Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV - Tenzin Gyatso - vừa là người đứng đầu quốc gia, vừa là nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài ra đời vào ngày 06-07-1935 trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ của Taktser, Amdo, miền Đông nam Tây Tạng.
Ngài có tên là Lhamo Dhondup. Khi lên hai tuổi, Ngài đã được phát hiện là hậu thân tái sanh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII - Thubten Gyatso. Cả 14 đời của đức Đạt-lai Lạt-ma đều được dân Tây Tạng tin là hóa thân của ngài Avalokitesvara, tiếng Tây Tạng là Chenrezig, đó chính là ngài Quán Thế Âm - vị Bồ-tát của Lòng Từ Bi và cũng là vị Thần Bảo Hộ của Tây Tạng. Chư Bồ-tát là những vị đã giác ngộ nhưng vẫn trì hoãn cảnh giới Niết-bàn của chính mình và phát nguyện chọn sự tái sanh để phụng sự cho nhân loại.
Sự giáo dục ở Tây Tạng
Ngài bắt đầu sự giáo dưỡng theo quy cách của một vị Đạt-lai Lạt-ma tái nhiệm khi vừa lên sáu tuổi. Chương trình học gồm năm môn chính và năm môn phụ. Các môn chính là: Logic học, văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng, Sanskrit, y học, và triết học Phật giáo. Riêng môn Triết học Phật giáo lại được chia ra thành năm phạm trù: Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñāpāramitā), Trung quán luận (Madhyamika), Giới luật (Vinaya), Luận A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma) và Lý luận căn bản (Pramana Vidya). Năm môn phụ bao gồm: thơ ca, nghệ thuật âm nhạc và ca kịch, chiêm tinh học, cú pháp học và đồng nghĩa học. Năm 23 tuổi, Ngài đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp tại chùa Jokhang, Lhasa vào dịp Lễ hội đại Cầu nguyện năm 1959. Ngài đã thi đậu với phần thưởng danh dự và được trao tặng bằng Geshe Lharampa - một học vị cao nhất trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, tương đương với bằng tiến sĩ Triết học Phật học của phương Tây.
Những trách nhiệm của cương vị lãnh đạo
Năm 1950, đức Đạt-lai Lạt-ma được thỉnh cầu đảm nhận cương vị lãnh đạo quốc gia sau khi Trung Quốc xâm lược Tây Tạng vào năm 1949. Năm 1954, Ngài đến Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề hòa bình với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc, trong đó có Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Tuy nhiên, cuối cùng, vào năm 1959, với những cuộc đàn áp dã man của binh lính Trung Quốc đối với những cuộc khởi nghĩa Tây Tạng ở Lhasa buộc đức Đạt-lai Lạt-ma phải trốn thoát và sống lưu vong. Từ đó đến nay, Ngài đã sống tại Dharamsala thuộc miền nam Ấn Độ và là vị lãnh đạo của chính quyền lưu vong Tây Tạng.
Từ khi Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, đức Đạt-lai Lạt-ma đã khẩn khoản yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề của Tây Tạng. Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua và thừa nhận ba nghị quyết của Tây Tạng vào năm 1959, 1961 và 1965.
Quá trình dân chủ hóa
Năm 1963, đức Đạt-lai Lạt-ma đã đưa ra bản phác thảo về hiến pháp dân chủ cho Tây Tạng và sau đó là hàng loạt những sự cải cách về cơ cấu quản lý chính quyền dân chủ Tây Tạng. Hiến pháp dân chủ mới nhất đã được chính thức ban hành là kết quả của những sự cải cách và có tên là “Hiến Pháp của dân tộc Tây Tạng lưu vong”. Hiến pháp này đã trân trọng giữ gìn tiếng nói của tự do, của niềm tin, và của xu hướng cộng đồng. Nó cũng đưa ra những đường lối chỉ đạo cụ thể về trách nhiệm của chính phủ Tây Tạng và sự trân trọng đối với những người đang sống lưu vong.
Năm 1992, đức Đạt-lai Lạt-ma ban hành đường hướng chỉ đạo về hiến pháp của một tương lai giải phóng Tây Tạng. Ngài thông báo rằng khi Tây Tạng được giải phóng thì ngay lập tức sẽ bắt tay vào việc thành lập một chính phủ lâm thời. Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ này là phải tiến hành bầu cử một Hội đồng lập hiến để bố trí điều chỉnh và chọn lọc nền hiến pháp dân chủ của Tây Tạng. Vào ngày ấy, Ngài sẽ chuyển giao tất cả chính quyền lại cho vị Tổng thống lâm thời và sẽ sống như một công dân bình thường. Ngài cũng phát biểu là ngài hy vọng rằng Tây Tạng bao gồm cả ba tỉnh truyền thống của U-Sang, Amdo và Kham sẽ trở thành liên bang và dân chủ.
Vào tháng 05-1990, những sự cải cách của đức Đạt-lai Lạt-ma đã cho thấy được một sự công nhận về một chính quyền dân chủ thật sự của cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Nội các chính phủ Tây Tạng - cho đến lúc bấy giờ vẫn do đức Đạt-lai Lạt-ma đề cử - đã giải thể cùng với mười Hội đồng của các đại diện Dân tộc Tây Tạng (Quốc hội Tây Tạng lưu vong). Cũng trong năm ấy, những người Tây Tạng lưu vong trên đất Ấn và trên hơn 33 quốc gia khác đã cùng bầu cử ra 46 thành viên và khai triển thêm thành mười một Hội đồng đại diện dân tộc Tây Tạng, trên cơ sở mỗi người dân có quyền bầu một lá phiếu. Đến lượt Hội đồng lại bầu cử ra những thành viên mới trong nội các chính phủ. Tháng 09-2001, một bước khai triển chính của nền dân chủ đã được thực hiện; tất cả các cử tri Tây Tạng trực tiếp bầu ra Kalon Tripa - chức bộ trưởng cao cấp nhất trong thành phần nội các. Kalon Tripa trở lại đề cử cho nội các chính phủ của mình trong số những người đã được Hội đồng Tây Tạng tán thành. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng người dân đã đứng lên bầu chọn vị lãnh đạo chính phủ cho chính mình.
Những hoạt động cho Hòa bình
Tháng 09-1987, đức Đạt-lai Lạt-ma đã đề xuất một Dự kiến Hòa bình cho Tây Tạng bao gồm Năm điểm. Dự kiến này như một bước đầu tiên hướng đến một giải pháp Hòa bình đối với tình trạng vô cùng tồi tệ của Tây Tạng. Ngài đã thẳng thắn phát biểu rằng Tây Tạng sẽ là nơi cư trú, là khu vực của hòa bình ngay trái tim châu Á, nơi mà con người và tất cả mọi loài đều có thể tồn tại một cách hài hòa; và một môi trường êm ả thanh bình sẽ được bảo tồn một cách hoàn hảo. Cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn lơ là về việc trả lời một cách dứt khoát rõ ràng về các dự kiến hòa bình do đức Đạt-lai Lạt-ma đề xuất.
Năm Điểm về Dự Kiến Hòa Bình:
Trong lời phát biểu với các thành viên của Đại hội Liên Hiệp Quốc ở Washington vào ngày 21-09-1987, đức Đạt-lai Lạt-ma đã đề xuất một Dự kiến Hòa bình bao gồm năm yếu tố cơ bản:
- Chuyển hóa cả đất nước Tây Tạng thành khu vực hoà bình.
- Bãi bỏ chính sách di cư dân số của Trung Quốc vì nó sẽ đe dọa đến sự tồn tại của người dân Tây Tạng như một dân tộc thật sự.
- Tôn trọng sự tự do dân chủ và các Nhân quyền cơ bản của nhân dân Tây Tạng.
- Khôi phục và bảo vệ môi trường thiên nhiên Tây Tạng. Bãi bỏ việc Trung Quốc sử dụng Tây Tạng để sản xuất vũ khí hạt nhân và làm nơi vứt bỏ những chất phế thải của hạt nhân.
- Bắt đầu lại cho những cuộc đàm phán đứng đắn, nghiêm chỉnh cho tình trạng tương lai của Tây Tạng và cho mối quan hệ giữa hai dân tộc Tây Tạng và Trung Quốc.
Đề xuất Strasbourg
Trong lời phát biểu với các thành viên của Quốc hội Âu châu vào ngày 15-06-1988, đức Đạt-lai Lạt-ma đã soạn thảo một bản kiến nghị cụ thể và tỉ mỉ hơn về điểm cuối cùng trong năm điểm của Dự kiến Hòa bình. Ngài đề xuất các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Tây Tạng đưa đến một thực thể chính quyền dân chủ tự trị cho cả ba tỉnh của Tây Tạng. Thực thể này phải nằm trong Hội Liên hiệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính quyền Trung Quốc; sẽ tiếp tục duy trì trách nhiệm đối với vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại của Tây Tạng.
Sự công nhận của thế giới
Đức Đạt-lai Lạt-ma là con người của hòa bình. Năm 1989, ngài đã nhận được giải Nobel Hòa Bình về cuộc đấu tranh bất bạo động cho sự giải phóng Tây Tạng. Ngài có những chính sách kiên định ủng hộ cho con đường bất bạo động thậm chí ngay cả khi phải đối đầu với cuộc xâm lược tàn khốc nhất. Ngài cũng đã trở thành người đạt giải Nobel Hòa Bình đầu tiên được công nhận về những mối quan tâm của Ngài đối với những vấn đề môi trường toàn cầu.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến hơn 62 quốc gia trên khắp 6 châu lục. Ngài đã gặp gỡ các Tổng thống, Thủ tướng chính phủ và Hoàng gia của các nước. Ngài cũng đã có những cuộc hội thoại với các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau và với nhiều Khoa học gia nổi tiếng trên thế giới.
Kể từ năm 1959 đến nay, Ngài đã nhận hơn 84 giải thưởng, học vị Tiến sĩ danh dự, huân chương… từ 29 quốc gia về sự công nhận những thông điệp hòa bình, tinh thần bất bạo động, sự hiểu biết và cảm thông giữa các tôn giáo, tinh thần trách nhiệm đối với toàn cầu và tấm gương của lòng Từ Bi vô hạn của Ngài. Ngài cũng là tác giả của hơn 72 cuốn sách.
Đức Đạt-lai Lạt-ma tự xem mình chỉ “đơn thuần là một Tăng Sĩ Phật Giáo” - thế thôi!
Biển Xanh
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.46, 2008]