Phương tiện tu niệm Phật tam muội

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tông chỉ của Phật pháp là khiến cho chúng sanh hữu lậu tiến tu Chánh pháp vô lậu, vượt biển khổ sanh tử tiến đến bờ bên kia, mong rằng gốc họa đã dứt, thế giới hòa bình.


Nhưng đời mạt pháp hiện nay, nghiệp ác của chúng sanh rất nặng, đường lành bị lấp kín. Người có lòng đại bi lớn muốn dùng pháp Phật cứu đời, thường (đi theo việc) hàng phục tâm, cùng với phương tiện đàm luận, thuận theo hữu lậu biết bao giờ mới ngộ, tuy muốn chuyển hóa chúng sanh lại bị chúng sanh (trói buộc) làm thay đổi. Xét đến những vị hoằng pháp nói chuyện về những điều cao cả gần đây, mỗi lần nói một lời vì tùy thuận theo chúng sanh là đều vì ăn uống, có suy nghĩ gì cũng đều muốn phỏng theo pháp hữu lậu, cho đến có người muốn bỏ hết những kiến thức đã được học. Đại Viên tôi thấy điều đó giật mình lo sợ, nghiêm túc xét kỹ xem có cách gì cứu vớt sự tàn tệ này không. Nếu đem hết công sức nghiên cứu giáo lý thì tuy hiểu nhưng chưa chắc có thể thực hành, nếu dồn chí vào tông môn thì sợ khó làm lợi ích cho người khác, suy nghĩ chín chắn thì chỉ có một pháp môn niệm Phật là lợi cả mình lẫn người, có thể tu ở cả nơi ồn ào cũng như nơi yên tĩnh.

Bởi vì cõi uế, duyên cấu dễ tán tâm theo niệm, dễ sanh giải đãi, khó được kết quả chân thật vì vậy tôi mới soạn quyển sách này, mở chút ít phương tiện, phân làm mười bốn phần, trước hết biện luận về quán tưởng là nguồn gốc của tam muội, kế đó nói về phương pháp niệm là duyên của tam muội, kế đó nói các loại giản trạch, đoạn trừ sự ngăn ngại tam muội. Người làm như vậy đóng cửa mà niệm Phật thì dễ có kết quả. Tuy chưa thể đóng cửa nhưng rõ lý này, gia tăng tín nguyện thì cũng có lợi ích của tam muội theo ý mình.

Tôi là người cầm viết nghiệp dư nên sợ có thiếu sót, cúi xin các bậc thiện tri thức sửa chửa giùm.

Chương I: Nhập Thất

Kinh Pháp Hoa nói: “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là đại từ bi, áo Như Lai là nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như Lai là tất cả pháp không.” Hành giả sắp tu niệm Phật tam muội nên kiết thất bảy ngày. Trước tiên là nhập thất.

Phàm vào nhà chúng sanh là tranh danh, đuổi theo lợi lộc thì tuy trốn vào núi vắng, giảm ít sự ồn ào, hoặc ưa sự trầm tịch, lâu dần cũng không chịu được, dần dần khởi lên tâm biếng nhác. Tóm lại, lấy bốn đại làm nhà thì tăng trưởng phiền não, dùng tâm làm nhà chính là nhà vô tướng. Nay người niệm Phật trước tiên nên phát khởi tâm đại bi, coi tất cả chúng sanh đều như con một, cứu độ bình đẳng, không để một chúng sanh nào không được thành Phật, huống gì là gây thương hại cho họ.

Người vào nhà Như Lai này ở cùng chỗ với Như Lai, được gần gũi Như Lai, ở trong tam học cũng gọi là định.

Đã vào nhà rồi phải lấy y phục che đậy thân. Áo đẹp kia làm tăng trưởng lòng tham. Áo xấu thì làm tăng trưởng sự chán ghét. Để không làm loạn tâm này thì phải dùng tâm niệm làm thành y để phá tất cả chướng ngại. Nếu chợt gặp kẻ cường bạo ngăn cản thì dùng nhu hòa để đáp lại, gặp kẻ lấn áp thì dùng nhẫn nhục để đối phó. Người có thể mặc áo nhu hòa nhẫn nhục này thì tất cả ma chướng đều thành người trợ đạo, tuy trải qua ngàn lần bị mài, trăm lần bị bẻ mà cũng không thay đổi. Ở trong tam học gọi là giới.

Đã vào nhà mặc y rồi thì phải có chỗ ngồi. Xưa kia ở trong bốn oai nghi, ngồi với đi đứng nằm thay đổi nhau. Tuy là ngồi kiết già nhưng vẫn bị gián đoạn nên cái dụng của nó có chỗ hạn hẹp. Vì vậy, nếu ngồi, hành giả phải quán tất cả pháp là không, không chỉ sáu trần bên ngoài là sắc thanh hương vị xúc pháp là không mà sáu căn bên trong là mắt tai mũi lưỡi thân ý cũng là không, không chỉ có một hướng là các pháp tranh danh đoạt lợi của thế gian là không, mà các việc tu xuất thế gian, đại từ bi, nhu hòa nhẫn nhục cũng là không. Người có thể quán tất cả các pháp không là tòa ngồi thì tuy ngồi thật ra như chưa ngồi, tuy chưa nhập tòa thật ra không lìa tòa ngồi. Đó gọi là thiền vô thượng thâm diệu. Ở trong tam học đó gọi là huệ.

Vào nhà Như Lai liền thề từ đây về sau vĩnh viễn không xả bỏ đại từ bi. Mặc áo Như Lai thì thề từ đây về sau vĩnh viễn không lìa nhu hòa và nhẫn nhục. Ngồi tòa Như Lai thì thề từ đây về sau, niệm niệm thường quán tất cả các pháp này là không. Hành giả tu giới định huệ như vậy, ba học tiến tới không dứt thì tự thể với mười phương chư Phật không hai, không khác. Sau đó dùng tâm này niệm Phật thì có thể gọi là “Thị tâm thị Phật”. Nếu dùng tâm này quán Phật thì cũng có thể gọi là tâm này làm Phật. Đây là cơ sở của việc tu niệm Phật tam muội và cũng rốt ráo được niệm Phật tam muội, không có gì ở ngoài đây được.

Chương II: Quán Niệm

Có thể noi theo như trên lập cơ sở của nó thì nên quán sát một niệm này từ tâm ra chăng hay từ miệng ra chăng? Nếu từ miệng ra thì các tượng chạm bằng gỗ, đắp bằng bùn có miệng đều có thể niệm. Nay đã không như vậy thì biết không phải từ miệng ra. Nếu chỉ từ tâm ra thì lúc không động miệng lưỡi, không thể ra tiếng. Do đây nên biết, niệm Phật này ban đầu từ tâm khởi niệm rồi truyền ra miệng lưỡi phát động thành tiếng mới thành một niệm hoàn toàn.

Lại quán cái niệm này, từ tâm phát ra, niệm ban đầu phát ra từ tâm, truyền mau tới miệng, liền thành niệm ra khỏi tâm. Như sóng và nước. Sóng có ngàn vạn mà thể nước là một. Như vậy, cái niệm của tâm này, tuy từ một đến mười cho đến ngàn vạn mà niệm này cũng là một. Huống gì sắc tâm liên kết nhau là thành phần của pháp giả tạo. Thời gian cần dùng trong một niệm với thời gian tích tụ của một niệm cho đến ngàn vạn năm không khác. Đó gọi là một niệm vạn niên.

Lại nữa, niệm của ngàn vạn năm tuy nhiều đến không thể nghĩ bàn, chẳng qua như số lần lay động của sóng nước không thể nghĩ bàn. Sự lay động của sóng tuy nhiều mà thể của nước không khác, số niệm tuy nhiều mà niệm sau không khác niệm trước. Đây gọi là nhất niệm vạn niên. Có thể liễu ngộ một niệm vạn niên thì biết thời gian niệm một tiếng Phật này chắc chắn có thể diệt được tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp; có thể ngộ một niệm vạn niên thì có thể biết đủ loại vọng niệm đã khởi ngày xưa khiến chìm đắm trong ba đường với sự niệm Phật liên tục ngày nay cho đến khi thành Phật đạo đều không lìa một niệm ban đầu. Nhưng hành giả chỉ hiểu thấu suốt một niệm này, trân trọng một niệm này, nắm giữ một niệm này như gà ấp trứng, phát hơi nóng liên tục không lúc nào gián đoạn thì công phu niệm Phật tức là tận ngằn mé đời vị lai, không có ngừng nghỉ, niệm niệm liên tục không có gián đoạn.

Chương III: Thật Tướng

Bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm nói: nếu người nào luôn biết rõ tất cả chư Phật trong ba đời nên quán tánh của pháp giới, tất cả đều do tâm tạo. Đã biết ba đời chư Phật đều do tâm tạo thì ngày nay, đối với tất cả các cảnh không có Phật đều có thể quán thành Phật. Do đó không luận là cảnh gì đều là giả hiện, đều không lìa tánh của pháp giới. Nay nếu dựa vào tánh pháp giới quán tất cả thứ thì cảnh biến theo tâm, chỗ nào là không thể. Do phương tiện này nên chỗ thấy của con mắt phàm với chỗ không thấy đều có thể mượn làm Phật A-di-đà. Chỗ nghe với chỗ không nghe được của phàm phu đều có thể mượn làm tiếng niệm Phật. Bốn căn mũi lưỡi thân ý đối với bốn trần của họ cũng như vậy. Cho đến giả sử Ta-bà thế giới này làm cõi Cực Lạc, chúng sanh sáu đường làm các thượng thiện nhân, hàng cây ao báu, nước gió chim tùy quán, tùy hiện lâu ngày thì thành thục, xa dần Ta-bà, gần dần Tịnh độ. Chỗ tiếp xúc của sáu căn cũng dần dần xa lìa sáu trần của cõi này. Đó là có thể nhập dần vào chỗ mà kinh Lăng Nghiêm nói: gom hết sáu căn, tịnh niệm tiếp nhau.

Người quán như vậy, ban đầu dùng tướng trong sạch để thay tướng dơ xấu, gọi là hữu tướng, kế đó thình lình tướng dơ xấu diệt mất, tướng trong sạch cũng diệt, tâm thể yên lặng gọi là vô tướng. Lại nữa, vô tướng cũng không, tịnh quang hiện tiền, đó gọi là thật tướng. Bởi vậy niệm niệm Phật tương ưng với Phật.

Chương IV: Tùy Hỷ

Bồ-tát Phổ Hiền phát mười nguyện lớn mà công đức tùy hỷ liệt vào hàng thứ năm. Nghĩa của nó là hễ thấy người khác làm các công đức mà sanh tâm hoan hỷ thì ta cũng có một phần công đức. Cho nên đây gọi là công đức tùy hỷ. Nay người niệm Phật, hoặc khuyến khích người khác niệm Phật, hoặc thấy người khác niệm Phật mà hoan hỷ tán thán thì đều có thể hưởng một phần công đức. Cho nên không đợi nói liền có lúc tiếng của người khác chưa hẳn là niệm Phật, hoặc là lên tiếng chửi mắng ta, hoặc là tiếng phi nhơn như chim, thú, nước, gió… đủ để làm ta vui hoặc gây phiền não cho ta. Ở người chưa niệm Phật chắc chắn sẽ khởi lên đủ loại chướng ngại. Nay ta niệm Phật, chỉ nên xem tất cả tiếng hay, tiếng dỡ đều bình đẳng, tiếng của nhơn và phi nhơn đều là tiếng niệm Phật, không khởi mảy may phân biệt. Cái gì là hay, dỡ, cái gì là nhơn, phi nhơn. Hễ nghe bất cứ tiếng gì đều cho rằng tiếng đó giúp ta niệm Phật, thay ta niệm Phật, ta liền hoan hỷ, tùy hỷ. Quán như vậy thì có thể dần dần nhập vào đại nguyện vương của Phổ Hiền.

Chương V: Niệm Pháp

Cách thức niệm Pháp tùy theo mỗi người có duyên với Pháp nào thì chọn lấy từ kinh luận chớ không nhất định. Ban chu tam muội thường tu đứng. Nhất hạnh tam muội thường tu ngồi. Hai pháp ấy đều gây khó khăn cho người đại tinh tấn. Nó không bằng pháp ngồi đứng đều tu được, rất là tiện lợi. Lại nữa, kinh A-di-đà dạy trì danh, Quán kinh dạy quán tưởng, đều có chuyên tu. Tịnh Hạnh cũng có thể được. Hoặc trì danh, vẫn có thể phổ cập. Pháp trì danh ấy chính là chợt thấy mà lựa chọn. Đó là truy đảnh niệm Phật, phản văn niệm Phật và pháp niệm Phật ký số đến mười của pháp sư Ấn Quang đều rất gần mà dễ thực hành.

Nhưng người mới học nếu đóng cửa lâu dài sẽ khởi tâm biếng nhác, không bằng trước hết kiết một thất, dần dần tăng lên hai thất, ba thất, cho đến một tháng một năm, tâm biếng nhác ít dần. Tuy nhiên không kể là bế quan kiết thất kỳ dài hay ngắn đều phải cấm khẩu. Nếu không cấm khẩu thì niệm khó thuần nhất.

Giác Minh, Diệu Hạnh Bồ-tát nói: “ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, giết được gốc của niệm. Mở bày được pháp thân.”

Nếu không chịu giảm việc nói chuyện thì không thể niệm Phật nhiều được, nếu không niệm Phật cho nhiều thì không thể giết chết đầu mối của niệm. Giết đầu mối của niệm không chết thì làm sao có thể sống được với Pháp thân.

Chương VI: Sách Tấn

Người đánh cờ, do họ tranh đua hơn thua mà không biết đến lạnh nóng. Người đánh bạc do thích của cải đến nỗi quên cả ăn ngủ. Người dâm loạn do thích sắc đẹp đến nỗi bị lửa dục đốt cháy, niệm niệm không dứt, mong cho được mới thôi. Những tà nghiệp này vì vọng tưởng, lo cho cái vui nhất thời còn có thể hàng phục ma ngủ ngày đêm không bỏ. Nay ta phát tâm vì việc lớn sanh tử, cầu sanh Tịnh độ để toan tính cái vui trong vô lượng kiếp sao không thể bằng người đánh bạc, đánh cờ với người dâm loạn. Suy nghĩ điều này tuy mệt mỏi, liền phải phấn chấn.

Lại nghĩ về việc bề tôi trung lo cho nước, kẻ liệt sĩ noi theo danh, người học trò cầu học, người buôn bán mưu lợi các pháp thế gian này, họ còn có thể đem hết tâm sức để theo nó cả ngày, trọn năm mà không biết mệt huống chi ta vì đạo lớn xuất thế gian sao lại không chịu gắng sức, hoặc là hành trì lâu, mệt nhọc khổ sở, mệt mỏi tính nghỉ liền nên nghĩ đến chúng sanh ở địa ngục bị lửa dữ thiêu đốt, băng lạnh ướp thân, giường sắt, cột đồng, nồi nước nóng, lò than, không chỉ trong một ngày. Một ngày đêm nơi ấy bằng một ngàn sáu trăm vạn năm ở nhơn gian, đủ loại thống khổ. Nỗi khổ của ta so với đó có thấm gì. Nay nếu ta không siêng năng niệm Phật thì khó thoát khổ này, không thể tự thoát thì làm sao có thể cứu người. Phát giận như vậy, không đoái hoài tới thân mạng, chỉ cầu thấy Phật, nghe Pháp làm lợi mình lợi người.

Chương VII: Bất Xả

Pháp siêng năng hữu vi ở thế gian đều có sanh diệt. Có sanh diệt thì có thể vĩnh viễn nối tiếp nhau. Không nối tiếp nhau thì hôm nay niệm Phật ngày mai không niệm, lúc này niệm Phật, lúc khác không niệm. Tóm lại mà nói thì sự nối tiếp trong giây lát cho đến năm tháng có sự gián đoạn, không thể nối tiếp liên tục, như vậy thì dụng công chút ít liền khởi tâm biếng nhác.

Lúc ở trên sông, Khổng Tử nói: “người siêu việt phải như vầy, nỗ lực suốt ngày đêm”. Nay có thể mượn việc quan sát nước chảy suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, hoặc mượn sự quan sát tiếng nước chảy để nối tiếp cái niệm của ta liền nên tư duy về việc nước chảy không dừng, đó là bản tánh. Nó có dừng lại là do đất đá ngăn chặn. Như vậy, niệm này không dừng, cũng là bản tánh. Nếu nó có dừng là vì vọng tưởng làm loạn. Nhưng đất đá chỉ có thể làm trở ngại tướng nước chảy, còn tánh chảy này thì không ngại. Vọng tưởng chỉ có thể đoạn tướng niệm Phật, còn tánh niệm Phật thì trọn không dứt nên niệm này thường còn, Phật cũng không mất. Niệm với không niệm, Phật tự như như, vào cửa, ra cửa không có ngừng nghỉ.

Chương VIII: Hàng Ma

Trong lúc tu hành, nhờ dụng công đến chỗ cùng cực, thường thường bỗng phát huệ giải, phát ra thi kệ như là dòng nước chảy. Đó chính là điều mà đại sư Hám Sơn gọi là thiền bệnh, nếu không bỏ được phải nghĩ rằng đây chính là hạt châu bị che lấp từ xưa, nay tuy tìm được cũng không đáng vui, nếu có thi kệ nên cố không phát ra. Lại có lúc thấy tướng hảo quang minh của Phật thì không được vui mừng, phải nghĩ cái này chính là do tâm hiện, như bóng trong gương, gương bị bụi đóng liền mất, bụi sạch liền hiện lại, không có gì là kỳ lạ.

Như vậy hễ thấy bất kỳ cảnh giới nào đều phải niệm pháp này bình đẳng, không có cao thấp. Do bình đẳng nên xem nó bình thường. Đó gọi là tâm bình thường là đạo. Như vậy mới đủ để hàng phục tất cả cảnh ma. Nếu không làm vậy mà biên chép thi kệ thì dễ được ít cho là đủ, khởi ra ma ngã mạn cống cao, thấy tướng hảo sanh tâm vui mừng thì cuồng loạn mất chánh niệm, đến nỗi phát ra tâm hoan hỷ. Người siêng năng niệm Phật không thể không biết việc này.

Chương IX: Trị Vọng

Niệm Phật không được nhất tâm là do vọng tưởng làm gián đoạn nó. Vọng tưởng khởi lên ở chỗ năm căn đối với năm trần làm náo động ý căn, hoặc ý căn vọng động dẫn dắt năm căn, tuy không đối với trần cũng khởi vọng chiếu. Do đó muốn đoạn trừ vọng tưởng thì phải đoạn trừ ý căn. Muốn đoạn trừ ý căn thì phải làm như năm căn trước đã vô dụng. Như lúc sắp niệm sắc thì suy nghĩ về việc đoạn trừ nhãn căn, không có coi cái dụng của sắc, ý căn theo đó dừng mà không khởi; lúc sắp niệm thanh liền suy nghĩ đoạn trừ nhĩ căn, không nghe cái dụng của tiếng động, ý căn liền dừng mà không khởi. Mũi lưỡi thân cũng lại như vậy.

Lại có một phương tiện: lúc vọng niệm khởi liền nghĩ thân này đã đến trong ao sen bảy báu niệm Phật cách cõi này mười vạn ức Phật độ, tuy niệm cũng vô ích, cũng có thể trị vọng tưởng?

Chương X: Chánh Niệm

Vọng tưởng từ chánh niệm lưu chuyển mà ra, cho nên ngoài chánh niệm không có vọng tưởng. Vọng tưởng tức là chánh niệm. Lúc vọng tưởng khởi như vậy, không cần đuổi trừ, chỉ cần biết đó là vọng tưởng tức là đề khởi chánh niệm. Chánh niệm khởi thì vọng tưởng không đuổi mà tự tiêu. Người thực hành như vậy nên quán tự tánh của vọng tưởng là không. Đó là không quán. Người được pháp quán không này thì không vì thấy Phật mà phát khởi ma hoan hỷ, cống cao, không vì không thấy Phật mà vướng vào ma ưu sầu, chỉ tiếp tục niệm bình thường, không khởi tưởng thấy Phật, không khởi tưởng không thấy Phật, đó là cảnh chánh niệm.

Chương XI:

Giải Thích Nghi Ngờ

Nếu có lúc cầu thấy Phật mà không được thấy thì không nên khởi sự buồn rầu vì không thấy, vì sao vậy? Tâm kinh nói: “sắc tức là không, không tức là sắc”, chỉ được tâm không, không thấy sắc thân Như Lai với thấy sắc thân Như Lai không khác. Cũng có lúc nghi như vầy: kinh Kim Cang nói, “nếu thấy ta bằng hình sắc, dùng âm thanh cầu ta, người ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai”. Nay người niệm Phật, thấy Phật bằng hình sắc, cầu Phật bằng âm thanh vậy đó là hành đạo gì (có phải là tà đạo không?)

Phải nên nghĩ rằng: Sắc thanh đều là không, không tức là Như Lai. Pháp thân không thể dùng sắc thanh để cầu, cho nên có thể thấy, cũng không thể dùng sắc thanh để cầu cho nên không thể thấy.

Vì vậy, hành giả không cầu thấy Phật thì niệm Phật không tha thiết, còn nếu cầu thấy Phật thì là vọng tưởng, như vậy chỉ nên niệm niệm cầu thấy Phật mà thật như chưa thấy, niệm niệm không thấy, cũng không không thấy.

Chương XII: Giải Hạnh

Tu Niệm Phật tam muội không ngoài giải hạnh. Ở trên đã trình bày muốn hành giả lý giải thông đạt, lúc hành mới không lạc đường. Nếu chỉ hay tìm văn giải nghĩa để triệt ngộ, liền không hành trì, thì cũng như nói ăn châu báu bị hại không ít. Huống là tuy lý giải thông đạt, đến lúc khởi công thực hành thì những tri giải lúc trước phải quét sạch hết, không giữ ở trong não, chỉ nên phải giữ tâm không vọng niệm. Chỗ gọi là khởi hạnh, dứt trừ kiến giải thì niệm Phật mới có thể tương ưng. Nếu không quên mất chút nào tri giải, thì không thể thật chứng được tam muội. Hai chữ hạnh giải này người sơ tâm thường dễ lãnh hội sai lầm. Nếu sai một ly thì trời đất cách xa.

Chương XIII: Bao Trùm Mọi Căn Cơ

Pháp Tịnh độ là tùy bịnh mà cho thuốc. Như đại hoàng, bả đậu trị bịnh kiết, táo bón; gừng, phụ tử trị bệnh lạnh; thế giới ngày nay năm trược là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược đều đầy đủ, mười ác là tham sân si, sát đạo dâm vọng đều thịnh hành. Sự ô trược đã sâu, không luận về Tịnh độ thì không thể cứu. Pháp môn khác tuy có thể liễu thoát sanh tử nhưng không phải là đương cơ của ngày nay cho nên các bậc thiện tri thức lớn trong nước thường tạm hoãn pháp khác mà hướng về Tịnh độ để cứu nguy cấp bị lửa đốt lông mày.

Lại nữa, đã biết danh nghĩa của tịnh là trong sạch không xen tạp. Xen tạp thì tuy gồm pháp thiện cũng khiến bị ô trọc. Như nước trong mà dùng pha lê nhào trộn với nó cũng thành hỗn trược, không thể chiếu ảnh. Cho nên Hòa thượng Thiện Đạo đời Đường nói: “Tu tịnh nghiệp có hai pháp tu chuyên và tạp, chuyên tu, mười người tu, mười người sanh. Tạp tu thì một trăm người khó được một hai người.” Duy có bộ Tây phương của Bồ-tát Giác Minh chỉ ra một cách chắc chắn rằng: “chỉ trọng việc chuyên tu” người tu tam muội cũng có thể coi là chỉ nam.

Chương XIV: Kinh Nghiệm Thành Đạt

Hoặc nói rằng: không cầu thấy Phật, làm sao thành tam muội, rốt cuộc không có chỗ được làm sao có thể biết tam muội.

Đáp rằng: niệm Phật là nhân của tam muội, tam muội là quả của niệm Phật. Nhân nếu chơn chánh, quả tất không cong gãy. Nếu y như pháp mà niệm Phật, niệm Phật cho sâu thì thấy Phật cũng được, không thấy Phật cũng được. Nếu niệm Phật không như pháp, hoặc là công phu không đến chỗ cùng cực thì có chỗ được là ma, không chỗ được là kẻ ngu si.

Con người ta bản thể là Phật. Người chưa có thể thành Phật là do nhiều kiếp khởi mê hoặc, tạo nghiệp, phát sanh đủ loại tập khí như tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng… Hành giả nếu niệm Phật cho đến cùng cực đến nỗi khi đối cảnh duyên không phát sanh một chút tham sân si như tứ chi đã bị đoạn, không thể mọc trở lại. Ở thiền tông gọi đó là chết lớn, sống lớn. Bồ-tát Diệu Minh Giác Hạnh cũng nói: “đánh chết gốc của niệm mới làm sống được Pháp thân. Tam muội đã thành, đợi gì người khác cầu. Cho đến đủ loại thần thông diệu dụng đều là cảnh giới tự chứng của hành nhơn, mỗi mỗi không giống nhau, được nó không nên vui mừng, cũng không nên lộ bày. Mừng liền bị ma nhập, lộ bày thì được rồi lại mất. Phải nên hết sức cẩn thận.”

Có chỗ đàm luận đều vì người tu niệm Phật tam muội vào cái pháp dụng công. Sự trình bày ấy phần lớn lấy ra từ kinh luận hoặc thầy bạn, thấy nghe mà được, thật là mong hành giả nương vào đó mà chứng được sự được mất.

Thích Tâm Tịnh dịch
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.21, 2009]