Chữ Hiếu trong Nho giáo và Phật giáo - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

CHỮ HIẾU TRONG NHO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Đối với truyền thống đạo đức Đông phương vấn đề thể nghiệm luôn là yếu tố chính mà các tư tưởng gia thường hướng đến. Không giống như hệ thống tư tưởng kinh viện của các nhà đạo đức học Tây phương, những lời giáo huấn của các bậc hiền giả Đông phương được người đời sau ghi lại và truyền giữ cẩn thận không phải là những học thuyết, những giáo điều khô khan để bàn luận mà ngược lại chúng là những tinh hoa được chắt lọc từ kinh nghiệm sống thường nhật của những tâm hồn mẫn cảm và bao dung. Đạo đức học Đông phương vì thế luôn hàm chứa một tiềm lực dồi dào và trên thực tế chính tiềm lực này đã làm cho nền luân lý ấy hòa quyện vào nền văn minh vật chất để từ đó hình thành nên các giá trị văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Ta có thể hiểu rõ hơn điều này khi tìm hiểu về ý nghĩa của chữ hiếu trong hai dòng tư tưởng lớn của Đông phương là Nho giáo và Phật giáo.

Sách Đại học của Nho giáo được mở đầu bằng một lời khẳng định minh bạch rằng mục đích của Đại học là soi sáng bản tính đạo đức của mình, gắn bó, thương yêu người, để mình và người cùng đạt đến chỗ chí thiện1. Lời tuyên bố này đã trở thành tư tưởng trọng tâm của nền học thuật Nho giáo và vì thế nó là yếu điểm mà các nhà Nho thường nhắm tới. Theo như lời dạy này, người Quân tử phải khởi đầu từ việc trau dồi phẩm hạnh cá nhân để kế đến là ổn định trật tự xã hội và cuối cùng là hoàn thiện nhân cách cao tột của mình. Đối với các nhà Nho, trau dồi phẩm hạnh cá nhân là khởi điểm để từ đó mỗi người xây dựng cho mình một nhân cách mà tinh chất của nhân cách ấy là Nhân (lòng bác ái), đức đầu tiên trong ba đức (Nhân, Trí, Dũng, theo Khổng Tử), bốn đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, theo Mạnh Tử) hay năm đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, theo Hán Nho).

Khi Phàn Trì hỏi Nhân là gì, Khổng Tử (551-479 Tr. CN) đáp: “là thương người.”2 Mạnh Tử (372?-289? Tr. CN) thì cho rằng người Quân tử khác với người đời là ở cái tâm của họ, tâm người Quân tử luôn có Nhân, có Lễ. Người có Nhân biết thương người khác, người có Lễ biết kính người khác.3 Theo cách lý giải của Mạnh Tử mỗi người đều vốn mang trong mình một lòng trắc ẩn, không nỡ thấy ai bị đau khổ, nên khi mình thấy một điều gì đó nguy hiểm xảy ra với người khác, mình không thể làm ngơ mà phải ra tay cứu giúp họ. Ông đưa ra một ví dụ như sau: một người tình cờ thấy một em bé sắp bị rơi xuống giếng liền khởi tâm lo lắng và vội vàng đến cứu em. Người ấy khởi lên tâm thương tưởng như thế không phải vì mong cha mẹ của em bé kia sẽ trả ơn, cũng chẳng mong được bạn bè, láng giềng khen ngợi, lại cũng chẳng phải vì sợ sẽ mang tiếng xấu bởi đã không giúp người trong cơn hoạn nạn, mà đó vốn là một phản ứng tự nhiên của mỗi người. Lòng trắc ẩn này, theo ông, chính là đầu mối của lòng Nhân.4 Tình thương người như thế không cần học hỏi để có, không nhọc suy tư để biết, mà nó là bẩm sinh như trẻ thơ lúc nhỏ thì biết thương mến cha mẹ, lớn lên thì biết kính trọng đàn anh của mình. Sự thương mến đó là Nhân, sự kính trọng đó là Nghĩa vậy.5 Như vậy hiếu thảo hay sự thương mến cha mẹ chính là cội nguồn của Nhân. Hữu Tử, một môn đồ của Khổng Tử cũng khẳng định rằng hiếu là gốc của tất cả những điều Nhân.6 Đến đây ta có thể phần nào hiểu được vai trò của chữ hiếu trong truyền thống Nho giáo. Vì Nhân là đức tính đứng đầu trong muôn đức, là tinh chất để tạo nên nhân cách của một bậc Quân tử, mà hiếu là cội gốc của Nhân nên hiếu được xem là nền tảng đạo đức của người Quân tử.

Dù hiếu là một đức tánh bẩm sinh nhưng nếu hạt giống này của lòng Nhân không được vun xới thường xuyên thì nó sẽ bị hư hoại và có thể biến mất và nếu điều này xảy ra thì lòng Nhân sẽ bị mất đi nền tảng như cây không cội, nước không nguồn và rồi nó lại bị biến dị sang một hình thái khác. Hình ảnh của những kẻ hung ác, bạo ngược trong xã hội đã phần nào chứng minh được sự thật này. Họ là những người đã đánh mất đi hạt giống của hiếu hạnh, quan hệ gia đình bị rạn vỡ để rồi trở thành những tâm hồn lạc loài giữa sa mạc ngông cuồng chỉ biết bám trụ vào những ốc đảo của lòng ham muốn thấp hèn, bại hoại. Do vậy hiếu và Nhân không thể tách rời nhau. Người có hiếu thì dễ dàng phát triển lòng Nhân mà một khi đã có Nhân thì hạnh hiếu càng sáng tỏ. Chỉ khi nào con người biết bắt đầu từ sự hiếu thảo với cha mẹ, từ sự gắn bó với thân quyến, thì người ấy mới có thể thương yêu người khác. Đó là thứ lớp thăng tiến của Nho giáo hay là lộ trình tu đạo của người Quân tử. Sách Trung Dung có viết rằng: đạo Quân tử cũng giống như đi đường xa, muốn đi ắt phải khởi sự từ gần; cũng ví như lên cao, muốn lên ắt phải bắt đầu từ dưới thấp.7

Hiếu kinh, tác phẩm chính của Nho giáo nói về đạo hiếu được mở đầu như sau: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo…thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân.”8 Bản kinh này cũng dẫn lời của đức Khổng Tử về đạo hiếu rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm.”9 Hai đoạn này trong Hiếu kinh đã tóm thâu được ý nghĩa của chữ hiếu trong Nho giáo. Người con hiếu là người luôn giữ gìn và không làm tổn thương đến thân thể mà cha mẹ đã sanh ra, phải sống làm sao hầu để lại danh thơm tiếng tốt ở đời, làm cho cha mẹ, dòng tộc mình được rạng rỡ, lo cho chữ hiếu, chữ trung trước rồi sau mới lo cho mình. Đối với cha mẹ, lòng hiếu thảo của người con phải được thể hiện trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Về phương diện đầu, người con phải thực hiện ba điều căn bản: chăm sóc cha mẹ chu đáo, luôn ý thức rằng thân thể mình được tạo thành từ máu thịt cha mẹ nên phải biết quí trọng nó và phải lập gia đình, sanh con để nói dõi tông đường.

Theo Mạnh Tử, xét về phương diện thế tục, có năm điều được xem là bất hiếu: thứ nhất cơ thể lười biếng, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ; thứ hai, đam mê cờ bạc rượu chè, chẳng nghĩ đến việc phụng dưỡng cha mẹ; thứ ba, chạy theo của cải, tiền tài, chỉ nghĩ đến vợ con mà chẳng lo báo ân cha mẹ; thứ tư, đắm vào dục lạc sắc thanh làm cho cha mẹ tủi nhục; thứ năm, ưa thích sự kiêu hùng, đấu tranh, tàn nhẫn làm nguy hại cho cha mẹ.10 Nhưng đứng trên quan điểm của đạo Quân tử, Mạnh Tử lại cho rằng: “Bất hiếu có ba, không người nối dõi là lớn nhất.”11 Tư tưởng này của Mạnh Tử về sau được Trình Di (1033-1107), một trong những nhà cách tân nổi tiếng của Nho giáo dưới thời Tống, kế thừa và cổ xúy mạnh mẽ. Trình Di cho rằng việc nối dõi như thế chính là trọng tâm của đạo làm người. Có lẽ chính vì điều này mà việc hôn nhân là điều rất quan trọng trong truyền thống Nho giáo. Thông thường việc hôn nhân này gồm ba khía cạnh sau: thứ nhất, đôi vợ chồng trẻ phải gắn bó, chung thủy và đối với họ việc ly dị là điều tối kỵ; thứ hai, việc cưới hỏi thường do cha mẹ hai bên đặt để. Việc tìm hiểu nhau trước khi hôn nhân diễn ra của đôi vợ chồng ấy không là điều quan trọng; và thứ ba, trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của đôi vợ chồng ấy là phải sinh con trai để tiếp nối tổ tiên. Trong bối cảnh đó nếu họ không sinh được con trai thì người chồng có quyền ly dị vợ hoặc sẽ cưới thêm tỳ thiếp khác. Đây là một trong những nguyên nhân phát sanh tục đa thê và là tác nhân tạo nên những đổ vỡ hạnh phúc gia đình trong xã hội ngày xưa.

Về phương diện tinh thần, khi cha mẹ còn ở đời, người con hiếu phải thực hiện những hoài bảo mà cha mẹ trông mong, phải tiếp nối chí hướng của cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời người con phải tỏ lòng tiếc thương và lo việc cúng tế, thờ phụng chu đáo. Sách Lễ Ký giải thích rằng sau khi một người qua đời hình phách (khí của đất) của người đó sẽ ẩn vào trong đất và hồn khí (khí của trời) sẽ về với trời và lễ tang được tổ chức để cho hai luồng khí này được dung hòa, gắn bó nhau mãi mãi. Theo thời gian cách thức và nội dung của lễ nghi như thế càng ngày càng được xem trọng và đó được xem là biểu hiện của lòng hiếu thảo của người sống đối với kẻ đã khuất. Khổng Tử cũng như các môn đồ của mình thường không quan tâm nhiều đến những vấn đề siêu hình chẳng hạn như Thượng đế tồn tại hay không tồn tại, có hay không một linh hồn bất tử, quan hệ giữa sống và chết ra sao… Khi Quí Lộ hỏi về việc quỉ thần, Khổng Tử đáp: “Chưa lo hết việc người, sao lại lo việc quỉ.” Quí Lộ lại hỏi tiếp về việc chết, Khổng Tử đáp: “Chưa biết việc sống, sao biết việc chết.” Sự im lặng của Khổng Tử đối với những vấn đề như thế làm cho Tử Cống, một môn đồ của ông phải than thở rằng: “Văn chương của Thầy thì ta đã nghe nhiều, nhưng về nhân tánh và đạo trời thì ta chưa từng nghe Thầy dạy.”13 Thái độ tránh né những câu hỏi liên hệ đến thế giới siêu hình của Khổng Tử được các thế hệ nhà Nho sau này tiếp nối một cách trung thành và điều đó nói lên một sự thật là Nho giáo không có chủ ý đưa niềm tin tôn giáo vào học thuyết thế trị của mình. Chủ trương của Nho giáo là thiết lập một thể chế xã hội mà ở đó mỗi cá nhân có những lối hành xử khế hợp theo những khuôn mẫu chung như Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng… Một xã hội được ổn định khi mỗi gia đình có sự đoàn kết, hòa thuận. Sự hòa thuận đó chỉ có thể có khi sự hiếu thảo được thực hành triệt để. Như vậy hiếu là nền tảng của đạo làm người, là nhân tố để hình thành nên đức Nhân của người Quân tử, một mẫu người lý tưởng trong Nho giáo. Chung quy việc tu thân để tiến đến việc tề gia, trị quốc và bình thiên hạ phải bắt đầu từ một đức tính căn bản trong mỗi người, đức tính đó không gì khác hơn là hiếu hạnh.

Trong Phật giáo, dù ở bất cứ truyền thống nào, khổ và diệt khổ là những điểm mấu chốt mà người tu Phật hướng đến trong tiến trình thăng hoa tâm linh của mình. Nhận thức được hiện tướng, đặc điểm, bản chất, nguyên nhân của khổ để rồi tu trì đoạn trừ những nguyên nhân ấy và từng bước an trú vào cảnh giới giải thoát là điều mà đức Phật đã dạy ngay trong bài pháp đầu tiên của mình cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như tại Lộc Uyển. Song để thành tựu những cấp bực chứng đắc của các thừa giáo cao tột như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát… thì hành giả phải khởi sự tu tập ngay từ vị thế hiện tại của mình đó là Nhân thừa. Trong kinh tạng Nguyên Thủy đức Phật thường dạy rằng một trong những cách hành xử căn bản của con người đó là việc biết ơn và đền ơn. Kinh Tăng Chi I có nói rằng biết ơn là phẩm chất của một người cao thượng, người biết ơn là một trong ba hạng người hy hữu trên thế gian này. Phật giáo thường nói đến bốn ân căn bản mà một người Phật tử thường phải ghi nhớ và đền đáp là: ân cha mẹ, ân Tam bảo, ân quốc gia và ân chúng sanh. Bốn ân này được xem trọng vì theo giáo lý Nghiệp và Duyên Khởi của Phật giáo trong vô lượng kiếp trước cho đến đời hiện tại mỗi người đều đã tạo ra vô số nhân duyên khác nhau, đã thọ ân của vô số chúng sanh và đến đời này lại thọ ân của cha mẹ đã sinh thành nuôi nấng, ân Tam bảo đã soi sáng và dẫn bước trên đường tu học và ân quốc gia đã bảo bọc, chăm lo cho cuộc sống mình được bình an, hạnh phúc. Trong bốn ân nói trên, ân cha mẹ là ân căn bản và phổ biến nhất.

Trong kinh Tương Ưng II Đức Phật đã dạy công ơn cha mẹ thật vô biên và rằng dòng sữa mà mình đã thọ nhận từ mẹ trong vô lượng kiếp còn nhiều hơn nước của đại dương. Vì công ơn cha mẹ to lớn như thế nên người con khó có thể đền đáp trọn vẹn thâm ân của cha mẹ mình (Tăng Chi I). Đức Phật cũng dạy rằng cách đền đáp đúng đắn và ý nghĩa nhất của người con đối với cha mẹ là ngoài việc báo ân cha mẹ theo năm cách như kinh Thiện Sinh (nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn mọi bổn phận người con, giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời - Trường Bộ Kinh IV) thì người con phải khuyến hóa cha mẹ làm điều phước thiện, qui y Tam bảo, thọ trì giới luật, sống theo chánh kiến. Không những khuyến hóa cha mẹ mà bản thân người con cũng phải thực hành những nguyên tắc này trong cuộc sống của mình. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một quan hệ hổ tương mật thiết nên cha mẹ cũng chính là một trợ duyên để người con giữ gìn đạo hiếu được trọn vẹn. Do vậy để con mình sống đúng với đạo lý ấy bản thân cha mẹ cũng thể hiện trách nhiệm đối với con. Đức Phật đã dạy về trách nhiệm đó như sau: ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; lo việc cưới hỏi cho con thật xứng đáng; và trao tài sản thừa tự cho con đúng thời (Trường Bộ Kinh IV).

Như thế chữ hiếu trong đạo Phật không chỉ dừng lại ở chỗ nhận thức được công ơn của cha mẹ là bao la nên người con phải đền đáp thâm ân đó theo các nguyên tắc nhân bản của xã hội mà hơn thế nữa một người con hiếu phải còn là một thiện tri thức làm trợ duyên cho cha mẹ trong việc tu tập hướng đến sự giác ngộ và giải thoát. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa chữ hiếu trong Phật giáo và Nho giáo.

Chú thích:
01. Đại Học, I.1.
02. Luận Ngữ, XII. 22.
03. Mạnh Tử, IVB. 28.
04. Sđd, IIA. 6.
05. Sđd, IIA, 15.
06. Luận Ngữ, I. 2.
07. Trung Dung, XV. 1.
08. Hiếu Kinh, I.
09. Sđd, 10.
10. Mạnh Tử, IVB. 30.
11. Sđd, IV A. 26. Theo J. Legger hai điều bất hiếu khác là khuyến khích cha mẹ làm điều bất nghĩa và không phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ nghèo túng và già yếu. The Four Books, J. Legger  (Tr.), Hong kong: Culture Book Co.
12. Luận Ngữ, XI. 11.
13. Sđd, V. 12.

Mùa Vu Lan, PL.2549
Thích Đồng Thành. (Còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.38, 2005]