Hãy tỉnh giác với “thức ăn” của tai, mắt..

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Theo lời dạy của đức Phật, con người sống không phải chỉ có một loại thức ăn duy nhất được đưa vào cơ thể bằng miệng (đoạn thực) mà có đến bốn loại thức ăn cần thiết trong đời sống của mỗi người. Bốn thức ăn ấy là: Đoạn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực!


Loại thức ăn được đưa qua đường miệng (đoạn thực) cần phải chọn lọc, tẩy trùng cẩn trọng (không bị ôi thiu, ô nhiễm mầm bệnh, đủ yêu cầu vệ sinh sạch sẽ, v.v…) bao nhiêu, thì loại “thức ăn” qua đường tai, mắt… lại cần phải được quan tâm, tỉnh giác chọn lọc gấp bội! Chúng ta có thể nói: “Bệnh tật nơi thân do miệng mà sinh ra” – còn: “Bệnh tật nơi tâm hồn, do tai mắt sinh ra” cũng không ngoa chút nào!

Tuy vậy, thông thường – người ta chỉ chú trọng đến thức ăn qua đường miệng – còn “thức ăn” quan trọng hơn qua đường tai, mắt (…) thì bỏ quên (!). Hay nói cách khác, cứ tỉnh bơ “nghe, đọc, xem …” một cách hết sức tự do, tùy tiện, đôi khi rất… bừa bãi!

Họ làm vậy cũng có lý – bởi vì thức ăn qua đường miệng – ngay sau đó một giờ, hai giờ (hay 1 buổi/ 1 ngày) là biết “kết quả” ngay! Ăn nhầm thức ăn bị ô nhiễm, ôi thiu, dơ bẩn (…) thì sẽ bị đau bụng, tiêu chảy cấp, ói mửa, suy nhược cơ thể, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Còn loại “thức ăn” đi qua đường “tai, mắt…” thì “kết quả” của nó là khá lâu. Vài ba năm, chục năm hay dài hơn nữa! Nhưng “hậu quả” gây ra thì cực kỳ nguy hiểm – không thể lường trước được (!). Các “độc tố” của loại “thức ăn bằng tai, mắt…” bị ô nhiễm có thể theo ta đến hết cuộc đời… (nó không trực tiếp gây chết người ngay nhưng chết từ từ, chết trong mỏi mòn, trong tội lỗi và tuyệt vọng!).

Nếu cứ mãi xem phim bạo hành, đánh đấm, chém giết, đồi trụy, vô luân (…) thì “độc tố” từ các thức ăn ấy thâm nhiễm vào tâm hồn, trí óc tạo nên một mẫu người (hay cả thế hệ) na ná như vậy! Tương lai của những con người bị nhiễm độc ấy sẽ ra sao? Xã hội loài người sẽ hỗn loạn, vô cảm, suy đồi đến như thế nào?

Đọc những tập truyện (hay bài báo) mà đầy rẫy sự phẫn nộ, khiêu dâm, bạo lực, buồn chán, tuyệt vọng, v.v… thì làm sao trong tâm hồn người đọc có được “dưỡng chất” của lòng từ bi, của tình yêu thương, của niềm hy vọng của đời sống trong sáng – hướng thượng?

Và thơ, gần đây, đang có các “trường phái” thơ “Tân hình thức, Hậu hiện đại, Thơ mở rộng, Hậu nữ quyền luận, v.v…” đang theo “trào lưu” đổi mới xâm nhập vào sinh hoạt thi ca (nhiều nhất là trên mạng – các trang web, blogs…) – với những ý tưởng trần trụi, khô khốc, ngông cuồng, lập dị và tình cảm thì chai mòn, trơ cứng, tục tĩu, tuyệt vọng. (Rất hiếm khi đọc được những bài thơ trong sáng, sâu sắc, mới lạ, chứa chất niềm tin, niềm hy vọng, hay khát vọng vươn tới một đời sống hạnh phúc, an lạc, có ích cho mình cho người!).

Rồi nhạc – đủ loại, ngoài dòng nhạc chân chính có giá trị nghệ thuật (về nhạc, và lời) – còn lại, nhiều khúc ca “nhái lại” (hay bắt chước) âm điệu nước ngoài – ồn ào, rầm rập, hỗn loạn với “lời ca” vô cùng “cải lương” và hạ cấp! Ca sĩ chỉ chủ yếu phơi bày thân thể, áo quần, bộ điệu, v.v… mà “lời ca” thì “không nghe được” gì(!)

Giữa muôn vàn “thức ăn sạch-không sạch” ấy, người “thưởng thức” cần chọn lọc cho mình (và cả cho con cháu mình) những thức ăn “không bị ô nhiễm” nhiều loại “vi khuẩn” có thể xâm hại đến tâm hồn, đời sống tâm linh của mình là một điều tối cần thiết. (Chúng ta quan tâm đến giới trẻ – họ luôn năng động và hiếu động, luôn tò mò “tìm hiểu, hưởng thụ” cái mới, mà chưa có đủ kinh nghiệm tinh tế sâu lắng để nhận ra loại “siêu vi khuẩn” vô cùng nguy hại ấy cho tương lai lâu dài của mình sau này!).

Tóm lại, nếu chúng ta hằng ngày luôn cảnh giác tìm nguồn “thức ăn sạch” cho thân (qua đường miệng) – thì cũng cần tỉnh giác, chọn lọc thật kỹ nguồn thức ăn “không bị ô nhiễm” cho tâm hồn (qua đường tai, mắt …) Mọi sự lãng quên, thờ ơ – chắc chắn sẽ đem lại sự nguy hại lâu dài cho cả một đời người và cho cả nhiều thế hệ…

Mang Viên Long
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.76, 2007]