*Oṁ Ratnatrayāya* Đảnh lễ Tam bảo
Không phải là một con đường mà là nhiều con đường, không phải bằng một cách đi mà là nhiều cách đi. Cho dù được trình bày dưới bất cứ hình thái nào, Phật giáo chỉ có chung một mục đích, đó là giải thoát. Giải thoát, theo thường luận, là phát triển phẩm chất của con người đến một đỉnh cao toàn diện và tuyệt đối; hay nói một cách khác tu Phật là thành Phật. Nếu lý tưởng ấy không phải là hiện thực, thì có lẽ Phật giáo chẳng còn là Phật giáo. Hiện thực, không phải chỉ có một vị Phật lịch sử: Phật Thích Ca Mâu Ni, mà có vô số đức Phật, ta có thể chứng thực hoặc minh nghiệm được qua giáo thuyết hoặc Phật pháp, nghĩa là những con đường thực hành nhằm đưa đến quả vị như vậy.
Nói thế, tức là, Phật Thích Ca là bậc thể hiện chân lý đó và cũng là Đấng chỉ đường cho những ai muốn có quả vị giải thoát như Ngài. Do vậy, người ta gọi Ngài là đức Bổn Sư hay là Đại đạo sư cũng vậy.
Như đã nêu, chẳng phải chỉ có riêng đức Bổn Sư, mà trước đó, trong hàng vạn đại, cũng đã có những vị thực hiện thành công quả vị đó. Một trạng thái tương tiếp và truyền thừa chỉ có thể xảy ra với tất cả, khi mà hành giả thực hiện trọn vẹn con đường mình đã chọn. Tức là thực hành Pháp.
Thực hiện con đường tương ưng mình đã chọn, thuật ngữ gọi là Pháp duyên.
Vậy thì, khi bắt đầu tu và học Phật, hành giả tùy theo điều kiện, môi trường và một vài bản chất vốn có của mình có thể chọn cho mình một pháp tu nào đó thích hợp. Mặc dù, mọi phương pháp của Phật đều là những viên ngọc quý, những viên ngọc Như ý vì, tất cả đều từ Trí Bi tuyệt đối của đức Phật nói ra.
Thế nhưng, nỗi bi đát nhất hiện nay là thời kỳ mà những giá trị tinh thần đang bị bứng bật gốc triệt để, thay vào đó, là sự phát triển đến chóng mặt của 5 đối tượng ngũ quan. Niềm vui tâm hồn hiện nằm trong tay các nhà đầu cơ thứ thiệt của công nghệ. Và, đau đớn hơn, niềm tin tôn giáo, chỉ có thể thấy được trong quyền hành của cơ chế thị trường. Ngày hôm nay, thậm chí, các nhà thực hành tôn giáo đôi khi rao giảng đức tin của tôn giáo mình, tự hào bằng như khoa học. Như vậy , tôn giáo bị cái gọi là khoa học dắt dìu và đức tin được ban ân bằng lý luận. Cái to lớn được thấy qua cơ sở vật chất và học vị. Sau cùng để người ta có thể vin vào, là thi ca và âm nhạc, nó cũng bị đứng xếp xó bên đường, mỏi mệt ngắm nhìn dòng xe cộ “nhân bản” ngược xuôi. Riết rồi, hoặc ca hát bi thương hoặc nhảy tưng điên loạn.
Một nghịch lý như vậy đã được dễ dàng chấp nhận khi kẻ thực hành ác hạnh: khủng bố và chiến tranh toàn cầu, rêu rao tin mừng cứu chuộc; khốn khổ hơn, những nghịch lý như vậy lại được người ta cho là quy luật cân bằng của trời đất. Một cuộc đời tươi đẹp đang chờ ta phía trước. Cứ thực hành ác hạnh và rao giảng tin mừng. Lật qua lật lại cũng chỉ một bàn tay trót đã nhúng chàm.
Đứng trước những nỗi bi thương như vậy; con người, hoặc là, chạy trốn trong khổ tu, hoặc là an thân trong cơ cấu bị guồng máy điều hành. Đây có phải là thân phận của chúng ta thời hiện tại chăng?
Chẳng lẽ Kiếp hỏa như Kinh nói đã đến rồi chăng? Phật giáo chúng ta cũng hứng chịu điều này, không ít những người đã bị lôi vào trong guồng máy toàn cầu ấy. Giải pháp được đề ra, chẳng khác nào tiếng kêu cứu cuối cùng của người đang chết đuối. Đâu còn ai có dịp tin rằng chỉ một câu niệm Phật, cứu hết mọi nỗi lầm than! Quả thế, hành nhân niệm Phật thì khác hẳn. Tại sao vậy?
Đơn giản, vì họ sống trong và tương ưng với Bổn nguyện A Di Đà Phật
Khác hẳn, có nghĩa là, kiếp hỏa để có vàng ròng. Đời ác với 5 trạng thái suy thoái là để hoa Sen mau nở. Nỗi đau trong tư duy làm tăng trưởng sức mạnh tâm hồn. Và, thân thương tật để mau trọn lành phẩm chất.
Được như vậy, chính là niệm Phật trong Bổn nguyện A Di Đà Phật.
Rất khó tin, bởi vì ta chưa niệm Phật. Rất khó tin, bởi vì ta chưa phát nguyện niệm Phật để tương ưng với Bổn nguyện Phật đà. Cho dù chưa phát nguyện, nhưng ta vẫn luôn có cảm giác rằng mình luôn trong Bổn nguyện của Ngài. Phát nguyện là để có vàng ròng và hoa Sen vậy. Chúng ta thấy, ở đây, niệm Phật, hoàn toàn không phải là một giải pháp. Mọi giải pháp đến từ ngã chấp, chẳng khác nào bác thợ nề lẩm cẩm, loay hoay trong vạn đại tự xây cho mình một nấm mồ tráng lệ hoang vu, vô phương cứu thoát. Ngã chấp vốn là vậy.
Làm sao ý thức có thể tự bùng vỡ khi mà tự thân nó luôn là bác thợ nề ngã chấp?
Làm sao ngã chấp có thể phá hủy được mình khi nó luôn luôn nuôi dưỡng ngũ quan, vốn là những tên tay chân tâm phúc, chúng lập công với ông chủ mình bằng những khát ái ba đời một cách cần cù; trừ phi là Bổn nguyện Phật đà và Bổn nguyện Chư Bồ tát. Nó, ngã chấp, không thể bắt cầu vào vô ngã được.
Ngài Thân Loan đã tuyên bố như vậy trước khi thất vọng từ bỏ tu viện Mount Hiei, nơi mà hơn 20 năm ông đã khổ tu. Bậc thiên tài ấy đi vào trần gian bằng sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Và nước Nhật, từ đó có một Phật giáo Chân tông vĩ đại, đến độ thế giới cũng phải nghiêng mình đảnh lễ.
Niệm Phật, theo Ngài Thân Loan, chẳng cần biết nhiều hay ít, vấn đề là phẩm chất đức tin có nằm bên dưới hay không mà thôi.
Đức tin, theo thường lý, có thể phân thành 3 nhóm:
1/ Phân giải rồi mới tin.
2/ Nghe nói đến Phật là tin ngay hoặc được tuệ nghiệp dẫn vào Phật đạo.
3/ Tin Phật vào thời khắc lâm chung, khi được thiện tri thức thuyết giảng.
Phân giải rồi mới tin: Để làm công việc này, Jean Guitton, viện sỹ hàn lâm Pháp, trong tác phẩm Dieu et la science nổi tiếng của mình, ông đã phải khởi đi từ triết học thời Trung cổ cho đến những nền triết học siêu việt thời cận đại, trong đó bao hàm cả các lĩnh vực khoa học của thuyết lượng tử gói năng lượng và J. Guitton nói:
“Người ta sẽ tốn rất nhiều công sức, thì chỉ có ba đạo trình cho vấn đề ấy: đạo trình tôn giáo, khoa học và triết học. Đến đây, chỉ còn tôn giáo và triết học; mỗi đạo trình có một cách để nỗ lực và những giải đáp mang tính thuyết phục đem đến những phúc đáp cho nhân sinh.
Thế nhưng, trong một thế giới mà càng lúc càng bị chiếm đoạt bởi khoa học và những hình thái của nó xuất sinh. Một thế giới đang bị kéo đi bởi công nghệ và cách sống của nó, tiếng nói triết học đã mai một năng lực chân thật thuở xa xưa của mình rồi… các triết gia sắp đánh mất cái đặc quyền tối hậu của mình: là được trầm tư.
Duy còn tôn giáo, ở đây cũng thế thôi, có vẻ như các nhận thức, quan kiến sinh ra từ khoa học càng lúc càng mâu thuẫn với phẩm chất vốn thành là trật tự của những cái được hằn sâu trong linh thiêng, đó là: dường như Thượng đế và khoa học bị quy cho những (hai) thế giới khác biệt, đến độ chẳng có ai dám dấn thân đem cả hai đặt kề lại với nhau.
Tuy vậy, một vài dấu hiệu nói trước cho chúng ta biết rằng, sắp là thời điểm khai lộ mới thông qua trạng thái tri nghiệm sâu xa,… Một cái gì hầu như là Thượng đế vậy”[1].
Ở đây, động từ “bị kéo đi” của J. Guitton sao giống Phổ Môn quá – neya (√nī) – “Ai mà bị bất cứ thế lực nào kéo đi, thì Ngài hiện thân thuyết pháp bằng chính thế lực ấy”[2].
Thế nhưng, qua một chuỗi lý luận nghiêm xác bằng dẫn chứng và những tư duy thắm thiết, Guitton, xác tín là trước hàng tỉ phần giây của vụ nổ “brg Bang” hẳn phải là có bàn tay của Thượng đế vì nằm sau chúng – cái đáy (fond) của vật chất, thậm chí, bức tường thời gian khét tiếng của Planck – là những gì bất khả thăm dò. Theo Guitton, một trật tự mà vũ trụ được thành hình như vầy đúng là ý Chúa được nên (peut-être). Nếu không, vũ trụ sẽ chẳng còn là nó nữa.
Khác một chút với Guitton, ít ai tin Phật theo cách ấy; cho dù để có một tri kiến như vậy, người ta hẳn phải mất công rất nhiều, thậm chí không thể như Guitton được. Ở đây không có nghĩa là cao hay thấp. Phật giáo quan niệm mọi thứ đều là nghiệp (karma). Danh xưng này được diễn sinh từ động từ kṛ - thực hiện. Có nghĩa là, cái gì được tạo ra (cho cả 3 thời) mà chúng ta có thể nhận thức hoặc chưa nhận thức được đều là những tương quan nhân quả, ngay cả cái được gọi là thời gian cũng đều bị chi phối bởi karma này. Thế thì nghiệp là một khối thông tin vốn dĩ để hành giả vượt qua. Ai mà vượt qua những hệ lụy nhân duyên, thì ta gọi đó là Phật hay Bồ tát. Thế giới, ở nghĩa hẹp, mọi hiện tượng của nhân sinh và vũ trụ chỉ là phản ánh thông tin toàn diện của một chúng sinh. Vượt qua cái khung cửa hẹp này, ví như, chú gà con đến thời kỳ đục phá vỏ bọc của mình, sống đời sống khác. Không tự nhiên, cũng chẳng phải nhân duyên. Đó là Niết Bàn Phật.
Ai mà được đức tính tự tạo đối trị phần (antidote to: pratipakṣa) vượt thoát vỏ bọc như vậy và trang nghiêm mình bằng phẩm chất lợi tha toàn diện ta gọi là Phật Thế Tôn.
Vũ trụ và nhân thân chẳng ai tạo ra cả. Vậy Phật tử, tin Phật là tin ở cái đức tự đối trị vô minh và phẩm chất lợi tha toàn diện cùa các Ngài. Bởi vì ta cũng có thể thực hiện được như vậy. Ta không thể nào tự đi tìm mình trong tất cả, hoặc sáng tạo ra tất cả nhằm thỏa lòng mong ước của mình. Vì, cho dù, có muốn kiến tạo thế gian đẹp tuyệt như thế nào - mà thế giới ấy thành hình do nghiệp – thì thế giới ấy cũng chỉ là thế giới của các nhân tố khát ái, như bác thợ nề lẩn thẩn vạn đại xây mồ, trừ phi là nguyện lực thanh tịnh của chư Phật, Bồ tát.
“Ta là người thừa tự nghiệp của mình”. Đức Phật đã dạy như thế.
Thật vậy, nếu chịu trầm tư một chút với những gì diễn ra quanh ta hằng ngày, hẳn chúng ta thấy rằng, những gì mà ta cho là hiện tượng khách quan luôn luôn ảnh hưởng trực tiếp với ta. Thậm chí, có những thứ gây cho ta thống khổ triền miên, chẳng hạn cái chết, trạng thái ấy luôn diễn ra từng ngày. Ở đâu mà sự sống sinh ra từ nghiệp, thì ở đó vốn hiện diện cái chết rồi. Những gì mà ta yêu mến nhất đã lặng lẽ bỏ ta đi, và rồi một ngày kia cũng đến lượt ta - Vô thường. Có lẽ không gì hãi hùng bằng cái chết, bằng vô thường. Do thói quen chồng chất của những đời bận rộn và chính thói quen đó, ta quên mất mình rồi chăng? Chẳng lẽ vô thường là một định mệnh của chúng sinh? Vô thường, tự thân nó đã sắp xếp thành một trật tự như vậy sao? Hết đời này đến đời khác ta vừa làm mồi và kẻ săn mồi cho chính mình sao?
Đã nhiều đời rồi, ta vẫn phải làm mồi săn cho nó ư!
Không như những động vật cấp thấp khác - chúng được thỏa mãn nhu cầu và vô tư chờ xẻ thịt, hoặc bằng những bạo hành nhằm thỏa mãn dục tính của mình - đến độ cũng chỉ vì một mẩu xương khô; con người chúng ta, ngoài việc đáp ứng chân chính cho cơ thể vật lý, cho nhu cầu hạnh phúc tâm hồn, còn có một cái gì đó luôn thúc bách vào những phút giây tạm lắng lòng mình, trong những đêm co ro vì sám hối lỗi lầm và nhiều hơn thế nữa. Những ký ức, những dấu in trót tạo… từ đâu bủa về. Và như thế, ta choàng mình dậy - sự vượt thoát khổ đau và những hạn cuộc của các niềm vui tạm bợ, một dưỡng chất đặc thù không mô tả được, bằng những giọt tinh khôi, từng giọt mát lòng thoát kiếp tử sinh.
Bấy giờ, chính là lúc một cái gì đó thật trong sáng, thật hồn nhiên sừng sững trong ta - đức tin giải thoát.
Nghiệp là một thông tin cần thiết để cảm nghiệm thật sự tấm lòng khát khao giải thoát. Thuật ngữ Phật giáo gọi thực thể đó là phát bồ đề tâm (bodhi-citta-utpāda). Đúng theo tinh thần Phạn ngữ, thì thuật ngữ quý báu này phải được hiểu là: Đánh thức lòng mong cầu giác ngộ (wakening the aspiration for enlightenment).
Những tư tưởng vĩ đại, đến với trần gian này bằng đôi chân của chim câu, thật nhẹ nhàng và không để lại dấu vết.
Hình như Albert Camus đã nói câu nói tuyệt vời như vậy mà tôi không nhớ là đã đọc ở đâu. Và câu nói ấy còn mãi trong tôi như những đợt sóng trùng khơi vỗ rì rào trong cảm thức. Cũng vậy, những tư tưởng của chư Phật và chư đại Bồ tát còn nhẹ nhàng hơn nữa, các Ngài đã để lại cho ta Pháp tu và Thánh hiệu của các Ngài.
Nguyện thứ 18 của đức A Di Đà đã nói như vầy:
“Thưa Thế Tôn! Nếu con chứng đắc trong Chánh đẳng giác, chúng sinh nào trong những thế giới khác sau khi đã được nghe danh hiệu con, phát khởi niệm trì bằng tấm lòng trong sáng; thì phút lâm chung của họ con xuất hiện cùng một lúc với Tăng đoàn và, họ được các Ngài kính trọng. Khi với tâm hỗn loạn như vậy của họ mà con không đứng trước mặt họ (tức là hiện tiền khiến họ định tâm) thì con nguyện không chứng Chánh đẳng giác”[3].
Pháp tu và Thánh hiệu.
Thật thế trong đời thường, nếu cần phải có một danh hiệu nào đó, đôi khi người ta phải bỏ ra rất nhiều công phu, nhiều thế hệ, nhiều kiếp đời... để biến cái danh ấy trở nên thường tại, phổ cập và tăng ích. Như vậy, danh hiệu là cả những quá trình tích lũy; huống hồ là Thánh hiệu của chư Phật và chư đại Bồ tát. Vì nguyên lý đó, qua nhiều bản Kinh, đức Bổn sư thiết tha khuyên ta nên niệm tôn hiệu Phật, Bồ tát - thay vì phải tốn nhiều tâm lực qua các phương tiện tối ưu trong tiến trình tu học.
Niệm Phật là thừa quả vị Phật mà tu, như hái ăn ngay trái ngọt chín mùi. Một đảm bảo trọn vẹn và tuyệt đối giải thoát trong một kiếp đời may mắn được thân người này. Có thể nói hơi quá trớn một chút: Niệm Phật là thành Phật.
Tôi đích thân được nghe đúng như vầy, trong bài giảng của giờ học Câu-xá, thầy Tuệ Sỹ khẳng định: Niệm Phật là đẳng lưu thanh tịnh pháp. Tức là vô lậu pháp chuyển hóa bộc lưu vậy.
Niệm Phật - ở đây bản văn muốn đề cập đến pháp tu niệm hồng danh đức A Di Đà. Có thể ta khó tìm đâu ra, một cương lĩnh trọng yếu như trong Phật giáo Chân Tông:
“Đức A Di Đà khi còn thực hành Bồ tát đạo, đã phát khởi những đại nguyện quan hệ thiết thân đến chúng ta - những chúng sinh luôn bị vô minh trói buộc. Đó là Đại nguyện Vô lượng quang và Đại nguyện Vô lượng thọ.
Ánh sáng hay Đại nguyện quang minh của Ngài, chính là trí tuệ hay sự toàn tri, và Vô lượng thọ nguyện chính là Tâm đại bi do từ trạng thái toàn giác mà được kết quả như vậy. Tuệ Phật ấy được hoàn mãn đến độ khi Ngài nghĩ đến ta là Ngài thấu hiểu ta một cách chân xác như ta đang là. Thật vậy, Ngài nhiếp thọ ta trọn vẹn (mọi thứ nhiễm tịnh của chúng ta) vì, đây là sự toàn giác của Ngài.
Đức Phật A Di Đà cũng nguyện rằng, danh hiệu Ngài hẳn được biết đến - dù cả đến 10 phương - nghĩa là, bất cứ nơi đâu hay thế giới nào, những ai niệm hồng danh Ngài, gởi trọn vẹn thân mệnh mình cho Ngài, chúng sinh đó sẽ đắc sinh Tịnh độ và viên thành Phật quả.
Đây là tiêu điểm trong cách cọ xát đối với Phật giáo Chân tông, cách đó chính là Niệm Phật... Viên mãn Phật quả trong Niệm Phật là thật tính (shinshu) của tông Tịnh độ...”
Chú thích:
[1]. J. Guitton: “On aura beau chercher, il n’y a que trois voies offertes à ces questions et aux éventuelles réponses qu’elles suscient :celles de la religion, de la philosophie et de la science. Jusqu’ici, seules la religion et la philosophie, chacune sa manìere, ont tenté d’apporter des réponses aux hommes.
Mais dans un mond de plus en plus occupé par la sciene et les modèles de pensée qu’elle produit, par la technologie et les mondes de vie qu’entraîne, le discours philosophie a perdu son ancienne force de vérité; Reste la regilion. Mais là encore, il semble que les savoirs issus de la science s’opposent de plus en plus à l’ordre profond des certitudes incrites dans la sacré : Dieu et la sciene paraissent appartenir à des mondes si differents l’un de l’autre que personne ne songerait même à prendre le risque de les rapprocher.
Portant, certains signes avant-cours nous disent que le monde est venu d’ouvrir des voies nouvelles à travers le savoir profond de chercher au-delà des apparences mécanistes de la scence la trace presque métaphisique de quelque chose d’autre, à la fois proche et étrange, puissant et mystérieux, scientifique et inexplicable : qelque chose comme Dieu, peut-être.”
[2]. Samantamukhaparivarto: Īśvara neyānāṃ sattvanāṃ, Īśvara rūpeṇa dharmaṃ deśayati. (Hễ ai mà bị vị trời Đại tự tại kéo lôi, thì Quán âm thuyết pháp bằng chính sắc thân trời Đại tự tại )
[3]. Sukhāvatīvyuhaḥ: “sacenme Bhagavan bodhiprāptasya ye sattvā anyeṣu lokadhātuṣv anuttarāyāṃ samyaksaṃbodhau cittam upādya mama nāma-dheyaṃ śrutvā prasanna- cittā man anu-smareyus teṣāṃ cid ahaṃ maraṇa-kāla samaye praty-upaṣṭhite bhikṣusaṃghaparivṛtaḥ puras-kṛto na puratas-tiṣṭheyaṃ yad idaṃ cittā-vikṣepatāyai mā tāvad aham anuttarāṃ saṃyaksaṃ-bodhiṃ abhisaṃ budhyeyaṃ”.
[4]. “Amida as a Budhisattva made vows in relation to us, people stranded in the realm of ignorance. These are the Vows of of immeasurable light and immeasurable life.
Light is Wisdom or understanding,, and life is the compassion that results from perfect understanding. AMIDA BUDDHA’s understanding is so complete that when he thinks of us he knows us exactly as we are and, indeed, accepts us as we are because of his perfect understanding.
Amida also vowed that his Name would be heard “thoroughout the ten directions (Large-Sutra 7) that is, everywherwe, and that those who say his Name, entrusting themselves to him, will be born in the the Pure Land and attain Budhhahook.
This is how it is that the proximate focus for Shin Buddhists is Nembutsu, the Name of the Buddha....” (ibid.).
Pháp Hiền cư sĩ
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.37, 2005]