Các hoạt động đón mừng lễ hội Vesak lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đại lễ Vesak là một trong những hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Sau khi lễ hội Vesak kết thúc ở Thái Lan 2007, Hòa thượng GSTS.

Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương đại lễ Vesak LHQ công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai ĐLPĐLHQ 2008, do GSTS. Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM làm chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC). Đây là một sự kiện quan trọng cho những người con Phật Việt Nam nói riêng và là một niềm vinh dự cho quốc gia Việt Nam nói chung.

Theo thông tin từ văn phòng IOC, lễ hội Vesak 2008 tại Việt Nam được diễn ra từ ngày 13/05/2008 đến ngày 17/05/2008 (nhằm ngày mùng 9-13 tháng 4 Bính Tý), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, dưới sự điều phối kết hợp giữa chính phủ Việt Nam và Phật giáo, dự kiến trong suốt bốn ngày này sẽ hội thảo tập trung vào những chủ đề chính về vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh, các giải pháp về hòa bình cho thế giới, sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội, giải pháp của Phật giáo đối với vấn đề môi trường, sự thay đổi khí hậu, các vấn nạn gia đình hay Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số… Đối với Phật giáo Việt Nam, lễ hội Vesak là một sự kiện quan trọng hơn 2000 năm qua. Khách mời dự kiến trên 600 đoàn Phật giáo đến từ 90 quốc gia và lãnh thổ khác nhau trên thế giới; cùng đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước chung vui đón mừng lễ hội Phật đản năm 2008.

Vào ngày lễ Vesak LHQ, trên khắp đất nước, không khí Phật đản bao trùm từ trong nhà ra ngoài phố, từ thành thị đến thôn quê, ai nấy đều nô nức đón mừng ngày đản sinh của đức Từ phụ.

Ngoài sự chuẩn bị đón tiếp đại biểu quan khách trên thế giới về tham dự tại tòa nhà hội nghị Quốc hội, các đơn vị Phật giáo tại các tỉnh thành cũng tổ chức nhiều hạng mục, chương trình đặc biệt cho đại lễ Phật đản năm nay.

Tại TP.HCM, khởi động mùa lễ hội này là hội thi văn nghệ, sau khi trải qua vòng sơ khảo tại các tổ, quận có 72 tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc Phật giáo và văn hóa truyền thống của các Gia Đình Phật Tử được tuyển chọn vào vòng bán kết tại nhà văn hóa truyền thống chùa Phổ Quang. Sau đó là 22 tiết mục được tuyển chọn vào vòng thi chung kết tại nhà hát Bến Thành và lễ trao giải sẽ được tổ chức tại nhà hát Hòa Bình vào ngày 5/5/2008; lễ đài chính của thành hội sẽ được trần thiết tại sân vận động Quân khu V.

Tại TP. Huế, nơi được coi là chiếc nôi Phật giáo của cả nước, mùa Phật đản hằng năm đã không kém phần sôi động và năm nay lại càng sôi động hơn nhiều lần. Nhằm khẳng định tầm vóc của mình đối với Phật giáo các tỉnh thành trong nước và tạo ra ấn tượng sâu sắc, cảm động đối với bạn bè quốc tế; chương trình “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” sẽ chính thức thắp sáng sông Hương từ ngày 8 đến ngày 15/4AL. Công viên Thương Bạc sẽ là nơi trần thiết lễ đài chính của thành phố; bên cạnh đó là chương trình rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm trên đoạn đường được trang trí theo mô hình của Phật giáo. Thiền viện Trúc Lâm tại Bạch Mã, Huế trong dịp này cũng đã an vị tôn tượng Phật Thích Ca, công trình của thiền viện khơi gợi một màu sắc Phật giáo và Thiền tông đời Trần, giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới về một dòng thiền đặc sắc của Phật giáoViệt Nam.

Tại TP. Đà Nẵng, lễ đài chính năm nay sẽ trần thiết tại Công viên Nước của thành phố. Các chùa đều trần thiết lễ đài và 2 chùa làm 1 chiếc xe hoa.

Tỉnh Bình Dương, lễ đài chính của tỉnh năm nay sẽ tổ chức tại khu du lịch chùa Đại Nam, một khu du lịch mang đậm màu sắc truyền thống, tuần lễ sẽ kéo dài từ ngày 8 đến ngày rằm và khu du lịch sẽ mở cửa không bán vé như mọi ngày, chương trình lễ sẽ được đài truyền hình Bình Dương truyền hình trực tiếp.

Cũng để chào mừng lễ hội, dàn hợp xướng-giao hưởng với tên gọi “Khai Giác” ra đời, huy động đến 500 người trình diễn trong vòng 40 phút được đánh giá là “có một không hai trong lịch sử âm nhạc Phật giáo Việt Nam”.

Nhìn chung, không khí Phật đản năm nay trên mọi miền đất nước có thể nói sôi động, hào hứng, đầy triển vọng. Không những các tỉnh, quận, địa phương đã nêu trên mà tất cả các tỉnh thành khác còn làm xe hoa diễn hành, và nhiều chương trình khác để đón mừng một mùa Phật đản mang tầm vóc thế giới; đáp ứng kì vọng của một dân tộc có  phần lớn dân số là tín đồ Phật giáo. Lễ đài chính của các tỉnh, thành hội không chỉ nằm trong khuôn khổ của chùa viện mà đã trần thiết những nơi công cộng như công viên, sân vận động… đa số chùa nào cũng có lễ đài, vườn Lâm-tỳ-ni, xe hoa… Văn hóa phẩm Phật giáo tại các gian hàng văn hóa phẩm nở rộ những cờ phướn, đèn nến, đèn lồng, biểu ngữ, banner, sách, thiệp…

Việt Nam đã được LHQ chọn làm địa điểm cho lễ hội Vesak năm 2008, ấy là một vinh dự cho Phật giáo Việt Nam khẳng định mình trên trường Phật giáo quốc tế. Phật tử Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện các chương trình cho đại lễ trong phạm vi, điều kiện và khả năng của mình. Hy vọng mùa Phật đản năm nay sẽ mở ra bước phát triển tốt cho Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói riêng và Phật giáo trên thế giới, hòa bình thế giới nói chung. Chúng ta cùng chắp tay cầu nguyện cho một nền Phật giáo hòa bình, hưng thịnh.

Quảng Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.93, 2007]