HỎI: Trong phần “dị thục” có nói về công năng như là mắt, tai, mũi, lưỡi, có thiện có ác, nhưng công cụ không có thiện, không có ác, vấn đề này nên hiểu như thế nào?
ĐÁP: Trong khởi thủy, người ta không phân biệt “Dị thục” và “Dị thục sinh”. Dị thục là vô ký. Nhưng tới Duy thức lại phân biệt là “Dị thục” và “Dị thục sinh”. “Dị thục” có thể thiện, có thể ác, có thể vô ký, chỉ có “Dị thục sinh” mới là vô ký. Ví dụ như tay chúng ta là vô ký nhưng ý chí điều khiển cái tay giết người thì ý chí khởi lên tác ý thiện hay ác phả vào cánh tay. Cánh tay là “Dị thục sinh”, mà tập quán giết người, tập quán đó cũng là Dị thục. Vì nó là kết quả quá khứ, do giết hại nhiều lần lâu ngày trở thành thói quen. Thói quen giết người, thói quen đó thành ra cái Dị thục. Đây là Duy thức phân biệt thêm “Dị thục” và “Dị thục sinh”. Nhưng trong tư tưởng trước đó không phân biệt “Dị thục” và “Dị thục sinh”.
Ở trên chúng ta hiểu lược qua “dị thục” và “dị thục sanh”. Tiếp theo, chúng ta sẽ đi thẳng vào câu hỏi.
Công cụ thì không có thiện, không có ác. Chẳng hạn như, cây súng không có thiện, không có ác. Có thiện ác là do người dùng súng. Thanh gươm không có thiện, không có ác. Có thiện ác là do người dùng gươm. Người dùng gươm cũng có hai trường hợp: múa gươm mà chơi thì phi thiện phi ác, vì lúc múa gươm chơi không có một ý niệm nào về ác nghiệp khởi lên. Còn ngược lại, khi một hành động nào được điều động bởi ý chí, nghĩa là, muốn làm một cái gì đó gây thiệt hại cho người khác, hay làm thiệt hại cho cái gì đó, hay lợi cho cái gì đó, lúc đó, mới có thiện, có ác. Còn múa gươm mà chơi, không thể xem đó là hành vi tạo ra thiện ác. Các việc như: Vẽ vời cũng phi thiện phi ác. Vẽ tranh mà chơi, cũng phi thiện phi ác. Hát chơi cũng phi thiện phi ác. Nhưng hát kích động cho người ta giết người, hát như vậy thì có thiện có ác. Ngồi chơi buồn buồn hát, cái đó phi thiện phi ác, gọi là “vô ký”. Dị thục cũng là vô ký, là phi thiện phi ác. Tức là, trong nhiều tính chất, không xác định thiện, ác, thì trong đó có cái Dị thục.
Để rõ hơn vấn đề nêu trên, chúng ta tìm hiểu thêm về “luật nghi” và “bất luật nghi” trong phẩm tính thiện và bất thiện như thế nào?
Chẳng hạn như người đi làm trong xưởng này có hai cái: họ đi làm với phương tiện mưu sinh, thì cái này gọi là “bất luật nghi”, chịu quả “bất luật nghi”. “Bất luật nghi” thì có thiện có ác, nhưng cái quả, nghiệp định của nó nhẹ. Nghiệp định thành bất định. Những người làm vũ khí đem bán để lấy tiền, tức là không có ý định giết người: họ làm súng không có ý niệm giết người mặc dù công cụ được làm ra là công cụ giết người, thì việc làm đó gọi là “bất luật nghi”. “Bất luật nghi” này cũng là một loại bất thiện. Nó không đưa đến kết quả như là ý niệm giết người, kết quả nó khác với ý niệm giết người. Vậy, gọi “bất luật nghi” là cái gì? “Bất luật nghi” có nghĩa là hành vi mà không kiểm soát cái ngoại cảnh để cho tâm mình bị ô nhiễm. Tâm bị ô nhiễm thì phiền não phát sanh. Phiền não phát sanh có thể tạo nghiệp ác, dẫn mình sa đọa. Hành vi như vậy gọi là “bất luật nghi”. Ví dụ: người Phật tử phát nguyện thọ giới, không sát sanh, nhưng vì sinh kế người ấy làm trong xưởng chế tạo vũ khí, người ấy phạm giới “bất luật nghi”, chớ không phạm giới “sát”. “Bất luật nghi” và “sát”, hai khía cạnh này hoàn toàn khác nhau. Trong thời Phật, có những người đệ tử Phật, vì sinh kế, làm nghề săn bắn. Như trường hợp có người sinh sống bằng nghề săn bắn nai, họ hoàn toàn không có ý định sát, nhưng ý niệm xem nó như một cái nghề. Trên thực tế, hành vi đó không thể xem là tạo nghiệp “sát”, nó chỉ được xem là hành vi tạo tạo ra “bất luật nghi” về sát sanh mà thôi. Quả “bất luật nghi” về sát sanh khác với cái nghiệp “sát”. Ở điểm này, trong quá trình phân tích, luận về nghiệp quả hơi rắc rối và tế nhị một chút. Như vậy, chúng ta cần phân biệt cho rõ cơ bản của điều đặt ra là như thế nào? Là nghiệp chỉ khởi lên khi nào có chủ định làm tức là nhắm tới cái mục đích. Mình có mục đích giết người, giết vật, tức là gây thiệt hại cho người, cho con vật đó, lúc đó gọi là “ác nghiệp”. Mình không cố ý, nhưng mà lỡ tay. Ví dụ vì sự sống mình bắn mũi tên ra, con vật chết, như tình cờ múa kiếm chơi; có người đi ngang vô tình trúng phải khiến người kia chết, trên bình diện thấy có người chết, có thể cho rằng sự việc như vậy là gây ra hành vi sát, nhưng đó là hành vi ngộ sát. Người ta xử, hành vi ngộ sát có khác với tội cố ý giết người. Hành vi cố ý sát, tòa có thể tuyên cáo bị tử hình hay bị chung thân, nhưng việc ngộ sát thì mức độ trừng phạt nhẹ hơn. “Bất luật nghi” cũng vậy. Cái “ngộ sát” đó là “bất luật nghi”. Tội cố ý giết người được xét trên bình diện tổng hợp các yếu tố: khởi lên ý nghĩ cố ý giết, trang bị vật dụng, sắp đặt kế hoạch và có đối tượng chết thực sự thì sẽ được xem là phạm vào sát nghiệp. Như Hạng Trang trong bữa tiệc, làm bộ múa, làm bộ lỡ tay để mà giết người ta. Việc lỡ tay này, đúng ra được điều khiển bởi cái ác nghiệp. Thì rõ ràng đây, khi đem xử, dù có nói gì nữa, người ta có bằng chứng rằng, có dấu hiệu anh cố ý giết người, anh phải mang tội giết. Còn khi lỡ tay giết người, thì không mang tội giết; vẫn phạt, vẫn bồi thường, nhưng người ta không xử về cái tội giết người, mà người ta chỉ phạt cái tội cố ý là bất cẩn, trừng phạt bồi thường hay là cái gì đó, nó khác. Nghiệp quả cũng vậy, “bất luật nghi” và “nghiệp sát”, hai cái khác nhau. Giữa người làm nghề nghiệp với người chủ đích làm nghiệp, hai hành động này tạo nên hai tính chất nghiệp khác nhau.
[Tập san Pháp Luân - số 52, tr.94, 2008]