Hiện nay, trong một số buổi lễ Phật giáo, người điều khiển chương trình là một đôi nam nữ trẻ, đẹp, thực hiện chức năng điều khiển buổi lễ như những MC trong các buổi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… Đó là vấn đề mà chúng tôi muốn nêu và bàn luận ở đây.
Người điều khiển chương trình trong các buổi lễ Phật giáo truyền thống
Trong nghi lễ Phật giáo, chúng ta có danh từ “chủ lễ”, chủ lễ chính là người điều khiển chương trình trong các buổi lễ Phật giáo truyền thống ở tất cả mọi tông phái Phật giáo, kể cả Nam tông. Nội dung chương trình lễ được thực hiện theo lời của vị chủ lễ, qua đoạn kinh văn mà vị chủ lễ xướng lên và đại chúng đồng thanh đọc theo. Nội dung và trình tự nội dung chương trình lễ, như vậy là do vị chủ lễ ấn định và tuyên xướng, chỉ đạo thực hiện.
Người điều khiển chương trình trong các buổi lễ quan trọng ở thế gian hiện nay
Trong các buổi lễ quan trọng thường có đoàn chủ tọa và đoàn thư ký. Đoàn chủ tọa đương nhiên có chức năng điều khiển cuộc lễ. Trên thực tế, đoàn thư ký thừa ủy nhiệm của đoàn chủ tọa điều khiển chương trình buổi lễ. Về nguyên tắc, điều này hoàn toàn tương tự với vai trò người chủ lễ trong các cuộc lễ Phật giáo, có điều ở thế gian, đoàn chủ tọa ủy nhiệm cho đoàn thư ký thực hiện vai trò điều khiển chương trình. Đóng vai trò điều khiển thực sự vẫn là đoàn chủ tọa (tức chủ lễ trong Phật giáo). Đoàn thư ký trong buổi lễ không có quyền “ra lệnh” đối với đoàn chủ tọa. Chẳng hạn, để ý kỹ các buổi lễ được phát qua sóng truyền hình, chúng ta sẽ thấy đại diện đoàn thư ký giữ nhiệm vụ điều khiển chương trình buổi lễ có thể mời các đại biểu cử hành nghi thức chào cờ, nhưng không hô “nghiêm” vì ra lệnh như vậy là chức năng của chỉ huy, chỉ đạo, đoàn thư ký không có quyền.
Việc du nhập MC vào các buổi lễ Phật giáo và sự hạn chế của nó
MC, là từ viết tắt của cụm từ “Master of Ceremony” trong tiếng Anh, cũng có nghĩa là người chủ lễ với vai trò hết sức trang trọng. MC phân biệt rất rõ với người giới thiệu chương trình hay người dẫn chương trình là presenter. Presenter không có thẩm quyền như MC. Chúng ta đã lẫn lộn ở đây “MC” phổ biến trong chương trình ca múa nhạc, trình diễn thời trang, lễ hội chương trình phát thanh truyền hình… theo cách gọi hiện nay ở Việt Nam, chính là “Presenter”, mà đã là Presenter, thì không phải master, không thể chủ trì, điều khiển đại diện ban tổ chức, không thể “ra lệnh” hay thay mặt cảm ơn… Ở nước ta hiện giờ không có khái niệm “presenter” nữa, mà tất cả đều được gọi là “MC”!
Người giới thiệu chương trình, có thể “tạm” coi là MC, trong các buổi trình diễn ca múa nhạc, lễ hội,… đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, từ “MC” và hình thức điều khiển chương trình với một đôi nam nữ vừa nói chuyện với khán giả, vừa nói chuyện với nhau một cách thoải mái, tạo sự sinh động cho buổi biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang,… chỉ mới xuất hiện trong khoảng gần 20 năm nay ở Việt Nam. Nguồn du nhập có lẽ rất nhiều, nhưng ở Sài Gòn, thì người ta thường được xem kiểu giới thiệu chương trình bằng đôi MC như vậy qua một số các chương trình video hải ngoại. Cách giới thiệu chương trình biểu diễn như vậy là lạ, nhưng không hẳn là hay hoàn toàn, phần nào nó tạo ra không khí sinh động, sôi nổi, hấp dẫn, tất nhiên là hơn một người với lời giới thiệu ngắn gọn, nghi thức. Nhưng không hiếm khi MC đi quá đà, nói nhiều để khẳng định mình đôi lúc lạc đề… Chúng tôi đã thấy rất nhiều chương trình ca nhạc khi in sang lại người ta cắt bỏ lời của MC, có khi mất hẳn “dấu vết” MC. Điều này chứng tỏ không phải khán giả chấp nhận 100% kiểu MC như vậy.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì hình thức MC cặp đôi cũng chỉ có thể thích hợp với các buổi biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang sinh hoạt lễ hội. Nó hoàn toàn không thích hợp với các buổi lễ long trọng, các buổi lễ Phật giáo, càng không thích hợp với các buổi đại lễ, nhất là các buổi lễ mang tính quốc tế. Trước hết, nó đánh mất nguyên tắc căn bản của nghi lễ Phật giáo là thẩm quyền điều khiển chương trình thuộc về vị tôn đức chủ lễ. Ở trường hợp các cuộc lễ hiện đại, thì nguyên tắc đó vẫn cần phải được tôn trọng, dưới một hình thức thích hợp. Người điều khiển cuộc lễ cần thiết phải là người đại diện cho vị tôn đức chủ lễ, hoặc là người thừa ủy nhiệm của vị tôn đức chủ lễ. Trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển chương trình cuộc lễ Phật giáo phải thể hiện và bảo đảm sự tôn nghiêm cho hình ảnh vị tôn đức chủ lễ, vì người điều khiển chương trình lễ là người đại diện cho người chủ lễ. Để đại diện hoặc thừa ủy nhiệm vị tôn đức chủ lễ, người điều khiển cuộc lễ tốt hơn hết là một tu sĩ. Nếu là một cư sĩ thì vị cư sĩ đó nên là một vị cao tuổi và tất nhiên là phải tránh trường hợp “cặp đôi”, hết sức mất trang nghiêm, mất long trọng, ảnh hưởng đến vị chủ lễ.
Thứ hai, cho dù đôi MC điều khiển chương trình cuộc lễ Phật giáo có phát biểu trang trọng tới đâu đi nữa, thì hình ảnh một đôi MC nam nữ đứng trên lễ đài cũng làm người tham dự cuộc lễ liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc của các đôi MC trên các sân khấu ca múa nhạc, trình diễn thời trang,… Nó làm “sân khấu hóa” lễ đài cuộc lễ Phật giáo. Đây là một điều rất tai hại, cần hết sức tránh. Dù gì thì hình thức đôi MC nam nữ cũng đại diện cho một giai đoạn nhất định, một số loại hình sinh hoạt văn nghệ nhất định, tạo cho người xem một số ấn tượng liên tưởng nhất định. Nó không thích hợp cho hoạt động nghi lễ Phật giáo dù ở cấp độ thấp nhất.
Đối với các cuộc lễ Phật giáo quốc tế, thì người phiên dịch không nên được coi ngang hàng với người điều khiển chương trình lễ. Tức là không có vai trò người đại diện, người thừa ủy nhiệm của vị chủ lễ, mà chỉ có chức năng phiên dịch ra ngôn ngữ thứ hai mà thôi.
Cuối cùng, cần xác định lại, người điều khiển chương trình trong các buổi lễ Phật giáo mang tính đại chúng hiện nay không phải là presenter, mà chỉ là master of ceremony. Vai trò của MC – Master of Ceremony khác Presenter ở chỗ trang trọng và có thẩm quyền. MC trong các buổi lễ Phật giáo đại chúng (master of presenter, không phải MC trong cách hiểu thông thường) có thể là tăng sĩ, có thể là cư sĩ, nhưng đều có chung một yêu cầu là bảo đảm sự trang nghiêm. Ở đây, MC không thể “sinh động” “tươi vui” thoải mái, tự nhiên pha trò như MC (chính ra là presenter) trong các chương trình múa nhạc, thời trang, lễ hội, mà phải là người đủ phẩm chất đại diện ban tổ chức, đủ khả năng bảo đảm sự tôn nghiêm của cuộc lễ, nhất là các buổi lễ mang tính quốc tế.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.72, 2007]