Truyền thông: "phương tiện mềm" thế mạnh của Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

“Phương tiện cứng” và “Phương tiện mềm”

Khảo sát lịch sử truyền bá các tôn giáo chính trên thế giới, chúng ta có thể  chia các phương tiện mà các tôn giáo sử dụng trong việc truyền đạo ra thành hai nhóm chính.


- Nhóm các “phương tiện cứng”: Đó là phương tiện bạo lực, chiến tranh tôn giáo, sức mạnh quyền uy, tiền bạc, sức mạnh kinh tế… Các tôn giáo xuất phát từ Trung Đông đều sử dụng đến “phương tiện cứng”. Nhiều tôn giáo có lực lượng vũ trang riêng phục vụ cho việc truyền đạo. Một số tôn giáo xác định rõ trong giáo lý của họ rằng các phương tiện cứng là công cụ để phục vụ việc truyền đạo.

Thực tế, phương tiện cứng vẫn là một phương tiện truyền đạo hiệu quả. Phật giáo bị đẩy ra khỏi tiểu lục địa Ấn Độ cũng vì một tôn giáo khác sử dụng phương tiện cứng trong việc truyền đạo. Ngày nay, phương tiện cứng dù có hạn chế hơn trong hoạt động truyền đạo, nhưng nó vẫn được sử dụng, và một số tôn giáo vẫn xác định đây là phương tiện chính của tôn giáo họ.

Phật giáo không hề chủ trương sử dụng phương tiện cứng trong hoạt động truyền đạo và trong thực tế chưa hề dùng đến phương tiện này.

- Nhóm các “Phương tiện mềm”: Đó là việc truyền bá bằng tư tưởng văn hóa, học thuật, nghệ thuật với một trong các công cụ chính là các phương tiện truyền thông. “Phương tiện mềm” là phương tiện mà Phật giáo sử dụng trong hơn 2500 năm truyền bá của mình.

Khái niệm “phương tiện cứng” và “phương tiện mềm” mà chúng tôi nêu ra ở đây được gợi ý từ khái niệm “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” do học giả Joseph Nye đề  xuất đầu tiên. Giáo sư Joseph Nye là hiệu trưởng trường Kennedy School of Government, Đại học Havard, Hoa Kỳ. Theo ông, “sức mạnh cứng” đồng nghĩa với sức mạnh chỉ huy, dựa trên sức mạnh về kinh tế  và quân sự. “Sức mạnh mềm” là sức mạnh dựa trên văn hóa, tư tưởng. Joseph Nye vẫn dùng những khái niệm này trong những tác phẩm nghiên cứu lịch sử thế giới của ông.

Từ giữa thế kỷ XX trong hoạt động truyền bá của các tôn giáo, “phương tiện mềm” được chú trọng nhiều hơn, một phần cũng do sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, từ in ấn, xuất bản đến phát thanh, truyền hình…

Về một số kết quả truyền đạo bằng “Phương tiện mềm” trong thế kỷ XX

1. Trường hợp đạo Tin Lành tại Hàn Quốc:

Hàn quốc vốn là một nước Phật giáo. Năm 1950, Hàn Quốc có khoảng 97% dân số theo đạo Phật. Đến thập niên 80, chỉ sau 30 năm, số người theo đạo Phật giảm 1/3, với sự gia tăng tín đồ Tin Lành và Thiên Chúa Giáo lên đến khoảng 30%. Việc gia tăng tín đồ Tin Lành và Thiên Chúa Giáo ở Hàn Quốc diễn ra tập trung ở thành thị. Các phương tiện truyền thông như in ấn, xuất bản báo in, phát thanh truyền hình, v.v... đã được các Giáo hội Tin Lành và Thiên Chúa Giáo tận dụng khai thác nhắm vào đối tượng là người dân ở các thành phố, đối tượng có điều kiện tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông hiện tại. Ngày nay, đạo Phật Hàn Quốc chỉ còn lại ở nông thôn, khép kín trong các nghi lễ cúng kiến, ma chay. Phần lớn Phật tử là người già, phụ nữ, nông dân có học vấn thấp. Những nhà hoạt động Phật giáo Hàn Quốc cũng ý thức được về vấn đề, nên bắt đầu quan tâm đến việc khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại, chẳng hạn như báo chí, phát thanh… để cố gắng khôi phục Phật giáo Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chương trình truyền thông Phật giáo tại Hàn Quốc vẫn còn nặng về kinh kệ, tán tụng, trong khi các chương trình truyền thông của các tôn giáo mới, đặc biệt là Tin Lành, lại đi sát với các vấn đề xã hội. Các số liệu thống kê cho thấy tín đồ Tin Lành tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục gia tăng mạnh.

2 - Trường hợp đạo Tin Lành ở Châu Mỹ La Tinh

Theo thống kê đăng trên sách The Clash of Civilization and the remarking of World order, tác giả Sammuel Hungtingson, thì tại Châu Mỹ La Tinh, xứ sở truyền thống của Thiên Chúa Giáo La Mã, số tín đồ đạo Tin Lành tăng từ khoảng 7 triệu người năm 1960 lên 50 triệu người năm 1990. Đặc biệt, “chất lượng”  tín đồ Tin Lành ở Châu Mỹ La Tinh cũng gia tăng, thí dụ ở Brazil đầu những năm 90 thế kỷ trước có 20% dân số theo đạo Tin Lành , 73% theo Thiên Chúa Giáo, nhưng vào chủ nhật thì lại có khoảng 20 triệu người đến nhà thờ Tin Lành, trong khi chỉ có 12 triệu người đến nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Lý giải về nguyên nhân của sự việc này, tác phẩm dẫn trên cho biết: “Các phong trào tôn giáo bao gồm cả những phong trào chính thống sử dụng rất thông thạo các kỹ thuật thông tin và tổ chức hiện đại để truyền bá thông điệp của họ, mà được minh họa rõ nét nhất là sự thành công của việc truyền đạo Tin Lành qua TV ở Trung Mỹ” (M.T. nhấn mạnh).

3. Trường hợp Chính Thống giáo ở Nga từ sau 1991

Cũng theo số liệu của tác phẩm trên, năm 1994, 30% số thanh niên Nga tuổi dưới 25 đã chuyển sang là tín đồ của đạo Chính Thống Nga. Số nhà thờ Chính Thống ở Moskva tăng từ 50 năm 1988 lên 250 vào năm 1993.

Nếu nhìn từ phương thức truyền đạo để lý giải thành quả truyền đạo của nhà thờ Chính Thống Nga thì có thể ghi nhận việc Giáo Hội Chính Thống Nga đã khéo léo khai thác sự ưu đãi của các hệ thống truyền hình ở Nga, dựa trên tình cảm đặc biệt của Tổng Thống Nga lúc bấy giờ là ông Yeltsin và của Duma Quốc gia Nga (Hạ Viện Nga) dành cho Chính Thống Giáo. Các buổi lễ của nhà thờ Chính Thống thường xuyên được đưa lên truyền hình, các tu sĩ đạo Chính Thống được tạo điều kiện thường xuyên xuất hiện trước ống kính TV và các chương trình truyền hình về văn hóa Nga thì được xây dựng với nội dung gắn liền với truyền thống đạo Chính Thống Nga…

4. Trường hợp Phật giáo tại Châu Âu và Bắc Mỹ

Đạo Phật truyền bá thành công sang Châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn cuối thể kỷ XX một phần nhờ vào phim ảnh, xuất bản phẩm, báo chí và nhờ trang web Phật học từ sau 1990. Chùa Phật giáo dành cho tín đồ Âu Mỹ tuy có tăng, nhưng không thể so sánh với số Phật tử Âu Mỹ hành đạo tại gia, tu tập theo kinh sách gia tăng “đại nhảy vọt”. Có kết quả này, không gì khác hơn là nhờ vào các “phương tiện mềm”, mà trong đó truyền thông đóng vai trò quan trọng.

5. Trường hợp Phật giáo tại lãnh thổ Đài Loan

Từ sau 1950, các giáo hội Tin Lành, đặc biệt là những giáo hội xuất phát từ Hoa Kỳ, và Giáo hội Thiên chúa La Mã, đã tổ chức nhiều “chiến dịch” truyền đạo với quy mô lớn tại lãnh thổ Đài Loan, tương tự những gì mà các giáo hội này đã làm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn là một xứ sở Phật giáo. Điều đã diễn ra ở Hàn Quốc đã không diễn ra ở Đài Loan. Tỷ lệ tín đồ Tin Lành và Thiên chúa La Mã so với tổng dân số Đài Loan vẫn không tăng. Đó là nhờ các nhà lãnh đạo Phật giáo Đài Loan đã sớm nhận thức được vai trò của các phương tiện truyền thông trong hoạt động hoằng pháp và huy động được tổng lực các “phương tiện mềm”, đặc biệt là phát thanh và truyền hình. Ngày nay, mục tiêu của đài truyền hình Phật giáo BLTV (thuộc Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan) đang nhắm đến mục tiêu khôi phục và chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa Đại Lục bằng việc sử dụng công nghệ truyền hình vệ tinh kỹ thuật số, một trong những công nghệ truyền hình hiện đại nhất hiện nay, phát hình toàn Trung Hoa và Châu Á, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ.

“Phương tiện mềm” – Thế mạnh của Phật giáo

Phật giáo chúng ta đã không hề và không bao giờ sử dụng đến bạo lực, quyền uy, sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế để truyền đạo. Như vậy, chúng ta chỉ có “phương tiện mềm”. Đây là phương tiện duy nhất và là phương tiện sở trường của chúng ta. Nếu không ý thức về điều này, chúng ta sẽ không còn phương tiện nào cả để truyền đạo. Nếu như thế, Phật giáo sẽ như một ngọn đèn tắt dần. Một tôn giáo chỉ thực sự tồn tại khi nó còn truyền đạo, và truyền thông là công cụ sống còn của Phật giáo chúng ta. Ưu thế về sự thâm sâu của tư tưởng, về giá trị quan điểm nhân sinh của Phật giáo chỉ phát huy tác dụng khi nó được truyền bá đến với tất cả mọi người, nghĩa là khi triệt để khai thác “phương tiện mềm”. Bỏ quên phương tiện này, chúng ta sẽ hầu như không còn gì cả.

“Phương tiện mềm”, đó là hoạt động xuất bản, báo chí, diễn giảng như trước nay chúng ta vẫn làm và đó còn là phát thanh, truyền hình, internet, những phương tiện chỉ mới phổ biến trong vài chục năm nay. Không kịp thời nắm lấy những cộng cụ hiện đại và đắc dụng thuộc “phương tiện mềm” này, Phật giáo Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn như Phật giáo Hàn Quốc đã gặp phải trong những thập niên trước, mà bây giờ việc đối phó không còn kịp nữa.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 52, tr.87, 2008]