Trang 2 / 2
DẪN NHẬP:
Trước khi vào hầu hoàng đế Shahryar, một bạo chúa luôn căm hận phụ nữ, nàng Scheherazade (nghĩa là “người con gái của trăng”) một giai nhân hiền triết, tài sắc vẹn toàn, nói với cha: “Nếu con có chết thì cái chết của con sẽ vinh quang. Nhưng nếu con có thành công là con đã giúp cho đất nước một việc quan trọng.”
Danh y thiếu niên Kỳ-bà phát thệ nguyện làm đại y vương luôn trị tất cả thân bệnh cho chúng sanh, hùng lực dấn thân vào lãnh địa của vị vua mang dòng máu mãng xà, chữa lành căn bệnh cho vua, ngăn chặn bàn tay đẫm máu giết bao nhiêu người vô tội.
Nàng Scheherazade và danh y Kỳ-bà cùng trùng phùng trên nẻo đường văn học phương Đông, dù là nhân vật có thật hay huyền thoại vẫn phản ảnh đến đời sống sinh hoạt và thế giới quan lịch sử của một dân tộc. “Chuyện người xưa là bài học cho người đời nay”.
Xin giới thiệu với quí Phật tử kinh Phật nói về Nại nữ và Kỳ-bà (Phật thuyết Nại nữ, Kỳ-bà kinh 佛說柰女耆婆經 ‘Āmrapālī-jiva-nidāna-sūtra’) 1 quyển. Kinh này giống với kinh Nhân duyên Nại nữ và Kỳ-vực (Phật thuyết Nại nữ, Kỳ-vực nhân duyên kinh 佛說柰女祇域因緣經 ‘Āmrapālī-jiva-nidāna-sūtra’) 1 quyển, đều do ngài An Thế Cao (người nước An Tức ‘nay là Iran’, tên là Thanh tự Thế Cao, vì lấy nơi xuất thân làm họ nên gọi là An Thế Cao) dịch thời Hậu Hán (A.D 25-220), Đại Chánh 14, số hiệu 553, 554, tr. 896, 902.
TOÁT YẾU NỘI DUNG KINH:
Thuở xưa tại nước Duy-da-li ở Trung Ấn Độ, có vị cư sĩ Phạm-chí giàu sang, thông minh, tài trí hơn người, được nhà vua trọng dụng thương yêu, phong làm đại thần trong triều.
Một hôm, nhà vua thiết yến tiệc mời Phạm-chí vào cung dự, rồi biếu cho Phạm-chí một giống xoài quí hiếm trong vườn thượng uyển của vua. Phạm-chí vui mừng đem về trồng, vì muốn xoài ngon ngọt nên Phạm-chí hằng ngày thường dùng sữa bò nấu thành đề hồ (tinh chất sữa bò) tưới vào cây. Một năm sau, cây to lớn tốt tươi, quả nó rất ngon nhưng trên thân cây bỗng nhiên nhô lên khối u lớn. Từ khối u mọc ra nhiều nhánh hình dáng như cái lọng chỏng ngược, lá xanh đẹp lạ thường, nhiều hoa màu sắc sặc sỡ. Phạm-chí lấy làm lạ, bèn đóng thang gỗ leo lên xem, càng kinh ngạc hơn, thấy có một bé gái xinh đẹp nằm bên trong, ông vui mừng bồng về nuôi dưỡng và đặt tên là Nại nữ (người con gái cây xoài). Năm mười lăm tuổi Nại nữ nhan sắc đoan chánh đệ nhất thiên hạ, tiếng đồn vang khắp cả nước.
Bấy giờ, có bảy quốc vương cùng đến nhà Phạm-chí xin cầu hôn. Phạm-chí phân vân chưa biết chọn ai, đang khi nghị bàn thì vua Bình-sa nhanh trí, đêm hôm lén chui qua lỗ tường, lên lầu xin cầu hôn với Nại nữ. Sáng sớm, vua Bình-sa ra đi, trao cho Nại nữ một cái vòng vàng và dặn dò: “Sau này nếu nàng sinh con trai thì đưa về cho trẫm, còn như con gái thì tiện thể nàng nuôi.” Sáu vị vua kia hay biết sự tình đành trở về nước. Lâu sau, Nại nữ sanh được một nam nhi. Lúc mới sinh tay đứa bé cầm kim châm, đãy y dược, nên Nại nữ đặt tên là Kỳ-bà. Năm lên tám tuổi Kỳ-bà rất thông minh tài giỏi, Nại nữ mới lấy cái vòng vàng năm xưa giao cho Kỳ-bà, bảo: “Đây là tín vật cha con là vua Bình-sa đưa cho mẹ. Nay con hãy đến nước La-duyệt-kỳ tìm phụ vương!”
Kỳ-bà vâng lời lên đường đến nước La-duyệt-kỳ. Kỳ-bà vào cung đưa tín vật cho vua Bình-sa xem. Nhà vua thấy ấn văn nhớ lại lời thề xưa, biết con mình, bồi hồi xót thương liền phong Kỳ-bà làm thái tử. Hai năm sau, chánh hậu sinh A-xà-thế. Kỳ-bà nhân tiện thưa với phụ hoàng là tâm nguyện muốn làm thầy thuốc, nhường ngôi vị thái tử cho A-xà-thế. Vua Bình-sa chuẩn hứa và ban lệnh cho các thầy thuốc thượng thủ trong nước đến dạy dỗ Kỳ-bà. Nhưng Kỳ-bà vốn dĩ thông minh, có những điều khúc mắc trong y học Kỳ-bà chỉ lại họ, họ vô cùng thán phục.
Hôm nọ, Kỳ-bà gặp một đứa bé gánh củi trước cửa cung. Kỳ-bà thấy rõ lục phủ, ngũ tạng của đứa bé. Kỳ-bà suy nghĩ: “Sách thảo dược có nói đến cây Dược vương (vua thuốc), cây này có thể chiếu thấy bên trong con người!” Kỳ-bà liền mua bó củi và tìm được cây Dược vương trong bó củi. Từ đó ai bệnh gì Kỳ-bà đều dùng cây Dược vương chiếu vào để biết bệnh chữa trị. Kỳ-bà cứu sống được nhiều người, tiếng đồn vang khắp thiên hạ. Danh tiếng của Kỳ-bà lan tỏa đến một đất nước xa xôi rộng lớn ở phương Nam, cách La-duyệt-kỳ tám ngàn dặm. Trị vì vương quốc này là một ông vua độc ác, có thế lực, giết người không gớm tay cũng vì căn bệnh quái ác hoành hành trong thân, làm ông đau đớn sân hận nhiều năm qua. Ông ta nghe danh Kỳ-bà liền xuống chiếu mời Kỳ-bà. Vua Bình-sa và Kỳ-bà lo buồn, bèn đến hỏi ý Phật. Đức Phật bảo Kỳ-bà:
- Túc mạng đời trước con và Ta cùng ước thệ là cứu giúp bệnh mọi người trong thiên hạ. Ta trị nội bệnh, con trị ngoại bệnh. Con nên đến đó chữa trị cho nhà vua!
Kỳ-bà nương oai thần của Phật đến chỗ ông vua đó, chẩn đoán mạch lý, lấy cây Dược vương chiếu vào, thấy kinh mạch, khí huyết khắp thân thể nhà vua đều là chất độc mãng xà. Kỳ-bà thấy lạ hỏi riêng Thái hậu. Thái hậu kể:
- Trước kia vào một buổi trưa ta đang ngủ tại điện Kim Trụ, bỗng nhiên có một vật đến đè lên thân ta… khi tỉnh giấc, ta thấy một con mãng xà to lớn, dài hơn ba thước từ trên thân ta bò đi. Sau biết được mình mang thai nhà vua là con của mãng xà. Ta nghĩ quá xấu hổ chưa từng nói với ai.
Kỳ-bà mới bàn với Thái hậu nấu đề hồ để chữa trị độc tố trong người nhà vua. Trải qua 15 ngày, Kỳ-bà nấu luyện đề hồ trong như nước, dâng lên vua uống. Sau ba ngày, nhà vua lành bệnh, ông hối hận về sự tàn bạo của mình lâu nay. Đổi lại là sự vui mừng, nhà vua đền ơn Kỳ-bà cả kho tàng, cung nữ và một nửa giang sơn nhưng Kỳ-bà không nhận, chỉ xin vua một lời yêu cầu, là khuyên vua thỉnh Phật đến nghe chánh pháp cao minh. Nhà vua hoan hỷ làm theo lời Kỳ-bà, thỉnh Phật cùng 1250 vị Tỳ-kheo đến thọ trai. Thọ trai xong đức Phật giảng kinh cho vua nghe. Ý vua khai ngộ liền phát đạo tâm Vô thượng, hướng dẫn các nước lớn nhỏ thọ năm giới…
Lại nói về Nại nữ, thuở nhỏ thông minh, lớn theo cha học kinh, giỏi chiêm tinh toán số, thông thạo âm nhạc. Có 500 người con gái theo Nại nữ học kinh, âm nhạc, cùng nhau vui chơi... Người trong nước không hiểu, phỉ báng họ là dâm nữ. Lại có hai người con gái sanh cùng thời với Nại nữ cũng thuộc gia đình Phạm-chí, là Tu-mạn nữ và Ba-đàm nữ. Tu-mạn nữ sinh từ hoa Tu-mạn. Ba-đàm sanh từ hoa sen xanh. Hai nàng đều dung nhan tuyệt thế nhưng không lập gia đình, nguyện theo Nại nữ làm đệ tử.
Lúc đức Phật du hóa đến nước Duy-da-ly, Nại nữ cùng 500 đệ tử ra ngoài thành kính thỉnh Phật đến vườn xoài thọ trai. Sau đó, Quốc vương nước Duy-da-ly cũng thỉnh Phật đến cung thọ trai. Đức Phật bảo:
- Nại nữ đã thỉnh Ta trước rồi.
Nhà vua không vui thưa:
- Con làm vua một nước, chí tâm thỉnh Thế Tôn, hy vọng Thế Tôn thương xót đồng ý. Nại nữ chỉ là dâm nữ, hằng ngày cô ta cùng 500 đệ tử làm việc không đúng. Vậy sao Thế Tôn từ chối lời mời của con mà nhận lời thỉnh cầu của cô ta?
Đức Phật bảo:
- Người nữ đó chẳng phải dâm. Túc mạng đời trước của cô ta có công đức rất lớn, đã cúng dường vô số đức Phật. Xưa Nại nữ, Tu-mạn nữ, Ba-đàm nữ đều là chị em, sinh trong một gia đình giàu có. Ba người cùng thệ nguyện, nguyện đời sau gặp được Phật, liền được hóa sinh, không sinh từ bào thai, xa lìa dơ bẩn. Quá khứ tuy họ cúng dường cho 500 Tỳ-kheo-ni, nhưng hay trêu chọc các Tỳ-kheo-ni, nên nay bị phỉ báng là dâm nữ. Lúc ấy, Kỳ-bà làm con gia đình nghèo, thường giúp các Tỳ-kheo-ni quét dọn. Nại nữ thương nhận Kỳ-bà làm con nuôi. Nại nữ hay nhờ Kỳ-bà đi mời thầy thuốc về trị bệnh cho các Tỳ-kheo-ni. Kỳ-bà phát nguyện: “Nguyện đời sau làm đại y vương luôn quét trừ thân bệnh cho thiên hạ, trị tất cả căn bệnh tứ đại của chúng sanh”.
Nhà vua nghe Phật nói quì xuống sám hối, đồng ý chờ ngày hôm sau. Sáng ngày, đức Phật cùng các Tỳ-kheo đến vườn Nại nữ. Đức Phật thuyết bổn nguyện công đức, ba nàng cùng 500 đệ tử nghe kinh, tâm khai ngộ đều đắc quả A-la-hán.
Phật dạy A-nan, hãy vì tứ chúng tiếp tục giảng kinh này đừng để đoạn tuyệt. Tất cả chúng sinh nên tu hành nghiệp thân, khẩu, ý, chớ sanh kiêu mạn, buông lung...
(Kinh Phật nói về Nại nữ và Kỳ-bà)
LỜI KẾT:
Khi chúng ta bước vào kinh điển Đại thừa, như lạc vào thế giới thần tiên mộng ảo, những kỳ tích huyền hoặc, thần thoại, những phép mầu biến hoá phi ngôn thuyết, đó đều do người chép kinh, dùng ngôn ngữ ẩn dụ, vẽ lại bức tranh muôn màu sắc, nhằm diễn đạt những tư tưởng uyên áo mà kinh muốn diễn bày, hay nhắm thẳng vào tinh tuý đạo lý của đức Phật. Và thi vị hoá, hình tượng hóa sự thị hiện của các vị Bồ-tát, vì lợi ích hết thảy chúng sanh, hộ trì chánh pháp, sinh trong đời ô nhiễm mà không bị ô nhiễm.
Do đó mà ba người con gái, Nại nữ, Tu-mạn, Ba-đàm đều sinh từ những loài hoa thơm khiết, không sinh từ bào thai bất tịnh như mắt phàm phu thấy biết trong cuộc sống đời thường. Đồng thời họ lại sinh nơi nhà Phạm-chí giàu sang, tư chất thông minh, đặc biệt là Kỳ-bà có huyết thống, dòng dõi vương hầu, người kế thừa ngôi báu… hình ảnh ấy đều nói lên nền tảng hành đạo của Bồ-tát là luôn cần đầy đủ vật chất và năng lực trí tuệ mới hoàn thành chí nguyện độ sanh, thành tựu sự nghiệp chứng đắc của mình, tức “bố thí là công hạnh chính để Bồ-tát tu tập và thăng tiến”. Song, của cải, giàu sang chỉ là phương tiện, gia sản chính yếu của Bồ-tát là giác ngộ, giải thoát, mục đích cứu cánh của Bồ-tát là nhập thế, độ sanh; cho nên Kỳ-bà đã hai lần chối từ vinh hoa phú quý, chỉ muốn làm thầy thuốc cứu người, giáo hóa vị vua tàn bạo kia quay về với chánh pháp. Dù là một đế vương tàn ác, mang trong mình khí huyết mãng xà, nhưng chủng tánh Phật luôn tồn tại tiềm tàng trong con người ông, khi gặp Kỳ-bà như thắng duyên giúp nó hiện khởi, khiến ông trở thành một minh quân nhân từ, hướng dẫn các nước lớn nhỏ thọ năm giới.
Gấp lại trang kinh rồi mà vẫn thấy hình bóng Kỳ-bà và Nại nữ còn thoáng hiện đâu đó, nơi chiến tranh âm ỉ, bệnh tật hoành hành, đói khổ tràn lan… với nhiều hình tướng mà tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta khó thấy biết được sự hóa thân của họ. Họ đang tiếp tục thành tựu chí nguyện của mình, không chỉ một đời mà trải qua nhiều đời, họ luôn đem lại hạnh phúc, an ổn cho thế gian.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.46, 2008]