Trang 2 / 3
(Trạng thái nhập thai, trụ thai và xuất thai của bậc Thánh - tiếp theo TSPL.14)
IV. Bồ-tát đản sanh.
1. Trạng thái thanh thoát của hoàng hậu khi đản sanh Bồ-tát.
Trạng thái sanh nở của hoàng hậu, khi hạ sanh Bồ-tát đầy an nhàn và tự tại, so với các sản phụ khác lúc sanh con quả thật là một trời một vực. Hoàng hậu không có những tâm lý biến loạn sợ hãi, không có những tâm lý tham đắm, không có những tâm lý đau đớn tột cùng khởi lên. Hoàng hậu trong tâm trạng an nhàn, tự tại, đi ngắm vườn hoa rực rỡ, vườn Lâm-tỳ-ni, để rồi đản sanh Bồ-tát.
Về thân thể, hoàng hậu không phải chịu sự đau đớn bức bách khi thai nhi đạp vào bụng để chuẩn bị xuất thai. Hoàng hậu không ở trong trạng thái lõa lồ bất tiện, rên la kêu khóc, máu huyết dầm dề, không rơi vào cảnh khó sanh nguy hiểm đến tánh mạng...
Sử ghi lại, trong khi hoàng hậu đứng ngắm hoa nở dưới cội cây Vô ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay mặt từ từ vịn cành hoa xuống, Bồ-tát từ bên hông hữu của hoàng hậu sanh ra. Quả thật, đây là một cảnh tượng sanh nở đầy an nhàn tự tại, mà từ ngàn xưa đến ngàn sau, không có bất kỳ một người mẹ nào có được trạng thái sanh con hy hữu như vậy.
2. Vì sao Bồ-tát hạ sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni.
Vấn đề đặt ra, tại sao Bồ-tát không đản sanh tại cung thành, mà lại sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni? Sự việc này không phải tự nhiên (tức đi qua vườn Lâm-tỳ-ni hoàng hậu chuyển bụng) mà đều có duyên cớ của nó. Sở dĩ Bồ-tát không sanh trong cung thành, mà sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni không ngoài hai lý do sau:
Thứ nhất, trong quá trình hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát thường ưa thích chỗ núi rừng thanh vắng yên tĩnh, chán ghét nơi phố thị đông đúc ồn ào, vì thế Ngài không sanh tại cung thành, mà lại đản sanh nơi khu rừng vắng. Quán sát cuộc đời của đức Phật, chúng ta sẽ thấy, không những khi đản sanh, mà ngay cả khi thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn, đức Phật đều ở tại những khu rừng vắng vẻ.
Thứ hai, sở dĩ Ngài đản sanh nơi khu rừng vắng, bởi khi có một vị Phật xuất thế sẽ có vô lượng chúng sanh đem các hương hoa, phan lọng, trỗi các kỹ nhạc... đến cúng dường. Do vậy, Bồ-tát đản sanh nơi khu rừng vắng để tiện lợi cho trời, rồng, quỷ thần... đem các phẩm vật đến cúng dường.
Nếu Bồ-tát sanh trong cung thành, thì trời, rồng, quỷ thần... không thể đem vật phẩm cúng dường, vì ác nghiệp chúng sanh ngăn cản, còn chúng sanh trong thành lúc đó chưa có tín tâm, tâm họ đầy ngã mạn… nên không thể đem phẩm vật đến cúng dường ngày Bồ-tát đản sanh.
3. Bồ-tát đản sanh.
a. Ý nghĩa quả đất rung động sáu cách.
Tất cả những cảnh vật xung quanh thay đổi tốt hay xấu khi có một chúng sanh xuất hiện, là nhằm nói lên phước nghiệp hay phi phước nghiệp của chúng sanh đó. Vì thế dưới tuệ nhãn của các bậc thánh, các Ngài có thể quán sát những biến đổi của trời đất khi chúng sanh đó sanh, mà biết được chính xác tương lai xán lạn hay đen tối của chúng sanh này. Do vậy, khi có một vị Phật đản sanh, sẽ có những hiện tượng tốt lành như các loài hoa chen chúc nở, ánh sáng rực rỡ bốn bề, quả đất rung động sáu cách... là lẽ tất nhiên vậy.
Quả đất rung động sáu cách, kinh Đại phẩm Bát-nhã chép như sau: phía đông quả đất vọt lên, phía tây quả đất chìm xuống; phía tây quả đất vọt lên, phía đông quả đất chìm xuống; phía nam quả đất vọt lên, phía bắc quả đất chìm xuống; phía bắc quả đất vọt lên, phía nam quả đất chìm xuống; phía bên ngoài quả đất vọt lên, phía bên trong quả đất chìm xuống; phía bên trong quả đất vọt lên, phía ngoài quả đất chìm xuống.
Quả đất rung động sáu cách khi Phật đản sanh nhằm nói lên hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là sự hộ trì của mười phương chư Phật khi có một vị Phật xuất hiện ở thế gian. Ý nghĩa thứ hai là sự hoan hỷ, sung sướng tột cùng của sáu đạo chúng sanh khi có một vị Phật xuất thế.
b. Ý nghĩa sanh dưới cội cây Vô ưu.
Vô ưu, phạn ngữ Asóka, dịch âm là A-thâu-ca, nguồn gốc cây này ở Hy mã lạp sơn, thân cây thẳng, lá tròn dài, hoa màu hồng, đặc biệt rất ít khi nở hoa (theo truyền thuyết Ấn Độ, khi nào hoa Vô ưu nở, tức có bậc thánh nhân xuất hiện). Vô ưu, theo ý nghĩa tôn giáo, có nghĩa là “Không có sự lo âu, buồn phiền”.
Tất cả chúng phàm phu, do nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ, nên hiện đời phải sanh ra để lãnh chịu những khổ cảnh, vì thế chúng phàm phu khi mới sanh ra đã lo âu, buồn phiền, run sợ, biểu hiện nỗi run sợ đó qua tiếng khóc của thai nhi khi vừa mới chào đời. Còn Bồ-tát thì khác, các Ngài là những bậc đã dứt sạch mọi ác nghiệp, thành tựu đầy đủ các công đức, kiếp này vì tình thương và đại nguyện độ sanh mà thị hiện vào đời, vì thế các Ngài sanh ra trong sự hỷ lạc, hoàn toàn khác với sự lo âu của chúng phàm phu.
Tóm lại, Bồ-tát sanh dưới cội cây Vô ưu nhằm nói lên ý nghĩa: Bồ-tát sanh ra trong niềm hỷ lạc, trong sự hoan hỷ, chứ không phải sanh ra trong sự lo âu, buồn phiền như bao chúng sanh khác trong cuộc đời.
Nguyên Liên (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.24, 2005]
Quá trình nhập thai, trụ thai và xuất thai - Phần 2
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode