Tuy sinh trưởng trong Nam, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe mẹ tôi trách các anh chị tôi: “Đất lề quê thói của mình gọi cha là Thầy, gọi mẹ là Bu; ngày xưa tao thường gọi các cụ là Thầy Bu có thấy chướng đâu. Cả làng mình ai cũng gọi thế, mà có thấy quê mùa gì đâu! Mà có quê mới có tỉnh chứ! Thuở bé chúng bay đều gọi tao là Bu, bây giờ lại gọi là Má, nghe thấy thế nào đấy! Đất trong này người ta gọi Tía, Má thì cũng là phong tục tập quán của người trong này, nhưng mình giữ lấy đất lề quê thói nhà mình chứ!!!”
Hồi mới vào Nam bố mẹ tôi chỉ mới có ba người con, một chị cả và hai anh của tôi. Theo chân đoàn di dân vào Nam, anh chị tôi đang gọi bố mẹ tôi bằng Thầy Bu, khi ra đường thường bị người trong Nam trêu chọc, nên bỗng đổi cách xưng hô với cha mẹ, gọi bố mẹ bằng Ba, Má. Mười năm sau khi vào Nam, bố mẹ tôi có thêm bốn chị em chúng tôi nữa, thành ra tôi có tất cả sáu anh chị em, với tôi nữa là bảy người con. Sanh trong Nam, tôi không biết gì về hai tiếng Thầy Bu thuở trước, nhưng nhờ một lần nghe mẹ trách các anh chị tôi mới biết, và mẹ bắt chúng tôi nếu sợ người ta nói mình quê mùa, không gọi Thầy Bu thì gọi bằng Bố Mẹ, vì tiếng Bố Mẹ người Hà Nội thường dùng gọi cha mẹ, mà người Hà Nội là người tỉnh thành!
Bố tôi đi làm xa, thường vắng nhà liên tục, cả năm bố mới có mặt ở nhà vài lần, chúng tôi lớn lên đều do sự dạy dỗ và chăm sóc của mẹ. Bà gặp không ít khó khăn trong sự hội nhập đời sống trong Nam và sự giáo dục anh chị em chúng tôi. Thuở ở Bắc, chân lấm tay bùn, bà chỉ biết làm ruộng, đến khi vào Nam, đời sống thành thị đã làm bà lúng túng, không biết làm gì để sinh sống, cả nhà chỉ sống vào đồng lương thợ thuyền của bố, nếp ăn nếp ở của người trong Nam cũng làm bà bỡ ngỡ, rồi khi con đến trường học, bà cũng chỉ biết đốc thúc anh chị em chúng tôi phải chăm học, chứ thật sự bà không giúp được cho anh chị em chúng tôi học vì mẹ tôi không biết chữ, thế nhưng bà vẫn có thể đọc trôi chảy truyện Tống Trân - Hoàng Triều, dăm ba câu Kiều và truyện “Đồi thông hai mộ” mà thuở con gái bà nghe đọc và học thuộc lòng. Bà chỉ có thể đánh vần, đọc được những dòng chữ quốc ngữ bằng cách ráp vần, sau thì bà học thuộc cửu chương từ 2 đến 9. Cả ngày mẹ tôi chỉ biết lo cơm nước và không ngơi miệng: “Chúng mày học bài chưa?” mà thôi!!
Trăng rằm tháng tư âm lịch sáng vằng vặc, sau cơn mưa hồi chiều, đường phố loang loáng những vũng nước lớn nhỏ, con hẻm xóm tôi tuy được tráng xi măng, nhưng lớp bê-tông không đủ tiêu chuẩn, dân cư lại không bảo quản nên chẳng bao lâu đường đã lỗ chỗ nứt nẻ, lớp bê tông bể tạo thành những ổ gà lớn bé. Cái trò đường công cộng đều như thế!
Ngày Phật đản, mẹ tôi vẫn có thói quen từ thời xa xưa để lại là nấu chè xôi cúng Phật. Cả ngày quần quật lo bữa cơm cho anh chị em chúng tôi và nấu nướng để cúng bái, đến sau bữa cơm tối mới rảnh rang chuẩn bị đi chùa. Tôi cũng thường theo mẹ đi chùa. Hôm qua bà đã đi chùa, vì là “ngày tư”, lối nói tắt của người Bắc thay vì nói đủ chữ là “ngày mười tư”, hôm nay là rằm bà cũng lại đi chùa, bà thường nghêu ngao hát câu chèo: “Nay tư mai đã là rằm, ai muốn ăn oản thì năng lên chùa ...” Bà đi chùa hai ngày liên tiếp như vậy ba hay bốn lần trong năm vào những ngày lễ lớn, còn thường mỗi tháng thì chỉ đi hai ngày 30 và 15 mà thôi, cái nếp đó mẹ tôi đã có từ ngày còn con gái. Thuở đó bà thường theo bà ngoại tôi khăn áo đi lễ chùa làng, và cũng là cơ hội để người phụ nữ nông thôn miền Bắc Việt Nam được dịp ra khỏi nhà ngoài công việc sinh nhai, đồng áng, nên ít nhiều thì họ cũng diện theo điều kiện gia cảnh. Mẹ tôi thường kể: “Tao được bà may cho cái yếm trắng viền vải điều xa-tanh, mặc chiếc áo ba tà cổ rộng, thắt lưng lụa vàng, mặc váy dài bằng lụa thâm, bà khen tao đẹp hơn bá (chị của mẹ), bà và bá đều mặc áo tứ thân, tao xách nón thúng quai thao lụa vàng cho bà, ba mẹ con đi chùa lễ Bụt, tắm Bụt, vui ơi là vui!!! Mà thuở đó ở quê mình, chùa làm lễ Đản sinh Bụt từ ngày mồng tám cơ, chứ không làm ngày mười lăm như bây giờ!” – “Thế thì Phật sanh chính xác vào ngày nào hả bu?” – Chị tôi hỏi – “Tao cũng chẳng biết, chỉ biết ngày xưa làm ngày mồng tám, còn bây giờ làm ngày mười lăm... Ôi, mà ngày nào cũng được, miễn trong tháng tư là được rồi!!!”
Nhà chúng tôi tọa lạc trong một xóm lao động giữa chợ Phú Nhuận và kinh Nhiêu Lộc, con kinh chảy dưới hai cầu Công Lý và cầu Kiệu, nên từ nhà tôi ra chùa Vĩnh Nghiêm rất gần. Nếu đi chùa xa thì mẹ tôi đi ban ngày, còn đã tối như hôm nay thì bà thường ra chùa Vĩnh Nghiêm. Đã gần 8 giờ tối mà vẫn chưa thấy bà thay áo dài, tôi giục:
- “Gớm, bu làm gì mà lâu thế?”
- “Gượm, thì mày cũng phải để tao vấn xong cái đầu đã chứ!”
Thỉnh thoảng tôi vẫn gọi mẹ tôi bằng Bu, bà có vẻ thích được gọi như thế, bà như sống lại cái thuở ở ngoài Bắc, thuở đó anh tôi thường lẽo đẽo đi theo bà lải nhải: “Bu ơi, con đói!” mỗi khi anh ta đói bụng. Mẹ tôi cười đưa hàm răng đen nhánh hạt huyền ra, ở trong nhà thì bà không cần đưa tay che miệng, chứ ở ngoài đường thì bà có thói quen đưa tay che miệng khi cười. Cái thói quen đó có từ khi vào Nam, vài bà hàng xóm người Nam thường hay chế giễu hàm răng đen của bà, rồi trẻ con trong Nam cũng hay hát những câu đại khái như là: “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ông trời quả báo hàm răng đen sì!” khiến bà phải che miệng khi cười với ai ngoài đường.
Vào Nam cả hơn chục năm, bà vẫn giữ kiểu tóc ấy mỗi khi đi đám sá hay lễ hội: “Mái tóc vấn” mẹ tôi để dài từ thuở chưa lấy chồng và quấn quanh đầu, một kiểu tóc chẳng biết có từ thời nào, anh tôi vẫn thường đùa: “Chắc có từ thời vua Hùng dựng nước”, nhưng vào Nam thì thường bị người trong Nam trêu ghẹo là “đội rế trên đầu”. Hết bị trêu chọc bởi hàm răng, rồi đến kiểu tóc, mẹ tôi cũng làm ngơ, coi như không, tính bà vốn ương ngạnh: “Cái răng cái tóc là vóc con người, thuở xưa đất lề quê thói nhà tao cho như vầy là đẹp, cô nào đi Hà Nội về để răng trắng là cả làng người ta xầm xì cho là thứ gái lẳng lơ, các cụ cho là giống Khách (người Tàu), nay tao vào đây thì lại bị người ta cười, nhưng tao quen rồi, bảo tao cắt tóc phi-dê, tao không làm được, còn cà răng cho trắng thì hỏng hết răng, làm sao mà làm, tao cứ giữ như vậy, đứa nào cười mặc kệ nó, nó cười hở mười cái răng, cười chán thì thôi!!!”
Mẹ con tôi ra đến chùa, tuy đã tối nhưng chùa vẫn đông nườm nượp, thuở ấy anh chị em chúng tôi không để ý một điều là: Không chỉ mẹ tôi mà tất cả những người Bắc di cư vào Nam, sinh sống tại Sài gòn thường hay đi những chùa của các Thầy miền Bắc, như chùa Từ Quang của Hòa thượng Tâm Châu, chùa Vĩnh Nghiêm của Thượng tọa Tâm Giác, chùa Hoằng Pháp của Hòa thượng Ngộ Chân Tử, mà lại rất ít đi các chùa của các Thầy miền Trung hay các tịnh xá của các Thầy Khất sỹ. Bây giờ hồi tưởng lại tôi nhận ra điều đó và cũng không cần hỏi tại sao, vì câu trả lời đã có sẵn: Khi đi các chùa quý Thầy miền Bắc thì mọi di dân miền Bắc như tìm lại nét hoạt động trong chùa như ở Bắc, từ giọng Thầy giảng, đến cách tụng kinh cũng giống miền Bắc, và dĩ nhiên là đều gặp Phật tử người Bắc, nên hàm răng và kiểu tóc quấn quanh đầu rất “hợp thời trang”. Cũng giống như bây giờ ở hải ngoại, có những địa phương có chùa Tàu, chùa Thái, chùa Lào, chùa Miên, chùa Tây Tạng, nhưng người Việt Nam chỉ đi chùa Việt Nam mà thôi.
Ở Bắc, người ta gọi Phật bằng Bụt, nên mới có thành ngữ dành cho những người xấc láo, bất kính với người trên: “Ở chùa gọi Bụt bằng anh”. Các cụ giải thích: “Gọi bằng Bụt mới đúng, đó là tiếng nước ta có từ ngàn xưa, từ khi đạo Bụt truyền từ Ấn Độ sang thành Luy Lâu nước mình. Còn gọi bằng Phật là do ta bị ảnh hưởng chữ Tàu, người Tàu họ viết chữ Bụt, nhưng mình lại đọc thành chữ Phật, thành ra do cách đọc chữ Tàu mới có chữ Phật”. Anh chị em chúng tôi thuở đó nghe giải thích như thế thì cũng như “vịt nghe sấm”, và cũng chẳng tìm hiểu tại sao làm gì. Nhưng mãi sau này mới hiểu, chữ Bụt phát xuất từ chữ Buddha, ngày xưa ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền đạo Buddha vào thành Luy Lâu nước ta thì ngài dùng chữ Buddha để gọi Phật, và dân mình gọi tắt, bỏ mất chữ “đa” phía sau mà chỉ gọi là “Bụt”, cứ thế cho đến ngày nay. Bây giờ có nhiều vị Tôn đức muốn dùng cách gọi Bụt để gọi cho đúng, không bị ảnh hưởng Tàu, nhưng chữ Phật đã ngấm sâu vào Phật giáo Việt Nam rồi, chữ Phật được dùng đa dạng như Phật tử, Phật giáo, Phật quốc tự, Phật kỳ, v.v... không thể thay được, vì các dạng danh từ trên đều là chữ Hán Nôm, nên bắt buộc phải dùng chữ Phật, chứ không lẽ gọi tín đồ là Bụt tử, vừa chữ Việt vừa chữ Hán Nôm, nửa nạc nửa mỡ, nghe chướng tai lắm!!
Lễ Phật xong, mẹ con chúng tôi ra tắm Bụt. Tượng đức Bổn sư Thích-ca đản sanh được đặt cao trên mặt nước từ một chậu nước bằng đồng lớn, trong chậu chứa nhiều cánh hoa đủ loại với nhụy sen thơm nhè nhẹ, cả chậu được đặt trên một bàn thờ trang hoàng oai nghiêm lộng lẫy, đèn, lọng, tràng phan, hoa quả bày biện rất đẹp, bên cạnh chậu có một chiếc gáo nhỏ, Phật tử dùng gáo múc nước trong chậu tưới nhẹ lên tượng Bụt, vừa tưới vừa niệm “Nam mô Lâm-tỳ-ni giáng đản Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật”. Mẹ tôi lấy nước tắm Bụt vuốt ngang vuốt dọc lên đầu chị em chúng tôi và cầu nguyện cho chúng tôi được thông minh, học hành tấn tới, sức khỏe lành mạnh. Rồi bà cũng không quên tự làm cho mình như vậy. Không phải riêng chúng tôi mà ai đến tắm Bụt xong cũng đều làm như thế cả.
Đứng hóng gió một chốc thì mẹ tôi giục chúng tôi ra về, cũng vừa đúng lúc chuông chùa đổ từng hồi báo sắp đến giờ chỉ tịnh. Vầng trăng lừng lững ngang đỉnh đầu, vài cụm mây trắng bay lững lờ, tọa lạc giữa thủ đô Sài Gòn, chùa Vĩnh Nghiêm đồ sộ oai nghi nhưng không thiếu vẻ sơn lâm cô tịch, mông lung huyền ảo dưới ánh trăng. Mùi hoa sứ, hoa lài, hoa ngọc lan, hoa sói quyện với mùi trầm hương thoang thoảng trong gió, tiếng phong linh từ tháp chùa hòa hợp vui nhộn như tiếng nhạc thiên cung mừng ngày đức Thế Tôn giáng đản, càng làm cảnh chùa thêm uy linh, huyền ảo.
“Cơn mưa hồi chiều là do thiên long phun nước tắm cho Bụt đấy!” - Mẹ tôi cất tiếng phá tan tư tưởng riêng mỗi người – “Thôi ta về!!”
Mẹ con chúng tôi lần theo cầu thang tiền đình chùa ra cổng tam quan, lòng rộn niềm hân hoan lâng lâng khó tả.
***
Đã gần bốn mươi năm qua rồi, mẹ tôi giờ đã ngoài 84, tuổi hạc lưng còng, hàm răng đen đã rụng hết, tóc lưa thưa không đủ để vấn quanh đầu. Anh chị chúng tôi cũng đều có cháu gọi bằng ông bằng bà. Những năm biệt xứ tha phương hải ngoại mỗi người một quốc gia, dù ở địa phương nào chúng tôi cũng vẫn có thể đi chùa vào dịp Phật đản, nhưng tìm lại hình ảnh, niềm rộn ràng cũ như ngày xưa thì không thể nào có nữa. Và nhất là mẹ tôi, hình ảnh những ngày lễ Bụt nơi chùa làng ở đất Bắc trước năm 1954 bây giờ chỉ còn là ảo ảnh trong A-lại-da thức, là những kỷ niệm xưa. Mùa Phật đản 2552 về, Việt Nam đăng cai tổ chức lễ Phật đản cho toàn Thế giới, sự chuẩn bị lễ hội rất hoành tráng, rầm rộ, huy hoàng nhưng vẫn không gây trong lòng mẹ tôi và chúng tôi một ấn tượng nào, vì trong lòng mẹ tôi đã đầy ắp hình ảnh đi chùa làng với bà ngoại tôi, và trong lòng chúng tôi thì chỉ chứa hình ảnh đi chùa Vĩnh Nghiêm với mẹ tôi. Không biết đời con cháu chúng tôi, chúng nó có một ấn tượng nào về lễ Phật đản khi đi chùa ở hải ngoại với chúng tôi ngày nay hay không??
Từ Khoa
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.69, 2007]