Bảo tồn di sản nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền bằng Video

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong một buổi nói chuyện trên đài truyền hình trong những ngày đầu mới trở về Việt Nam, giáo sư Trần Văn Khê có đề cập nhiều đến hoạt động bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể (âm nhạc, vũ đạo, nghi lễ tôn giáo, v.v…) ở các nước phát triển. Theo ông, việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức thực hiện theo hai hướng:


- Bảo tồn tích cực: Tạo môi trường thuận lợi, đầu tư, bảo trợ để duy trì và hồi sinh hoạt động biểu diễn các tác phẩm âm nhạc, vũ đạo, kịch nghệ, rối… và nghi lễ tôn giáo cổ truyền, làm sao cho những hoạt động này tiếp tục sống trong đời sống văn hóa của các cộng đồng, dân tộc, tôn giáo và nhân loại. Đây là “thượng sách” trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể.
- Bảo tồn thụ động: Tổ chức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, miêu tả bằng văn bản… các hoạt động văn hóa cổ truyền phi vật thể bằng những phương tiện tốt nhất. Thực hiện việc sưu tập, lưu trữ, trưng bày, trình chiếu giới thiệu, v.v… đặc biệt bảo tồn các sản phẩm ghi âm, ghi hình, ảnh chụp bằng những biện pháp tích cực, sao cho chúng có thể tồn tại lâu dài qua thời gian, phục vụ cho mục tiêu tìm hiểu, nghiên  cứu, thưởng thức của các thế hệ sau.

Một số tờ báo cũng có nói đến việc một vài nước phát triển trên thế giới lưu trữ những tác phẩm nghệ thuật quý giá, cổ vật và những sản phẩm ghi âm, ghi hình… di sản văn hóa phi vật thể trong các hầm chứa đặc biệt kiên cố, có thể tránh khỏi việc hủy diệt của vũ khí nguyên tử, động đất… có thể tồn tại khi đại bộ phận loài người biến mất trên thế giới do một biến cố nào đó chẳng hạn.

Tuy nhiên, phổ biến là việc các chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức văn hóa… thực hiện ghi âm, ghi hình các di sản văn hóa phi vật thể rồi lưu trữ chúng trong các thư viện, cơ quan văn thư lưu trữ, nhà bảo tàng.

Ở đây, chúng tôi đề cập đến hướng bảo tồn thụ động đối với các di sản văn hóa cổ truyền Phật giáo phi vật thể (âm nhạc, nghi lễ).
   
MỘT PHƯƠNG THỨC BẢO TỒN BẮT BUỘC PHẢI CÓ

Trước đây, khi chưa có kỹ thuật nghe nhìn, nghi lễ, âm nhạc Phật giáo được lưu truyền bằng phương thức truyền thừa trực tiếp thầy trò, được ghi chép trên các văn bản Hán Nôm, và có thể cũng lưu truyền bằng phương thức truyền khẩu. Với những phương thức này, chúng ta được thừa hưởng di sản nghi lễ, âm nhạc Phật giáo như ngày nay. Đó là kho tàng hết sức quý giá. Tuy nhiên, chúng ta đã không thể biết được một cách chính xác:

- Nghi lễ, âm nhạc Phật giáo Việt Nam khởi nguyên đã hình thành như thế nào? Dạng thức tồn tại ban đầu ra sao?
- Những biến đổi qua các thời kỳ phát triển, những bổ sung, dị bản, biến thể mà hiện nay không còn tồn tại.

Điều này là rất tiếc, nhưng đành phải chấp nhận và ngày nay chúng ta phải nghiên cứu, phục hồi nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền thông qua những trang văn bản Hán Nôm im lặng. Điều rất tiếc này từ đây về sau có thể giải quyết bằng cách truyền lại cho những thế hệ hậu học những tài liệu ghi âm, ghi hình sống động, phản ánh một cách đầy đủ trung thực và chính xác hoạt động nghi lễ, âm nhạc Phật giáo.

Vậy nên, việc tổ chức thực hiện ghi âm, đặc biệt là ghi hình, nhằm bảo tồn và truyền thừa âm nhạc, nghi lễ Phật giáo cho các thế hệ mai sau là trách nhiệm của Phật giáo chúng ta hiện nay, đặc biệt là những cơ quan có chức năng, như các bộ phận phụ trách văn hóa, Học viện Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học, Thư viện Phật giáo, các chùa, các tu sĩ, cư sĩ có khả năng…

Bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền phi vật thể Phật giáo cũng là góp phần vào bảo tồn di sản văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc và nhân loại. Do đó, thiết tưởng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Phật giáo, mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức, đơn vị quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hóa trong nước và trên thế giới.

Tuy thế, dù nói vậy, Phật giáo vẫn phải nhận lấy trách nhiệm chính, vì bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Phật giáo là Phật giáo bảo tồn của cải, châu ngọc trong kho tàng của chính mình. Nếu như, trong điều kiện hiện nay, các phương tiện ghi âm, ghi hình đã trở nên phổ biến, mà Phật giáo chúng ta lại thờ ơ với việc khai thác các phương tiện kỹ thuật hiện đại để bảo tồn di sản nghi lễ, âm nhạc cổ truyền Phật giáo, khiến cho thế hệ mai sau không có điều kiện để tái hiện đầy đủ, chính xác diện mạo nghi lễ, âm nhạc Phật giáo, thì đó là điều không thể chấp nhận được.

THỰC HIỆN VIỆC BẢO TỒN DI SẢN NGHI LỄ, ÂM NHẠC PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN BẰNG KỸ THUẬT AUDIO, VIDEO

Sưu tập, lưu trữ, phổ biến các chương trình cũ đã có

Ý tưởng mà chúng tôi đề xuất ra đây đối với Phật giáo không có gì mới. Từ những năm 70 thế kỷ trước, chúng tôi đã được tiếp xúc với một kho lưu trữ tư liệu ghi âm nghi lễ, âm nhạc Phật giáo khá đồ sộ. Kho lưu trữ này do một cư sĩ Phật giáo, một huynh trưởng gia đình Phật tử thực hiện. Ông đã từng làm việc cho chương trình phát thanh Phật giáo trên Đài Phát thanh Huế trong những năm 60, là chủ nhân của hiệu in sang băng kinh nhạc Phật giáo Hoa Đàm trong những năm 70 tại Sài Gòn. Do hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật ghi âm, ông đã tổ chức ghi âm các hoạt động nghi lễ âm nhạc Phật giáo trên băng audio tape, là phương tiện kỹ thuật ghi âm phổ biến lúc bấy giờ. Không có phòng thu riêng, một số chương trình được thu nhờ vào các buổi thu thanh phục vụ chương trình Phật giáo trên Đài Phát thanh Huế, một số chương trình khác phải thu vào lúc từ nửa đêm về sáng tại các ngôi chùa vắng vẻ để tránh tạp âm. Rất tiếc là vị cư sĩ này đã qua đời và việc lưu trữ kho tàng quý giá đó cũng giới hạn trong phạm vi gia đình. Hạn chế của bộ sưu tập này còn là phạm vi nghi lễ, âm nhạc Phật giáo sưu tập ghi âm chỉ giới hạn ở phạm vi Phật giáo Huế, thiếu hẳn mảng nghi lễ, âm nhạc Phật giáo Bắc bộ, Nam bộ, thậm chí cũng hiếm thấy dấu ấn nghi lễ Phật giáo Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…

Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe nói đến kho lưu trữ, sưu tập của Tỳ bà viện do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sáng lập và điều hành, nhưng chưa được thấy tận mắt. Chắc chắn, cũng còn có nhiều bộ sưu tập ghi âm nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền khác nữa trong các tự viện, tư gia mà chúng tôi chưa có dịp biết đến.

Công việc đầu tiên chúng tôi đề xuất là tổ chức sưu tập in sao các kho lưu trữ chương trình nghi lễ âm nhạc Phật giáo nói trên, vì đó đã là những tài sản tinh thần hết sức quý giá. Nếu ngày nay chúng ta có tổ chức thực hiện ghi âm, ghi hình lại các đề tài mà quý cư sĩ tiền bối hữu công đã thực hiện từ nửa thế kỷ trước thì chương trình của chúng ta đã trải qua sự biến dạng của nửa thế kỷ, chắc chắn sẽ rất khác biệt với chương trình lưu trữ trên băng ghi âm audio tape thực hiện thời đó. Chẳng hạn so sánh việc tụng bộ Lương Hoàng Sám của chương trình ghi âm thực hiện từ 50 năm trước với việc tụng cùng bộ sám này hiện nay, có thể nhận thấy sự khác biệt lớn về giai điệu, nhịp độ… Việc in sao, nhân bản chính là tạo thêm giá trị cho các bộ sưu tập chương trình ghi âm nghi lễ âm nhạc Phật giáo đã có, góp phần gìn giữ vốn liếng văn hoá có sẵn này. Nếu không nó có thể bị mai một, thất truyền. Các bản in sao cần đưa về lưu trữ tại các thư viện, nhà truyền thống, Viện nghiên cứu Phật học, Học viện Phật giáo, v.v… tạo điều kiện quảng bá đến chư Tôn đức, tăng ni sinh, những nhà nghiên cứu Phật học và nghiên cứu văn hóa dân tộc. Cần lưu ý rằng việc nhân bản lưu trữ những bộ sưu tập đã có không chỉ phòng tránh sự hủy diệt của thiên tai hỏa hoạn… tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận, nghiên cứu, mà còn là phương thức bảo quản trong điều kiện tài liệu kỹ thuật lưu trữ có thể bị hư hỏng do ẩm mốc, mục nát. Để giải quyết điều này, không gì tốt hơn phải lưu trữ thật nhiều bản ở nhiều nơi khác nhau thay vì chỉ một bản duy nhất. Trước đây, các bảo tàng, tổ chức văn hóa trên thế giới thường lưu trữ các chương trình ghi âm trên đĩa than, đĩa nhựa và băng audio tape, không dùng băng audio cassette vì độ bền hạn chế. Khi có đĩa CD và các phương thức lưu trữ âm thanh số thì người ta in sao bổ sung vào các phương tiện kỹ thuật lưu trữ mới và vẫn bảo tồn các phương tiện lưu trữ cũ. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và quảng bá còn có thể được xây dựng ngay trên mạng internet. Xin lấy một ví dụ về vấn đề này để cùng tham khảo: Người Nga tổ chức lưu trữ trên trang www.hymn.ru  toàn bộ bản ghi các bản ghi âm tiêu biểu của quốc ca Nga – Liên Xô từ khi nước Nga bắt đầu có quốc ca dưới thời Sa hoàng, năm 1743, hình thành một bảo tàng quốc ca Nga – Liên Xô trên mạng. Các bản ghi âm lưu trữ từ thời Xô Viết được phát từ chính các băng ghi âm, đĩa hát cơ học cũ, với nhiều tác phẩm trình tấu khác nhau. Hình ảnh video được bổ sung bằng các video clip quốc ca từ Đài truyền hình Trung ương Liên Xô đến đài truyền hình Nga hiện nay. Trang web này là một điển hình tiêu biểu về bảo tồn, bảo tàng, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể. Phật giáo chúng ta có thể lập một trang web bảo tồn, phổ biến âm nhạc nghi lễ Phật giáo bằng hình ảnh video và âm thanh như vậy, mà công việc đầu tiên là phải sưu tầm những tư liệu ghi âm và có thể là ghi hình, đã có.

Thực hiện các chương trình mới

Ngày nay, khi mà các phương tiện ghi hình đã phổ biến, thì trong ghi hình đã có ghi âm, vậy chỉ nên tập trung thực hiện các chương trình ghi hình mà thôi.

Phật giáo chúng ta nên bắt đầu từ các hình thức nghi lễ, âm nhạc mà việc phổ biến rộng rãi ngày nay đã trở nên giới hạn, số lần tiến hành hay trình diễn ngày càng thu hẹp. Việc tổ chức ghi hình các hoạt động như vậy có thể tiến hành bằng hai phương thức:

1. Live show: Tổ chức ghi hình tại chỗ mỗi khi diễn ra hoạt động nghi lễ, âm nhạc cổ truyền Phật giáo thực tế. Chúng tôi đã có dịp chứng kiến việc ghi hình và phát trực tiếp tại chỗ trên màn ảnh lớn Trai đàn chẩn tế siêu độ do thiền sư Nhất Hạnh tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm năm 2006. Đây là một hình mẫu về việc ghi hình Live show. Công việc tiếp theo chỉ là lưu trữ, khai thác, phổ biến chương trình đã ghi được.

2. Studio Show: Cung thỉnh các vị đại lão Hòa thượng am hiểu và nhiều lần chủ trì hoạt động nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền, tổ chức dàn dựng lại y như trong thực tế và ghi hình các hoạt động nói trên tại các tổ đình, cổ tự, tu viện, tự viện và tại phim trường truyền hình với trang trí y như thật. Việc thu hình này cần bảo đảm chất lượng hình ảnh và âm thanh tuyệt đối tốt, bảo đảm giá trị cho tác phẩm được lưu trữ.

Các hoạt động nghi lễ âm nhạc được tổ chức ghi hình phải bao gồm tất cả những hình thái hoạt động, gồm cả tán tụng, trai đàn, chẩn tế, tụng niệm, thí thực, tang lễ, v.v… bảo đảm việc có thể qua những tài liệu lưu trữ ghi hình các thế hệ hậu học có thể hình dung trọn vẹn diện mạo nghi lễ, âm nhạc Phật giáo hiện tại.

Thực hiện có kết quả hướng bảo tồn thụ động như vừa nêu trên sẽ có tác động thúc đẩy hướng bảo tồn tích cực di sản nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền. Bởi lẽ, một bộ sưu tập chương trình ghi âm, ghi hình hoạt động nghi lễ, âm nhạc Phật giáo cổ truyền sẽ là nền tảng hết sức cần thiết cho việc duy trì, phát triển trong thực tế những hoạt động như vậy. Ngay cả đối với những nghi lễ, tác phẩm âm nhạc Phật giáo cổ truyền không thể bảo tồn theo hướng tích cực, thì kho tàng sưu tập mà Phật giáo chúng ta thực hiện được, lưu giữ được sẽ là cơ sở để phục dựng lại nguyên bản một cách chính xác, trọn vẹn ngay khi điều kiện trong thực tế cho phép tiến hành việc phục dựng.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 56, tr.23, 2009]