẫn là quy kết về lý tưởng của Phật-đà. Tuy nhiên tại đó thần lực chính giác của Như Lai qua mọi hiện tượng của vũ trụ vẫn được biểu hiện một cách hợp nhất, nghĩa là trong đó, mỗi lời nói, mỗi việc làm của một vị Bồ-tát đều quy chiếu thống nhất về oai thần của Phật.
Một điều có thể rút ra được từ chỗ thâm áo của kinh Hoa Nghiêm nầy là tâm yếu của ba đời mười phương chư Phật, bao gồm trọn vẹn trong cả nội dung của tiến trình 45 năm tuyên thuyết (từ Tứ đế, A-hàm, Phương Quảng... đến Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết-bàn) của đức Thế Tôn, sau khi Ngài đạt giác ngộ thành Chánh đẳng chánh giác dưới cội bồ-đề.
Cốt tủy Hoa Nghiêm đã được gợi ra ngay trong chủ đích của kinh Pháp Hoa mà phần chủ yếu đã được nội dung Hoa Nghiêm trần thuyết một cách sâu sắc qua 52 bậc thang (thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập địa, thập hồi hướng, đẳng giác và diệu giác), và bốn pháp giới (Sự pháp giới, Lý pháp giới, Lý sự pháp giới và Sự sự pháp giới được khai sáng với Đỗ Thuận, sau được quảng diễn bởi Trí Nghiễm và Pháp Tạng) mà hành giả phải thực chứng nếu muốn đi vào ngưỡng cửa của giác ngộ theo lý tưởng của Phật-đà. Tại đó, rõ ràng chất liệu Bát-nhã nhất thiết phải được tưới nhuận lên các pháp thế gian hay xuất thế gian, nghĩa là biển đại bi của chư Phật phải là chỗ quy kết tuyệt đỉnh ngay trên những trạng huống thống khổ cùng cực của tất cả chúng sinh, biểu hiện sinh động cho tiến trình dung nạp pháp giới là nỗi khổ đau cùng cực của chúng sinh nơi rừng Thệ-đa. (Đây là một điểm khởi sắc, cũng là mẫu số chung cho bất cứ những ai đã từng thao thức khám phá chất liệu từ cuộc sống chao lộn của tự thân khi tiếp cận với giáo lý Bát-nhã, để rồi bước vào nội dung của giáo lý Hoa Nghiêm trong khi giao thoa vào toàn bộ tư tưởng Long Thọ [Nagarjuna] [2]). Đỉnh cao của giáo lý Phật-đà không chỉ dừng lại ở Tánh không, hay gần hơn phải nói là Duyên khởi hay Vô thường, mà là một sự thăng hoa tuyệt vời từ giữa lòng cuộc sống mà con đường hiện thực không chỉ hướng vào hay hướng ra, nghĩa là con đường chân đế hay tục đế hoặc Niết-bàn hay Sinh tử. Cái tuyệt đỉnh ở đây là cái “biên giới” cũng chính là “cái không biên giới”, đích thực là nội dung thâm áo của Lý Sự vô ngại pháp giới. Dưới lăng kính của Hoa Nghiêm toàn thể pháp giới chỉ là một mối liên hệ duy nhất của các điều kiện nhân duyên mà các pháp đều ở trong mối tương hệ hiện hữu tồn sinh chặt chẽ và nhịp nhàng mà tuyệt đỉnh phải nói là giáo lý “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (tất cả là một, một là tất cả). Đây là lộ trình mà hành giả phải thực sự dẫm lên, phải thể nghiệm, phải triệt để liễu giải qua tri và hành một cách sâu sắc để đi tới giác ngộ.
Nói rõ hơn, muốn vô ngại trên lộ trình đích thực rốt ráo nầy (như chính Bồ-tát Long Thọ đã từng kinh qua), lộ trình không chỉ là nấc thang tiệm tiến của 52 bậc như trước đã lược nói mà cũng chính là giai trình tâm linh nhưng không xa rời thực tại, khởi từ Căn bản trí tức từ nơi Văn Thù Bồ-tát (tức là Tri), đi vào hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền (tức là Hành, biểu trưng cho biển Đại nguyện của chư Phật) xuyên suốt cuộc hành trình ngang qua trăm thành trong phẩm “Nhập Pháp Giới” từ sau khi Thiện Tài vô ngại bước vào lầu các của Di Lặc. Tại đó đã mở ra trước mắt Thiện Tài một pháp giới trùng trùng duyên khởi vô biên vô tận mà Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền đại biểu cho cả hai mặt trí tuệ và hạnh nguyện biểu hiện hai phần Tri và Hành thuộc nội dung giác ngộ của Phật-đà. Đỉnh điểm của con đường mà Thiện Tài đích thực phải đạt tới rõ ràng đã được gợi ra từ trong lời huấn thị tối hậu của Bồ-tát Phổ Hiền “Con hãy niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc”. Đó là con đường quyết định thành Phật. Đó cũng chính là cứu cánh viên mãn mà Long Thọ, tổ thứ mười bốn thuộc dòng Thiền Ấn Độ, đã phát nguyện hướng tới, cũng là con đường của ngài Mã Minh, của Thế Thân... đã lựa chọn.
CON ĐƯỜNG VẠCH RA BỞI KINH HOA NGHIÊM
Trở lại với nội dung khái quát của bộ kinh Hoa Nghiêm: Đức Phật đã nói kinh nầy ngay sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề trong 21 ngày tại bảy nơi và chia làm tám hội: Tịch Diệt Đạo Tràng, Phổ Quang Minh Điện (thuyết hai lần, ở hội thứ hai và bảy), cung trời Đao Lợi, cung trời Dạ-ma, cung trời Đâu Suất, rừng Thệ-đa (Thệ-đa lâm viên), Tha Hóa Tự Tại thiên. Bảy hội đầu, nương vào pháp nghịch quán của vô minh duyên khởi mà thành lập nên phải khai hiển ra thế giới quang minh. Còn hội sau cùng nương vào pháp nghịch quán của tham ái duyên khởi mà khai hiển ra phong quang của Pháp giới. Nương vào hai cách khai triển của hai phương diện để ta có thể phần nào biết được nội dung của chính giác Phật-đà. Sự di chuyển của đức Phật diễn đạt trong kinh văn Hoa Nghiêm đã hiển khai cụ thể phần tác dụng vô ngại và tự tại của đức Phật: Từ mặt đất lên thiên cung, rồi đột nhiên từ thiên cung quay về mặt đất. Đây là đặc điểm của kinh Hoa Nghiêm. Bản kinh sớm nhất được tuyên nói trong quá trình 45 năm thị hiện của đức Thế Tôn ngay dưới cội cây bồ-đề. Nói rõ hơn, Phật-đà chính là chủ đích của bộ kinh. Phật-đà không để chỉ riêng cho đức Phật Thích-ca Mâu-ni chứng ngộ ở dưới cội bồ-đề, mà trong thân đó còn bao hàm cả Pháp thân Tỳ-nô-giá-na Phật nữa.
Tỳ-lô-giá-na, dịch âm từ Phạn ngữ là Vairocana, nghĩa là “Quang minh biến chiếu”, là cảnh giới tối cao của Phật-đà, biểu thị chân lý tổng hợp của vũ trụ vạn hữu, chu biến khắp mười phương, thường trụ trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai; là chân lý huyền diệu được nhân cách hóa gọi là Pháp thân (Đây là Đại pháp thân trong 10 thân cụ túc của đức Phật).
Do đó, quan điểm, nếu đặt cơ sở trên khai hiển phần nội dung của chính giác Phật-đà, cũng là khai hiển phần Tỳ-lô-giá-na pháp thân, thì trên mặt giác ngộ, sự thành đạo của đức Phật được nâng cấp và vượt qua sự quan sát và hiểu biết theo con mắt phàm tình. Thực ra, sự thành đạo đó hàm tàng một nội dung cả về mặt giác ngộ và thực thể, đó chính là chân lý thường trụ biến mãn. Trên phóng đồ của Hoa Nghiêm, cái gọi là Lokadhatu (Thế giới) đã dung nhiếp vào Dharmadhatu (Pháp giới), trang nghiêm một cách mầu nhiệm cho Hoa Tạng thế giới, một pháp giới trùng trùng điệp điệp dung thông nhau bởi trùng trùng điệp điệp những cánh sen tạo thành một bông hoa: Biểu hiện của Chân lý tuyệt đối. Chỗ này cũng đã được trình bày trong kinh Phạm Võng. Thực ra, đức Thế Tôn đã khẳng định rằng một trong những lộ trình mở vào Pháp giới tuyệt đối là “Con đường niệm Phật” của pháp môn Tịnh độ – một pháp môn dung nhiếp cả ba căn: Thượng, Trung và Hạ, là một pháp môn thẳng tắt và thù thắng nhất đối với chúng sinh trong thời mạt pháp này. Được gặp, được nghe, được hành pháp môn này không phải chỉ lấy chút ít nhân duyên thiện căn phước đức mà được. Một khi đã nghe được, gặp được, hành được thì quả là một việc khó vậy.
Một điều đáng lưu ý đã được nói rõ trong kinh A-di-đà, qua đoạn kinh đức Thế Tôn nói với Xá-lợi-phất:
“Này Xá-lợi-phất, ta ở trong cõi đời ác năm trược đã thật sự hành việc khó tin này mà đắc đặng quả Vô thượng chánh giác, nay vì chúng sinh, nói ra pháp này, quả thật là việc khó khăn bậc nhất”.
Tóm lại, chỗ mà kinh A-di-đà nhằm vươn tới phải triệt để vượt qua tất cả các thứ chướng ngại khởi từ trên Sự (tức là Năng và Sở Niệm) để đạt tới Lý, chung cục bước vào thế giới trong đó mọi hiện hữu cá biệt (năng, sở) hoàn toàn đồng nhất với “nhất tâm” (Chỗ nầy, phương pháp Phản văn văn tự tánh gọi là xoay đảo “Văn cơ” thành tựu “Phản văn”). Tại đó, Lý tức là Tịnh Độ cũng tức là Thể tánh (thuật từ Tịnh Độ gọi là Vô lượng quang, Vô lượng thọ) cụ túc, đồng nhất (hay bất nhị). Đây là nền tảng hiện thực trong pháp tu tuyệt đỉnh được trần thuyết trong Quán Âm Quảng Trần của Quán Thế Âm Bồ-tát (biểu trưng về Lý) và của Đại Thế Chí Bồ-tát trong Niệm Phật Viên Thông Chương (biểu trưng về Sự). Để có thể thông đạt sâu sắc ý nghĩa này, lấy “nhãn quan viên dung của kinh Hoa Nghiêm” làm cơ sở vượt qua hết thảy mọi “khung ý niệm tự tính” nhằm bước qua lằn ranh “Lý-Sự” tối hậu, vào “Chánh định tụ” thành tựu mục đích tối thắng là “Nhất tâm bất loạn” mà trước mắt, hành giả từng bước chắp tay “A-di-đà Phật” để thành tựu cho được “Niệm niệm tương tục”, kinh nói dù là một ngày, hai ngày... cho đến bảy ngày. Đó là tiến trình thành tựu cơ bản cho ước nguyện vãng sanh (Chỗ này đã được cô đọng và được đề cập rõ ràng trong Đại thừa Vô lượng thọ Trang nghiêm Thanh tịnh Bình đẳng giác kinh, là con đường “Chiếu chơn đại tục”). Nói khác đi, ý nghĩa này có thể diễn đạt như là nhân tố thành tựu cho toàn bộ giai trình dung nạp vào cảnh giới LÝ-SỰ vô ngại Pháp giới, nói chung, đã được gợi lên một cách bất khả tư nghì từ kinh Hoa Nghiêm vậy.
Mười thân: Chúng sanh thân, Quốc độ thân, Nghiệp báo thân, Thanh Văn thân, Độc Giác thân, Bồ-tát thân, Như Lai thân, Trí thân, Pháp thân và Hư không thân. Riêng Như Lai thân cũng có 10: Bồ-đề thân, Nguyện thân, Hóa thân, Trụ trì thân, Tướng hảo trang nghiêm thân, Thế lực thân, Như ý thân, Phước đức thân, Trí thân, Pháp thân.
Long Thọ Bồ-tát (Nagarjuna) sống vào cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba Tây lịch, theo học tại Đại học Nalanda, là một bậc Luận sư, một bậc Thầy xuất sắc, đồng thời được coi như là một Pháp khí vô song của Phật giáo. Ngài xiển dương giáo lý Tánh Không. Tác phẩm nổi tiếng, vô tiền khoáng hậu của Ngài là Trung Quán Luận. Từ sử dụng đơn giản nhưng nội dung vô cùng sâu sắc, hình thành một thứ biện chứng được gọi là Biện Chứng Trung Quán. Triết gia Phạm Công Thiện mô tả sự xuất hiện của Long Thọ (hàm ý sự xuất hiện của biện chứng Trung quán), cũng như toàn bộ tư tưởng của Ngài (kể cả Tỳ-bà-sa luận, Thập nhị môn luận...), như là một năng lực xuyên thấu bất khả tư nghì đột nhập vào trái đất, làm lung lay cả hệ thống triết học kinh viện và làm sáng tỏ thêm giáo lý Phật, nhất là ở vào thời kỳ cuối của sự xuất hiện 20 bộ phái Phật giáo. Người ta cho Long Thọ là Tiểu Thích-ca. Gần 4 thế kỷ sau, ngài Nguyệt Xứng (Chandrakīrti) xuất hiện, toàn bộ tư tưởng Long Thọ, từ giáo lý của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, một lần nữa được ngài Nguyệt Xứng triển khai một cách tuyệt diệu (qua Minh Cú Luận). Người ta nói Long Thọ là đóa hoa sen trân bảo, tỏa hương thơm ngào ngạt về đêm nhưng chỉ tỏa dưới ánh trăng của Nguyệt Xứng mà thôi.
Tâm Tịnh cư sỹ
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.32, 2009]