Cao cả thay lời nguyện lành và cương quyết của vị Sa-môn trẻ! Sau khi phát đại nguyện, Ngài ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề nhập thiền, quán tưởng…
Cao cả thay lời nguyện lành và cương quyết của vị Sa-môn trẻ! Sau khi phát đại nguyện, Ngài ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề nhập thiền, quán tưởng… rừng Bồ-đề dường như yên tịnh hơn, thanh vắng hơn sau khi tất cả các vị đạo sĩ đã cùng nhau bỏ sang khu rừng khác để tiếp tục phương pháp tu khổ hạnh ép xác của mình, chỉ còn lại vị Sa-môn trẻ với rừng già sâu thẳm, với tiếng gió lộng muôn đời giữa ngàn cây, với muôn thú gầm gào trong buổi chiều hoàng hôn về muộn… Trăng lên, ánh vàng tỏa sáng khắp khu rừng Bồ-đề đại thọ, dường như đêm nay ánh trăng rực rỡ hơn mọi hôm, càng về khuya ánh trăng càng lung linh huyền ảo, cảnh vật thật tĩnh mịch lạ thường giống như sắp có một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bóng vị Sa-môn trẻ nổi bật dưới gốc Bồ-đề lớn nhất trong khu rừng, Ngài ngồi bất động, xếp hai chân đan chéo vào nhau trong tư thế kiết già nhập thiền, bắt đầu quán tưởng.
Dáng vẻ thanh thản của vị Sa-môn làm cho muôn thú an tâm, chúng mon men đến gần rồi lại lảng đi, hết con này đến con khác chừng như chúng cũng muốn dự phần vào hành trình tu chứng của vị Sa-môn trẻ ấy. Đêm càng về khuya, bóng Người càng lồng lộng dưới ánh trăng ngà, chìm lặng tuyệt đối vào dòng suy tưởng. Ma vương (Namuci) đến gần quan sát, sau lưng hắn là một đạo âm binh với đủ dáng vẻ thật khủng khiếp. Quỷ tham dục với vẻ mặt nham nhở đầy khát vọng với thân hình nung núc những thịt; những loài quỷ với đôi mắt lộ long sòng sọc dưới ánh trăng, dường như chúng không hài lòng khi thấy vị Sa-môn còn quá trẻ. Ngạ quỷ đói khát với thân hình thật kinh dị: bụng to như cái trống, cổ họng bé như ống kim; chúng há hốc mồn nhe nanh như muốn ăn tươi nuốt sống vị Sa-môn. Quỷ hôn trầm dã dượi uể oải, lười biếng kéo lê tấm thân khập khiễng dưới sự điều động hò hét của ma vương; quỷ sợ hãi lấm lét nhìn vị Sa-môn với cặp mắt khiếp sợ chỉ chực bỏ chạy, nhưng hắn càng sợ ma vương hơn nên đành phải hỗ trợ bằng cách khua tay múa chân loạn xạ để khủng bố tinh thần của Ngài. Quỷ hoài nghi khinh khỉnh buông lời thoái mạ, tiếng của hắn the thé làm cho muôn thú khiếp đảm thi nhau lẩn trốn vào hang. Quỷ phỉ báng và cố chấp kêu gào chửi bới phụ họa, một thứ âm thanh ghê rợn hỗn độn giữa rừng già càng làm cho những ai tinh thần chưa kiên định sẽ quỵ ngã ngay… Tất cả bọn quỷ đó không làm sao khủng bố được tinh thần vô úy của vị Sa-môn. Ngài vẫn ngồi đấy một cách bất động, với dáng vẻ uy nghi thanh thoát, lặng lẽ tuyệt đối trong sự quán tưởng, suy tư về chân lý vô thường, vô ngã của các pháp, suy tư về kiếp sống giả tạm của nhân sinh… Không làm sao được, ma vương bèn đổi chiến thuật: hắn tự biến mình thành các bậc vương giả trong thân tộc và một vị Sa-môn cung kính mang lễ vật đến cúng dường và hết lời khen ngợi ca tụng tâm kiên trì của Ngài, cung thỉnh Ngài hãy trở về vương vị để thống lĩnh thiên hạ, vì chỉ có Ngài mới xứng đáng là bậc đế vương tuyệt đỉnh mà họ quy phục. Mọi lời tâng bốc của chúng vẫn không hề lọt vào tai vị Sa-môn trẻ. Không thể lay chuyển tâm kiên định của Ngài được, ma vương lại biến thành những nàng Ma nữ đẹp tuyệt trần, lả lơi trong những bộ xiêm y mỏng manh khiêu gợi, uốn éo những vũ điệu hết sức gợi tình; chúng cất giọng hát giữa đêm trường thanh vắng nghe như dễ dàng hớp lấy hồn người; chúng phá tan sự tĩnh mịch của rừng già. Muôn thú hãi sợ nép mình dưới cây rừng, bụi cỏ hay chui vào hang động ẩn thân… gió rừng cũng trốn biệt không rì rào thoang thoảng dưới sự trấn áp của ma vương.
Sa-môn trẻ vẫn ngồi yên, bất động không hề bị chi phối bởi thế lực và sự đe dọa của ma vương. Gương mặt Ngài bình thản, đôi mắt khép hờ trong tư thế nhập thiền, tuyệt đối tĩnh lặng giữa muôn ngàn âm thanh hỗn độn gào thét điên cuồng giận dữ của ma vương bởi chúng không làm sao lay động tâm hồn và ý chí của Ngài. Ma vương đến bên vị Sa-môn trẻ buông lời xúc phạm: “Hỡi này đạo sĩ! Nhà ngươi gầy còm, thân hình ốm yếu thế kia thì làm thế nào thắng ta cho được. Hãy trở về đi, nếu không, cái chết sẽ đón lấy hồn ngươi. Hỡi này đạo sĩ! Cuộc đời không tốt đẹp hơn sự hành đạo điên khùng của nhà ngươi hay sao? Vợ đẹp, cung tần, con thơ yêu quý, giàu sang danh vọng, tôi tớ dư thừa không xứng đáng với ngươi hay sao? Sự u mê của ngươi liệu có xứng đáng với sự hy sinh gian khổ và nỗ lực kiên trì của nhà ngươi hay không? Rồi đây ngươi sẽ thấy, Ta thề sẽ cản trở ngươi tới cùng. Ai khiêu chiến với ta chỉ chuốt lấy thảm họa mà thôi… ha… ha… ha…”. Cùng với đạo binh ma rầm rộ khủng khiếp, chúng vờn quanh vị Sa-môn trẻ như muốn hủy hoại Ngài ngay tức khắc.
Dùng bao chiêu thuật để dụ dỗ ngăn chặn con đường của Ngài nhưng bất thành. Ma vương nhìn quanh như để tìm thêm sáng kiến trong việc quấy phá quyết tâm kiên cố của Ngài, bỗng mắt hắn sáng lên. Với ý tưởng si mê điên rồ, hắn bỗng nảy ra sáng kiến mới. Hắn rùng mình hiện ra Tịnh Phạn vương, thân phụ của thái tử Sĩ-đạt-ta, vị phụ vương vô vàn kính yêu, tay chống gậy lần bước đến trước vị Sa-môn trẻ, giọng rung rung như tha thiết van xin nài nỉ: “Thái tử, đứa con yêu duy nhất của ta. Tại sao con cứ phải ẩn mình trong chốn rừng già, quạnh hiu vắng vẻ này? Tại sao con cứ tự hành xác mình như thế? Hãy trở về với ngai vàng đang chờ đón con từng giờ từng phút. Chăm lo cho muôn dân ấm no hạnh phúc không thiết thực hơn là tìm kiếm hư ảnh của giải thoát giữa rừng thiêng nước độc hay sao? Con hãy nghĩ lại đi, phụ hoàng đã luống tuổi rồi, chỉ mong con trở lại để ta được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già bên người thân yêu mà không còn hiu quạnh… Thái tử, con hãy nghe lời phụ vương… về đi con.” Giọng nói của Tịnh Phạn vương run rẩy, yếu ớt và nghẹn đi vì dòng lệ đã ứa tràn trên đôi má nhăn nheo…
Sa-môn trẻ vẫn ngồi bất động, kiên cố không hề lay chuyển. Tâm Ngài mỗi lúc kiên định thêm, không hề vướng mắc bất cứ một vọng niệm nào. Bóng dáng của Tịnh Phạn vương mờ dần theo giọng giận dữ của ma vương. Hắn xoay một vòng, công chúa Da-du-đà-la tiều tụy hiện ra. Tay bồng con thơ, mái tóc xõa dài không màng chải chuốc, đôi mắt ràn rụa lệ thảm. Nàng đến bên vị Sa-môn trẻ, quỳ xuống trước mặt Ngài run run: “Chàng ơi! Thiếp cầu xin chàng hãy thương lấy con thơ của chúng ta còn măng sữa. Rồi đây không ai dạy dỗ giáo dưỡng, xin chàng hãy trở về với thiếp, với phụ vương đã già yếu không người phụng dưỡng. Hãy nghe lời thiếp, hỡi Thái tử! Chàng nỡ nào bỏ mặc mẹ con thiếp trong nỗi nhớ thương tuyệt vọng khôn cùng…”
Sa-môn trẻ như không nghe thấy gì, tâm Ngài đã định; không có gì lay chuyển được, huống chi đó chỉ là huyễn ảnh của ma vương hiện ra hòng lung lạc ý chí kim cương của Ngài.
Trầm mặc với tư thế ban đầu, Ngài ngồi bất động hằng giờ quán tưởng… Đầu canh một, Ngài chứng được Túc mạng minh: đạt được trí tuệ sáng tỏ thấu suốt tất cả tiền kiếp của mình và chúng sanh. Biết được vì sao nhân loại cứ triền miên bao kiếp trong vòng sanh tử, những đớn đau chồng chất tự ngàn xưa, những nguyên nhân đã tạo nghiệp và những nghiệp báo còn lưu lại chưa trả hết trong kiếp này… Vào khoảng canh hai, Ngài chứng được Thiên nhãn minh: thấy nghe tất cả mọi việc của mình và của chúng sanh, thấy rõ ba cõi sáu đường, những cảnh giới an vui hay đau khổ, chúng sanh xinh đẹp hay xấu xí… rõ ràng như nhìn vào gương. Đến canh ba, lúc sao mai mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh: thấy được nguyên nhân, hậu quả khổ đế của chúng sanh bắt nguồn từ vô minh và ái dục mà ra, mười hai duyên sanh ràng rịt vây chặt chúng sanh khó thoát khỏi kiếp trầm luân. Và Ngài hoàn toàn giác ngộ, đồng thời tìm ra con đường diệt tận gốc khổ cho chúng sanh, đó là Đạo đế, là con đường thoát khổ duy nhất cho chúng sanh nếu biết nương theo để tìm đến cảnh Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Như như bất động của chư Phật quá khứ, vị lai…
Vị Sa-môn trẻ vừa xả thiền thì cũng là lúc vầng thái dương bắt đầu ló dạng. Đêm ấy, nhằm hôm mùng tám tháng mười hai, sau khi hàng phục tất cả ma quân, đứng đầu là ma Ba Tuần, một thứ giặc luôn cản trở cho tiến trình đi tìm chân hạnh phúc, hào quang trên đỉnh đầu của Ngài tỏa sáng khắp 3 ngàn đại thiên thế giới. Nhạc trời chúc tụng, mưa hoa cúng dường. Trái đất sáng bừng như thiên thể tinh tú bừng xuất hiện. Chim muông cất giọng véo von, vang lừng khắp nơi, hoa đàm bừng nở tỏa ngát hương thơm, tất cả như cùng hân hoan chào đón sự chứng đắc vô thượng của Đấng xuất thế. Ngài đứng lên, phóng tầm mắt ba ngàn đại thiên thế giới. Than ôi! Chúng sanh hãy còn vô minh sâu dày quá, thật là khó dẫn dắt họ đi theo con đường mà Ngài đã vừa tìm thấy để thoát khỏi ngục tù trần thế. Đôi mắt Ngài biểu lộ tình thương yêu vô hạn của đấng cha lành nhìn thấy đàn con si mê say sưa lặn hụp trong biển ái hà, trầm luân trong giả tưởng. Nhân loại và hữu tình hằng hà sa số nghiệp chướng sâu dày, tất cả đều bị vô minh che lấp, chế ngự đến bao giờ họ mới thoát khỏi căn nhà nghiệp quả kia. Tuy nghĩ thế nhưng Đấng đại giác vẫn khoan thai bước đi chầm chậm ra khỏi khu rừng Bồ-đề và bắt đầu cuộc chinh hóa với ý niệm từ ái khoan dung. Ngài đã thuyết pháp du hóa trên khắp lãnh thổ Ấn-độ. Với lòng bi mẫn vô biên, đức vị tha, Ngài đã chan hòa ánh sáng từ ái cho bao nhân sinh còn trong khổ ải.
Nay, nhân kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo PL.2549 (2005), chúng ta nhìn lại quãng đường đức Thế Tôn đi qua và sự nghiệp hoằng pháp độ sanh cao cả mà không có một vị giáo chủ nào trên thế gian này làm được.
Đêm thành đạo, trước mọi cám dỗ của ác ma mà Ngài vượt qua một cách nhẹ nhàng. Từ một Đông cung thái tử được mọi người yêu kính ngưỡng mộ, Ngài đã trở thành con người không chút quyền uy thế lực, thể hiện nếp sống của mình qua một bình bát và ba y. Với chí nguyện cao cả, Ngài cương quyết phải chiến thắng nội ma và ngoại ma dù có khó khăn chướng ngại cũng không làm Ngài thối chí với lời nguyện dưới cội Bồ-đề bên dòng sông Ni-liên-thuyền “Giả sử mặt trời, mặt trăng có thể rơi xuống, núi chúa tuyết có thể rời khỏi chỗ cũ… nếu Ta không chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Ta quyết không rời cội Bồ-đề này cho dù thịt nát xương tan”.
Nay và mãi mãi về sau, chúng ta lẽ nào quên lời nguyện cao cả ấy, là những người con tinh thần của đạo Phật, nếu biết suy nghĩ chắc hẳn không ai có thể thờ ơ trước bổn phận của mình. Chúng ta không ngồi cội Bồ-đề, không bị ác ma làm hại, không đầu trần chân đất, đi từ đầu làng đến cuối xóm để ngữa bình bát nhận sự bố thí như Ngài, vì thời đại ngày nay, phương tiện vật chất quá ư đủ đầy, nhưng con người thật sự thiếu điểm nương tựa tâm linh, đệ tử Phật nên làm gì trước sự sa sút về tâm linh như thế? Chúng ta nỗ lực nghiên cứu tu tập đừng để thời gian đi qua một cách oan uổng, phải dốc lòng chuyên sâu vào lĩnh vực của mình, thật sự thấu triệt những lời dạy của đấng Thế Tôn trong Tam tạng giáo điển là ta tạo điểm tựa tâm linh cho bao người muốn tìm đến nương tựa.
Ta noi gương Ngài là noi theo hạnh lành, không hề vì tiếng khen mà làm, không và hãnh diện mà làm, không vì lợi ích riêng tư mà làm, không vì lợi dưỡng mà làm, mà chỉ vì mục đích cho sự lợi lạc quần sanh. Ngài đã từng khuyên nhắc: “Này các Tỳ-kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến, có hợp có tan, đừng lo buồn, các thầy phải nỗ lực tinh tấn để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh không một thứ chi bền vững. Các Thầy đừng để thân tâm chìm ngập trong biển sanh già bệnh chết như thế; người có trí ai lại không hoan hỷ khi từ bỏ được thân ngũ uẩn này như từ bỏ kẻ thù”.
Dòng thời gian có thể trôi qua và mang đi tất cả nhưng không thể phai nhòa hình ảnh bậc Đạo sư khả kính với lời nguyện cao cả bên bờ Ni-liên-thiền trong đêm thành đạo là quyết tìm ra chân lý tối hậu hầu giúp nhân sinh, giúp họ thấy được giá trị chân thật nơi tự tâm, và thoát khỏi sự bủa vây của giáo điều đã ngự trị bao kiếp trong tâm khảm họ.
Đức Phật xuất hiện trên thế gian này không ngoài mục đích: “Một chúng sanh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp,vì lợi ích, vì hạnh phúc của chư thiên và nhân loại”. (kinh Tăng Nhất A-hàm).
Tóm lại mà nói, dù ở lĩnh vực nào thì chân lý mà đức Phật đã thân chứng là cuốn cẩm nang luôn kề cận bên mình, mỗi người học Phật dù sống nơi đâu, đừng quên mất những gì Ngài đã truyền trao chỉ dạy. Nhớ về đức Phật là nhớ đến hạnh nguyện và công hạnh của Ngài để chúng ta noi theo. Ơn Tam bảo, ơn Quốc gia, ơn đàn na, ơn thí chủ… cho đến thập trọng ân quyết phải trả cho bằng được thì hữu tình vô tình đều lợi lạc.
Lam Yên
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.15, 2006]