Thực tại đôi khi sinh động đến mức ngôn ngữ đời thường không sao bộc tả hết được, và người ta phải dùng một lối diễn đạt như lối nói hang đường, siêu việt ngôn thuyết, “phi khoa học” nói theo cách nói của duy vật thuần túy.
Đọc trong một số kinh văn Phật giáo, người đọc có đôi khi bắt gặp một vài sự kiện mang tính siêu việt ngôn thuyết như vậy nhưng có một đặc trưng rất riêng và xuất hiện trong nhiều bản kinh, “đại địa rung động sáu cách” là một trong những trường hợp đó. Và sáu cách này thường được thuyết minh như sau:
1. Phương Đông vọt lên phương Tây lặn xuống,
2. Phương Tây vọt lên phương Đông lặn xuống,
3. Phương Nam vọt lên phương Bắc lặn xuống,
4. Phương Bắc vọt lên phương Nam lặn xuống,
5. Bốn bên vọt lên chính giữa lặn xuống,
6. Chính giữa vọt lên bốn bên lặn xuống.
Lối thuyết minh này làm người đọc liên tưởng ra một mặt đất đang bình lặng bỗng nhấp nhô lên xuống như sóng trên mặt biển, chao đảo, nổi chìm.
Cụm từ đại địa rung động sáu cách có thể nói được xuất hiện rất nhiều trong các kinh văn Phật giáo, bởi lẽ ở dòng văn học này y cứ trên quan điểm Phật thân và theo đó những sự kiện trong đây cũng là những sự kiện siêu việt ngôn thuyết.
Sự kiện đại địa chuyển động theo sáu cách căn cứ vào một số kinh văn không chỉ được xuất hiện trong trường hợp báo hiệu điềm tốt, hy hữu, chưa từng có mà cả khi có điềm xấu cũng xảy ra sự kiện này. Về điềm tốt, đó là khi một vị Phật sinh ra, khi một vị Phật thành đạo và quyết định vận chuyển bánh xe chánh pháp, khi đức Thế Tôn hiện thần biến tướng thuyết pháp hy hữu đại thừa mà trước đây chưa hề thuyết, khi ngài thọ ký Phật vị cho một Bồ-tát… Đó là những trường hợp thường xuất hiện trong các kinh văn. Bên cạnh đó, khi đức Thế Tôn báo hiệu ngày bát-niết-bàn, khi có dấu hiệu của chánh pháp suy vong, các tỳ-kheo đệ tử đức Thế Tôn không lo tu tập mà chỉ lo hưởng thụ, tranh chấp, kiện tụng, bốn chúng đệ tử Phật không hòa hợp mà mâu thuẫn, chống báng, tàn hại lẫn nhau sự kiện này cũng xuất hiện như là một điềm báo xấu.
Giải thích về những hiện tượng này, một vài trường hợp được xem như là thần lực của Như Lai nhưng một số kinh lại xem đó là sức thần biến của địa thần.
Theo Đại Trí độ luận, thế giới rung động sáu cách trong trường hợp như điềm báo tốt sẽ được giải thích như sau:
“Hỏi: Phật làm sao làm rung động ba ngàn đại thiên thế giới?
Đáp: Vì muốn khiến chúng sanh biết hết thảy đều là không, vô thường.
Có người nói đại địa, mặt trời, mặt trăng, núi Tu-di, đại hải đều là thường. Thế nên Thế Tôn làm sáu cách chấn động, chỉ bày nhân duyên đó khiến biết là vô thường.
Lại nữa, như người muốn nhuộm áo, trước rũ bỏ bụi đất, Phật cũng như vậy, trước khiến chúng sanh trong ba ngàn thế giới thấy thần lực của Phật sanh tâm cung kính nhu nhuyến, vậy sau mới nói pháp; vì vậy nên nói sáu cách rung động đại địa.”
Như vậy, sự kiện thần biến này là sự hiển bày thần lực của đức Như Lai, với mục đích làm thính chúng củng cố lòng tin và dọn mình để nghe lời pháp báu mà ngài sắp tuyên thuyết.
Cùng với các sự kiện thông thường từng được xuất hiện trong các kinh văn như: Trời nhỏ lệ, chư thiên nữ rải hoa, thần càn-thát-bà trổi nhạc… Trái đất rung động theo sáu cách cũng là biểu hiện cảm xúc của địa thần. Địa thần theo quan điểm của Đại thừa Phật giáo là một loại chúng sinh trong hệ sinh linh thuộc về lục đạo. Bàng bạc trong các kinh văn, thính chúng trong pháp hội của đức Phật bao gồm tất cả các loại chúng sanh này. Những sự kiện làm rung động lòng người như đã được nêu trên hẳn là không thể không làm cho địa thần cảm động. Bởi địa thần cũng còn có đầy đủ lục tình như một chúng sinh, và cảm xúc đó được thể hiện bằng sáu cách rung chuyển này.
Xét từ lăng kính hiện thực của phàm phu tâm, mọi kiến giải cho sự kiện này đều được xem là tùy tâm mà cảnh hiện. Thế giới không rung chuyển sao được khi con người trên thế giới này, chủ nhân của thế giới này cảm thấy chao đảo, lạ lùng, rúng động trước sự kiện hi hữu, một bậc đại giác ngộ ra đời, một giáo pháp giải thoát tuyệt đối được nói ra, một chúng sinh sắp chuyển mình thành Phật quả hay một bậc đạo sư của trời người sắp thâu thần diệt độ, v.v… thế giới rung chuyển hay con người trên thế giới này rung cảm tận gốc rễ tâm can đôi khi không có lằn ranh phân biệt được, bởi chủ thể và sự vật trong bối cảnh bấy giờ đâu còn có đủ thời gian và khoảng cách để thấy khác biệt nhau. Và tần sóng cảm xúc dao động đến nỗi thấy ra đến vạn vật, và người người đều cùng thấy chấn động bởi sự kiện này.
Bàn thêm về cách dụng ngôn “đại địa”, một số giải thích mà ta thường thấy, đại địa hay đất, có mối quan hệ gần gũi với tâm mà ta thường thấy một từ na ná đó là tâm địa (đất tâm). Đại địa hay tâm địa, xuất phát từ liên quan: chữ địa ở đây có nghĩa là đất; tâm địa là mảnh đất tâm, như trong kinh Tâm Địa Quán đã nói “Các pháp thiện ác, năm thú, hữu học, vô học, độc giác, Bồ-tát và Như Lai đều từ tâm sinh cũng giống như các loại ngũ cốc, ngũ quả đều từ đất mọc, cho nên gọi là tâm địa”.
Tâm địa, tức cội nguồn của tất cả phàm thánh. Phàm phu vì mê tâm nầy, nên trôi lăn trong 3 cõi, 6 đường. Bậc Thánh vì ngộ tâm nầy mà trở về nguồn chơn, cắt đứt dòng sanh tử; Đại địa, hay đất là cội nguồn của muôn loại cỏ cây, núi rừng, lúa mè tre lau, và bùn nhơ, bụi bặm, rác rưởi… cũng đứng trong vòng tuần hoàn của đại địa này.
Hẳn sẽ không có gì là khiên cưỡng khi dẫn từ “tâm địa” để nói đến đại địa cho giải thích về thế giới rung động sáu cách. Bởi lẽ, cụm từ mô tả hiện tượng này xuất hiện trong các kinh điển thuộc văn hệ đại thừa, một thể loại văn học hàm tàng và vượt lên trên ý nghĩa “văn dĩ tải đạo”, bên cạnh đó lại là “bất hoại giả danh nhi thuyết thật nghĩa”, tư tưởng đại thừa được xây dựng trên quan điểm Phật thân và những ngôn ngữ đời thường đôi khi phải khoác thêm ý nghĩa huyền hoặc mới có thể mô tả được thật nghĩa của ý kinh, và vì vậy ngôn ngữ trong văn hệ này đôi khi là ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ của ý từ siêu việt. Và chúng ta phải ngay trên ngôn ngữ và biểu tượng mà thể nhận chính bản thân sự vật.
Lối mô tả cảm xúc của kinh văn đại thừa về những sự kiện lớn lao như thế là một lối mô tả độc đáo hết sức sinh động để bộc lộ trọn vẹn cảm xúc đối với những sự kiện quá hi hữu của con người. Lối dụng ngôn của hệ văn học này đã đảm đương được vai trò đó. Sự kiện đại địa rung động sáu cách như vậy đã là một thực tại đầy nhiệm mầu, thiêng liêng siêu việt ra ngoài những quán lệ của ngôn từ, của ước định, của tư duy thường tình của thế gian.
Chú Thích:
1. Kinh Đại phẩm Bát-nhã, theo Đại trí độ luận, quyển VIII
2. Kinh Vị tằng hữu, kinh Phật bản hạnh, kinh Phương quảng Đại trang nghiêm
3. Sđd.
4. Kinh Đại Bảo tích, kinh Đại bi, niệm Phật ba-la-mật, kinh Thủ Lăng nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Trường A-hàm…
5. Kinh Pháp Hoa
6. Kinh Đại bát niết-bàn
7. Kinh Pháp diệt tận tướng, Tạp A-hàm, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích
8. Đại Trí độ luận, quyển VIII, Thích Thiện Siêu dịch, viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997
9. Lục đạo: Thiên, Nhơn, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh
10. Kinh Bát-nhã
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.64, 2007]