Tiến trình nhập thế truyền thống của đạo Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngày nay, đạo Phật đã được truyền bá khắp nơi trên thế giới, chứng tỏ tinh thần nhập thế xuyên suốt từ xưa đến nay. Đức Phật đã từng dạy cho 60 vị đệ tử được độ đầu tiên và chúng A-la-hán rằng: “Hãy đi! Hỡi các Tỳ-kheo, vì lợi lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng.

Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỳ-kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh...” (Đại phẩm 19). Trải qua hơn 2500 năm, phương pháp và tông chỉ đó đã được thực hiện qua quá trình nhập thế của đạo Phật: đem Đạo vào Đời, đóng góp rất nhiều cho con người và xã hội.  

Nhập thế của đạo Phật: đem Đạo vào Đời là đem ánh sáng từ bi, trí tuệ của đức Phật soi rọi vào những nơi tối tăm, cứu vớt những người cùng khổ, giải quyết những vấn nạn của xã hội, hướng đến mục đích hòa bình, thịnh vượng cho nhân loại theo tinh thần đạo Phật. Giáo pháp của đức Phật được đưa vào Đời như trận mưa lớn tưới tẩm cho tất cả cỏ cây khô cằn; tùy theo từng chủng loại cao thấp mà chúng có thể hấp thụ và phát triển tươi tốt. Giáo pháp ấy thấm sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, trải rộng khắp nơi, nhưng không vì thế mà bị phai  màu, biến chất. Trái lại, bản chất của nó vẫn không thay đổi. Như nước biển trong các đại dương đều một vị mặn. Đạo Phật cũng vậy, chỉ có một vị giải thoát.

Đạo vị giải thoát không bị thay đổi nhưng đạo Phật nhập thế có sự thay đổi so với nguyên thủy. Vì điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, v.v… cũng như thời gian ở từng địa phương có sự khác biệt nên đạo Phật phải tùy duyên thay đổi cho tương thích để dễ dàng thể nhập vào nơi đó và tồn tại được lâu dài. Chính vì vậy, đạo Phật đã trở nên đa dạng và phong phú. Như chúng ta đã thấy, đạo Phật ở Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Tây Tạng, các quốc gia Nam Á, Châu Âu, Châu Mỹ, v.v… đều khác nhau, mang đậm nét văn hóa của mỗi nước.

Như thế, đạo Phật đã đi vào đời hơn 25 thế kỷ, chứ không phải mới thời đại ngày nay. Sự thật đã có từ xưa nhưng luôn có vấn đề mới với mọi thời đại: “Đạo Phật nhập thế: đem đạo vào đời – đem đời vào đạo?”

Khái niệm Đạo và Đời là hai phạm trù có mối quan hệ biện chứng, tồn tại sinh động trong mối tương quan xã hội đa dạng, phức tạp. Cùng một không gian, thời gian, Đạo và Đời đan xen nhau, khó có thể phân biệt rạch ròi, nhưng không vì thế mà yếu tố Phật bị lu mờ. Tại một địa điểm chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh có ba sự khác biệt rõ rệt: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Yếu tố Đạo đã bao trùm lên trên tất cả, tạo nét sinh động cho bức tranh. Nhưng khái niệm Đạo và Đời không đơn giản chỉ là sự khác biệt giữa chốn thiền yên tĩnh với phố thị náo nhiệt. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phân loại một cách triệt để sự khác nhau giữa Đời và Đạo được. Chúng ta gạt bỏ tất cả những thứ được gọi là “Đời” ra khỏi “Đạo” để được Đạo thuần túy là điều không thể được. Lục tổ Huệ Năng đã từng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ-đề, du như cầu thố giác”. Đức Phật thị hiện ở cõi Ta-bà này để dạy cho chúng sanh thấy khổ, biết nguyên nhân của khổ, thấy an lạc giải thoát và biết đường dẫn đến đó, thì chúng ta phải ngay trong cõi khổ đau này tu tập theo lộ trình của đức Phật đã dạy thì mới đạt mục đích an lạc giải thoát; nếu ở thế giới xa lạ viễn vông mà tìm cầu thì chẳng khác nào đi tìm lông của con rùa, sừng của con thỏ; những vọng tưởng gán ghép trong óc tưởng tượng phong phú của phàm phu, chứ không có trong thực tế. Chỉ ở cõi này và ngay lúc con người thực hành lời đức Phật dạy là đang sống với Đạo ngay trong Đời.

Tuy hai khái niệm khó phân biệt nhưng không dễ bị lẫn lộn. Đạo Phật đã trải qua hơn hai thiên niên kỷ, mà không bị tư tưởng “hiện đại” đặt ra như các tôn giáo ở Châu Âu để đi đến “thế tục hóa”. Bởi vì, đạo Phật là đạo siêu việt, đạo tối thượng.

Trở lại vấn đề đạo Phật nhập thế. Tiến trình Đạo vào Đời hay Đời vào Đạo là hai tiến trình của quá trình đạo Phật nhập thế. Nếu đem Đạo vào Đời thì Đời sẽ vào Đạo và ngược lại như quy luật tất yếu, khách quan. Chính vì vậy mà hình thức hoằng pháp truyền thống: đem Đạo vào Đời đã giúp cho đạo Phật trở nên đa dạng trong mọi lĩnh vực của xã hội. Điều đó chứng tỏ là Đời đã vào Đạo qua tiến trình đem Đạo vào Đời. Nếu ai đó cho rằng, Đời vào Đạo như vậy chưa đủ, cần phải tác động thêm vào tiến trình này - “đem Đời vào Đạo”, đóng góp một cách thiết thực để xây dựng Đạo mau phát triển về hình thức, qua đó sẽ có được tiến trình ngược lại là Đạo vào Đời. Thiện chí chủ quan này đáng được tán thán, nhưng cần lưu ý nên nghiên cứu kỹ, tuy có phần tích cực nhưng dễ rơi vào tiêu cực, hoài công vô ích.

Chúng ta tin chắc rằng, dù cố “đem Đời vào Đạo” nhiều đến mức có thể biến chốn thanh tu yên tịnh thành khu du lịch ồn náo; hay mái chùa đơn giản ẩn mình giữa rừng sâu, hoặc ở bên vách núi, hoặc ẩn mình dưới tàn cây xanh được dời ra đứng sừng sững dọc theo đại lộ, hoặc mặt tiền phố thị sầm uất với kiến trúc cầu kỳ và không thiếu những phương tiện sinh hoạt tiên tiến; hay những hoạt động xã hội chiếm hết thời gian tu tập, v.v… thì cũng không làm mất đi Đạo vị tồn tại từ xưa đến nay. Trái lại, chúng ta cũng biết rằng, bằng tiến trình này, Đạo vẫn có thể vào Đời không nhiều thì ít.

Đạo Phật nhập thế được đánh giá là phát triển khi phần Đạo ở trong đời chiếm tỉ lệ ngày càng tăng; ngược lại, tỉ lệ Đời ở trong Đạo tăng là chỉ cho dấu hiệu suy thối của Đạo. Nên biết rằng, đạo Phật vốn là suối nguồn vô tận, kho tàng vô giá của Đời. Vì vậy, Đạo cần gìn giữ và khai thác đúng mức để lợi lạc cho Đời được nhiều và lâu bền. Cho nên, quan điểm chú trọng đem Đời vào Đạo cần phải nghiên cứu cẩn trọng: những gì nên đem, những gì không nên đem, và đem bao nhiêu là vừa đủ để không bị dư thừa, không làm hoen Đạo.

Mọi người đều có quyền được tham gia vào quá trình nhập thế của đạo Phật và tự do lựa chọn một trong hai tiến trình của nó dựa trên điều kiện và khả năng của mình. Vấn đề đặt ra, nên lựa chọn tiến trình nào là tối ưu để có kết quả lớn từ một tác nhân nhỏ. Nói đơn giản là chọn tiến trình có lợi. Lợi ở đây xét theo ý nghĩa thế tục, giống như lợi có được từ giá trị dư thừa của việc cân-đong-đo-đếm trong kinh doanh. Dù lợi của Đạo sử dụng trong ý nghĩa tuyệt đối là mục đích tối hậu, là đạt đến giác ngộ, giải thoát. Nhưng, trong mối tương quan so sánh giữa Đạo và Đời thì cần phải sử dụng lợi theo ý nghĩa tương đối của thế tục để đánh giá lợi thế so sánh và kết quả đạt được. Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, đạo Phật nhập thế cần phải lựa chọn tiến trình để hành đạo ở tầm vĩ mô có lợi, tránh được sự va chạm, bị cuốn hút trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, tư tưởng.

Tóm lại, truyền thống đem Đạo vào Đời của đạo Phật đã đạt được kết quả không thể tính kể. Và quá trình nhập thế của đạo Phật vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh vì hòa bình cho thế giới và hạnh phúc cho nhân loại vẫn còn ở trước.

Hương Sơn
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.89, 2007]