Hễ là người Việt, dù giàu sang hay nghèo túng, không ai chưa từng biết đến đôi đũa tre mộc mạc
Hễ là người Việt, dù giàu sang hay nghèo túng, không ai chưa từng biết đến đôi đũa tre mộc mạc mang đầy ý nghĩa đậm đà trong linh hồn dân tộc Việt Nam. Đôi đũa tre hầu như đã trở thành đặc điểm của văn hóa Việt Nam không kém gì chiếc áo bà ba thân thương, tà áo dài duyên dáng hoặc món ăn thuần túy canh chua cá kho tộ. Từ đồng quê cho đến thành thị, từ những ngôi nhà lá chênh vênh đến những căn nhà cao tầng lộng lẫy, không có gia đình nào thiếu đôi đũa tre trong các bữa ăn.
Trên quê hương Việt Nam, lũy tre làng là một hình ảnh thơ mộng, hầu như được mọc khắp nơi, từ đầu ngõ, sau hè, bờ ao, cho đến bờ giậu hay đầu đình. Người dân Việt khi trồng tre, họ không nghĩ đến kinh tế hay việc làm đẹp mà vì lũy tre xanh ấy là bản thân, là linh hồn và đất nước quê hương của họ. Vì thế, khi cầm đến đôi đũa tre, người dân Việt cảm thấy gần gũi với thiên nhiên và nguồn cội đất nước cha ông hơn. Đũa tre tuy đơn giản mộc mạc, nhưng đã nhắc nhở con cháu Việt Nam một cách âm thầm trong mọi bữa ăn về trách nhiệm yêu thương đùm bọc giống nòi và xứ sở của mình.
Tre mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận của văn nhân thi sĩ Việt Nam. Không có hình ảnh nào đẹp hơn lúc mà vầng trăng đang treo lơ lửng trên đầu ngọn tre, với những chiếc lá xanh lay động theo chiều gió, lung linh dưới bầu trời trong vắt. Từ ngàn xưa, ông cha ta dùng tre làm vũ khí đánh giặc giữ nước và bảo vệ dân làng. Tre là bóng mát che chở trong cái nắng chết người sau những giờ đồng áng mệt mỏi. Thậm chí đến khi ta chết, đòn tre còn được sử dụng lần cuối cùng để khiêng ta ra phần mộ an nghỉ (người ta còn dùng đòn tre đóng vào đầu và chân của phần mộ, dùng những đọt tre để treo phướng vào liễn trong lúc tiễn người chết...). Qua đó cho thấy, tre đã mãi gần gũi với đời sống người dân Việt Nam từ thời để chỏm đến lúc lìa đời.
Ngày nay, ta thấy những loại đũa xuất hiện trên thị trường được làm bằng nhiều thứ quí giá như vàng, bạc, ngà, mun. Những người dân nếu có mua, thì cũng chỉ dùng để chưng bày, hay xài vào các dịp lễ lộc, còn hằng ngày các gia đình vẫn xài đũa tre đơn sơ để ăn cơm theo truyền thống.
Đũa tre nhà nào cũng giống nhau, chẳng khác gì một nhịp cầu kết hợp mọi người con dân Việt như bộ đồng phục mang ý nghĩa bình đẳng tuyệt vời trên khắp nước ta. Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam đã hơn một lần chứng minh cho ta thấy về sự bình đẳng được biểu hiện qua đôi đũa theo văn chương. Hai chiếc đũa phải bằng nhau, như tiêu biểu cho sự bình đẳng gắn liền với đời sống nên có giữa hai vợ chồng:
“Vợ chồng như đũa có đôi.” (Thành ngữ)
Hai chiếc đũa lệch nhau giống như cặp vợ chồng có chiều cao không cân xứng. Cho nên ca dao có câu:
“Ví dầu chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”. (Ca dao)
Từ đây cho thấy, người dân Việt đã đi xa hơn trong hình ảnh đôi đũa tre nói về triết lý bình đẳng, cân đối xem như yếu tố không thể thiếu trong vấn đề hôn nhân và tình bạn vững chắc. Điểm đặc biệt, kho tàng văn học Việt Nam còn dùng đũa làm truyện ví dụ để dạy con cháu hiểu rõ về sự đoàn kết dùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam. Truyện kể rằng:
Ngày xưa, có một ông già sinh được bốn người con trai. Một hôm, ông để một bó đũa và một túi tiền lên bàn rồi gọi các con đến bảo: “Trong số các con, ai bẻ gãy bó đũa sẽ được cha thưởng cho túi tiền nầy”. Nghe vậy bốn người con lần lượt thử cầm bó đũa bẻ, nhưng người nào người nấy đều cố hết sức mà vẫn không sao bẻ nổi bó đũa. Lúc ấy, người cha mới rút ra từng chiếc đũa một, rồi bẻ gãy một cách dễ dàng.
Ông bảo: “Các con đều thấy đó. Khi bị chia ra thì cái gì cũng yếu, nhưng khi hợp lại thì cái gì cũng thành cái mạnh. Vì vậy các con phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh”.
Bốn người con trai nghe xong vô cùng thấm thía lời cha dạy và cùng hứa sẽ đoàn kết và mãi thương yêu lẫn nhau.
Qua câu truyện nầy, ta thấy rõ:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. (Tục ngữ)
Lịch sử đôi đũa bắt nguồn từ khi nào thì vẫn chưa xác định được, tuy nhiên các nhà khảo cổ đã đoán đôi đũa có lẽ xuất hiện đầu tiên tại Trung Hoa cách đây hơn năm ngàn năm vào triều đại nhà Tần.
Ở vùng quê Uyghurs, dưới đỉnh núi Mông Cổ, người ta đã phát hiện những dấu vết về việc sử dụng đũa vào thế kỷ thứ VI Tây lịch từ những nhánh cây tre bẻ thành đôi, rải rác nơi ở của dân trại.
Ngày xưa người dân Việt Nam làm việc cần cù vất vả, nào có đủ kinh tế mua dao nĩa xa hoa đắt tiền? Chỉ cần nhanh chóng bẻ một nhánh tre tạm dùng bữa cho no bụng là đầy đủ rồi. Các món ăn của nông dân được nấu thành những miếng nhỏ dễ gắp để tiết kiệm củi lửa và thời gian.
Có người tin rằng thời xưa đức Khổng Phu Tử ăn chay, nên ông đã cấm việc sử dụng dao nĩa trên bàn vì nó mang tính chất tàn bạo đổ máu của chiến tranh và hình ảnh tàn sát sinh mạng. Việc mổ xẻ thân xác thú vật dành riêng cho lò sát sinh, không phải trên bàn trong bữa ăn ấm cúng của gia đình.
Người Việt Nam cũng đã lần lượt dùng đũa từ cây cối tự nhiên mà ăn cơm, duy trì lời giáo huấn của Khổng Phu Tử. Ta không biết người Việt có ảnh hưởng tư tưởng này trong việc dùng đũa hay không, ta chỉ biết rằng họ rất quý mến, trân trọng và gần gũi đôi đũa tre hơn cả người bạn chí thân của họ.
Tóm lại, đôi đũa tre đơn sơ mộc mạc của văn hóa đất Việt luôn hiện diện trong mọi nhà người Việt, luôn âm thầm nhắc nhở họ về tình yêu quê hương đất nước, về sự đoàn kết và bình đẳng trong xã hội Việt Nam. Mỗi giờ ăn, trước khi ta dùng cơm, ta hãy nhìn vào đôi đũa tre thân thương kia mà nhận ra ý nghĩa sâu sắc về tình gia đình, tình chồng vợ trong mối quan hệ hài hòa, thuận thảo. Nhìn thật sâu vào đôi đũa tre, ta sẽ biết mình nên làm gì trong bổn phận và trách nhiệm của một người dân đất Việt.
Tâm Lạc Jessica Tran
[Tập san Pháp Luân - số 23, tr.61, 2006]